TP HCM: Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông
- Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, phòng ngừa tai nạn giao thông
- Lái xe máy uống rượu bia chiếm 90% số vụ tai nạn giao thông
- Mổ cùng lúc 5 vị trí cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông
So với cùng kỳ năm 2018, giảm 119 vụ, giảm 39 người chết, giảm 66 người bị thương. Để kéo giảm TNGT theo 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, tuy nhiên vẫn còn những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác thực hiện.
Điều dễ nhận thấy nhất là nguyên nhân dẫn đến TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng bia rượu và ma túy, vì vậy những tháng cuối năm Phòng CSGT sẽ tập trung vào 2 "đối tượng" này…
Vẫn nhiều ma men cầm lái
Thấy nhiều tổ CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (Bình Thạnh) anh T., nhà ở Bình Thạnh dắt xe lên lề đường ngồi xem CSGT xử lý.
Phối hợp nhiều lực lượng để xử lý vi phạm giao thông. |
Khi thấy T. có biểu hiện nghi vấn, Tổ CSGT cùng Tổ 363 tiến hành kiểm tra hành chính, kiểm tra cốp xe và đo nồng độ cồn. Máy đo báo nồng độ cồn trong hơi thở của anh T. là 0,367mg/lít khí thở, anh T. được thông báo tạm giữ xe.
T. tỏ ra không phục vì cho rằng mình không lưu thông trên đường. Dù được giải thích là tổ công tác hỗn hợp được kiểm tra bất cứ phương tiện nào nghi vấn nhưng T. vẫn cãi lý và đòi… đốt xe!
Một cán bộ Đội CSGT Bến Thành cho biết, nguyên nhân dẫn đến TNGT do người điều khiển phương tiện đã sử dụng bia rượu rất cao nhưng khi làm nhiệm vụ, các tổ công tác cũng gặp rất nhiều trường hợp bất hợp tác, cù nhầy, gây khó khăn cho các tổ xử lý.
Trong đợt kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường trung tâm TP, tổ công tác của đội phát hiện người thanh niên chở theo bạn đi trên chiếc xe gắn máy có dấu hiệu say xỉn nên yêu cầu thanh niên này đo nồng độ cồn. Nhiều tài xế có hành vi chống đối tổ công tác cần xử lý nghiêm.
Nhiều tài xế có hành vi chống đối tổ công tác cần xử lý nghiêm. |
Sau khi viện nhiều lý do xin xỏ không được, K. buộc phải thú nhận sau khi hết giờ phụ hồ, K. có làm vài chai với nhóm bạn, xe không giấy tờ nhưng là phương tiện duy nhất để K. đi làm. Sau khi tranh cãi, K. cù nhầy: "Còng tay tôi đưa về phường thì tôi mới cho thu xe. Bất quá bị thu xe làm một tháng là mua lại được thôi!". Khi được bạn khuyên nhủ để về, K. còn mạnh miệng "Để quậy một chút nữa hẵng về!".
Trong những ngày các tổ công tác thực hiện tổng kiểm soát các phương tiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngoài phương tiện bị kiểm tra chủ yếu là xe máy, thì cánh tài xế xe đầu kéo, xe tải cũng bị kiểm tra liên tục, trong đó chủ yếu kiểm tra về nồng độ cồn.
Nhiều tài xế chấp hành hiệu lệnh, sẵn sàng hợp tác với các tổ CSGT làm nhiệm vụ, khi không phát hiện lỗi vi phạm, không phát hiện tài xế sử dụng bia rượu, ma túy, các tổ CSGT nói lời cảm ơn và giải tỏa phương tiện.
Tuy nhiên có nhiều trường hợp các tài xế "lỡ" uống một chút có cồn đã tìm mọi cách né tránh. Một cán bộ CSGT đội Tân Sơn Nhất kể về một trường hợp tìm cách đối phó tổ CSGT. Một người điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường khi bị tổ CSGT ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra đã nhanh chóng lấy nước uống liên tục và chuyển lái cho một người bạn để tránh bị thổi phạt.
Hay có trường hợp tài xế cố thủ trong xe không chịu đo nồng độ cồn, tìm cách kéo dài thời gian với các tổ CSGT nhiều giờ đồng hồ.
Về tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng CSGT đã lập biên bản xử lý 6.828 trường hợp vi phạm (trong đó có 187 trường hợp lái xe ôtô, 6.641 trường hợp lái mô tô, xe máy). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT tăng cao, tuy nhiên khi bị kiểm tra nồng độ cồn, nhiều người say xỉn tỏ ra bất hợp tác và tìm cách chống đối.
Nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
Để kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt-Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp trong những năm qua. Mỗi năm tình trạng trật tự an toàn giao thông liên tục được kéo giảm, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến TNGT, ùn ứ giao thông vẫn ở mức cao.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt-Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 9 triệu phương tiện, trong đó có 800 ngàn xe ô tô các loại. Tốc độ số lượng xe máy, xe ô tô tăng cao những năm qua, trong khi đó hạ tầng giao thông chưa đủ đảm bảo, nhiều công trình giao thông tạo ra nhiều nút thắt tạo ra nhiều điểm gây tai nạn ùn ứ.
Chỉ trong 6 tháng, tại TP Hồ Chí Minh có 303 người chết vì TNGT. |
So với các lực lượng khác, lực lượng CSGT có vẻ đông về số lượng, tuy nhiên CSGT phải làm việc 24/24, được chia làm 3 ca, nên tlượng phải dàn ra trên một địa bàn rộng không thể bao quát hết được. Về bản chất vẫn là một lực lượng mỏng làm việc với một khối lượng công việc lớn, tần suất cao. Để đạt được hiệu quả cao trong công tác kéo giảm TNGT, ùn ứ giao thông tại TP Hồ Chí Minh, CSGT phải linh hoạt thường xuyên điều chỉnh lực lượng, không áp dụng một phương án cố định nào.
Mỗi năm đều có chỉ tiêu kéo giảm trật tự an toàn giao thông ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Nhưng trong năm 2019, Phòng CSGT chỉ thực hiện 1 mục tiêu duy nhất, đó là kéo giảm số người chết. Để đạt được 1 tiêu chí thì lực lượng CSGT đã phải nỗ lực rất nhiều.
Qua đánh giá tình hình cho thấy, nguyên nhân dẫn đến TNGT chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, ma túy nên Phòng CSGT sẽ tập trung vào nhóm "đối tượng" này. Các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đa phần có nguyên nhân từ việc người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu. Nói riêng về xe gắn máy, việc sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện gây tai nạn hoặc tự gây tai nạn khiến TNGT tại TP Hồ Chí Minh tăng cao. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có 63 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện tự gây tai nạn, khiến 55 người tử vong. Cả thành phố có 303 người tử vong vì tai nạn giao thông, như vậy số người tự gây tai nạn so với tổng thể là cao. Tình trạng TNGT chủ yếu vẫn ở các tuyến đường trọng điểm như QL1, QL22, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội. CSGT thuộc Phòng và CSGT các quận huyện đã tập trung lực lượng triển khai các giải pháp tại những tuyến đường này. Phòng CSGT tập trung các biện pháp xử lý hành chính có chiều sâu vào các đối tượng gây tai nạn giao thông như xe ben, xe bồn, xe tải và xe đầu kéo.
Về tình trạng ùn ứ giao thông, theo thống kê có 21 điểm đen về ùn ứ giao thông, các cơ quan ban ngành đã nỗ lực xóa 10 điểm đen nhưng lại phát sinh thêm nhiều điểm đen mới.
Thời điểm này học sinh, sinh viên đang được nghỉ hè nhưng mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến đường vẫn rất đông, 7 điểm đen mới phát sinh tập trung tại các tuyến đường như Tôn Đức Thắng-Nguyễn Hữu Cảnh, Cộng Hòa-Hoàng Hoa Thám, ngã tư 4 xã, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Dương Bá Trạc, Nguyễn Thị Tú-Quách Điêu…
Tổng kiểm tra các phương tiện cũng là để hạn chế các vụ TNGT đáng tiếc xảy ra. |
Nói về tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, Thượng tá Huỳnh Trung Phong dẫn ra một vài ví dụ, như cầu Phú Mỹ (nối quận 7 và quận 2) là tuyến đường huyết mạch của hàng ngàn phương tiện chuyên chở hàng hóa từ các tỉnh miền tây vào cảng Cát Lái. Cầu Phú Mỹ cao, dốc đứng nên đây là điểm đen về TNGT, ùn ứ giao thông.
"Thời gian gần đây xe đầu kéo mới chỉ sử dụng 1-2 năm mà đã rệu rã, khi qua cầu Phú Mỹ thường xảy ra tình trạng chết máy gây ùn ứ giao thông. Mỗi lần xe chết máy là cầu Phú Mỹ bị ùn ứ giao thông nhiều giờ liền khiến các tổ CSGT mất nhiều công sức, giao thông phức tạp, xử lý khó. 1 vụ xe đầu kéo chết máy thôi đã khiến CSGT tốn công sức, trong khi đó mỗi tháng tại cầu Phú Mỹ có hơn 100 vụ xe đầu kéo chết máy!".
Các công trình thi công ngày càng nhiều, sửa chữa đường ở khắp nơi khiến nhiều tuyến đường bị nút thắt cổ chai dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông. Ví như đoạn cầu Kênh Xáng (khu Trung Sơn, quận 8), bình thường đoạn này 4 làn xe nhưng do đang thi công giờ đoạn đường này chỉ có 2 làn xe lưu thông. Vào giờ cao điểm nút thắt cổ chai này đã làm các phương tiện không thể thoát đi được.
Để đảm bảo an toàn giao thông đạt được các tiêu chí đề ra, nhất là xử lý nhóm đối tượng liên quan đến TNGT chủ yếu như nồng độ cồn, ma túy, Phòng CSGT tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục phối hợp với các lực lượng khác trong mô hình tuần tra hỗn hợp 363, tổ chức tuần tra kiểm soát xử lý các phương tiện lưu thông vào TP Hồ Chí Minh, nâng cao công tác tuyên truyền và tập trung công tác điều tra cơ bản tại các điển đen, nhân rộng mô hình xử lý vi phạm qua hình ảnh.
Qua đợt tổng kiểm soát các phương tiện lưu thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phòng CSGT sẽ đánh giá lại tình hình, xác định những nguyên nhân trọng tâm và tìm ra các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu những vụ TNGT đáng tiếc.
Chỉ 15 ngày ra quân thực hiện tổng kiểm soát các loại phương tiện lưu thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các đội trạm thuộc Phòng CSGT đã tổng kiểm soát 14.220 phương tiện xe ô tô, xe đầu kéo, xe khách, xe gắn máy, lập biên bản xử phạt 10.547 trường hợp. Trong các loại phương tiện trên có 727 xe ô tô, 551 xe đầu kéo và hơn 9.000 xe gắn máy, số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng được nộp vào kho bạc Nhà nước. Phần lớn các phương tiện bị lập biên bản đều rơi vào các lỗi chở quá số người qui định, vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ, lưu thông không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm… |