Tấm lòng của một Cảnh sát hình sự

Thứ Sáu, 16/09/2016, 12:20
Mấy hôm nay, máy điện thoại cầm tay của Thiếu tá Hồ Quyết Thắng - Đội phó Đội trọng án, Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Quảng Trị cứ chốc lát lại có tin nhắn bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Đó là tin nhắn của những người bạn, những người đồng chí, những người quen biết và chưa từng quen biết... họ gửi những thông điệp ân tình để bày tỏ lòng cảm kích của mình đối với một hành động đẹp, một việc làm giàu tính nhân văn mà thiết thực với cuộc sống đời thường... hành động đẹp đó như một nhịp cầu tình nghĩa thẳm sâu, đưa con người ta đến với những vòm trời tươi sáng.

Từ thành phố Đà Nẵng, tôi lái xe một mạch trên chặng đường dài hơn 200 cây số để hẹn gặp Thiếu tá Thắng ở một quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Huệ - TP Đông Hà. Khi đối diện với con người rắn rỏi ấy, tôi bắt tay, rồi bày tỏ sự cảm kích của mình về cái việc mà Thắng vừa thực hiện, đó là mang hồ sơ chạy đôn, chạy đáo để xin học bổng “tiếp sức đến trường” cho con gái của một phạm nhân đang thi hành án và là bị can trong một vụ án hình sự mà Thắng là người thụ lý điều tra.

Thắng bảo: “Chẳng có gì to tát đâu anh, việc em làm là xuất phát từ cái tâm trong sáng của một con người, từ một nỗi suy tư khi chứng kiến cha của cháu bé, một con người phạm phải lỗi lầm nhưng vẫn rất thiết tha với việc học hành của con cái mình...

Ngày đó, khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, anh ấy đã đôi lần nói với em rằng: “Con gái tôi đang theo học ở lớp chuyên Sinh của Trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị, tôi đi tù, cán bộ có cách gì để giúp cháu đừng bỏ lỡ giấc mơ đến trường không?”. Và em đã hứa với cả hai cha con họ, rằng mình sẽ làm mọi cách có thể để cháu bé được đến trường...”.

Thiếu tá Hồ Quyết Thắng kể: “Thỉnh thoảng, trong hành trình công tác của mình, em cũng tạt qua căn nhà của mấy mẹ con cháu Ngọc Liên để hỏi han về tình hình cuộc sống và động viên các cháu học tập, giúp đỡ mẹ để cùng nhau vượt qua khó khăn trong khoảng thời gian cha của các cháu thụ án... Hôm vừa rồi, nghe tin cháu Ngọc Liên đã thi đậu vào khoa Quản lý tài nguyên - môi trường của Đại học Khoa học Huế mà đang lúng túng vì mẹ chưa chạy đâu ra tiền để Liên vào Huế nhập học. Vậy là em bảo cháu nhanh chóng làm hồ sơ, để em cầm đi xin học bổng “Tiếp sức đến trường” cho cháu.

Thực ra, từ khi cháu đang học lớp 10 chuyên Sinh, có lần em gặp nhà báo Lê Đức Dục - phóng viên thường trú của Báo Tuổi trẻ tại tỉnh Quảng Trị, em đã kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Nguyễn Quốc Minh (cha ruột của bé Ngọc Liên), một bị can trong vụ án mà em đang được đơn vị phân công thụ lý. Em cũng nhờ nhà báo Lê Đức Dục, bao giờ cháu thi đỗ đại học thì hãy cố gắng xin cho cháu 1 suất học bổng để giúp cháu thực hiện giấc mơ đèn sách của mình...

Trong bài viết “Anh công an “tiếp sức đến trường” cho con phạm nhân” đăng trên Báo Tuổi trẻ số ra ngày 8/9/2016, nhà báo Lê Đức Dục viết: “Mười mấy năm thực hiện học bổng Tiếp sức đến trường, tôi đã gặp rất nhiều “cộng tác viên” tích cực và đã từng viết về họ, như anh Bùi Văn Thanh ở Mai Xá, huyện Gio Linh. Con trai anh Thanh là Bùi Văn Minh - sinh viên khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Huế được nhận học bổng đợt đầu tiên vào năm 2004. Kể từ đó, cứ vào mùa nhập học, anh Thanh lại tìm những hoàn cảnh khó khăn để giới thiệu cho chương trình...

Hay chị Trương Thị Thúy - người mẹ có đứa con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam trong tấm ảnh “Nụ cười của niềm tin công lý” của nghệ sĩ Đoàn Đức Minh được biết đến nhiều trong giai đoạn Báo Tuổi trẻ thực hiện chương trình “Đêm trắng - góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” vào tháng 9-2004...

Từ góc núi vùng Cùa heo hút, chị Thúy đã giới thiệu cho chương trình nhiều hoàn cảnh tân sinh viên mà nếu không có sự hướng dẫn của chị, hẳn các em đã đánh mất cơ hội đến với giảng đường...

Nhắc lại như thế để biết có nhiều người đã đi xin học bổng cho “những người không quen” chỉ vì tự thấy mình có trách nhiệm và nặng lòng với chương trình.

Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một “cộng tác viên đặc biệt”, đặc biệt bởi bộ hồ sơ trên tay người sĩ quan điều tra cầm đến trình bày là câu chuyện của một tân sinh viên vốn là con gái một phạm nhân mà anh từng thụ lý trong vụ án từ hai năm trước.

Thiếu tá Thắng nhớ lại: vào thời điểm cuối tháng 10/2013, Phòng PC45 - Công an Quảng Trị liên tiếp nhận được đơn trình báo của nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ trên địa bàn TP Đông Hà bị mất cắp gỗ trắc, cẩm lai, gây thiệt hại lớn về kinh tế, cũng như tạo nên một tâm lý hết sức bất an trong cộng đồng doanh nghiệp. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, lãnh đạo PC45 đã chỉ đạo thành lập tổ trinh sát tung xuống địa bàn để khẩn trương làm rõ với quyết tâm sẽ phá án trong thời gian nhanh nhất.

Qua nghiên cứu tình hình, Thiếu tá Thắng (lúc bấy giờ mới mang quân hàm đại úy) cùng các đồng sự của mình thấy rằng, điểm giống nhau giữa các vụ trộm là đều xảy ra vào ban đêm và đều nhằm vào những lúc thời tiết mưa to, gió lớn. Kẻ gian đột nhập kho chứa gỗ với nhiều hình thức rất táo tợn như đục tường, cạy cửa, tháo vít mái tôn để đột nhập vào bên trong.

Từ những thông tin ban đầu, cộng với dấu vết để lại tại hiện trường xảy ra sự việc. Các trinh sát nhận định những vụ trộm gỗ này phải có rất nhiều đối tượng tham gia. Qua công tác rà soát, tổ công tác thấy nổi cộm hơn hết là đối tượng Dương Đình Hà (1979), quê ở Hà Trung (Thanh Hóa), hiện cư trú tại phường 1, TP Đông Hà có nhiều biểu hiện bất minh về tài chính... sau hơn 10 ngày đeo bám đối tượng, các trinh sát đủ cơ sở để khẳng định Hà là đối tượng có liên quan đến vụ trộm gỗ trắc trị giá hơn 500 triệu đồng của một công ty nằm trên đường 9D.

Thiếu tá Hồ Quyết Thắng (bên phải) cùng tác giả bài viết.

Tiến hành gọi hỏi đấu tranh, lúc đầu Hà quanh co chối tội, nhưng sau đó với những chứng cứ cụ thể mà các điều tra viên đưa ra, Hà đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khai thêm các đồng phạm gồm: Phan Đức Trọng (1986, quê ở Yên Thành, Nghệ An); Đặng An Hải (1985, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) và Võ Thanh Điền (1981, quê ở Cam Lâm, Khánh Hòa), đều cùng cư trú tại TP Đông Hà để hành nghề bán hàng rong và làm thợ nhôm kính.

Sau những phi vụ đột nhập các kho gỗ quý, các đối tượng này đã thuê anh Nguyễn Quốc Minh vận chuyển bằng xe ba gác đến tiêu thụ tại cơ sở kinh doanh đồ gỗ của ông Nguyễn Văn Quân (1957, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh, cư trú tại phường 5, TP Đông Hà).

Trong quá trình điều tra, anh Minh khai nhận là biết số gỗ mình được thuê vận chuyển là gỗ ăn cắp, nhưng do thời điểm đó sắp đến tết âm lịch, gia cảnh lại quá túng quẫn nên anh nghĩ họ thuê mình kéo thì làm công để kiếm tiền chứ không tham gia ăn cắp là sẽ... không phạm tội. Anh Minh sau đó bị TAND tỉnh Quảng Trị tuyên 5 năm tù giam.

Cha đi tù, để lại trong căn nhà ọp ẹp nằm ở xóm Tây Trì, phường 1, TP Đông Hà 1 mẹ già, 1 người vợ ốm yếu và 5 đứa con thơ dại. Ngọc Liên là con gái lớn năm đó cũng chỉ mới 16 tuổi. Nhiều lần, Ngọc Liên đã ngỏ lời với mẹ để xin được nghỉ học, ở nhà lao động cùng mẹ nuôi em, giúp bà... Thế nhưng, chị Ngọc Yến (mẹ của Liên) vẫn một mực nói với con gái rằng, cho dù mẹ có bán nhà, đi vay mượn hay là lê gót đi ăn xin... thì khao khát lớn nhất của đời mẹ cũng chỉ mong các con được ăn học. Con là con gái lớn, con phải học cho thật giỏi để các em noi theo.

Vậy là, mấy mẹ con cứ ngày này qua tháng khác làm lụng quần quật để duy trì cuộc sống bằng nghề trồng rau muống. Mỗi ngày, cứ 4 giờ sáng là Liên đã cùng mẹ đi ra vườn rau (những mảnh đất trống người ta cho mướn) để cắt rau đi chợ bán, sau đó mới tất tả đến trường. Khó khăn là vậy, nhưng Ngọc Liên vẫn là một học sinh có kết quả học tập không thua kém bạn bè. Năm học 2016-2017 này, Ngọc Liên đã trở thành sinh viên và người em kế của Liên cũng nối bước chị thi đỗ vào Trường chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh Quảng Trị.

Chị Ngọc Yến kể: “Lần mới đây tôi đi thăm nuôi anh Minh, mới gặp mặt anh đã hỏi tôi có vay được tiền cho con Liên nhập học không?”. Nhìn thấy tôi và con bé vui mà anh cũng chẳng nghĩ ra được chuyện gì. Khi tôi nói chú Thắng công an hối thúc con bé làm hồ sơ để chú đi xin học bổng như đã hứa với ba cho, rồi sau đó nhà báo Lê Đức Dục đến nhà để xác minh và kết quả là Ngọc Liên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của Báo Tuổi trẻ trị giá 7 triệu đồng.

Chị Yến kể, ngày con gái được nhận học bổng 7 triệu đồng, tôi đã mừng đến rơi nước mắt, vì cả đời tôi chưa bao giờ sở hữu một món tiền đến 3 triệu đồng, cuộc sống nghèo khó nên chỉ làm lụng đủ nuôi con...! Ngồi với Thiếu tá Hồ Quyết Thắng trong quán cà phê ở cuối góc đường Nguyễn Huệ, nghe Thắng nói, thấy con bé nhận được suất học bổng Tiếp sức đến trường mà em mừng quá, mừng như chính người thân của mình được tiếp sức, anh ạ. Vậy là tương lai con bé đã được mở ra, chân trời xa tít kia chắc sẽ là những ngày tươi sáng và em tin, chữ nghĩa sẽ là bệ phóng để con bé hoàn thiện những giấc mơ...

Sinh ra ở vùng quê đất đỏ bazan Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh (Quảng Trị), tuổi thơ của Hồ Quyết Thắng được dưỡng nuôi bởi từng ngọn sóng của biển Cửa Tùng. Nắng gió miền thùy dương đã cho Thắng một thân hình vạm vỡ và một trái tim vì mọi người...

Gia cảnh dẫu còn nhiều khó khăn, vợ là giáo viên đi dạy xa nhà, hai con, đứa lớn mới bước vào lớp 7. Nhưng bao giờ Hồ Quyết Thắng cũng là một sĩ quan công an mẫn cán, đam mê công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhận xét về Thiếu tá Hồ Quyết Thắng - Đội phó Đội trọng án của mình, Trung tá Trần Hữu Sơn - Trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Quảng Trị, nói: “Đồng chí Thắng là một trong những sĩ quan trẻ giàu năng lực, là một trong số ít sau khi ra trường đã được bố trí về công tác trong môi trường cảnh sát hình sự. Phát huy truyền thống của Phòng PC14 trước đây, bây giờ là PC45, đồng chí Thắng là người luôn được anh em, lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao phụ trách điều tra nhiều vụ án phức tạp, nhiều vụ án xảy ra ở những địa bàn phức tạp, thậm chí là án xảy ra trên địa bàn nước bạn Lào.

Bằng tất cả nỗ lực của mình, bao giờ đồng chí Thắng cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao... Anh em chúng tôi vẫn thường quan niệm và động viên nhau trong công việc rằng, đánh thắng một vụ án là mang lại cho người dân vô vạn những niềm vui!”.

Phan Bùi Bảo Thy
.
.