Tân dược giả "dọa" người bệnh thật

Thứ Hai, 10/11/2008, 08:30
Thuốc chữa dạ dày biến thành kháng sinh đặc trị viêm phổi, sirô điều trị ho được chế từ nước đường, nước cất biến thành thuốc chữa các bệnh về thần kinh... dưới bàn tay phù phép của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Nguy hiểm hơn rất nhiều, thủ phạm của các vụ làm thuốc giả lại là trình dược viên, là nhân viên của công ty dược, thậm chí là giám đốc công ty dược phẩm.

Thuốc giả - Một vốn, bốn lời

Tìm hiểu vụ án Phạm Thị Việt Tú (27 tuổi, ở Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) sản xuất thuốc Rovanten giả mà PC15 Công an Hà Nội vừa khám phá ngày 20/10 vừa qua, chúng tôi giật mình trước khoản lợi nhuận mà Tú thu về không kém gì buôn bán ma túy.

Tân dược giả bị PC15 Công an Hà Nội thu giữ.

Từng là cộng tác viên bán hàng cho một số công ty kinh doanh dược phẩm, Tú nhận thấy trên thị trường có bán loại thuốc kháng sinh thế hệ 3 (kháng sinh mới nhất) nhãn hiệu Rovanten - đặc trị viêm nhiễm, nhất là viêm phổi, được bán với giá 150.000  đồng/vỉ có hình thức tương tự như loại thuốc chữa bệnh dạ dày nhãn hiệu Lanjack, có giá chỉ 7.000 đồng/vỉ.  Trong đầu Tú nảy ra kế hoạch làm thuốc giả từ hai loại thuốc nói trên.

Từ tháng 8/2008, Tú đã mua gần 1.000 hộp thuốc Lanjack, sau đó dùng hộp thuốc Rovanten thật làm mẫu để đặt in 6.000 vỏ hộp Rovanten loại 200mg và 100mg tại cơ sở in của người tên là Tuấn ở phố Phan Đình Giót, Hà Nội với giá 3.000 đồng/hộp, đặt in 6.000 tem nhập khẩu các loại, trong đó có 2.000 tem nhập khẩu của Công ty T&B - đơn vị phân phối độc quyền thuốc Rovanten) tại Cơ sở in Thăng Long - phố Lê Văn Hưu với giá 150 đồng/tem. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Rovanten được Tú mang đi photo lại.

"Công nghệ" sản xuất thuốc giả của Tú thực hiện khá đơn giản. Tú dùng kéo cắt dòng chữ in hạn sử dụng được dập nổi trên đường biên của vỉ thuốc Lanjack, sử dụng hóa chất Xclo tẩy sạch chữ in sau vỉ thuốc và in nội dung nhãn thuốc Rovanten lên. Đóng gói  xong xuôi, thuốc Rovanten giả được Tú chào bán tại các hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội với giá 100.000 đồng/vỉ. Các nhà thuốc này bán cho người bệnh với giá bằng thuốc thật là 150.000 đồng/vỉ.

Quá trình khám xét nhà Tú, ngoài các dụng cụ, phương tiện dùng để sản xuất thuốc giả, Cơ quan công an còn thu giữ 200 hộp thuốc tiêu đờm dạng sirô giả mang nhãn hiệu Vinka, được Tú "chế" từ... nước đường. May mà vụ việc được Cơ quan công an ngăn chặn kịp thời, nếu không chắc chắn nhiều người bệnh sẽ "lĩnh đủ" khi sử dụng những loại thuốc giả nguy hiểm trên.

Một loại thuốc khác cũng mang lại "siêu lợi nhuận" cho các đối tượng là thuốc điều trị rối loạn chức năng sinh lý, thuốc kích dục giả  như Viagra, Cialis giả, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đại diện pháp lý cho 2 nhãn hiệu thuốc này cho biết, thuốc thật (do Mỹ sản xuất) có giá trên 1 triệu đồng/vỉ 4 viên, trong khi thuốc giả được các đối tượng sang Trung Quốc mua với giá bèo, chỉ 10.000 đồng/vỉ 4 viên.

Tại "chợ thuốc sung sướng" Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thuốc giả được bán với giá vài trăm nghìn đồng/vỉ. Vốn bỏ ra ít, không phải mang vác vất vả như những mặt hàng tiêu dùng cồng kềnh khác, lợi nhuận lại nhiều nên biết chắc là nếu bị bắt sẽ bị xử lý nặng nhưng nhiều đối tượng vẫn lao vào buôn bán loại thuốc giả này. Đấy là lý do khiến cặp tình nhân Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Văn Luân, cùng 33 tuổi, quê Nam Định, thuê trọ tại tổ 34, cụm 5, Xuân La, Tây Hồ rủ nhau chuyển nghề từ buôn bán thảm len sang buôn thuốc "sung sướng".

Trực tiếp sang Pò Chài, Trung Quốc mua thuốc giả, Luân và Nguyệt thuê người vận chuyển qua biên giới, đưa về Hà Nội bằng xe khách, "phân phối" cho các đối tượng bán lẻ ở phố Hàng Chiếu và móc nối với Văn Thị Huệ (35 tuổi) ở Thăng Bình, Quảng Nam đưa vào thị trường phía Nam tiêu thụ. Đường dây này đã bị PC15 Hà Nội khám phá cuối tháng 6 vừa qua.

Xét hỏi một kẻ sản xuất thuốc kích dục giả.

Tội  phạm  là "người trong cuộc"

Tìm hiểu gần 30 vụ án liên quan đến thuốc tân dược giả do PC15 Công an Hà Nội khám phá trong vòng 4 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy đa phần các đối tượng sản xuất thuốc giả đều có hiểu biết về các loại thuốc, là trình dược viên, là nhân viên của các công ty dược hoặc chuyên kinh doanh, buôn bán thuốc chữa bệnh.

Điển hình như đường dây sản xuất thuốc giả do Quách Thị Lành - Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Anh Ngọc ở phố Đông Quan, Quan Hoa, Cầu Giấy  cầm đầu. Một loạt các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc điều trị thần kinh và tim mạch bán chạy trên thị trường như Cefuroxim, Neotil, Trozime, Acetaphen, H5000... được "lò" sản xuất thuốc giả của Quách Thị Lành thực hiện bằng "công nghệ" nhanh, dùng nước cất dạng ống của một công ty dược phẩm trong nước để dán nhãn mác biến thành thuốc Acetafen của Thái Lan  và thuốc Neotil của Hàn Quốc; tẩy nhãn thuốc cũ, in nhãn thuốc mới đè lên để biến thuốc Cefuroxime do Hàn Quốc sản xuất thành thuốc của Đức; thuốc Tozime của Ấn Độ được thay nhãn biến thành thuốc Cezadim do Hàn Quốc sản xuất...

Đến thuốc tránh thai Postinor do Hungary sản xuất cũng bị Quách Thị Lành làm giả bằng cách mua thuốc giả sản xuất tại Trung Quốc, sau đó in vỏ hộp thuốc, tem nhập khẩu tại Việt Nam.

Điều nguy hiểm là những loại thuốc giả do Quách Thị Lành và đồng bọn sản xuất không chỉ được tung ra thị trường mà còn được đưa vào một số bệnh viện lớn tại Hải Phòng và Hà Nội. Vụ án đã được đưa ra xét xử với mức án 5 năm tù giam cho kẻ cầm đầu Quách Thị Lành. Thế nhưng, đối với kẻ chuyên buôn bán tân dược giả, lợi nhuận đã khiến các đối tượng bất chấp những hình phạt của pháp luật, bất chấp tính mạng của người bệnh.

Mới đây nhất là vụ làm thuốc giả mang nhãn hiệu "Tiêu độc PV" và "Bobina"  của Công ty Dược thảo Phúc Vinh mà kẻ chủ mưu  chính là nhân viên của công ty. Lợi dụng sơ hở của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ tài sản, Phan Công Thương (26 tuổi), ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội, nhân viên Công ty Phúc Vinh đã lấy trộm thuốc lỗi, không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã được doanh nghiệp loại ra một kho riêng.

Thương đặt  in  bao bì, nhãn mác theo mẫu thuốc thật, bán cho Lê Thị Việt Anh - trình dược viên của Công ty Amphaco với giá 20.000 đồng/lọ. Thuốc giả lại được tiêu thụ tiếp qua các đầu mối, khi đưa ra chợ thuốc Ngọc Khánh có giá 26.500 đồng/lọ, trong khi thuốc thật có giá 29.000 đồng/lọ. Những người mua thuốc của Phan Công Thương thừa nhận, mặc dù biết các lọ thuốc không có tem chống hàng giả  nhưng do ham rẻ, mặt khác thấy Thương là nhân viên của Công ty Phúc Vinh nên đã mua về bán kiếm lời.

Chống thuốc giả - "cuộc chiến" quyết liệt

Tổng kết các vụ án liên quan đến thuốc giả đã được Công an Hà Nội khám phá cho thấy, những loại thuốc bị làm giả nhiều nhất rơi vào nhóm thuốc kháng sinh đặc trị, thuốc bổ và thuốc điều trị rối loạn chức năng sinh lý, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường.

Thuốc giả chia làm hai loại: loại sản xuất trực tiếp trong nước (với các phương thức thủ đoạn như đã nêu ở các vụ việc trên) và loại được đặt hàng sản xuất từ nước ngoài, sau đó đưa lậu vào Việt Nam.

Một số chuyên gia về dược phẩm cho biết, trên thế giới, Mỹ là thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn, chất lượng thuốc tân dược. Chỉ các hãng thuốc ở 2 nước là Đức và Thụy Sĩ vào thị trường Mỹ mà không cần visa. Còn tại Việt Nam, thị trường tân dược khó kiểm soát hết được khi các loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc và thuốc giả từ nước ngoài vào Việt Nam theo 2 "cửa ngõ" chính là khu vực biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc và khu vực biên giới phía Nam giáp Campuchia.

Thuốc giả sản xuất từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, có hình thức giống y chang thuốc thật, trên vỉ hoặc trên hộp thuốc giả có in cả số đăng ký tại Việt Nam. Khi tung ra thị trường thì nếu không phải là chuyên gia của hãng thuốc bị làm giả, người mua thuốc, thậm chí là bác sĩ cũng khó mà nhận ra yếu tố giả mạo này.

Gần đây đã xuất hiện tội phạm có yếu tố là người nước ngoài, lợi dụng việc mở văn phòng, công ty để hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả. Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã có văn bản gửi tới Interpol Việt Nam về vụ thuốc Augmentin - thuốc kháng sinh liều cao đặc trị viêm nhiễm nặng có liên quan đến một người nước ngoài.

Mở công ty kinh doanh dược phẩm tại Hà Nội, Trịnh Thành Căn, quốc tịch Trung Quốc, Giám đốc Công ty Dược phẩm Xinkhai, địa chỉ ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã liên kết với một số đối tượng người Việt Nam để đưa tân dược Augmentin giả sản xuất tại Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ, trong đó có Nguyễn Thị Loan - nhân viên quầy thuốc số 7 C10-148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Tại Cơ quan điều tra, Trịnh Thành Căn khai nhận mua số thuốc giả trên của một người Trung Quốc ở Quảng Châu theo đơn đặt hàng của các đối tượng trong đường dây.

Sức khỏe cộng đồng bị coi nhẹ?

Các chuyên gia về dược cho biết, quá trình sản xuất thuốc chữa bệnh đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng cũng như hàm lượng dược chất. Mặt khác, mỗi nhà sản xuất thuốc đều có những bí quyết riêng về tỉ lệ pha chế tá dược (chất dẫn thuốc) cũng như cách pha chế để thuốc phát huy tác dụng chữa bệnh cũng như giúp cơ thể hấp thụ tốt nhất.

Đối với thuốc giả, mặc dù có những thành phần như thuốc thật nhưng hàm lượng thấp hoặc cao hơn cũng sẽ gây hậu quả lâu dài, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, thậm chí không có hiệu quả hoặc phát sinh các bệnh tật khác.

Trong những trường hợp điều trị bệnh có tính chất khẩn cấp thì dùng thuốc giả còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, người dân khi mua thuốc chữa bệnh cần mua đúng theo chỉ định của bác sĩ, mua tại các nhà thuốc có uy tín, có đăng ký kinh doanh

Hương An
.
.