Tan hoang nóc Ông Đề
- Công an, quân đội tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn người dân trong lũ
- Thiết lập cầu đường thủy cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3
Nhưng, không ai ngờ một thảm họa khủng khiếp chuẩn bị ập xuống ngôi làng nhỏ.
Trận cuồng phong
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, khoảng 25-30 người dân trong nóc Ông Đề đã đến nhà ông Lê Hoàng Việt (Bí thư xã Trà Leng) và nhà ông Nguyễn Thành Sơn, một hộ dân gần đó để nương náu, bởi đây là hai ngôi nhà kiên cố nhất của nóc.
“Từ trưa, tôi và nhiều người đã nghe những tiếng nổ nhỏ như tiếng sấm. Không ngờ đó là tiếng đất núi đang chuyển mình” - ông Nguyễn Thành Sơn bàng hoàng nhớ lại. Gió và mưa lớn đã khiến một cây chò cổ thụ cao hơn 20m, đường kính hơn 2 người ôm ở ven suối bị bật gốc, trôi xuống chắn ngang chiếc cầu ngay cạnh nóc. Thân cây và đất đá, rèo rác đã chặn dòng suối khiến nước từ trên núi đang ầm ầm đổ xuống tràn vào nóc.
Công an huyện Nam Trà My và các lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân tại nóc Ông Đề. |
Khoảng 15h gió ngớt, ông Sơn cùng một số người vừa ra khỏi nhà định khơi thông dòng chảy thì thấy cả một vạt đồi phía taluy dương con đường liên xã rung chuyển. Ngay sau đó, đất đá, cây gỗ từ trên cao bị cuốn theo dòng nước cuồn cuộn đổ xuống ngôi làng.
Ông Sơn và mọi người la hét và bỏ chạy nhưng không kịp. Trong chớp mắt, tất cả 13 ngôi nhà ở nóc Ông Đề bị đổ sập, nhiều người bị hất văng, cuốn trôi hoặc vùi lấp trong đất đá. Một người đàn ông trông giữ vườn ươm (chưa rõ tên) trong lúc đến gần nhà ông Lê Hoàng Việt đã phát hiện núi lở, cố sức hét gọi những người bên trong nhưng do mưa lớn, không có ai nghe.
Một đôi vợ chồng ở gần đó mang 4 đứa con nhỏ gửi ở nhà ông Việt rồi về nhà lấy đồ đạc. Khi quay trở lại thì chứng kiến tận mắt nhà ông Việt bị đổ sập, trong phút chốc mất cả 4 đứa con. Gia đình ông Việt tổng cộng 8 người, ngoài hai vợ chồng còn có con cái và người thân cũng bị nhấn chìm trong đất đá.
Không chỉ nhà ông Việt, các ngôi nhà còn lại trong nóc cũng bị sập, bị cuốn trôi cùng với nhiều người bên trong. Nóc Ông Đề bị xóa sổ hoàn toàn trong chốc lát, chỉ còn sót lại một số khung nhà và vách ván. Hàng chục người đã bị chôn vùi dưới lớp đấp đá sâu 1-3m, hoặc đã bị cuốn trôi bởi dòng nước dữ. Riêng ông Sơn bị lũ bùn đất đẩy đi một đoạn chừng 30m và ngất đi. Đến khi tỉnh lại, nóc Ông Đề gần như thành bình địa.
Sau khi định thần lại, ông Sơn nhìn thấy một cánh tay đưa lên trong đống đổ nát. Ông cào bới, lôi ra được một phụ nữ bị gãy chân và bế đến đặt tại một mô đất cao ráo. Để lại cho cô gái chiếc áo mưa, ông dặn có người đến thì kêu lên, rồi tiếp tục đi tìm vợ mình nhưng không thấy. Đến sáng 29-10, khi thi thể người vợ được đưa lên từ đống đất đá, ông Sơn chỉ biết khóc nghẹn.
May mắn được người dân tìm thấy từ đống đồ nát và khiêng võng đi cấp cứu, bà Hồ Thị Hằng, ở gần nhà ông Sơn vẫn thảng thốt trước khi kể lại trận lũ quyét khủng khiếp. Lúc đó trời mưa to, bà Hằng và chồng đang giữ hai đứa cháu ngoại trong nhà. Sau những tiếng động ầm ầm, đất đá bất ngờ đổ ập vào ngôi nhà vách ván. Bà Hằng và 2 đứa cháu nhỏ được một người hàng xóm lôi ra khỏi đống đổ nát, còn chồng bà Hằng bị vùi lấp mất.
Nghe tin lũ quét và lở núi tại thôn 1, chị Hồ Thị Hậu, con gái bà Hằng đang ở nơi khác tất tả chạy xe máy về đến xã Trà Giác thì phải cuốc bộ do đường tắc. Sau hơn 3 giờ cuốc bộ về đến, chị Hậu không thể tin nổi khi ngôi làng nhỏ yên bình giờ thành bãi đất đá ngổn ngang. Biết mẹ và 2 con ruột bị thương tích nhưng may mắn được cứu sống, còn người cha gặp đại nạn qua đời, chị Hậu chỉ còn biết nức nở ôm mẹ, ôm con mà khóc.
Người dân khiêng các nạn nhân bị thương do vụ sạt lở đi cấp cứu. |
Trên đường từ Trà Leng trở ra quốc lộ 40B ngày 29-10, gần chục người bị thương được người dân thôn 1, xã Trà Leng khiêng võng đi bộ hơn chục km cho đến khi được lực lượng quân đội và y tế tiếp ứng. Ở chiều ngược lại, cùng với những lực lượng, phương tiện được tăng cường vào mở đường và tìm kiếm cứu nạn là những chàng trai, cô gái người Mơ Nông lớn lên từ nóc Ông Đề. Họ là những thanh niên, thiếu niên đi làm xa, đi học xa nghe tin dữ vội vã trở về, vừa đi vừa khóc. Nhiều cô giáo ở trường mầm non xã Trà Leng cũng lội bùn tìm vào nóc Ông Đề vì mất liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp.
Tại một quán nước ở xã Trà Giác, chúng tôi bắt gặp thanh niên tới nóc Ông Đề chơi và gặp nạn, vừa được người nhà khiêng về. Tại một quả đồi thấp gần thôn 1 Trà Leng, người dân đang tập trung chôn cất ông Hồ Văn Thanh (52 tuổi) và vợ là Hồ Thị Đức (42 tuổi). Vợ chồng ông Thanh có 4 người con nhưng khi xảy ra sự cố, chỉ có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ ở nhà và chỉ có đứa bé may mắn thoát chết.
Không thể kìm được nước mắt khi chứng kiến những nạn nhân được quấn trong chăn và bọc trong một tấm bạt rồi chôn vội ở những triền đồi. Còn khoảng 13 người vẫn chưa được tìm thấy. Có một điều vô cùng may mắn là có hơn 30 người được cho là mất tích do thảm họa đã an toàn, dù một số người bị gãy tay chân hoặc các thương tích nặng khác.
Sơ cứu nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở. |
Nỗ lực cứu nạn, xoa dịu nổi đau
Nóc Ông Đề nằm biệt lập, sóng điện thoại lại mất hoàn toàn, giao thông bị tắc nghẽn, việc đi lại trong mưa bão vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, nhiều giờ sau biến cố, 2 người dân may mắn thoát nạn mới chạy bộ đến được UBND xã Trà Leng để báo tin. Vụ việc lập tức được báo cáo với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My. Ngay trong đêm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã cùng lãnh đạo Quân khu 5 họp khẩn để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn.
Trong khi các lực lượng hỗ trợ chưa tiếp cận được hiện trường do giao thông tắc nghẽn thì chính những người dân ở nóc Ông Đề, xã Trà Leng đã khẩn trương đào bới, cứu được nhiều người. Cũng trong đêm 28-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết, khẩn trương cứu nạn, cứu hộ những người bị vùi lấp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác cũng đã có mặt tại điểm sạt lở tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) để nắm bắt tình hình, chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn. Sáng 29-10, tuy chưa thể tiếp cận hiện trường nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã có mặt tại điểm sạt lở tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) để nắm bắt tình hình, chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn. Phó Thủ tướng nhận định tình hình cứu nạn còn rất phức tạp, nhiều nơi sạt lở và yêu cầu các lực lượng vũ trang phải huy động trang thiết bị và vật tư cần thiết thông đường sớm nhất để cứu đồng bào đang bị nạn.
Người thân và gia tộc chôn cất các nạn nhân được tìm thấy trong vụ lũ quét. |
Do đường vào hiện trường bị chia cắt, các phương tiện giao thông, kể cả xe máy chưa thể vào tận nơi nên sáng sớm 29-10, Công an huyện Nam Trà My và Công an xã Trà Leng, Ban chỉ huy quân sự Nam Trà My đã phải đi bộ hàng chục km để tiếp cận hiện trường. Ngoài một xe múc có sẵn tại khu vực được huy động, việc tìm kiếm các nạn nhân chủ yếu thực hiện bằng các biện pháp thủ công. Chúng tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến những CBCS công an tham gia tìm kiếm các nạn nhân bị vùi trong đất đá dùng xà beng, dây thừng và cả tay không lật từng mảng tường, từng tấm ván để tìm kiếm, đưa các nạn nhân ra ngoài. Đến sáng 30-10, đã tìm thấy thi thể 9 nạn nhân.
Suốt đêm 29 đến ngày 30-10, hàng chục xe múc, xe ủi được lực lượng quân đội đưa đến đã làm việc đến khuya để giải tỏa các điểm ách tắc trên quốc lộ 14B và đường DH1 Nam Trà My, nỗ lực đưa sớm các phương tiện cơ giới vào hiện trường để đẩy nhanh việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích trước khi trời mưa trở lại do bão Goni sắp vào Biển Đông, thành cơn bão số 10 hướng vào miền Trung.
Cùng với vụ sạt lở tại Trà Leng, hai vụ sạt lở núi nghiêm trọng khác cũng xảy ra tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) và thôn 6, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) khiến 18 người chết và mất tích. Đến sáng 30-10, lực lượng chức năng vẫn chưa tiếp cận được khu vực sạt lở tại xã Phước Lộc do giao thông tắc nghẽn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 29-10 tiếp tục có công điện chỉ đạo bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu nạn, cứu hộ tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp.
Công an Quảng Ngãi giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão Tại tỉnh Quảng Ngãi, nơi tâm bão số 9 đổ bộ bị thiệt hại rất lớn về tài sản. 84.000 mái nhà tôn, ngói của người dân, trụ sở cơ quan, trường học... bị tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây xanh ngã đổ trên nhiều tuyến đường... 2 cán bộ chiến sĩ công an bị thương khi đang làm nhiệm vụ và giúp đỡ người dân... Công an tỉnh Quảng Ngãi đã cử lực lượng tham gia với các đoàn công tác của từng địa phương để cứu trợ khẩn cấp tại các khu vực bị thiệt hại nặng.
Ngày 29-10, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 và tình hình khắc phục hậu quả sau bão tại Công an tỉnh Quảng Ngãi. Thứ trưởng cho rằng Công an tỉnh Quảng Ngãi đã có sự chủ động phối hợp triển khai ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 9 gây ra. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn lưu ý, theo dự báo, nhiều khả năng bão số 10, 11 sẽ tiếp tục hướng vào khu vực miền Trung, do đó Công an tỉnh Quảng Ngãi cần tận dụng tối đa những ngày này tập trung khắc phục hậu quả bão số 9, tránh nguy cơ 2 cơn bão tiếp theo đổ bộ vào sẽ tạo ra tình trạng hậu quả sau chồng hậu quả trước. Song song với công tác khắc phục hậu quả sau bão, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; phối hợp lực lượng chức năng kiểm soát tình hình thị trường sau bão, tránh tình trạng “đục nước béo cò”, trục lợi sau thiên tai và phải chú trọng đến công tác đề phòng dịch bệnh sau bão. Tiếp đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cùng đoàn công tác đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để thăm hỏi, động viên chiến sĩ Nguyễn Minh Hoàng, chiến sĩ nghĩa vụ của Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Ngãi, đang được điều trị tại đây; thăm, động viên tập thể thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ bị thiệt hại do bão. Ngọc Thi |