Tan hoang nóc Ông Tuân

Thứ Năm, 16/11/2017, 14:35
Nước lũ trên các con sông Thu Bồn và Vu Gia vừa cạn, tôi lập tức cùng một đồng nghiệp ngược đường lên vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Tuyến đường núi nối huyện Bắc Trà My tới Nam Trà My vẫn còn bị chia cắt nhiều đoạn, do sạt lở núi, trong khi trời vẫn mưa tầm tã, khiến không ít người e ngại nguy hiểm sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra trên cung đường.

Chúng tôi đã băng rừng, lội suối, trèo dốc cao trơn như thoa mỡ, rồi vượt qua những đoạn đường bị sạt lở núi, đất đá lầy lội như ruộng cấy, cuối cùng cũng đến được xã Trà Vân, nơi vừa xảy ra sạt lở núi đè nát 5 ngôi nhà ở nóc Ông Tuân, khiến 4 người dân Ca Dong thiệt mạng...

Khi chúng tôi đặt chân đến xã Trà Vân, lúc này ông Hồ Văn Tình - Chủ tịch UBND xã - đang họp bàn phương án khắc phục hậu quả mưa lũ với một số cán bộ công an và các đoàn thể. Đôi mắt quầng thâm do nhiều đêm thức trắng đầy âu lo, ông Tình cho biết, mưa lũ đã làm cho tuyến đường ĐH8 là độc đạo dẫn vào địa bàn xã xuất hiện 8 điểm sạt lở lớn, với khối lượng khoảng 25 nghìn khối (m3), trong đó có 2 vị trí sạt lở taluy âm khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Trà Vân đã bị cô lập nhiều ngày nay. Toàn xã có 6 ngôi nhà bị sập, 9 người chết, 15 người bị thương do sạt lở núi...

Trao đổi sơ bộ vài vấn đề mấu chốt như thế, rồi ông Tình nhanh chóng bảo 2 công an viên của xã đưa chúng tôi đến điểm trường nóc Ông Ní, ở thôn 2, nơi có hàng chục người dân tại nóc Ông Tuân và các điểm nóc khác của xã Trà Vân đang tạm thời lánh nạn tại đây.

Nói thì đơn giản, nhưng muốn vào đến nóc Ông Ní, tức là bản Ông Ní, từ trụ sở ủy ban xã chúng tôi phải dò dẫm cùng 2 anh công an viên lội bộ gần 2 tiếng đồng hồ mới vào đến điểm nóc này, vì đường đi bị sạt lở nghiêm trọng, chưa thể khai thông được. Thú thật, khi lội qua những điểm sạt lở, lầy lội giữa cảnh núi rừng heo hút trắng xóa trong mưa, chúng tôi cũng lo sợ thấp thỏm. Nhiều đoạn, chúng tôi phải bám vào chiếc gàu của xe múc đang làm nhiệm vụ gạt đất thông đường mới có thể đi qua cung đường chênh vênh sườn núi...

Người đầu tiên tôi gặp ở điểm trường nóc Ông Ní là anh Đinh Xuân Hùng. Anh Hùng ở nóc Ông Tuân, cũng là người may mắn thoát chết trong vụ lở núi, được chính quyền xã đưa về đây trú tạm. Thoạt nhìn người đàn ông này, tôi không nghĩ anh ta mới ngoài tuổi 40. Trông anh Hùng khắc khổ già sọm đi đến hơn chục tuổi.

Muốn tiếp cận điểm sạt lở nóc Ông Tuân, nhiều đoạn đường chúng tôi phải di chuyển nhờ xe múc.

Nét mặt bơ phờ, đôi mắt sâu hoắm, khuôn mặt gầy tóp, đen nhẻm sau nhiều đêm mất ngủ, anh Hùng ngồi tựa vào bức tường, nhìn ra núi rừng đang chìm trong những trận mưa như trút nước. Rồi anh lại nhìn 2 đứa con thơ dại suýt bị chôn chặt dưới tầng đất đá...

Anh Hùng kể rằng, vào khoảng hơn 2h chiều ngày 6-11, khi vừa ăn xong bữa cơm trưa cùng gia đình, anh bỗng nghe một tiếng nổ “đùng” đến long trời, lở đất. Hoảng hồn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì anh thấy đất đá cuồn cuộn đổ vào cửa sổ nhà mình. Và, chỉ trong vòng vài giây, ngôi nhà của anh đã bị đất đá lùa đổ sập theo. Rồi một vật gì đó đánh mạnh vào đầu làm anh bất tỉnh.

“Đến khi tỉnh dậy, tôi thấy mình ngồi khum người dưới tầng cây cối đầy đất đá phủ bên trên. Vợ tôi thì nằm dưới tôi. Còn 2 thằng nhỏ cùng ông ngoại nó nằm ở các phía xung quanh tôi. Lúc đó quá hoảng loạn, tôi cứ nghĩ thế là hết rồi, chỉ có chết thôi. Nhưng mà tôi vẫn phải tự trấn an mình là không được chết. Rồi tôi cũng tự nhủ với 2 đứa con “Con không được chết. Có ba ở đây rồi. Ba sẽ cứu các con”.

Thế là tôi cố hết sức, lấy tay đưa lên đầu, cào từng lớp đất đá và cây cối. Cào lâu, nhiều lúc bất lực, đã định buông xuôi. Nhưng mà nghĩ đến 2 đứa con thơ, vợ, cha còn nằm đó nên tôi cố gắng cào tiếp. Máu tuôn chảy khắp các đầu ngón tay nhưng tôi chẳng thấy đau, chỉ thấy lo và hoảng sợ nhiều hơn. Cuối cùng tôi cũng ngoi đầu lên được mặt đất mà kêu cứu...”.

Kể đến đây anh Hùng bật khóc. 2 đứa con nghe anh kể, cũng khóc theo. Ôm lấy cánh tay anh, chúng hỏi: “Ba ơi, ba... Khi nào mình mới gặp mẹ?”.

Một hồi bớt xúc động, anh Hùng đau buồn nói rằng, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thu Hiền (38 tuổi) từ khi được tìm kiếm lên khỏi lớp đất đá đã được bà con cùng các anh công an, quân sự xã cáng trèo núi, băng rừng trong mưa to, gió lớn để đưa xuống Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cấp cứu. Chị Hiền bị chấn thương đầu, hôn mê, bất tỉnh, nhưng may nhờ cấp cứu kịp thời hiện vẫn giữ được mạng sống. Riêng anh Hùng thì bị thương ở chân, nhiều ngày nay đã không đi lại được. Còn 2 đứa con nhỏ, đứa bị thương ở đầu gối, đứa bị xước khắp mình mẩy.

Họ cũng được lực lượng Công an và Quân đội địa phương cứu nạn đưa về đây chăm sóc y tế và ẩn náu. May mắn thay, 2 đứa con lớn đang theo học tại trung tâm huyện Nam Trà My nên không bị gì. Nhưng từ hôm đó đến nay, gia đình anh mỗi người một nơi, anh và 2 con ở lại nóc Ông Ní, còn vợ anh nằm điều trị một mình ở Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My.. 

Trong căn phòng chưa đầy 30m2, của điểm Trường Mầm non nóc Ông Ní, giờ đây trở thành nơi trú ẩn của những con người đang trong cảnh màn trời chiếu đất. Cùng ở nơi trú ẩn với cha con anh Hùng tại điểm trường nóc Ông Ní có hơn 50 người từ nóc Ông Tuân, Ông Bình, Ông Vinh (xã Trà Vân). Từ người già cho đến trẻ em, tất cả đều nương tựa vào nhau, ai cũng không giấu được nỗi bàng hoàng, lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt hốc hác giữa những ngày khốn khó.

Nóc ông Tuân gần như bị xóa sổ sau cơn lở đất.

Chị Hồ Thị Nguyệt (36 tuổi, nhà ở nóc Ông Tuân) cho biết, hôm đó, sau khi vụ sạt lở đất xảy ra, chị đã băng rừng chạy thẳng một mạch đến điểm trường này. Nỗi lo sợ tình trạng sạt lở lại xảy ra nên nhiều đêm liền chị đã thức trắng. “Sợ lắm cô ơi, chưa bao giờ có tình trạng này cả. Dù chúng tôi đã xuống đây nhưng không đêm nào ngủ được”.

Còn chị Dương Thị Nhiệm (27 tuổi, trú tại nóc ông Tuân, em vợ anh Hùng) là người may mắn thoát chết trong trong vụ sạt lở núi tại nóc ông Tuân và cũng là người chứng kiến trận sạt lở đất đá kinh hoàng vùi lấp cả gia đình người chị ruột của mình. Đến bây giờ, nỗi lo sợ vẫn còn hằn sâu trong đôi mắt.

“Kinh hoàng quá! Không nghĩ là anh chị tôi có thể sống sót sau trận sạt lở kinh hoàng đó. Từ hồi sinh ra lớn lên đến chừ, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy”. Chị kể rằng, mấy ngày nay, mỗi khi đêm xuống, chị vừa chợp mắt thì cảnh tượng lở núi kinh hoàng ấy lại ùa về trong giấc mơ...

Rời điểm trường nóc Ông Ní, chúng tôi cùng các anh công an địa phương tiếp tục vượt dốc, băng rừng vào nóc Ông Tuân là nơi xảy ra sạt lở núi. Dò dẫm hơn chục cây số đường rừng, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường.

Trên đường vào nóc Ông Tuân, chúng tôi may mắn gặp thầy giáo Nguyễn Văn Bá, hiện đang là cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My. Thầy Bá sống gần nóc Ông Tuân hơn 30 năm, nên rất quen thuộc với đường sá, tập tục bà con Ca Dong nơi đây. Thầy Bá cũng là một trong những người tiếp cận địa điểm sạt lở khi mới xảy ra.

Thầy kể, ngay sau khi nghe tin về sạt lở núi xảy ra tại nóc Ông Tuân, thầy đã cùng vợ chạy vào xem tình hình thế nào. Vừa chạy được một đoạn, vợ chồng thầy thấy anh Hồ Văn Ngọ cõng theo đứa con 3 tháng tuổi trên lưng, cùng lực lượng công an xã, dân quân tự vệ khiêng vợ và đứa con lớn xuống Trung tâm Y tế huyện. Thấy anh Ngọ đi chân đất, mình thì ướt nhẹp cõng theo đứa con thơ, tội quá, vợ thầy đã đưa cái ô che mưa cho anh Ngọ bảo che cho con mà đi, nhưng anh Ngọ khóc òa bảo: “Con nó chết rồi thầy ơi! Che làm gì nữa”.

“Lúc đó tôi hoảng hồn hỏi Ngọ, sao con chết rồi không để ở nhà, còn cõng theo làm gì nữa thì Ngọ mới lau nước mắt trả lời: “Nhà cửa tan hoang hết rồi, biết chỗ nào chôn mà không cõng theo”, thầy Bá ngậm ngùi nói.

Đến nóc Ông Tuân, ngôi làng này giờ đây chỉ còn sót lại vài ngôi nhà nằm ngoài khu vực bị sạt lở. Nhưng các ngôi nhà đều bị tốc mái, xác xơ. Khung cảnh tiêu điều, không khí cả một mảng núi rừng nơi này dường như đặc quánh, vắng tanh vắng ngắt đến rợn người. Đứng ở điểm lưng chừng của hiện trường, nhìn lên thấy một hố lở toang hoác mà chỉ có ở những vùng thường xuyên xảy ra động đất mới có.

Sát mép vách núi, những mảng đất đá vẫn đang sạt dần, thỉnh thoảng lại có vài cục đá nhỏ lăn từ đỉnh núi xuống. Rồi từ điểm lưng chừng đó, nhìn xuống phía dưới, lại thấy cảnh tang thương hiện ra trước mắt. Những ngôi nhà bẹp nát, nhiều vật dụng bị vùi trong đất đá nằm lấp ló. Bên cạnh là xác một vài con bò bị treo lơ lửng giữa triền núi cao, bên dưới là vực sâu...

Lương thực hỗ trợ đã đến với người dân tránh trú sạt lở tại điểm trường nóc ông Tuân.

Chúng tôi lại lóc cóc rời hiện trường vụ sạt lở nóc Ông Tuân quay về trụ sở UBND xã Trà Vân. Trời đã tối mịt. Thắp đèn dầu đón chúng tôi, ông Hồ Văn Thới - Trưởng Công an xã Trà Vân - cho biết thêm rằng, nóc Ông Tuân có 24 hộ dân, 184 nhân khẩu sinh sống, nhưng sạt lở núi đã vùi lấp 5 ngôi nhà, làm 4 người chết, 9 người bị thương. Từ sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền xã đã tiến hành vận động người dân di chuyển đến nơi khác an toàn hơn.

“Đây là vùng đất được người dân khai hoang, dựng làng sinh sống từ lâu. Mấy chục năm qua, dù mưa to gió lớn cũng không hề có việc gì. Không biết sao năm nay kinh hoàng đến vậy”, ông Thới trầm ngâm nói. Người con Ca dong đã bao năm gắn bó với núi rừng này. Họ đã sống những tháng ngày yên bình, nay bất ngờ thiên tai ập tới, hỏi sao không lo sợ, hoang mang...

Không chỉ riêng nóc ông Tuân mà còn nhiều nóc khác trên địa bàn xã Trà Vân cũng bị thiệt hại nặng nề như nóc Ông Bình, Ông Triệu... đã khiến 141 hộ dân phải di dời đến nơi khác trú ẩn. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, tình trạng sạt lở đất núi ở một số nơi trên địa bàn thôn 2 xã Trà Vân hiện nay rất phức tạp và nguy cấp.

Huyện đã khẩn trương tìm được địa điểm tại nóc Khe Chữ để di chuyển 141 hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi ở mới an toàn trong thời gian tới. Theo đó, mỗi người dân sẽ được cấp ít nhất 200m2 đất ở để làm nhà, làm chuồng trại... Huyện cũng sẽ hỗ trợ kinh phí mỗi hộ 50 triệu đồng để làm mặt bằng, xây dựng nhà, làm tường rào, cổng ngõ; đồng thời giao các lực lượng chức năng, đội xung kích huyện tiến hành cải tạo mặt bằng và sớm giao đất cho người dân dựng nhà…

Bất chợt trong tôi dâng lên niềm hy vọng, khi bà con Ca Dong được di dời đến nơi ở mới, với sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng động, họ sẽ an cư, lạc nghiệp và hy vọng không còn cảnh tang thương này...




Hà Vy
.
.