Tập tục nhảy lửa của người Pà Thẻn: Nhảy múa cùng tử thần
Đống than hồng cháy rừng rực, lưỡi lửa bùng reo phần phật trong gió, hơi nóng cùng tàn tro bay ngùn ngụt. Những đứa con của lửa thần đầu trần, chân đất, mắt mê cuồng, điềm nhiên nhảy vào đám lửa như nhảy trên nệm êm. Họ lăn lê, bò toài, xoạc chân bới, vốc tay nhặt than hồng xoa lên người, bỏ than hồng vào miệng…
Những thân thể đẫm than hồng bay vào nhào ra khỏi đống lửa nhẹ nhàng như những cánh nhạn để lại phía sau những vệt sáng tóe vào màn đêm. Tiếng đàn "pàn dơ" phèng phèng pha trộn cùng những lời khấn bí hiểm tựa một liều thuốc gây nghiện hạng nặng khiến cho các vũ công càng thêm phấn khích. Người và than hồng như hòa quyện vào nhau thành một khối lửa khổng lồ biết di chuyển. Một hồi lâu, một vài vũ công chừng thấm mệt, phệt phạt nằm ra sân mà chân tay vẫn rung lắc, co giật hệt như người quá chén. Ai đó bảo tôi họ đang say lửa. Cả không gian xung quanh nóng rẫy như trong lò thiêu, hơi khói, tàn tro bốc lên ngùn ngụt xộc vào mắt, vào lỗ mũi cay xè. Thỉnh thoảng đám đông xung quanh lại hò hét, kêu ré, xô nhau chạy để tránh những mẩu than hồng bị bốc, bị bới bắn tung tóe như pháo hoa.
Ở Tuyên Quang duy nhất có người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình) là giữ được bí kíp gia truyền của vũ điệu hết sức hoang dại, nhảy múa cùng lửa này. Nằm khuất lấp sau những dãy núi trùng điệp, sau những văn minh của phố thị, dân tộc Pà Thẻn ở đây vẫn còn bảo tồn các tục lệ tự ngàn xưa. Nhà thầy cúng Húng Văn Hin ở giữa bản, qua một con dốc và một con suối. ông Hin năm nay đã 72 tuổi nhưng sức vóc còn vâm vam khối thanh niên miền xuôi khó bì kịp. Lúc tôi đến, ông đang ngủ li bì trên chiếc giường gỗ sau bữa rượu trưa bên nhà hàng xóm, tiếng ngáy ông vang rền, giòn tan trong không gian trưa yên ả. Bà vợ già đánh thức mãi, hai con mắt ông mới chịu mở, cái chân ông mới chịu xuống đất. Câu chuyện giữa chúng tôi không ngờ rất suôn sẻ bởi ông Hin nói tiếng Kinh rất sõi. Cái vốn tiếng Kinh của một người nguyên là chủ nhiệm HTX, một cán bộ cựu trào của xã Hồng Quang. Ông Hin hiện là truyền nhân duy nhất của các bậc thầy nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn của tỉnh nhà.
Xưa kia, hàng năm thầy cúng mở lớp dạy cho những người Pà Thẻn muốn học làm thầy từ tối 16 tháng 10 âm lịch đến đêm 16 tháng Giêng của năm sau. Lễ vật rất đơn sơ, người học trò mang đến nhà thầy một con gà, một chai rượu, một mảnh giấy, mấy nén hương. Thầy cúng báo cho các “thánh” có bao nhiêu trò đến xin học, mời “thánh” chứng giám rồi giết gà, thầy trò cùng nhau ăn uống. Rượu thường chảy tràn, thơm lựng bản trong buổi "khai giảng" mang đầy màu sắc vạn vật hữu linh ấy. Lớp học tổ chức vào các buổi tối tại nhà thầy. Người Pà Thẻn có mấy trăm bài cúng, ai sáng dạ học nhanh cũng phải 3 năm mới hết, ai tối bụng học cả chục năm vẫn chưa gom đủ chữ làm thầy. Lễ nhảy lửa được thầy chọn vào một đêm trong khoảng thời gian mở lớp. Người chủ trì là thầy cả. Lễ nhảy lửa làm tại ngay sân nhà thầy. Nhảy lửa tiếng Pà Thẻn là “pò dính”. Dân Pà Thẻn quan niệm nhảy lửa làm cho con người thông minh, dũng cảm hơn.
Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa để xua tà ma, xua đi sơn lam, chướng khí, "đón thánh" xuống phù hộ cho dân làng thêm sức khỏe, làm nương có nhiều gùi sắn, gùi ngô, đi rừng được lắm thịt nai, thịt hoẵng về treo gác bếp.
Thầy ngồi gõ đàn “pàn dơ” trước màn nhảy lửa. |
Các thiếu nữ múa mở đầu lễ nhảy lửa. |
Khác với lễ cúng làm thầy có rượu, có thịt, lễ nhảy lửa chỉ thắp hương và một bát nước lã để trên bàn thờ. Để chuẩn bị lễ, ngay từ buổi chiều các học trò đã mướt mồ hôi gánh củi về đốt ở ngoài sân. Củi để nhảy lửa có thể bằng bất cứ gỗ gì miễn là khô nỏ, chúng được bà con đóng góp và chỉ đốt trong một lần, không nhóm lại. Một đám lửa đạt yêu cầu khi có khoảng 1m3 củi đốt lên, rực cháy cao ngang đầu người, nhiều than hồng đượm. “Pàn dơ” là một mảnh gỗ dài khoảng 1m đính một thanh sắt mỏng chạy song song về mặt gỗ, cách chừng 1cm. Dưới đàn, có một cái móc nhọn để thầy hành lễ ghim vào ghế rồi gõ lên thanh sắt những tiếng phèng phèng. “Pàn dơ” là nhạc cụ cúng tế phổ biến của người Pà Thẻn sử dụng trong các dịp cúng ma, cúng người ốm và cúng nhảy lửa. Cái ghế gỗ để thầy ngồi, ghim “pàn dơ” vào mà gõ cũng chẳng có gì đặc biệt. Nó bằng gỗ thường, dài khoảng hơn 1m, hàng ngày ông Hin vẫn dùng để… ngồi uống nước, tiếp đãi bạn bè, chỉ dịp lễ nó mới có công dụng như chiếc cầu ô thước bắc cho những người thường bước vào thế giới của thần lửa.
Khi bắt đầu lễ thầy cả không nhảy mà chỉ có các học trò ngồi vào tấm ghế gỗ và gõ "pàn dơ". Miệng thầy lầm bầm, mắt nhắm nghiền đắm trong miền cực lạc, phiêu diêu. Người nhảy lửa ngồi đối diện với thầy, cùng gõ đàn.
Lắm người nhảy lửa không chỉ một lần mà vài lần. Lửa trong tâm thức người Pà Thẻn khác hẳn lửa trong tâm thức của người Kinh vốn tối kị điều xung khắc theo công thức nước - lửa. Họ quan niệm nhảy lửa tức là cho "thánh tắm nước". Bởi lửa tượng trưng cho khỏa nước, nghịch nước. Lăn qua lửa là “tắm nước”. Cho than hồng vào mồm là “uống nước”. Những bóng người rực hồng tàn than liên tục nhảy như chạm khắc vào không gian đêm một bức tranh lập thể lạ lùng.
Thầy Hin giải thích, lúc đó người nhảy lửa như con rối để tùy “thánh” giật dây, điều khiển, muốn làm gì chẳng được. Nếu được thần linh chấp nhận, da thịt của họ sẽ hoàn toàn không có vết bỏng, thậm chí đầu tóc cũng không có một vệt cháy sém nào. Thậm chí quần áo của họ lăn trong lửa, bò trong lửa mà áo quần không cháy trong khi những người xem xung quanh khi bị bắn tàn tro, quần áo còn thủng lỗ chỗ như thuốc lá châm. "Lửa" lúc ấy là "nước" mà nước làm sao có thể khiến quần áo bốc cháy được? Không tin chuyện thánh thần, nhưng họ nhảy lửa mà vô sự thế, chắc phải có bí quyết gì?
Lệ xưa truyền rằng sau lễ nhảy lửa, nếu như năm ấy trong bản có nhiều người không bị đau ốm, nhiều học trò được làm thầy cúng thì đến Tết Nguyên đán năm sau các học trò sẽ đến tạ lễ cho thầy. Dịp này cả gia đình người học trò mặc những bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Lúc thấy cổng ngõ nhà thầy phải bắn hai phát súng báo tin để thầy chuẩn bị đón. Khi đến nhà thì bắn nhiều phát súng để đón xuân mới, chúc thầy sống lâu, khỏe mạnh. Vào nhà, thầy thắp hương, trải chiếu trước bàn thờ cho học trò và những người khỏi bệnh ngồi xuống. Trước bàn thờ, thầy còn xin thêm lộc tài được nhiều hơn năm cũ cho mọi người một năm mới bình an, khỏe mạnh.
Đã là thầy nhảy lửa ông nào cũng phải kiêng nhảy vào đống lửa mà chỉ được phép truyền bí quyết cho trò và gõ đàn "pàn dơ” cho trò vui đùa với tử thần. Mãi tới trên 40 tuổi, ông Hin mới có được buổi nhảy lửa của lớp học trò đầu tiên. Buổi lễ diễn ra rất trang trọng, ông hăng say ngồi trên ghế gỗ gõ đàn "pàn dơ", miệng đọc "thần chú". Những bước chân của học trò bắt đầu bật lên không trung. Rủi thay, mấy học trò của ông sau khi nhảy vào đống lửa đều giãy lên như phải… bỏng, kêu la ầm ĩ.
Lửa được nhóm lên. |
“Vũ công” đang nhảy lửa. |
Nhưng hơn 20 năm rồi tục nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang chịu cảnh tro tàn, nguội lạnh. Mãi đến khi ngành văn hóa của tỉnh, huyện bỗng sực nhớ ra rằng trước đây người Pà Thẻn, Tuyên Quang có tục nhảy lửa, mới vào cuộc, khôi phục. Đợt khôi phục này, ông Hin được ông thầy Sìn Văn Phong người bên huyện Bắc Quang (Hà Giang) dạy theo kiểu truyền nghề một một. Ông Phong dạy nhảy lửa độ hơn một giờ là ông Hin đã nhớ như in trong đầu. Qua hai năm phục dựng, năm đầu tiên ở Thượng Minh có 9 người nhảy lửa, năm thứ hai 12 người nhảy đều do ông Sìn Văn Phong dìu dắt. Giờ đây, ông Hin đã có thể tự tin để một mình hướng dẫn học trò khiêu vũ với lửa.
Không cứ già trẻ, có vợ hay trai tân, không cứ Kinh, Tày, Thái, Mông hay Pà Thẻn, ai cũng đều có thể nhập cuộc. Đám nhảy lửa, người sơ mi, quần âu, kẻ quần áo thô vụng quê kiểng cũng chỉ một điệu vũ không hề ngăn cách. Có điều, muốn đùa giỡn cùng ngọn lửa phải là con trai chứ con gái tuyệt đối không. Người già Pà Thẻn kể rằng trước đây con gái cũng vào được nhưng bốn đời trước có một nữ nhảy lửa rất giỏi ngặt nỗi người chồng không biết nhảy lửa nên ghen. Anh ta có nguyền một câu độc địa rằng: "Từ nay người nhảy lửa là con gái sẽ bị chết". Nhảy lửa nữ thất truyền từ đấy. Khi xưa, trong lúc các học trò nhảy mọi người đến xem chỉ được nhìn mà không được nói gì. Nhảy lửa là một lãnh địa riêng mà phụ nữ tuyệt nhiên không được bén mảng đến gần. Nay tất cả cấm kị đã được dỡ bỏ hết, tiếc thay vẫn chưa có một vũ nữ nào xuất hiện trên than hồng.
Không có quy định nào về độ tuổi để nhảy lửa, cứ trên 10 tuổi là có thể thực hiện tốt rồi. Thầy Hin bảo người nhỏ quá, nhảy lửa không an toàn, thế thôi chứ không có cấm kị gì. Kỷ lục ở Thượng Minh có hai cháu Phù Văn Hợp và Phù Văn Thái nhảy lửa lúc 14 tuổi, hay ông Phàn Văn Đông nhảy lửa lúc đã trên 50 tuổi. Người nhảy lửa trước buổi lễ cũng không phải kiêng khem bất cứ cái gì, từ chuyện ăn uống đến sinh hoạt vợ chồng như nhiều người đồn đoán.
Người ta có thể tham gia nhảy lửa từ 1-3 lần/tháng và kéo dài trong 2-3 tháng liền tùy thích. Mỗi lần nhảy lửa xong thầy lại cúng "thánh", tiễn "thánh" bằng việc mổ một con gà trống hoặc cúng một cái đầu lợn, cỗ lòng kèm theo một chai rượu, một nén hương, một mảnh giấy. Mấy bản Pà Thẻn ở huyện Quang Bình (Hà Giang) tục nhảy lửa kéo dài tới tận tháng 7 âm lịch. Khác với Hồng Quang, tục nhảy lửa ở đây không bị ngắt quãng và có rất nhiều học trò, còn ở thôn ông Hin tuy có 4 thầy cúng nhưng chỉ có duy nhất ông là thầy nhảy lửa. Giờ cả thôn ngót 150 hộ nhưng không có ai chịu học làm thầy nhảy lửa rồi nên tuổi đã già mà ông Hin vẫn đau đáu chờ một truyền nhân