Tây Bắc tìm diệt loài cây "chết người"

Thứ Sáu, 28/03/2008, 14:00
Tìm được cây anh túc đã khó, song chuyện phá bỏ nó đôi khi còn khó hơn. Khi anh em trong Đội CSĐTTPVMT vừa lấy dao, gậy phạt ngang cây thì nghe ở trên đất đá lao rầm rầm xuống. Anh em vội hò nhau chạy ngược lên ngọn núi đối diện mới thoát cơn “mưa đá” của mấy người dân. Vì tiếc nương anh túc người dân đã đẩy đất đá xuống thung lũng để chống lại đoàn công tác...

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, cho đến hết năm 2005, nạn trồng cây anh túc (cây thuốc phiện) đã được xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số vùng cao, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh và hiểm trở, đã lác đác xuất hiện việc "tái trồng" loại cây "chết người" này. Mặc dù vậy, hiện tượng đơn lẻ và lén lút này cũng không thoát khỏi tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy công an sở tại.

Theo chân Đoàn công tác liên ngành 06, chúng tôi đã lên Yên Bái, Sơn La để rồi được tận mắt chứng kiến cuộc chiến đầy vất vả nhưng quyết liệt này.

Những bông hoa đẹp mà nguy hiểm

Cuối tháng 2 vừa qua, nghe tin Đoàn 06 của huyện Bắc Yên lên đường triệt phá cây anh túc tại xã Tà Xùa, tôi nằn nì mãi anh trưởng đoàn mới đồng ý cho đi theo. Đoàn cấp cho tôi một balô đầy ắp các thứ từ mỳ tôm, lương khô, nước lọc đến chăn màn. Một anh cán bộ còn nói với tôi: "Chuyến đi sẽ cực khổ lắm đó, đồng chí cố mà theo".

Cuốc bộ gần 30 km đường rừng suốt từ trưa cho đến tối mịt, chúng tôi đến được bản Làng Sáng. Thiếu úy Thào A Vừ - Công an phụ trách xã kiêm trưởng đoàn bảo, theo nguồn tin của Công an huyện thì đây chính là một điểm trồng thuốc phiện của cả xã.

Lần đầu được trông thấy cây anh túc, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu trắng tinh khôi của hoa loại cây này, lác đác còn có những bông hoa màu tím ngắt. Nương anh túc đang mùa thu hoạch, đã có nhiều vết dao khứa vào quả, để lộ ra những dòng nhựa đen sì. Đây chính là ma túy "tươi" mà người dân cạo về để sử dụng, chế biến.

Càng đi, chúng tôi gặp một vài nương anh túc. Sau 5 ngày, Đoàn 06 đã triệt phá được một số nương anh túc trước đó, vào tháng 11 và 12/2007, Đoàn công tác 06 của huyện Bắc Yên đi phá hai đợt. Thế mà đợt này vẫn lác đác còn.

Không quen leo núi, tôi thường xuyên là người đi "chốt” đoàn. Thế nên lúc đầu sợ không chụp được ảnh hoa anh túc, cứ đến giờ nghỉ trưa, hay cơm tối, tôi lại đến bên anh cán bộ trong đoàn và rỉ tai "các anh chớ có phá vội nhé, chờ em chụp ảnh xong đã".

Một bữa cơm dã chiến của đoàn 06.

 Nhớ lại vào tầm này năm ngoái, chúng tôi đã có dịp theo chân những chiến sĩ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPVMT) - PC17 Công an tỉnh Yên Bái đi phá cây thuốc phiện tại bản Tà Nhù, Mông Đơ (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu - giáp với Làng Sáng của Bắc Yên, Sơn La).

Thời điểm ấy, Trạm Tấu chính là huyện có diện tích tái trồng cây anh túc lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Lực lượng liên ngành đã triệt phá được cơ bản.

Phá ở bản này, cây lại lén lút được trồng ở bản khác. Những nương sau ở vị trí càng xa xôi, hiểm trở hơn nương trước, khiến việc phá cây gặp rất nhiều khó khăn.

...Đến "cuộc chiến" không khoan nhượng

Mỗi đợt tiến hành phá bỏ cây anh túc, cơ quan chức năng phải thành lập đoàn công tác, huy động cả lực lượng CSĐTTPVMT của công an tỉnh, huyện, rồi lực lượng quân đội, kiểm lâm huyện, xã... Đoàn công tác chia làm nhiều mũi tiến hành rà soát những địa điểm đã trồng cây anh túc và nhiều nơi sơn cùng thủy tận của bản làng để tìm diệt.

Suốt một tuần theo chân cán bộ Đoàn 06, chúng tôi cứ ngày đi đêm nghỉ. Buổi trưa, anh em chọn lấy một con suối, thế rồi người vo gạo, người vót đũa, nấu cơm ăn để chiều đi tiếp. Đêm, nếu về kịp nhà dân thì xin ngủ nhờ. Có những đêm không về kịp, cả đoàn cùng nhau lấy trời làm màn, đất làm chiếu để nghỉ.

Vì đi dài ngày, đoàn công tác phải mang cả nồi niêu để nấu cơm. Không có điều kiện mua thức ăn tươi (mà cũng không mang được vì nếu đồ đạc nhiều quá, sẽ không đi được), bữa cơm của cả đoàn triền miên chỉ có cá khô và rau rừng tự kiếm.

Cứ thế, chúng tôi qua biết bao đồi, núi. Những con dốc mà leo được một phần đã chỉ muốn... tắc thở. Nhiều lúc chân tôi chỉ chực khuỵu xuống. Dọc một số đoạn đường mòn, đoàn phải cử 3 chiến sĩ cầm dao quắm phát cây mở đường. Chân tay ai cũng chằng chịt vết xước vì bị dây rừng, gai góc cào cấu. Chúng tôi len chân nhau vào những mỏm đá, những hốc đất mà “tim đập chân run” vì chỉ lo đất, đá lở.

Ngày thứ 5 của đợt công tác, khi cả đoàn đang chuẩn bị trở về thì phát hiện cây anh túc ở phía bên kia ngọn đồi, song lúc ấy mọi thành viên trong đoàn đều "sức tàn lực kiệt" vì đi bộ cả tuần lại ăn uống kham khổ. Mọi người lượng sức không thể trèo qua ngọn núi kia được, có lẽ đành phải để dịp sau.

Nhưng quyết tâm không để một cây anh túc còn hiện diện trên mảnh đất bản làng, một trinh sát của Phòng PC17 đã thuê ngựa của dân bản, nai nịt gọn gàng, bám đuôi ngựa để leo lên (vì không thể cưỡi ngựa đi lên dốc đứng). Khi nương thuốc phiện đã bị nhổ hết, anh quay về với quần áo tả tơi, chân tay tóe máu.

Tìm được cây anh túc đã khó, song chuyện phá bỏ nó đôi khi còn khó hơn. Trung tá Thẩm Hữu Tiến - Trưởng phòng PC17 Công an tỉnh Yên Bái tâm sự. Có đợt anh cùng một số chiến sĩ trong Đội CSĐTTPVMT Công an huyện Trạm Tấu đi phá bỏ cây anh túc của bà con trong xã Mù Si Láng.

Khi mà anh em vừa lấy dao, gậy phạt ngang cây thì nghe ở trên đất đá lao rầm rầm xuống. Anh em vội hò nhau chạy ngược lên ngọn núi đối diện mới thoát cơn “mưa đá” của mấy người dân. Vì tiếc nương anh túc họ đã đẩy đất đá xuống thung lũng để chống lại đoàn công tác.

Cũng trong thời gian ở Trạm Tấu, chúng tôi được nghe câu chuyện vào đầu tháng 3 năm ngoái, khi đoàn công tác của tỉnh tiến hành tìm diệt cây anh túc tại xã Bản Mù và Bản Công thì đến giữa tháng, một diện tích lớn rừng nguyên sinh của 2 xã trên đã bị thiêu rụi.

Nhiều cán bộ huyện nghi ngờ những con buôn ma túy tức tối vì mất đi nguồn thu, đã xúi giục bà con đốt rừng để “thiêu chết cán bộ". Rất may là đoàn công tác không ai bị thương.--PageBreak--

Để không còn một bông hoa anh túc nào

Các cơ quan chức năng ở Sơn La cũng như Yên Bái đã nhận định, nguyên nhân của việc bà con tái trồng cây anh túc trên một số huyện, xã của địa phương là do tập quán lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số là trồng và hút thuốc phiện.

Diện tích cây anh túc được trồng trên địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt, khó cho việc phát hiện, phá bỏ. Số người nghiện trên địa bàn còn cao, việc trồng anh túc cũng chính là để tự cung tự cấp v.v...

 

Lực lượng Công an, Quân đội tích cực tham gia phá cây anh túc.

Sau khi Nhà nước có chỉ thị phá bỏ cây anh túc, hầu hết các tỉnh đều chấp hành và thực hiện khá rốt ráo. Tuy nhiên bẵng đi một thời gian, lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền, một số hộ dân đã tái trồng. Mục đích phần để “tự cung tự cấp” cho con nghiện.

Có thể nói anh túc là loài cây thích hợp với đất Tây Bắc. Chỉ cần đốt qua một khoảng cỏ tranh, lấy hạt cây vãi một lớp rồi... bỏ đấy. 5 tháng sau quay lại là có thể thu hoạch. Cây anh túc còn khỏe hơn cả cây ngô. Những hốc đá, ven sườn đồi hay một nhúm đất cũng có thể là địa điểm để anh túc nở hoa. Chỉ cần trồng thành công một hécta anh túc, cả gia đình có thể đủ ăn... vài chục năm.

Thượng sĩ Tống Văn Hoàn – Công an huyện Bắc Yên kể cho chúng tôi nghe những lần các anh đi vận động. Lúc đầu, cứ thấy bóng dáng cán bộ là lập tức nhà nào cũng treo một cành cây xanh trước cổng (theo phong tục người Mông, treo cành cây có nghĩa là "không tiếp khách"). Thế là cả đoàn buộc phải ngủ lại trong rừng, mặc cho muỗi đốt, vắt cắn, mặc cho sương rừng, gió núi hành hạ.

Hôm sau, anh em phải vào nhà trưởng bản, nhờ trưởng bản tập hợp bà con, để tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều lần các anh ở tại bản cả tháng trời kiên trì vận động thuyết phục, dần dần bà con cũng hiểu ra, chỉ còn một số ít những con nghiện vẫn ngoan cố tìm cách trồng lén lút để sử dụng.

Nhưng không phải ở đâu công tác vận động cũng diễn ra suôn sẻ. Tại Trạm Tấu lẫn Bắc Yên, chúng tôi đã chứng kiến một số người dân ngang nhiên "ngả bàn đèn" ngay tại nhà, gặp người lạ vẫn "hồn nhiên" hút như không. Phải chăng chúng ta chưa có những biện pháp thực sự cứng rắn để xử lý những người vi phạm, khiến cho nhiều người “được thể làm càn"?

Có "cầu" thì mới có "cung", huyện Trạm Tấu có tới gần 500 đối tượng nghiện hút thì khối lượng thuốc phiện cần cho những đối tượng này sử dụng hàng ngày là không nhỏ.

Thượng tá Lường Bằng, Trưởng công an huyện Bắc Yên khẳng định. Suốt từ năm 1992 cho đến nay, năm nào Công an huyện cũng thành lập đoàn công tác để triệt phá cây anh túc. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở, nương anh túc thường trồng lén lút ở những nơi sơn cùng thủy tận nên việc triệt phá gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng người nghiện trong huyện còn nhiều, chuyện mỗi nhà trồng một diện tích không nhỏ nương để “tự cấp” là điều khó tránh.

Mấy năm trước, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng chục đối tượng về hành vi sản xuất trái phép chất ma túy ở Tà Xùa. Nhờ vậy diện tích trồng cây anh túc đã giảm hẳn. Những vụ chống đối lực lượng 06 cũng không còn.

Thượng tá Vũ Văn Hậu - Cục phó Cục CSĐTTPVMT- Bộ Công an khẳng định, cuộc chiến với việc tái trồng cây anh túc ở Tây Bắc còn rất gian nan. Không chỉ riêng lực lượng công an mà các ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc một cách nghiêm túc, tích cực.

Quan trọng hơn là phải phân rõ nhiệm vụ và quy trách nhiệm rõ ràng. Ban ngành nào không hoàn thành nhiệm vụ thì phải có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có những biện pháp hỗ trợ hợp lý cho bà con yên tâm canh tác.

Đêm trước khi Đoàn 06 rời Làng Sáng, tôi mới đem chuyện ban chiều gặp nhiều người phụ nữ trong bản khóc khi thấy Đoàn 06 đi qua, tâm sự với Thào A Vừ. Anh bảo: "Tôi cũng thấy chứ. Họ tiếc cái công “trồng cây đến ngày hái quả" mà không được thu hoạch. Nhưng chúng ta vẫn phải phá, cán bộ à".

Ngừng một lát, anh nói tiếp: “Huyện đã nhiều lần tuyên truyền cho dân tự nguyện phá bỏ, lại hỗ trợ cây trồng vật nuôi để thay thế cơ cấu kinh tế, nhưng một bộ phận dân chưa thực hiện. Chúng tôi sẽ còn đi phá bỏ cho đến khi nào Bắc Yên này không còn cây anh túc mới thôi..."

Minh Tiến
.
.