Tết của người Việt ở CHLB Đức

Thứ Năm, 26/01/2017, 09:05
Ba tháng hè sống dưới "nóc nhà của châu Âu", tôi đã tới thăm nhiều nơi nổi tiếng, cũng là những cái nhất của Berlin danh bất hư truyền. Xe tôi lướt nhanh trong ánh sáng chói lòa của những dãy nhà cao tầng nhiều kiểu đẹp, của những đường phố san sát ôtô, của nhiều cầu vượt, hầm ngầm, của mức sống nhiều nước chưa thể có.

Tôi cũng dành nhiều thời gian tìm đến với người Việt mình, không sống quần cư theo kiểu China Town của người Trung Quốc ở các nước, mà ở xa nhau và chỉ có thể tiếp xúc trong hai ngày nghỉ cuối tuần.

Bên ly bia lạnh, những cuộc tiếp xúc ấy để lại trong tôi bao hình ảnh khó quên. Cộng đồng người Việt ở Đức có người định cư tới 30 năm, hầu hết gần 15 đến 20 năm, đưa tôi ngược dòng thời gian hơn hai chục năm về trước, bồi hồi nhắc lại những năm tháng đầy sóng gió, phải gian khổ vượt qua mới có hôm nay.

Một nhóm Việt kiều ở Berlin sum họp trong bữa cỗ Tết Nguyên đán Bính thân 2016.

Quên sao được cái năm 1997, những người Việt sang Đông Đức để học nghề và hợp tác lao động từ năm 1980 được cư trú vô thời hạn, hưởng các phúc lợi xã hội như người Đức. Đến hôm nay, cuộc sống đã ổn định, cả cộng đồng đang sống bình yên tại các thành phố lớn, kể cả những quận ở Đông  Berlin. Nhưng, giờ đây, họ đã chia thành hai nhóm: 90% chuyển sang kinh doanh dịch vụ, chỉ còn 10% lao động trí óc và chân tay.

Tôi đã nhiều lần tới thăm hai chợ bán buôn lớn ở phố Rin 100 và phố Masan. Ngoài đa số người Việt, hai chợ còn có doanh nhân người Ấn Độ, Đức, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc. Người Việt ở Berlin và các tỉnh Đông Đức tới đây cất hàng của các nước Đông Nam Á nhập về, ôtô đã kín sân rộng. Thứ bảy là ngày giao hàng nhiều nhất trong tuần, người Việt có dịp gặp nhau, chuyện trò cởi mở.

Đi vào các gian bán thực phẩm châu Á, nghe những giọng nói thân thương, nhìn những bó rau muống, rau mùng tơi, rau dền, rau bí, xà lách, rau mùi xanh ngắt, những lọ cà pháo của cơ sở Liên Xuân, Tân Mai (Hà Nội), lọ mắm tôm Hậu Lộc (Thanh Hóa), những túi ớt vàng, ớt đỏ, nấm hương, mộc nhĩ, vị phở của Công ty Bách Khoa Hà Nội, những đĩa bánh cuốn thịt kèm dăm miếng chả lợn, đĩa xôi lạc, chè đậu xanh, đĩa bánh trôi, bánh chay… lại ngửi thấy mùi nước dùng phở thơm ngào ngạt từ Thăng Long quán bay ra, tôi cảm thấy cái không khí, cái mùi vị của phố cổ, của chợ Đồng Xuân Hà Nội.

Từ hai chợ bán buôn lớn và hàng trăm cửa hàng thực phẩm châu Á của người mình trên toàn nước Đức đều nhộn nhịp, sầm uất không kém các chợ và siêu thị của người Trung Quốc bên Pháp. Nhờ biết kinh doanh, chí thú làm ăn, ở Đức hiện có vài chục thương gia trở thành triệu phú. Trong số này, có bà Hà Ngọc Mai Tâm, người Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp đại học, ở lại Tây Đức làm ăn, lăn lộn trên thương trường, lần lượt mở tới hơn 20 cửa hàng thực phẩm ở Đông - Tây Đức, đều mang tên "Asia Mekong".

Tại cường quốc kinh tế này, còn có một lực lượng khá đông cán bộ khoa học người Việt, đã thành lập hội cựu du học, đang cố gắng làm được một cái gì cống hiến cho đất nước và chính bản thân mình.

Tôi cũng tới nhiều khu chung cư cao tầng, lên xuống bằng thang máy, thấy gia đình nào cũng có một căn hộ ba, bốn phòng rải thảm Thổ Nhĩ Kỳ, có đủ tiện nghi, còn ôtô đỗ hết hai bên vệ đường thành hàng dài, cứ khóa cửa lại, chẳng ai đụng đến, tuyệt đối an toàn. 

Đây là mái ấm của những cặp vợ chồng trẻ người Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, sống với một, hai đứa nhỏ sinh ra trên đất nước bạn. Người có bằng cấp làm phiên dịch, biên dịch cho các tòa án, mở văn phòng tư vấn pháp luật, dịch thuật, người làm công nhân, lao động cho các hãng kinh doanh hoặc công sở người Đức. Sống giữa trời Tây, bà con vẫn không đánh mất bản sắc riêng của dân tộc mình.

Thủ đô Berlin, Đức.

Trong phòng khách treo tranh tứ bình khảm trai "mai - lan - cúc - trúc", tranh thêu "Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc", tranh sơn mài "Thiếu nữ Hà Nội". Trong tủ tường bày bộ Tam đa, bộ ấm chén cổ, tượng đồng Lý Thái Tổ… Tôi để ý thấy nhà nào cũng có tờ báo An ninh thế giới, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới cuối tuần, Phụ nữ Việt Nam… đưa từ Hà Nội sang bằng máy bay, chỉ hôm trước, hôm sau tới nơi.

Được đón nghe nhiều là bản tin thời sự bằng tiếng Việt trên làn sóng "Đa văn hóa" của Đài Phát thanh Đức phát từ 19 giờ 30  phút đến 20 giờ chủ nhật hằng tuần. Song, ấn tượng nhất đối với tôi là người Việt đều ý thức được hoàn cảnh của mình mà lăn vào làm ăn, buôn bán, tích lũy đồng vốn gửi nhà băng, xây dựng cuộc sống ngày một đi lên. Mọi người sống gắn bó, đoàn kết, có định hướng chính trị tốt, tôn trọng pháp luật nước bạn, phần lớn không muốn vào quốc tịch Đức, khi hết tuổi lao động, sẽ trở về xây dựng quê hương với đồng lương hưu của Đức.

Rồi ngày 19-8 đến, đúng vào ngày nghỉ cuối tuần. Một nhóm người Hà Nội tổ chức liên hoan mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Tôi được mời dự, kể chuyện đất nước và thủ đô đổi mới. Bộ bàn ăn sang trọng của  gia chủ xếp gọn vào một góc. Tất cả ngồi trên sàn trải thảm hoa, thưởng thức món chả cá nóng hổi. Cái chảo to trên bếp ga đặt ở giữa. Nhưng miếng cá lăng tẩm nghệ vàng ươm bóng mỡ, tỏa hương thơm, tôi cứ tưởng mình đang ngồi trong cửa hàng Lã Vọng Hà Nội.

Ngày 2-9 cũng rơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Nhóm người Hà Nội khác cũng gặp nhau mừng đất nước đã hội nhập và phát triển. Hôm ấy, tôi ngạc nhiên trước món thịt cày của một anh vừa bay sang hôm trước, được ướp lạnh công phu, gói bọc kín đáo, lại cả hai chai "cuốc lủi" nút bằng lá chuối  khô, làm cho mấy chai rượu đắt tiền của Anh quốc phải để lại.

Các thứ gia vị bên này chẳng thiếu. Ăn xong, lại được tráng miệng bằng bánh cốm Hàng Than, cả nhãn lồng Hưng Yên to và ngọt lịm. Rồi, giữa tiếng nhạc Việt mở nhẹ, bên tách cà phê Trung Nguyên và khói thuốc Vinataba, tôi nghe kể về tết Nguyên đán ở Berlin.

Những ngày giáp Tết, trong hai chợ bán buôn và các cửa hàng thực phẩm châu Á của người mình nổi lên những tấm bánh chưng xanh (lá dong đưa từ Thái Lan sang), hộp mứt, cây giò lụa, gói nem chua, cây quất vàng bằng nhựa, cành đào bằng nilon mỏng, cả lịch treo mang hình những cô gái Việt Nam thướt tha tà áo dài dân tộc, báo Tết đưa từ Hà Nội sang.

Đúng 6 giờ chiều bên này là 12 giờ đêm giao thừa bên ta, ở hai chợ và gia đình người Việt ở các khu chung cư, đều khói hương nghi ngút, đèn nến sáng trưng, khấn vái tổ tiên, ông thần tài, thần chủ, phù hộ cho phát tài, sai lộc, rồi nổ pháo tưng bừng (pháo tràng của Hồng Công, pháo hoa của Đức). Rồi bà con ở chợ sang các gian hàng chúc mừng nhau năm mới, những chai rượu Tây nổ tới tấp như tiếng pháo.

Trong giây phút thiêng liêng này, ai cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em, nhớ quê hương da diết. Chính trong dịp Tết cổ truyền, Tết Trung thu, ngày 19-8, 2-9…, mới thấy vai trò của Hội người Việt Nam và nhiều hiệp hội khác.

Khắp nước Đức, cộng đồng người Việt đều tổ chức mừng xuân, mừng đất nước, đầm ấm tình quê hương. Nổi nhất là Hội người Việt Nam tại Dresden, Hội Việt - Đức, Hội từ thiện Carital Magdeburg, Hội trống cơm Berlin, CLB Vinaphunu đều tổ chức đêm liên hoan văn nghệ, thi hát mừng xuân, thưởng thức các món ăn dân tộc… Cảm động biết bao, khi giữa trời Âu xa vợi lại vút lên những tiếng đàn, lời ca về đất nước, thể hiện lòng nhớ quê hương của những người con xa xứ. Hội người Việt Nam và các hiệp hội còn tổ chức thi nói tiếng Việt, thi đọc sách, thi ca hát, thi vẽ có giải thưởng cho các cháu thiếu nhi từ 7 đến 10 tuổi.

Gặp nhau, cả cộng đồng chuyện trò hoan hỉ, lại nghĩ về đất nước, vui mừng thấy Đảng và Nhà nước đánh giá đúng vai trò của 4 triệu rưỡi người Việt Nam định cư ở hơn 70 nước trên thế giới, có chính sách khuyến khích, tạo cơ hội cho Việt kiều khắp nơi trở về góp phần xây dựng quê hương. Anh chị em nhắc đến những nhân tài, những người con ưu tú ở khắp Âu - Mỹ làm vẻ vang Tổ quốc.

Từ Hà Nội sang đây, được thấy và được nghe bao nhiêu cái hay của người Việt mình, tôi thấy lòng rạo rực niềm tự hào thầm kín. Tôi lại biết tin năm nay Việt kiều về nước ăn Tết đón Xuân Đinh Dậu 2017, tăng 40% so với Tết Bính Thân 2016. Tại các tỉnh thành phía Nam, dự kiến số Kiều bào về quê hương ăn Tết nhiều hơn.

Thọ Cao
.
.