Tết đến với muôn nẻo mưu sinh…

Thứ Tư, 22/01/2020, 07:39
Gần Tết Nguyên đán, nhiều người chuẩn bị hành trang về quê sum vầy cùng gia đình. Nhưng cũng có không ít người luôn “thất hứa”, nhiều năm không về quê đón Tết. Nhớ thương gửi phía lưng trời...

Nơi không có ngày đêm...

Một trong những nơi hoạt động khá náo nhiệt về đêm là chợ đầu mối Bình Điền trên đường Nguyễn Văn Linh (khu phố 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Chợ chuyên bán  thủy sản, rau, củ, quả,...

Khoảng hơn 19 giờ, từ đường Nguyễn Văn Linh đi vào đến chợ dài khoảng 300m, quán ăn uống và hàng hóa bày la liệt, nhạc ì xèo, tạo nên không khí vui nhộn, náo nhiệt của những ngày chuẩn bị đón năm mới.

Ghé vào một quán bên đường gần phía trước cổng kiểm kêu ly cà phê uống, để tinh thần tỉnh táo cho một đêm trắng chứng kiến cảnh “cuộc đời ở chợ”, nhìn hàng dãy xe tải lớn nhỏ từ các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh thành miền Tây chở hàng hóa đến chợ đầu mối Bình Điền vào ra tấp nập, bỗng thấy vui vui. Càng về khuya, số lượng xe ô tô ra vào mỗi lúc càng nhiều.

Qua lại như đưa thoi là những bốc vác, chạy hàng, đa số tuổi từ 20 đến 35, đồng phục đề chữ sau lưng là đội bốc vác ở chợ Bình Điền chạy xe máy vào khu vực chợ. Một số người hết ca tranh thủ ra ăn tô hủ tiếu, tô phở, uống ly cà phê... cho tỉnh táo.

Người lao động làm nghề bốc xếp náo nhiệt trong khu thủy sản.

Hai anh thanh niên bên cạnh cũng đang tranh thủ làm ly cà phê đá. Xe tải đến, họ sẽ nhanh chóng đưa hàng hóa xuống, xe đến lấy hàng thì bốc hàng lên xe. Xe hàng không được dừng lâu nên nhiều khi vừa lùa đũa bún vô miệng, dân bốc vác cũng vội đặt xuống, chạy ra bốc cho kịp. Việc vận chuyển này diễn ra rất nhanh nên đội trưởng phân ai là họ lo đi liền. Hàng hóa điều khiển họ, họ chỉ nghỉ khi không có xe hoặc hàng.

Phạm Văn Trúc quê ở Vĩnh Long, lên đây làm bốc xếp được 4 năm, vợ cũng làm ở đây nhưng công việc khác. Hai đứa con để ở quê nhờ ông bà nội trông coi, hằng tháng lĩnh tiền công gửi tiền về cho con ăn học. “Ở quê làm thuê làm mướn sống qua ngày, không có dư đồng nào. Lên đây làm, công việc vất vả hơn nhưng làm lâu cũng quen, thu nhập tạm đủ trang trải cuộc sống, còn gửi về quê nuôi con. Cuối năm việc nhiều hơn nên ở lại làm, chắc phải đến 30 tết tụi em mới về quê được”, Trúc tâm sự.

Trần Văn Thuấn, quê cũng ở Vĩnh Long, lên chợ đầu mối làm được hơn 2 năm. Khi mới lên đây anh chuyên chở đá lạnh công ty cung cấp cho các vựa thủy sản tại chợ đầu mối. Hơn một năm nay anh chuyển qua làm bốc xếp hàng hóa cùng với anh Trúc. Anh Thuấn có vợ và một con nhỏ, vợ ở quê chăm sóc con. Anh lên đây một mình, ở trọ cùng một số người làm chung, hằng tháng lĩnh lương gửi về cho vợ nuôi con.

Thuấn tâm sự: “Cuối năm cũng được thưởng một ít tiền cùng với lương nữa, đưa về cho vợ mua sắm đồ tết. Hết tết lại lên. Cố gắng kiếm tiền lo cho con cái ăn học để sau này nó không khổ như mình”.

Đến giờ tôi cũng đi theo họ vào chợ để tìm hiểu. Trong các nhà lồng chợ được phân ra khu chuyên bán hoa, trái cây, rau, thủy sản,... Khu nào cũng tất bật. Tốc độ làm việc phải nói là chóng mặt, ai cũng như chạy đua nhưng không ai vướng ai. Khi hàng hóa chuyển vào nhà lồng, nhân viên của từng quầy hàng lại phân loại hàng hóa để bán. Tại khu bán thủy sản, chỗ thì một số người đang ngồi nạo cá để làm chả cá, chỗ thì phân loại cá, tôm, cua... Khu rau, củ, quả... hàng hóa từ trên ô tô xuống được phân loại và bày sẵn. Số bán tại chỗ, số chờ vựa mối đến lấy đi...

Chị Lệ và mẹ con chị Tim ngồi chặt sả tại chợ đầu mối Bình Điền.

Trong nhà lồng có 3 phụ nữ đang miệt mài chặt những cây sả. Chị Lê Thị Tim (44 tuổi, quê Sóc Trăng), làm công việc chặt sả thuê ở chợ đầu mối này hơn 2 năm nay. Trước đây vợ chồng chị đi bán hàng rong trên ghe dọc các con kênh ở quê, thu nhập bấp bênh. Vợ chồng chị chạy ghe lên TP Hồ Chí Minh, neo đậu ghe tại sông Kinh Đôi và lên chợ này làm thuê, mỗi ngày kiếm hơn 100 ngàn đồng/người. Con gái học hết lớp 4 thì nghỉ theo mẹ đi chặt sả kiếm tiền, hiện cháu 14 tuổi.

Ban ngày gia đình chị Tim làm việc ở đây, tối xuống ghe ở dưới sông nghỉ ngơi. Tết, cả gia đình chị cũng sẽ về quê, sau tết lại khăn gói lên TP Hồ Chí Minh làm thuê. Chị cười: “Thương con gái phải nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền cùng ba mẹ. Mà có học cao thì cũng phải đi xin việc làm, ngày càng khó khăn, thôi làm kiếm tiền được sớm thì làm, đến tuổi thì lấy chồng”. Nghe mẹ kể lể, con bé chỉ cười bẽn lẽn: “Cũng vậy thôi chú, chủ vựa nghỉ tết thì cháu nghỉ về quê, sau tết lại lên đi làm thuê với ba mẹ”.

Bà Nguyễn Thị Lệ (62 tuổi, quê ở Kiên Giang) làm việc trong chợ đầu mối Bình Điền đã được hơn 10 năm, cùng với chồng. Trước đây, chồng bà làm bảo vệ trong chợ. Quen nếp làm việc ở quê, sáng ra ruộng kiếm được con cá con cua... đem về nấu ăn. Vào làm bảo vệ theo giờ giấc, không phù hợp nên chồng bà xin nghỉ việc quay về quê. Bà vẫn trụ lại ở trọ gần chợ. Mới vào bà làm công việc lựa ốc trong khu thủy sản của chợ, sau đó chuyển sang chặt sả. Đã chục cái tết bà không về quê.

“Tết làm có tiền nhiều hơn ngày thường nên tôi ở lại làm việc, sau tết mới về. Tết về thì chỉ tốn tiền nên tôi không về. Do ông bà mải đi làm ăn và không có tiền nên các con của bà học hành cũng dở dang. Khu chợ Bình Điền không có trường học nên con cái của những người từ nơi khác đến đây làm thuê hầu hết không đi học. Ai có điều kiện thì gửi con vào trường tư thục nhưng số này không nhiều.

Khu dân cư Bình Điền nằm hai bên phía ngoài đường đi vào chợ đầu mối có quy hoạch trường học nhưng hơn chục năm nay không thấy trường “mọc lên”. Chỉ tay về phía khu đất trống, ông Nguyễn Văn Phàn, ở khu phố 6, phường 7, quận 8, cho biết: “Đấy là nơi chủ dự án khu dân cư này nói sẽ xây trường học nhưng không thấy trường đâu con cái chúng tôi ở đây đều phải đưa đi nơi khác học, nhiều nhất là xin học ở Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Người dân sinh sống ở đây còn không có trường cho con cái học, huống gì là người từ nơi khác đến...”.

Trời đã chuyển sang ngày mới từ bao giờ. Đã gần 4 giờ sáng nhưng trong chợ này hoạt động vẫn luôn diễn ra một cách hối hả. Ở chợ đầu mối chỉ có giờ làm việc, không có khái niệm ngày hay đêm.

Nhân viên bốc xếp trái cây trong khu rau, củ, quả.

Còn nhiều người cũng không về quê đón Tết

Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cũng là nơi nhiều người không nghỉ tết. Chị Nguyễn Thanh Huyên vừa đi làm ca chiều - tối về. Chị Huyên quê ở Lâm Đồng, hai vợ chồng cùng làm công nhân trong một công ty gia công thủy sản ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc được 8 năm. Thuê căn nhà nhỏ trong con hẻm ở đường Thới Hòa làm nơi ở và đi làm cho gần, nhờ tích góp tiết kiệm nên đến nay cuộc sống gia đình chị cũng ổn. Có điều, để có tiền mua nhà ở TP Hồ Chí Minh thì đó vẫn chỉ là trong “giấc mơ”.

Cũng thuê căn nhà nhỏ ở gần nhà chị Huyên, chị Trần Thị Oanh (quê ở Cà Mau) đã đón 9 cái tết ở thành phố. Vẻ buồn buồn, chị Oanh tâm sự: “Chị cũng muốn về quê đón tết cùng gia đình nhưng chi phí không nhỏ... Mình lên Sài Gòn đã lâu, cuộc sống vẫn khó khăn nên giờ về quê ăn tết cũng ngại”.

Gia đình chị có đến 7 anh chị em, hầu hết chỉ học hết tiểu học thì nghỉ để mưu sinh. Cách đây 10 năm, chị Oanh quyết định lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm. Do không có bằng cấp nên chị xin vào làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Sau đó chị gặp anh và hai người ở với nhau như vợ chồng, chỉ làm mâm cơm cúng trời đất, tổ tiên nhờ chứng giám và chỉ có một số anh em bàn bè đến chia vui cùng anh chị.

Nhân viên phân loại cá tại nhà lồng thủy sản.

Anh thì chạy xe ôm ở một trạm xe khách trên đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP Hồ Chí Minh). Thu nhập của vợ chồng chị cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống. Sau 4 năm làm ở Bình Dương, chị xin nghỉ việc và chuyển về xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) thuê mặt bằng bán hàng hóa ở chợ tạm Thới Hòa. Bán được một năm thì chủ nhà lấy lại mặt bằng, chị phải bán hết hàng nhưng bị lỗ vốn, mang nợ 7 triệu đồng. Sau đó chị nghỉ kinh doanh và vào một con hẻm gần chợ này thuê nhà ở trọ. Nơi chị thuê trọ có khu đất trống, chị ở nhà nuôi gà bán trứng và gà thịt, ban đêm thì đi lượm ve chai.

Cứ đến gần tết, thấy mọi người về quê, lòng chị lại nao nao. Cách đây 4 năm, vợ chồng chị có về quê Cà Mau đón tết một lần, rồi khó khăn nên từ đó đến nay không về. Tiền vé xe hai vợ chồng đi về cũng ngót nghét cả triệu đồng mà chạy xe máy về thì quá xa, nguy hiểm. Không chạy xe máy thì về quê không có xe đi lại, bất tiện. Hai người con của chị cũng đã lập gia đình riêng ở Bình Dương. Cứ tết thì con cái và 3 người em của chị cũng đang làm công nhân ở Bình Dương lại tụ về chỗ vợ chồng chị để cùng đón tết, coi như một góc gia đình nhỏ.

Khổ nhất là tết của năm kinh doanh thất bại. Đến ngày 28 tết mà vợ chồng chỉ có ít tiền. Chồng chị chạy xe ôm liên tục 3 ngày liền có thêm chút nữa, tối 30 mới đi sắm đồ tết. “Tết cũng chỉ hơn ngày thường là nồi thịt heo kho trứng, ít bánh kẹo, mứt, bánh tét... Không có bằng cấp thì thu nhập thấp. Có ít ăn ít, cố gắng làm ăn, không vi phạm pháp luật là được”, chị Oanh tỏ ra nhẫn nại bằng lòng.

Xa hơn, anh Mai Văn Hơn, quê ở Thanh Hóa vào TP Hồ Chí Minh sinh sống được 6 năm, cũng ở trọ cùng khu vực. Trước đây công việc làm bốc xếp ở một vựa gạo tại quận Bình Tân,  thu nhập cũng tạm ổn. Không may, do vác nặng quá, xương sống anh bị chấn thương, phải nghỉ việc để chữa trị.

Tiền tích góp cạn dần, phải điện thoại về xin tiền chữa trị, mặc dù biết cha mẹ cũng rất khó khăn. Cha mẹ anh phải đi vay tiền gửi vào cho con chữa trị nhưng xương sống vẫn còn đau nên không làm nặng được. “Bằng cấp không có, lại bị đau cột sống nên xin việc cũng khó khăn. Tết không mơ về quê, tiền đâu mà về”. Cứ vậy, tết này trôi qua, tết khác lại đến, đã 5 mùa...

Khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn có người chạy xe ôm tên là Nguyễn Văn Thế, quê ở Quảng Trị. Hơn 10 năm, chạy xe ôm thu nhập cũng thất thường. Nói đến chuyện về quê ăn tết là anh lắc đầu: “Mình xa quê mà chưa dư dả nên ngại về quê. Khi nào gia đình có công việc lớn mới về. Tết thì phải ở lại để cày, cả năm trông vào mấy ngày cuối năm, đành lỡ hẹn với cha mẹ”. Thường thì sáng 30 tết anh điện thoại về quê hỏi han và thông tin tết sẽ không về. Biết cha mẹ buồn nhưng đành phải chịu.

Có khách gọi anh Thế chở đi công việc. Thế nói: “Anh phải chạy mấy cuốc kiếm tiền lo tết cho các cháu. Em ăn tết vui vẻ nhé”.

Không có nhiều thời gian cho toan tính với nỗi buồn, chiếc xe máy vội lao vào dòng người hối hả trên đường. Cũng coi như họ đang chạy về hướng tết.

Nguyễn Cảnh
.
.