Thám tử tư thời 4.0: Khung pháp lý nào cho hoạt động thám tử tư?
Chính vì chưa có quy định rõ ràng nên ranh giới giữa hoạt động cung cấp thông tin và xâm phạm đời tư cá nhân là rất mỏng manh.
Đòi hỏi cần phải quản lý hoạt động này để tránh những hệ lụy không tốt cho xã hội là một yêu cầu đặt ra. Muốn thế, có lẽ cần phải có những quy định, luật hóa để hoạt động này đi vào khuôn khổ.
Hợp pháp hay không hợp pháp?
Theo luật sư Bùi Đình Ứng (thuộc Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư Hà Nội) thì theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động thám tử tư hiện chưa có khung pháp lý rõ ràng.
Nghề thám tử tư cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. |
Theo Luật đầu tư 2014, trong số ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh không có ngành nghề kinh doanh dịch vụ thám tử tư. Tại quyết định 10/2007/QĐ-TTg dịch vụ điều tra cũng được quy định là một ngành trong Hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại 2015, Chính phủ "treo lệnh cấm" đối với dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, theo Luật Dân sự 2015 thì: "Việc sử dụng ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác" và "Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".
Như vậy có thể thấy pháp luật hiện hành chưa có quy định thống nhất về dịch vụ thám tử tư. Khi chưa có quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất về vấn đề này, thì dịch vụ thám tử tư vẫn chưa thể hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Do đó, mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật. Cả người cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành.
"Chính do những quy định chưa thống nhất như vậy nên hiện thám tử tư chưa được coi là một "nghề" ở nước ta. Cũng chính vì thế mà nếu như "tai nạn" xảy ra thì thám tử sẽ là người phải chịu thiệt thòi đầu tiên. Cũng do chưa có một quy định nào của pháp luật nên giới hạn phạm vi được theo dõi, điều tra đối với nghề thám tử cũng chưa có. Do vậy rất dễ dẫn đến những hành vi xâm phạm đời tư cá nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự" - Luật sư Ứng nhấn mạnh.
Còn theo Luật sư Nguyễn Hữu Toại (thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì tháng 7-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20-8-2018. Theo quyết định này, đã có quy định mã ngành về dịch vụ điều tra là mã: 803 - 8030 - 80300. Nhóm này gồm: Dịch vụ điều tra và thám tử. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, thuộc các loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này. Như vậy theo quyết định trên thì hoạt động thám tử là… hợp pháp.
Mặc dù vậy, pháp luật cũng quy định những thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật gia đình, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì tổ chức hoạt động nghề thám tử không được phép cung cấp. Nếu vi phạm thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động, hoặc khởi tố hình sự nếu cấu thành tội phạm.
Đặc biệt, trong trường hợp thám tử vi phạm quy định của pháp luật, căn cứ vào hợp đồng thuê dịch vụ cũng có thể xác định trách nhiệm pháp lý của người thuê nếu nội dung thuê vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
Hoạt động thám tử tư nên được đưa vào khuôn khổ?
Một luật gia thuộc Đại học Luật Hà Nội khẳng định hoạt động thám tử tư chưa được phép hoạt động ở nước ta. Theo Luật đầu tư năm 2014, ngành nghề này chưa được quy định trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh nhưng do nó xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân nên trái với quy định pháp luật.
Hoạt động thám tử rất cần được đưa vào khuôn khổ. |
Theo luật gia này, hoạt động của các thám tử bí mật thu thập thông tin cá nhân là xâm phạm đến quyền bí mật đời tư được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Hành vi này có khả năng bị xử lý hình sự về các tội liên quan như tội xâm phạm chỗ ở của công dân, xâm phạm bí mật an toàn thư tín... Cả người cung cấp thông tin liên quan bí mật cá nhân của người khác và thám tử khi sử dụng thông tin đó để theo dõi đều có thể vi phạm pháp luật.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các công ty thám tử tư cam kết về tính bí mật của hợp đồng và giữ kín dữ liệu, hình ảnh về người bị theo dõi. Tuy nhiên đã có không ít trường hợp người bị theo dõi phát hiện sự việc, hoặc công ty thám tử "hai mang", vừa nhận tiền bên này vừa cung cấp thông tin cho bên kia... Bên cạnh đó các hợp đồng ký kết giữa khách hàng và thám tử để theo dõi người khác thường có nội dung chung chung, nhằm tạo niềm tin cho hai bên. Cũng vì vậy mà khi có tranh chấp xảy ra thì rất khó giải quyết.
Luật sư Ứng phân tích thêm: Việc thuê thám tử tư nếu bị lộ thì người thuê không chỉ chịu trách nhiệm pháp lý mà còn đối mặt với những hậu quả như bị kỷ luật ở cơ quan, tổ chức... Ngay cả với những trường hợp thuê thám tử tìm người gây tai nạn rồi bỏ trốn, đối tượng bắt cóc, quấy rối điện thoại... pháp luật cũng không cho phép. Dựa vào các nguyên tắc thu thập chứng cứ trong tố tụng, những thông tin dạng này khó được công nhận.
Còn theo một điều tra viên giàu kinh nghiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thì dù chưa có quy định của pháp luật song nhu cầu tìm hiểu, cung cấp thông tin về cá nhân, tổ chức là có và ngày một nhiều. Chính vì vậy mà nhiều văn phòng thám tử tư ra đời, làm ăn khá "phát đạt".
Tuy nhiên cũng do chưa có những quy định rõ ràng thám tử tư được quyền tìm hiểu, điều tra đến đâu… nên hoạt động này rất dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, đã được quy định trong Bộ luật Hình sự như: "Xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác"; "Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác"; thậm chí là: "Làm nhục người khác"; "Cố ý gây thương tích"; "Cưỡng đoạt tài sản"… Vụ án cướp tài sản xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình.
Một số clip trong quá trình thu thập thông tin được thám tử ghi lại. |
Cũng theo điều tra viên, người dân phải hiểu việc sử dụng dịch vụ thám tử có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Các công ty thám tử tư cũng phải nhận thức việc theo dõi bí mật đời tư của người khác là vi phạm pháp luật, khi các cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Còn nhớ vài năm trước, tại xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) đã xảy ra một vụ đánh ghen rồi dẫn đến việc người vợ bị khởi tố về hành vi làm nhục người khác. Do nghi ngờ hai nữ sinh lớp 12A trường THPT ở Phúc Thọ là N.Đ.X. và N.T.H. có quan hệ "ngoài luồng" với chồng mình, đối tượng Nguyễn Thị Nụ (SN 1989) và Đinh Thị Huệ (SN 1992) đã thuê người theo dõi và giữ cháu X. và H. để "đánh ghen".
Nụ và Huệ đã dùng kéo cắt tóc hai nữ sinh này, sau đó ép phải lạy rồi vừa đánh vừa bắt viết giấy vay tiền. Thậm chí, họ còn bắt 2 nữ sinh phải làm những việc rất bỉ ổi, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm của hai nữ sinh này rồi quay phim lại. Sau khi sự việc xảy ra, bố đẻ X. và H. gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Tiếp nhận và xác minh thông tin, Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án làm nhục người khác và bắt tạm giam các đối tượng để điều tra làm rõ.
Trước thực tế phức tạp liên quan đến những hợp đồng theo dõi, thu thập thông tin hiện nay, các luật sư cũng kiến nghị đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận về hoạt động thám tử tư để có những giải pháp xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý hoạt động này theo quy định của pháp luật. Nó sẽ thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Văn phòng thám tử phải có đăng ký kinh doanh với nhà nước. Các thám tử của văn phòng cũng phải chứng minh mình có đủ kiến thức hiểu biết về pháp luật cũng như quy định đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời cơ quan chức năng quản lý, giám sát các Văn phòng dịch vụ thám tử này định kỳ…