Tiệm sửa giày "rách ít đùm rách nhiều"

Chủ Nhật, 21/06/2015, 07:45
Việc thiện, bản thân nó đã là một bông hoa đẹp tô thắm cho đời, đâu cần lớn hay bé. Giữa bộn bề phồn hoa của thành phố hơn 12 triệu dân, vẫn có những con người ngày ngày cặm cụi cuộc mưu sinh, nhưng vẫn một tâm niệm giúp đời, giúp người đồng đẳng, như một lẽ sống bên cạnh bao toan lo vất vả… Để rồi, gieo thêm cho cuộc đời này niềm tin vào con người, tình người, như một minh chứng rõ rệt nhất của truyền thống bao đời nay của người Việt “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”… giữa mảnh đất Nam Bộ hào sảng.
>> Người thầy thuốc và món nợ "tình nguyện viên"

1. Trưa mùa khô. Nắng hừng hực phả xuống mặt đường Huỳnh Văn Bánh không một bóng cây, hắt sang hai bên vỉa hè, bức bối đến nghẹt thở. Chiếc quạt cỡ trung từ phía sau nhà thổi ra, vẫn không thể hạ nhiệt được cho cái cửa tiệm sửa giày chỉ nhõn chừng 2m², chất đầy giày dép, nguyên phụ liệu sửa chữa.

Lý Ngọc Bình đã có vẻ thấm mệt. Căn bệnh phong thấp mắc phải từ hồi bé, cứ khi nào mệt mỏi, bắt đầu tái phát. Cánh tay của Bình run nhẹ, khiến cho những đường cắt tạo rãnh trên mặt đế cao su gặp khó khăn. Nhưng anh không thể dừng lại, vì đằng sau lưng, lượng giày dép chờ đợi đang còn chất đống.

11 h30, 2 người phụ nữ tấp xe vào lề, nhìn chăm chú vào 2 tấm giấy A4 màu trắng ép plastic, trên có ghi dòng chữ "Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác" và "Nơi đây có phát mì chay miễn phí vào ngày rằm, mồng 1 hàng tháng". Người phụ nữ đứng tuổi khẽ reo nhẹ "Đây rồi"!

Chị Đoàn Thị Nga, trú tại Tân Định, đã đi tìm cửa hàng của anh thợ giày Lý Ngọc Bình hơn một tháng trời. Con gái chị Nga đọc báo, xem truyền hình đưa tin về tiệm giày của anh Bình, kể với mẹ. Từ lúc đó, chị luôn hối con gái đưa mình qua tận nơi để xem như thế nào.

Chỉ vào bọc giày dép chừng 4-5 đôi đem theo, chị Nga cười giải thích: "Đây là lần thứ 5 thứ 6 tôi và con gái đi qua đường Huỳnh Văn Bánh này để tìm, giờ mới thấy. Tiệm nhỏ quá, biển chữ lại nhỏ, mắt tôi lại kém, nên không phát hiện ra".

Là một phật tử hay đi làm công quả tại Linh Quang Tịnh Xá bên quận 4, khi nghe câu chuyện về tiệm giày của anh Bình, lại ở ngay cùng quận Phú Nhuận, chị Nga nhất quyết tìm cho bằng được. Giao cho anh Bình mấy đôi giày, chị yêu cầu 1 đôi phải được làm lại đế trong vòng 1 tiếng. Lý Ngọc Bình cười mà miệng méo xệch, coi như bữa trưa của chúng tôi lại phải để qua chiều mới có thời gian dùng.

Cường độ lao động của phật tử có pháp danh Thiện Tâm dày đặc cả ngày: 8h – 19h sửa giày dép, đêm nhận báo và giao báo giúp chủ nhà lúc 3h sáng.

Đúng 12h30, mẹ con chị Nga quay lại. Đôi giày nữ dán lại đế của chị đang được hoàn thiện giai đoạn cuối. Nhìn anh Bình mặt mũi che khẩu trang kín mít, mài nốt miếng dán cho thật khít vào form đế, chị tỏ rõ sự hài lòng. "Tôi hay đi hỗ trợ làm việc thiện, nên có kinh nghiệm để ý cung cách làm việc và thiện tâm của người thực hiện. Tôi thấy anh Bình thực sự làm việc, làm cẩn thận, chu đáo chứ không qua quít, nên tôi rất yên tâm", chị Nga chia sẻ.

2. Hóa ra, người thợ sửa giày sinh năm 1984 Lý Ngọc Bình cũng là một phật tử. Ông nội của Bình, ngày xưa đã từng trụ trì trong ngôi chùa của gia đình mang tên Thiên Hưng, trên tận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cậu bé Lý Ngọc Bình lớn lên ngay trong ngôi chùa tại xóm Chùa, đường Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương. Từ bé, Bình đã có pháp danh là Thiện Tâm.

Xóm Chùa khi ấy lại có vài gia đình theo nghề đóng giày. Lý Ngọc Bình, từ khi còn nhỏ, đã theo chân hai người thầy Ngô Bảo Giang và Lê Thanh Tự, học được nghề đóng và sửa chữa giày dép. Cứ ngỡ học để phòng thân, ai ngờ sau này, nghề chọn người chứ người không chọn được nghề, cái nghiệp sửa giày lại vận vào cuộc đời phật tử có pháp danh Thiện Tâm ấy.

Nhưng cha mẹ cậu lại không tiếp nối con đường tu tập. Ông nội mất, bố mẹ Bình đem theo 4 anh chị em, theo họ hàng phiêu bạt về tận xã Tân Lập, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Ở đây được vài năm, gia đình nhỏ ấy yên ổn với một quán cà phê và công việc làm rẫy trên vùng kinh tế mới.

Dừng học hành từ khi hết lớp 9, năm 2007, Lê Ngọc Bình đặt chân vào đất Sài Gòn, bắt đầu mưu sinh bằng việc làm lễ tân cho khách sạn. Sau một thời gian, thấy vẫn còn thời gian rảnh, Bình mở thêm một tiệm sửa giày nho nhỏ để kiếm thêm. Ngay từ khi mở tiệm, với tâm thế và niềm tin của một phật tử, Lý Ngọc Bình đã âm thầm không lấy tiền của những người nghèo tới sửa giày dép.

Năm 2008, cha của Bình qua đời. Cú sốc này khiến cậu bé, vốn có cả tuổi thơ thấm đẫm giáo lý nhà Phật, đã có những suy nghĩ già dặn hơn về cuộc sống, về cõi tạm, về Niết Bàn. Lý Ngọc Bình muốn được làm một công việc gì đó, có thể thỏa mãn ước nguyện của mình, là giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

Căn phòng nhỏ vừa là nơi ngủ, vừa là nơi chứa đồ, vừa là kho hàng từ thiện của anh Lý Ngọc Bình. Tiện nghi hiện đại duy nhất là chiếc radio cũ, và nhờ nó anh Bình mới có cơ hội gặp bạn gái qua chương trình kết bạn.

3. Năm 2012, Bình dừng tất cả công việc khác lại, chuyên tâm vào việc sửa giày. Cũng từ thời điểm này, tấm biển sửa chữa giày dép miễn phí cho những người nghèo cùng cảnh ngộ đã được Bình trân trọng đặt lên nóc tủ giày. Mọi người bắt đầu biết đến một tiệm giày của một thanh niên nghèo, nhưng lại giúp đỡ người nghèo, trên đường Huỳnh Văn Bánh.

Kể cũng là công đức tuần hoàn. Lý Ngọc Bình may mắn gặp được người chủ nhà tốt bụng. 2m2 mặt tiền trên đường Huỳnh Văn Bánh, cộng thêm một căn phòng 10m2 làm chỗ ở trên gác lửng, ông chủ nhà chỉ lấy có 1,2 triệu đồng/tháng.

Ngược lại, Bình có nhiệm vụ hỗ trợ ông chủ, vốn làm nghề đại lý phát hành báo, nhận báo lúc buổi tối, và giao báo cho người bán lẻ lúc 3h sáng. Thế là, 3 năm nay, cuộc sống của người thanh niên sửa giày cố định theo một thời gian biểu bất biến: 8h – 8h30 mở hàng sửa giày; 19 giờ đóng cửa; ăn uống tắm giặt xong là nghỉ ngơi chờ nhận báo; sau đó 3h sáng giao báo. Trong cả chuỗi ngày bộn bề công việc đó, người bạn duy nhất của Lý Ngọc Bình, là chiếc radio màu đen.

Tiếng lành đồn xa. Khi các phương tiện truyền thông ghi nhận công việc có ý nghĩa của Bình, và tôn vinh nó, thì càng nhiều người biết đến Bình hơn. Họ hỗ trợ anh, bằng việc đem giày dép đến sửa. Không những vậy, họ còn để lại những đôi giày không dùng tới, để Lý Ngọc Bình sửa chữa sơ qua, rồi tặng cho những người bán vé số, thu gom rác, ba gác, xích lô, xe ôm… Số lượng giày dép được cho ngày càng nhiều, chất thành đống.

"Thực ra số lượng những người em làm miễn phí ghé qua cũng không quá nhiều. Đa phần, khi đi làm, họ đều đi dép lê. Họ chỉ mang đến sửa những đôi giày đôi dép lịch sự dành cho việc đi ăn cưới hỏi thôi. Thế nên trong số giày dép được cho, em kiếm những đôi nào còn có thể sửa chữa được, hợp với công việc đi bộ nhiều của họ, rồi tặng những ai có nhu cầu" - Lý Ngọc Bình chia sẻ.

Cô Đoàn Thị Nga đã dành thời gian hơn 1 tháng trời để tìm bằng được tiệm sửa giày của Lý Ngọc Bình, thỏa mãn tâm nguyện tìm đúng địa chỉ để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn.

4. Không dừng ở đó, khi số lượng giày dép qua sử dụng được tặng quá nhiều, Bình tìm kiếm những "kênh" khác để chia sẻ tới những người đang thực sự cần chúng. Qua những người đến sửa giày dép, Bình biết được có những nhóm từ thiện vẫn âm thầm hàng tháng gom góp quần áo, thực phẩm, thuốc men… để tặng cho bà con nghèo còn khó khăn.

Và thế là, những đôi giày đôi dép, từ những nhà hảo tâm, được sửa chữa qua bàn tay của Lý Ngọc Bình, được chuyển cho những cô Ngộ, những anh Đông, rồi qua bao nhiêu hành trình xa ngái, cùng với những đoàn từ thiện, đã đến tận tay bà con nghèo tại Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum…

Rất thẳng thắn, Lý Ngọc Bình không ngại ngần khi chia sẻ rằng, một tháng anh kiếm được bao nhiêu tiền từ việc sửa chữa giày dép: "Kể từ ngày được mọi người quan tâm ủng hộ bằng cách mang giày dép đến sửa, một tháng, thu nhập trung bình của em đã cố định ở mức 7-8 triệu đồng".

Cũng từ khi thu nhập đã cố định ở mức đủ sống, ý tưởng làm việc thiện của Lý Ngọc Bình đã có bước phát triển mới. Mỗi tháng, Bình trích từ khoản tiền kiếm được mua 20 thùng mì chay, rồi chia làm 2 đợt, phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn, vào ngày mùng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng.

"Mỗi thùng mì chay em mua buôn với giá 65.000đ/thùng. Mỗi đợt em phát 10 thùng. Tổng số lượng tặng ra trung bình 20 thùng/tháng, hết khoảng 1,3 triệu đồng. Nhiều người biết việc em làm, họ ủng hộ bằng cách mua lại 1-2 thùng mì, rồi nhờ em phát dùm họ" - Bình chia sẻ. "Mỗi người em phát 1 bịch, trong đó có 5 gói mì. Người đến nhận thì người nghèo xung quanh đây cũng có, mà người nơi khác đến cũng có. Cũng may mắn, họ thương em, nên không có ai chọc phá, những người đến lấy mì đều là người thực sự cần" - Bình cho biết.

5. Cửa hàng 2m2 không nói đến, nhưng khi theo Lý Ngọc Bình leo lên cái cầu thang gỗ dựng đứng để lên nơi Bình ở, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Căn phòng 10m2 của người sẵn sàng trích ra gần 1/4 thu nhập hàng tháng để làm từ thiện, lại không hề có thứ đồ đạc nào đáng giá.

Không tivi, không tủ lạnh, không máy tính. Không có bất cứ thứ gì liên quan đến cuộc sống bình thường của một chàng trai 31 tuổi vào thời điểm năm 2015 cả. Gần nửa căn phòng chất đống là giày dép cũ, các nguyên liệu phụ kiện để sửa chữa giày dép. Căn phòng tràn ngập mùi da, mùi cao su, mùi keo dán, mùi simili… nồng nặc đến nhức mũi.

…Nhưng đến khi gặp Lý Ngọc Bình, tôi mới cảm nhận được, chữ "duyên" lẫn chữ "nhân quả", hình như là có sự xoay chuyển lẫn đền đáp rất nhanh vậy.

Có ai ngờ, một chàng trai sửa giày dép, lúc nào cũng ngập trong bụi đen mù của cao su mài, tay trầy trụa vì dao và dùi, người đầy mùi keo dán, không có bất kỳ một phương tiện giải trí hiện đại nào, ngoài chiếc điện thoại có thể kích hoạt được một tài khoản Facebook vài năm mới update được một trạng thái, lại có thể có được bạn gái giữa đất Sài Gòn. Mà cách họ gặp nhau, hóa ra lại từ ông tơ bà nguyệt là chính chiếc đài radio màu đen, cũ kỹ, trị giá vài chục ngàn bạc.

Công việc quần quật cả ngày, chỉ có chiếc radio làm bạn, và chương trình Quà tặng Âm nhạc của Đài Phát thanh Bình Dương, lại đưa chàng trai sửa giày và cô công nhân ở quận 9 đến với nhau. Qua 2 lần tặng bài hát, họ đã liên lạc với nhau. Biết hoàn cảnh của nhau, trở thành bạn bè, rồi thương nhau lúc nào không hay, họ đã có kế hoạch xây dựng tương lai trong 2 năm tới.

"Cô ấy biết rõ hoàn cảnh của em. Bố mẹ cô ấy cũng biết, và ủng hộ. Một thời gian sau, khi đài báo nói về công việc của em, cô ấy càng đồng cảm và ủng hộ em hơn" - Bình cười hạnh phúc khi kể về câu chuyện của mình.

Ước mơ của anh thợ sửa giày trên đường Huỳnh Văn Bánh ấy, là gom góp tích luỹ, để 2 năm sau có tiền lấy vợ. Nhưng ước mơ lớn hơn của Bình, là tiệm giày tình nghĩa này phát triển ổn định, để anh có thể nghĩ đến việc tuyển những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về, để truyền cho nghề sửa giày, hoàn toàn miễn phí. "Đó thực sự là điều em phải làm, có như vậy mới thực sự mãn nguyện", phật tử có tên Thiện Tâm khẳng định!

Việt Đông
.
.