Thao thức Hòa Vân

Thứ Bảy, 20/03/2021, 11:44
Nằm dưới chân đèo Hải Vân, ngôi làng ấy từng là chốn nương thân của những phận đời nghiệt ngã - những người bị mắc một trong “tứ chứng nan y”. Giờ nơi đây đã chuẩn bị biến thành một khu nghỉ dưỡng tỷ đô nhưng vẫn có nhiều người làng cũ tìm về với niềm khắc khoải.


Làng phong thuở ấy dưới chân đèo

Ngôi làng này trước đây có tên là làng Vân, hay Hòa Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhưng còn có một tên khác ít người biết là Hy Lạc Viên. Làng nằm dựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra vịnh Nam Chơn hiền hòa mà thiêm thiếp ngủ giấu nỗi đau đời. Đây là khu dân cư biệt lập của những người không may mắc bệnh phong (cùi, hủi) trú chân sau những chặng đường chạy trốn mỏi mệt tha phương để tránh sự hắt hủi, kỳ thị của chính gia đình, đồng bào.

Ngôi làng bị cô lập như một ốc đảo này thuở ấy chỉ có 291 người. Làng này trước đây là một vùng đất biệt lập. Năm 1968, một lính Mỹ ra đây lập trại để nuôi dưỡng người bị bệnh phong. Ban đầu làng này được gọi là làng cùi, làng hủi vì chỉ có những người bị bệnh phong đến đây sinh sống, không dám sống chung đụng với người khác vì mọi người tránh xa. Dần dần, bệnh nhân khắp các tỉnh miền Trung bảo nhau biết về vùng đất hẻo lánh này. Số người lên đến mấy trăm. Giao thông đi lại hiểm trở cộng với nỗi tủi phận, người làng hầu như rất ít khi ra khỏi nơi mình sinh sống.

Rêu phong kín lối vào làng cũ.

Những mảnh đời khổ đau cứ lặng lẽ kiếm kế mưu sinh bằng việc mò cua, bắt ốc ven bãi biển hoặc đi vào rừng săn chim bắt thú. Cuộc sống chính yếu là tự kiếm ăn và đổi chác hàng hóa cho nhau. Năm tháng trôi qua, những người bệnh ở làng cũng tìm được kế sinh nhai, từ việc đánh bắt cá dưới biển, trồng lúa nước và lấy sản vật của rừng.

Lớp người trẻ trong làng tự tìm đến với nhau để chia sẻ nỗi đau, rồi kết tóc xe tơ thành chồng thành vợ. Họ tựa vào nhau tìm hạnh phúc. Từng gia đình nhỏ ra đời, dần lớn thành xóm, thành làng. Mãi đến tận năm 1998, Hòa Vân mới được công nhận là một đơn vị hành chính, có tên là xã Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu thuộc thành phố Đà Nẵng, dù mọi người thường biết đến bởi cái tên nghe đầy xót xa: làng cùi!

Tôi không thích cái cách mà người đời đã từng gọi làng bằng ngôn ngữ mang hàm ý của sự xa lánh, kỳ thị như làng hủi hay làng phong. Tôi thích cái tên Hy Lạc Viên, cũng như thích người ta gọi là làng Vân, hai cái tên dù chung một gốc nhưng lại đầy nhân văn và tử tế.

Có lẽ vì nơi đây cuộc sống cách biệt với thế giới bên ngoài nên cảnh đẹp còn giữ được vẻ nguyên khai của nó. Cảnh sắc thiên nhiên có vẻ chưa bị con người phá hoại và can thiệp. Ở nơi ấy, có những người phải chôn vùi cả tuổi thanh xuân nhưng cũng có những người lại tìm được “bến bờ hạnh phúc”. Mỗi người một số phận nhưng họ đều mang trong mình một căn bệnh mà khoa học gọi là bệnh phong. Chính trong sự đau khổ ấy đã khiến những con người này sống gắn bó với nhau như một đại gia đình.

Những đứa trẻ ở làng mới được người lớn đưa về thăm làng cũ và chúng không còn những mặc cảm như người thân nữa.

Ngày đó, có 2 cách để đến được làng Vân, hoặc đi tàu từ bờ biển Nguyễn Tất Thành để vào làng, hoặc từ trên đèo rồi men con đường mòn xuống. Hòa Vân yên bình được mấy năm thì bão biển, lở núi hoành hành. Đất của làng ngày một ít vì bị sóng biển xâm thực. Sau mỗi mùa biển động là làng lại mất đất. Đất đai vốn ít ngày càng mất đi, lại cằn cỗi. Có những cơn bão đánh sập và phá hủy gần chục căn nhà của làng. Mất đất, dân làng lại cần mẫn khai hoang từng mảnh ruộng nhỏ. Với người bình thường thì đó là chuyện không gì là khó khăn nhưng với những người dân ở làng thì việc cầm cuốc cầm cày là sự cố gắng đến tột cùng trong những cơn đau của bệnh tật. Rồi khi được công nhận là một đơn vị hành chính, một ngôi trường nhỏ được dựng lên ở làng để giúp các em nhỏ biết chữ nhưng rồi rơi vào cảnh đìu hiu vì chỉ có độ ba mươi học sinh.

Càng ngày số lượng học sinh cứ giảm dần. Trường có đủ học sinh lớp 1 đến lớp 5 nhưng mỗi lớp chỉ vài ba em. Vậy nên trường buộc phải ghép năm lớp vào 2 lớp học. Cuộc sống bình lặng ở làng cứ thế trôi đi!

Hình thành gần nửa thế kỷ khi những người đầu tiên dắt díu nhau tìm đến trú ẩn ở rẻo đất hiểm trở bên chân đèo Hải Vân. Chừng đó thời gian chẳng làm thay đổi nơi đây, làng vẫn còn rất nghèo và thiếu thốn trăm bề vì đơn giản đa số người ở làng không còn khả năng lao động, kế sinh nhai chỉ là bám vào biển, vào rừng, mò cua, bắt ốc, săn chim bắt thú.

Thật ra, khi ông Gordon Smith, một lính Mỹ lập ra làng này vào thập niên 60, ông cũng chỉ mong muốn cuộc sống của những bệnh nhân phong sẽ dễ chịu hơn và không còn quá nhiều gánh nặng tâm lý khi sống tách biệt với cộng đồng. Vậy nhưng, sự kỳ thị thì vẫn còn đeo đẳng mãi.

Cuối tháng 8-2012 là thời điểm lịch sử ở nơi đây, hơn 300 con người ở đây sẽ được di chuyển tới nơi định cư mới. Mỗi bệnh nhân phong sẽ được trợ cấp để tiếp tục điều trị. Vào đất liền sẽ là mở ra cả một tương lai mới cho con em họ. Phải xa ruộng vườn, biển cả trong khi mất sức lao động, sống bằng tiền trợ cấp xã hội nhưng cuộc sống ở thành phố có vạn nỗi phải lo nhưng họ vẫn đồng thuận để ra đi. Tiếp cận với cuộc sống hiện đại dù biết sẽ gặp vô vàn khó khăn nhưng không ai trong số họ phản đối với quyết định di dời của thành phố Đà Nẵng. Cái tên làng phong Hòa Vân sẽ chỉ còn trong ký ức.

Những thao thức còn lại

Dù biết mục đích của chương trình tái hòa nhập cho những người mắc bệnh phong là tốt đẹp. Thời điểm ấy, toàn bộ làng Vân có 127 hộ với hơn 350 nhân khẩu, được tái định cư trong hơn 100 căn nhà liền kề của tái khu tái định cư, mỗi căn có diện tích 72 mét vuông giá trị ước tính hơn 100 triệu đồng.

Người dân làng phong từ đó chính thức có hộ khẩu ở tại tổ 14 (P. Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Đây là nơi mở ra một tương lai mới tốt đẹp hơn cho những người con ở Hòa Vân. Chừng ấy con người đồng nghĩa với chừng ấy nỗi ước mơ được sống cuộc sống có điều kiện hơn để con em được học hành, người dân mỗi lúc ốm đau được đến bệnh viện kịp thời.

Những ngôi nhà một thời giúp người làng Vân chống chọi với bệnh tật và thiên nhiên đã bỏ hoang từ khi người làng được dời về nơi ở mới tốt hơn.

Ông Đỗ Ngọc Ái, một người dân của làng, đồng thời hiện là Phó Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 9 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) bồi hồi nhớ về những ngày ấy, khi cả làng rời cái nơi mình đã gắn bó, quả thật không dễ chút nào. Nhưng được các cấp chính quyền địa phương vận động, người làng biết được, việc di dời là để giúp người dân làng Vân có cuộc sống tốt đẹp hơn, được tiếp cận những điều kiện tốt hơn về giáo dục, y tế, văn hóa, kinh tế...

Thế nhưng, tôi đã cứ nghĩ rằng liệu những người từng bị xã hội xa lánh ấy, lần trở về này có thực sự gỡ được bóng ma tâm lý để tái hòa nhập? Liệu cô đơn có chồng chất cô đơn? Ám ảnh có chồng chất ám ảnh? Họ có thoải mái hơn không? Có lạc lõng? Có chạnh lòng? Có mặc cảm như xưa? Họ có nhanh chóng hòa nhập hay lại loay hoay như những đứa trẻ thơ để bắt đầu lại...? Nhưng, người làng Vân giờ đây với cộng đồng dân cư nơi họ đến đã không còn khoảng cách, không còn sự kỳ thị, phân biệt như thời gian đầu mới đến. Tất cả bây giờ đã là một cộng đồng dân cư chung sống trên địa bàn của phường Hòa Hiệp Nam.

Con cháu làng Vân khi vào nơi ở mới có điều kiện để học tập, trưởng thành, nhiều cháu đã là giáo viên, kỹ sư hoặc là cán bộ, công chức công tác ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của quận và phường; nhiều cháu đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP...

Tôi miên man xuống chân đèo đi về làng cũ, bỗng dưng gặp một vài người. Họ đứng trước biển. Có người là ngư dân lành lặn, có những người đi câu cá vì đam mê, và có cả những người vẫn đang bệnh. Dù gặp ai, cũng một nỗi thăm thẳm ánh lên trong mắt. Nhất là người đàn ông ấy, tôi không tiện hỏi tên, không tiện chụp hình, vì sợ ông mặc cảm. Chỉ dám chụp bóng lưng khi ông đã cất bước một quãng xa.

Ông một chân còn vẹn nguyên, còn một chân bị mất ngón, tập tễnh đi trên con đường mòn từ chân núi ra bờ cát. Vết chân ông để lại trên cát khuyết đi nhưng vẫn là những bước chân vững chãi. Hỏi ông vài câu chuyện về làng cũ, ông chỉ cười lặng lẽ. Hỏi thêm lần nữa, ông bùi ngùi bảo về lại làng cũ vì nhớ quá. Nỗi nhớ thức dậy từng đêm trong lòng nên ngày nào rảnh và khỏe là ông lại lần mò về làng cũ, thăm lại nhà cũ, thả lưới buông câu hay đi dọc trong làng để nhớ từng người.

Thi thoảng, vẫn có người nhớ làng cũ tìm về.

Giờ nhà cũ trong làng đã bị hư hỏng gần hết qua thời gian gần 10 năm nên chẳng còn chi. Nhưng ông nhớ, nên vẫn cứ tìm về, như người hai quê nhớ thương chốn cũ. Rồi ông thở dài và đi về phía biển. Tiếng thở dài va vào sóng, tan đi...

Đã gần 10 năm từ khi người dân rời bỏ làng đến nơi ở mới khang trang và đủ đầy hơn. Làng cũ bây giờ nhà cửa rêu phong kín lối, cổng làng trơ trọi, biển làng mất tên. Ký ức một thời tủi cực đau đớn, đang dần bị thời gian bào mòn. Không biết nên buồn hay vui? Chỉ thấy cay cay khóe mắt. Phía trước mặt làng Vân cũ là Đà Nẵng phồn hoa. Bên này, làng Vân vẫn điêu linh như những ngày xưa cũ. Bên kia người xe ngược xuôi. Bên này, có người đàn ông ấy mỗi chiều ngồi trên cái chõng, bó gối nhìn về biển, miên miết, kiệt cùng. Nhưng có lẽ, vài năm nữa thôi, khi làng Vân bị hắt hủi năm xưa trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp như dự án khủng đã được thành phố cấp phép thì đàn bò cũng phải lùa đi nơi khác, vịnh Nam Chơn cũng phải vắng bóng người quen. Và khi ấy, làng Vân sẽ thực sự bị xóa sổ, những người hai quê đâu còn cơ hội để trở về.

Năm tháng sẽ trôi, phận người rồi cũng đổi. Chỉ mong đời này, đời sau, đời sau nữa... người với người, rút ngắn những oan khiên. Cho những làng phong không còn xa cách nữa, cho những người bị bệnh phong không còn những cô đơn cùng cực nữa. Tôi tin rằng, những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi ở mảnh đất này sẽ được bù đắp.

Vịnh Nam Chơn mùa này, nắng đã lên tươi rói...
Đinh - Tiêu Dao
.
.