Thế giới ngầm ở Malaysia: Đường dây buôn người

Thứ Sáu, 19/12/2014, 07:45
Ban đầu tôi dự định xâm nhập vào chuyến vượt biên trái phép bằng đường bộ từ Việt Nam qua Lào, Thái Lan để đến Malaysia, khởi hành ngày 10/11/2014, do một nhân vật tên H. "nề" tổ chức. Tuy nhiên, sau khi dự đoán và phân tích tình hình, lãnh đạo cương quyết yêu cầu tôi sang Malaysia bằng đường hàng không hợp pháp. Đó là quyết định sáng suốt, nếu không, có thể tôi đã gặp rắc rối to khi trở về Việt Nam.

Đường dây “đen” vượt biên quốc tế

Theo kế hoạch của băng nhóm này, ngày 10/11/2014, Đ. - một đầu mối của băng H. "nề" cư trú tại Penang, Malaysia - sẽ đưa 1 nhóm người vượt biên bằng đường bộ sang Malaysia và ngày 24/11 sẽ đón một nhóm người khác vượt biên bằng đường bộ từ Malaysia trở về Việt Nam.

Khi đến Malaysia, tôi được biết chuyến xâm nhập Malaysia của Đ. trót lọt. Tuy nhiên, ngày 24/11, khi đưa 14 người khác trở về Việt Nam, vừa mới xâm nhập vào lãnh thổ Thái Lan, cả nhóm bị bắt. Nếu tôi xâm nhập vào chuyến đi ngày 14/11 và trở về vào ngày 24/11 thì có lẽ bây giờ đang ngồi nhấn nhá số phận chung với 14 người kia trong trại tạm giam của Thái Lan.

Những người Việt cư trú bất hợp pháp đang ẩn tại nhà H. "nề" ở Penang chuẩn bị vượt biên về nước.

Từ một vài mối quan hệ, tôi lần ra được một cô gái tên B. đang làm tiếp viên tại một bar karaoke ở Petaling Jaya. B. có một người bạn gái tên Q. vừa đóng tiền cho H. "nề" để vượt biên trái phép bằng đường bộ trở về Việt Nam trong chuyến về ngày 24/11. Tôi hỏi thăm B. về tình cảnh của Q..

B. gọi cho Q. bằng phần mềm webchat để tôi nói chuyện. Q. cho biết cô và 13 người khác đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát thuộc địa phận Sungai Kolok (Thái Lan giáp giới Rangtau Panjang, Malaysia).

Q. sang Malaysia với hộ chiếu du lịch để làm tiếp viên cho một hộp đêm ở Kuala Lumpur. Vì cư trú quá hạn hơn 10 tháng nên Q. phải về Việt Nam bằng đường bộ của H. "nề" với giá 8 triệu đồng.

Đ. - người của H. "nề" đưa Q. cùng 13 người khác vượt biên giới Malaysia vào Thái Lan bằng một chiếc xuồng máy. Khi mọi người vừa vào một phòng trọ lúc nửa đêm thì Cảnh sát Thái Lan xuất hiện kiểm tra giấy tờ. 10 người có hộ chiếu quá hạn lưu trú và 4 người hoàn toàn không có hộ chiếu đều bị đưa về đồn thẩm vấn. Q. cho biết, cô ta phát hiện đích thân Đ. là người báo cho Cảnh sát Thái Lan bắt người. 

Khi thu tiền, H. "nề" cam đoan rằng: Nếu bị bắt dọc đường, chúng sẽ không thu "khách hàng" thêm một khoản phí nào, kể cả số tiền đóng phạt cho tòa án. Tuy nhiên, khi một số thân nhân của những người vừa bị Cảnh sát Thái Lan liên lạc thì H. "nề" trả lời: "Nếu gửi thêm 1.000USD, sẽ tìm cách bảo lãnh ra ngay, nếu không phải chịu ở tù".

Q. nói, hôm nay cảnh sát vẫn cho dùng điện thoại để thông báo với gia đình, ngày hôm sau sẽ ra tòa. Vì không có sim của Thái Lan nên Q. chỉ nói chuyện được bằng webchat. Trong khi đó, gia đình của Q. ở Việt Nam lại không biết sử dụng webchat. Q. nhờ B. gọi điện thông báo cho gia đình của Q. ở Việt Nam biết. Q. chưa kịp cho số điện thoại của người thân thì B. mất liên lạc. Không hiểu cảnh sát thu giữ điện thoại hay điện thoại của Q. hết pin.

Tôi chia sẻ chuyện này cho Hitam. Ông ta nhún vai cho biết, đó là trò "rửa tay" của những băng nhóm người Việt ở Malaysia. Hầu hết các băng nhóm thuộc thế giới ngầm ở Malaysia đều ngán ngẩm những băng nhóm người Việt. Dân giang hồ ở Kuala Lumpur có một câu ngụ ngôn: "Giang hồ Việt rất thích ăn thịt người Việt". Câu ngụ ngôn đó xuất phát từ tính cách hay lật kèo, phản bội lẫn nhau của giang hồ Việt. Giang hồ Việt ở Malaysia không trung thành với nhau. Khi cần họ sẵn sàng giết nhau để tồn tại. Trò "rửa tay" là một ví dụ điển hình nhất.

Hitam phân tích, tất cả những băng nhóm chuyên đưa người vượt biên trái phép ra - vào Malaysia đều có sự thỏa thuận ngầm với các cảnh sát xấu. Mỗi chuyến vượt biên, họ đều phải chung chi đầy đủ cho những cảnh sát biến chất này.

Để đề phòng lực lượng đặc nhiệm phòng chống tham nhũng thường hóa trang xâm nhập, thỉnh thoảng các băng nhóm này dùng thủ đoạn "rửa tay", có nghĩa là báo cho cảnh sát xấu bắt gọn nhóm người vượt biên. Với cách này, cảnh sát xấu không những vô hiệu được lực lượng phòng chống tham nhũng của chính phủ mà còn được cấp trên khen thưởng vì... có thành tích.

Với luật Thái Lan và Malaysia, chỉ sau vài ngày những người bị bắt vì tội vượt biên trái phép sẽ được ra tòa dân sự để nhận phán quyết. Thường thì tòa tuyên phạt những người vượt biên trái phép vì mục đích tìm việc làm một khoản tiền tương đương 1.000USD, giam giữ từ 2 đến 3 tháng rồi trục xuất về nước. Tất nhiên những kẻ xâm nhập trái phép vì động cơ chính trị, kinh tế hoặc hình sự sẽ bị đối xử khác.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết số phận của 14 người bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ ra sao.

Bí mật đường dây "đen"

B giới thiệu tôi tìm đến Ph. để tìm hiểu thêm về nhóm của H. "nề". Tháng 9, Ph. đã từng về Việt Nam bằng đường dây "đen" của H. "nề".

Ph. là tiếp viên ở Karaoke Fun K. (thị trấn Sitiawan, bang Perak, cách Kuala Lumpur hơn 300 km). Ở khu vực Sitiwan, cảnh sát đang truy lùng gắt gao người nước ngoài cư trú bất hợp pháp nên Ph. tạm lánh đến Kuala Lumpuer tạm trú tại một địa điểm "off" (tiếng lóng ám chỉ việc lẩn trốn sự truy quét của cảnh sát).

Đ. (người đứng) đang trực tiếp đưa người Việt Nam vượt biên về nước. Ảnh chụp trên một chuyến tàu hỏa từ biên giới Malaysia về BangKok, Thái Lan.

Ph. cho biết, H. "nề" là người gốc Nghệ An sang Penang làm thợ hồ cách nay 10 năm. Không hiểu bằng cách nào, hắn ta nhập được quốc tịch Malaysia. Khi đã nhập tịch, H. "nề" bỏ nghề thợ hồ để làm cò giấy tờ cho những người Việt tại Malaysia. Tuy chỉ hơn 30 tuổi nhưng hắn có nhiều mối quan hệ đặc biệt với chính quyền nước sở tại. Hầu như mọi trường hợp bị Cảnh sát Malaysia bắt giữ, H. "nề" đều có thể "gỡ" ra. Mỗi trường hợp đều có giá cả rõ ràng. Bị bắt vì hộ chiếu du lịch quá hạn cư trú, giá 8 triệu VND sẽ được "gỡ" ra ngay trong ngày; Bị bắt vì xâm nhập Malaysia mà không có giấy tờ tùy thân, giá 20 triệu VND sẽ được "gỡ" ra sau 1 ngày trao tiền.

Khi có "khách hàng" nhờ vả, sự việc xảy ra ở bang khác, hắn không cần rời Pennang mà chỉ cần gọi điện thoại là mọi việc ổn thỏa. Tại Pulau Penang, hắn có một ngôi nhà 3 phòng trọ làm nơi tập kết những người từ Malaysia chuẩn bị về nước bằng đường bộ hoặc từ Việt Nam mới sang.

Trong thời gian làm "cò giấy tờ", H. "nề" phát hiện có hàng ngàn người Việt bị kẹt lại Malaysia vì không thể công khai làm thủ tục xuất cảnh về nước: mất hộ chiếu nhưng không khai báo với cảnh sát; vi phạm luật pháp ở nước sở tại nên không dám về nước bằng đường công khai; lao động xuất khẩu bỏ trốn ra ngoài lao động chui... Thế là hắn lập đường dây đưa người vượt biên bằng đường bộ với giá từ 7 triệu đến 10 triệu VND/1 người về nước và từ 8 triệu đến 20 triệu VND/ 1 người xâm nhập vào Malaysia.

Với những người Việt gặp rắc rối về thủ tục hộ chiếu đang sống chui lủi ở Malaysia, về không được, ở lại cũng không xong. Khi mới gặp H "nề", họ như kẻ chết đuối với được phao cứu sinh.

Có những người vì lý do phạm luật, e ngại chạm mặt cảnh sát Malaysia, hắn cho người lái xe đến tận nơi đón. Những người không có tiền mua "vé" hắn cũng nhận đưa về. Những cô gái bán dâm bị giam giữ vì nợ tiền chủ chứa, hắn bỏ tiền ra chuộc rồi đón về nhà của hắn ở Penang để chờ đủ số lượng 14 người rồi mới xuất phát.

Trong thời gian "khách hàng" tập kết tại nhà, hắn cho vợ tổ chức những bữa ăn tập thể ê hề thịt, hải sản để chụp ảnh đưa lên trang mạng cá nhân khoe với mọi người. Vì vậy, nhiều người ngộ nhận rằng, hắn là người tử tế.

Thật ra, kể từ khi "khách hàng" lọt vào điểm tập kết của hắn là mọi khoản chi đều được ghi vào sổ nợ: tiền chuộc, tiền xe đưa đón, tiền ăn hàng ngày, tiền mượn mua quà về cho gia đình.

Khi đủ 14 người, hắn giao cho đàn em là Đ. đưa sang Thái Lan theo tuyến đường bộ Kuala Kangsat - Gerik - Rantau Panjang. Tại vùng giáp giới Rantau Panjang, Đ đưa "khách hàng" vượt biên bằng xuồng máy rồi lên xe lửa tại ga Sungai Kolok đi Bangkok. Trên tuyến xe lửa này, "khách hàng" được thu xếp ngồi ở toa cuối đã được cảnh sát xấu bảo đảm. Khi đến Bangkok, "khách hàng" được đưa đi tiếp đến vùng giáp giới Lào, trú tại nhà một sĩ quan cao cấp của cảnh sát biên giới Thái Lan, chờ đến nửa đêm vượt sông Mêkông để sang đất Lào.

Tại Lào, Đ. sẽ bắt đầu giở trò thanh toán các khoản nợ. Đ. buộc người ghi sổ phải gọi điện về cho thân nhân ở Việt Nam chuyển đầy đủ tiền nợ vào tài khoản của hắn. Nếu không hắn sẽ bỏ con nợ lại tại đất Lào cho cảnh sát. Lâm vào thế bí, hầu như con nợ nào cũng gọi điện về Việt Nam gào khóc van xin người thân chuyển tiền.

Để tạo thanh thế, H. "nề" thường xuyên lên mạng tìm những cảnh đời khó khăn của người Việt đang sinh sống, làm việc ở Malaysia để làm từ thiện... fake. Có nghĩa là khi phát hiện ra một bài viết trên mạng kể về một trường hợp khó khăn cần giúp đỡ - thậm chí có những bài viết cầu cứu từ rất lâu - hắn copy đem về trang cá nhân rồi dùng lời lẽ thống thiết đầy lòng thương xót kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của hắn. Sau đó một thời gian, hắn post lên trang mạng cá nhân rằng đã chuyển toàn bộ số tiền quyên góp đến nạn nhân. Chỉ có trời mới biết hắn làm gì với số tiền đó.

Trong số những khách hàng thường xuyên vượt biên bằng đường dây "đen" của H. "nề", có cả những tướng cướp người Việt chuyên nghiệp mà giang hồ Malaysia gọi là "merompak kilat" còn người Việt tại Malaysia gọi là "cướp có bảo kê". Tất cả những merompak kilat ở Malaysia đều bắt tay với một cảnh sát xấu nào đó để "mua khu vực". Trước khi ra tay hành động ở một khu vực nào đó, merompak kilat thông báo trước cho viên cảnh sát bảo kê. Địa điểm cướp chọn thường là những địa chỉ kinh doanh bất hợp pháp như sòng bài mạng, bar karaoke có chứa gái mại dâm, bar dancing có bán ma túy. Đến giờ hành động, gã merompak kilat cùng với đồng bọn lái xe ôtô đến địa điểm, bịt mặt xông vào tận quầy thu tiền chĩa súng khống chế nhân viên thu ngân. Là điểm kinh doanh "đen", chẳng ai dại chống cự tạo cảnh ồn ào. Dù có công tắc tự động báo cảnh sát cũng không ai dám ấn nút. Vì thế hầu hết các phi vụ cướp đều thành công.

Những sòng bạc trên mạng của Hitam đã từng bị loại cướp này thăm viếng 3 lần. Trong đó có một lần ông ta biết chắc chắn cô haunter của sòng mời gọi gã người tình đến cướp nhưng không thể làm to chuyện. Ông ta chọn giải pháp nhẹ nhàng là cho cô haunter một khoản tiền rồi mời đi chỗ khác kiếm việc.

Sòng bạc Alibaba cũng bị merompak kilat thăm viếng nhiều lần. Chủ nhân của sòng Alibaba đều lưu giữ những đoạn clip ghi lại cảnh cướp để làm... kỷ niệm. Ông biết, nếu cảnh sát có được những đoạn clip đó, chắc chắn ông sẽ bị bắt vì tội kinh doanh sòng bài lậu.

Nạn merompak kilat đã khiến những chủ sòng bạc thiết kế cho haunter 2 ngăn kéo tiền tại quầy thu ngân. Một ngăn dùng để chứa tiền bình thường. Một ngăn dùng để chứa loại tiền lẻ, mệnh giá thấp dành cho... merompak kilat đến cướp.

Trong số khách hàng vượt biên của H. "nề" có một gã merompak kilat mang tên giả là C. Ng. Kh., khoảng 30 tuổi, quê Thanh Hóa. Cứ cách 2 tháng, Kh. rời Việt Nam sang Malaysia một chuyến. Suốt một tháng cư trú tại Malaysia, Kh. chỉ thực hiện 2 phi vụ. Nộp "thuế" cho cảnh sát xấu 200.000RM (hơn 1,3 tỉ VND), Kh. vẫn còn mang về quê nhà khoảng 300.000RM. Không thể mang số tiền lớn trong người khi vượt biên trái phép, trước mỗi chuyến về Kh. đều nhờ H. "nề" chuyển tiền qua một hệ thống bí mật.

Kh. về Việt Nam giao tiền cho gia đình rồi ăn chơi suốt 2 tháng, sau đó tiếp tục trở qua Malaysia hành nghề.

H. "nề" chỉ là một trong số hàng chục đầu mối đường dây "đen" tổ chức đưa người vượt biên trái phép.

Không chỉ thế, những kẻ như H. "nề" còn cho thuộc hạ về Việt Nam chiêu mộ những người muốn sang Malaysia kiếm việc làm có mức thu nhập cao mà không phải nộp phí cho công ty môi giới lao động. Đằng sau miếng mồi câu "thu nhập cao" là những vũng lầy nhơ nhớp nơi xứ người sẽ được đề cập trong bài viết sau.

Nông Huyền Sơn
.
.