Thiện nguyện của tỉ phú làng Chí Linh

Thứ Sáu, 26/06/2009, 20:50
Trong cuộc sống này, chắc hẳn chúng ta đã không ít lần chứng kiến những người thành đạt trong kinh doanh, rồi dùng một phần lợi nhuận để giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó mà cụ thể như ông Lâm Tấn Lợi - chủ Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, ông Lê Văn Kiểm, Công ty Huy Hoàng, ông Trầm Bê - Khu công nghiệp Tân Tạo...

Thậm chí có người đã từng vướng vào vòng lao lý nhưng khi trở về với xã hội - rồi làm ăn thành công, họ cũng coi việc làm từ thiện là một phần của đời mình...

Ông Lê Ân, Giám đốc làng du lịch Chí Linh là một trong những người như thế...

Có lẽ hơn 600 trẻ mồ côi, khuyết tật ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hẳn sẽ không quên được quãng thời gian gần tết Trung thu năm 2008. Hôm ấy, các em được ông Lê Ân, Giám đốc làng du lịch Chí Linh đón về làng rồi sau đó, với những em khỏe mạnh là các trò chơi kéo co, nhảy bao bố, thi chạy trên cát. Riêng những em khuyết tật, là thi đắp tượng cát, thi khéo tay hoặc tham gia cổ vũ cho bạn bè mình. Bữa cơm trưa, các em quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ rồi khi ra về, mỗi em còn nhận được một gói quà.

Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong những việc làm từ thiện của ông Lê Ân. Năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, ông đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để xây trên 230 căn nhà tình thương, tình nghĩa, tổ chức các đêm ca nhạc miễn phí cho người nghèo, tổ chức vui chơi, phát quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và mới đây, thông qua Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông đã gởi tặng 60 triệu đồng, giúp bà con huyện Đất Mũi làm 2 cây cầu bê tông, xóa cầu khỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, cho các cháu đến trường. Sắp tới, ông còn thành lập một làng cô nhi, nhận vào và nuôi dưỡng trẻ bất hạnh ăn, học đến lúc trưởng thành.

Những đóng góp vì cộng đồng, vì xã hội ấy đã mang lại cho ông Cúp vàng giám đốc tài năng lần thứ nhất  năm 2008, do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng, Cúp vàng Doanh nghiệp vì cộng đồng lần thứ 4, do  Phó chủ tịch Quốc hội trao tặng, được UBND TP HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ trao tặng Cúp vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc nhất năm 2008.

Tuy nhiên, mấy ai biết được đời ông đã  trải qua ba lần thăng trầm mà có lần, ông đã định buông xuôi, mặc cho số phận. Sinh năm 1937 tại Quảng Nam, một tỉnh nghèo miền Trung, đến tuổi đi lính, ông trốn quân dịch bằng cách vào Lộc Ninh làm công nhân cao su. Học được nghề may, ông ra thị xã An Lộc, đặt một chiếc máy may trên vỉa hè, sửa, vá quần áo cho khách. Khát vọng đổi đời không cho phép ông dừng chân ở đó nên ông vào Sài Gòn, khởi nghiệp bằng cách đi may thuê cho một số tiệm.

Dần dà, tích cóp được chút vốn liếng, kinh nghiệm, ông đứng ra mở một cơ sở cho riêng mình, đặt trên đường Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng Tám), quận Tân Bình, TP HCM với cái tên Chiến's Tailor, chuyên may quần áo vest. Ông nói: "Chủ trương của tôi khi ấy là chất lượng vải tốt, kỹ thuật may khéo, giao hàng đúng hẹn, giá thành hạ nên càng lúc khách càng đông".

Có tiền, ông lao vào nhiều lĩnh vực khác - rồi sau này nó trở thành một câu tổng kết của đời ông: "Không làm những việc ngoài tầm tay, nhất là những việc ngoài tầm với": Ông mua xe đò chạy đường Sài Gòn, Bình Long, thầu xây dựng nhà ở cho các thầy, cô giáo, thầu cung cấp sách vở, học cụ, quần áo đồng phục cho ngành giáo dục  tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước), thầu cung cấp thực phẩm cho Bệnh viện Nha Trang. Sau đó, ông thành lập Công ty Sài Gòn địa ốc, mua bán trái phiếu, công khố phiếu do chế độ Sài  Gòn phát hành. Ông nói: "Tài sản của tôi lúc ấy ước chừng 3 tỉ...", trong lúc một lượng vàng chỉ có giá 120 nghìn đồng - tiền Sài Gòn.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Chiến's Tailor trụ thêm được một thời gian ngắn rồi thợ đi đường thợ, thầy đi đường thầy. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là hết. Toàn bộ trái phiếu, công khố phiếu cùng các giấy tờ có mệnh giá do chế độ Sài Gòn phát hành trở thành vô giá trị.

Bỏ mặc tiệm may Chiến's Tailor hoạt động cầm chừng, ông chuyển sang làm sườn xe đạp, làm xà phòng rồi mua bán vải vóc. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu "đầu vào" càng lúc càng hiếm hoi nên trong một lúc bế tắc, ông vượt biên. Ông nói: "Chuyến đi thất bại. Tôi bị bắt tập trung cải tạo 3 năm ở Bến Tre. Lúc được tha về, tôi gần như không còn gì nữa".

Và đó là lần trắng tay thứ nhất.

Ra khỏi trại giam, ông bỏ cả nửa năm để tìm hiểu sinh hoạt thị trường. Lúc ấy, người vượt biên đã bắt đầu gửi quà về cho thân nhân trong nước - hầu hết là thuốc tây. Lập tức, với sự cộng tác và sự giúp đỡ về kinh nghiệm chuyên môn của một dược sĩ thân quen, ông ra khu kiểm hóa hàng nước ngoài của Hải quan TP HCM ở đường Cô Giang, quận 1, để mua ngay tận ngọn các loại dược phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã là chủ một trung tâm mua bán dược phẩm với một chuỗi các tiệm thuốc tây do một số dược sĩ đứng tên giúp ông về mặt pháp lý.

Sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ trương "đổi mới" bắt đầu đi vào cuộc sống, ông Lê Ân lao vào một lĩnh vực mà sau này, cũng vì nó mà ông đi tù. Ông kể: "Tôi xin thành lập Quỹ tín dụng Hòa Hưng, với biểu tượng là con gà trống vỗ cánh, đứng trên một đồng tiền cổ như một khẳng định cho sự đổi mới".

Chỉ một thời gian ngắn, Quỹ tín dụng Hòa Hưng đã huy động được một lượng vốn nhàn rỗi rất lớn trong dân. Ngoài việc cho các thành phần kinh tế vay để đầu tư sản xuất, Quỹ tín dụng Hòa Hưng còn mua bán, chuyển đổi đồng rúp (đơn vị tiền tệ của Liên Xô cũ), và kinh doanh vàng.

Giữa năm 1988, cơn bão đổ bể tín dụng bắt đầu hình thành, rồi chỉ một sớm một chiều, nó biến thành "siêu bão" với sự sụp đổ của hàng nghìn "hợp tác xã tín dụng", "quỹ tín dụng", mà nguyên nhân chủ yếu là lãi suất tiền gửi quá cao - thậm chí có lúc lên đến 12%/tháng (?!), trong lúc lãi suất tiền vay ít nhất cũng 15%, dẫn đến hệ quả là người đi vay không còn khả năng trả nợ. Tuy nhiên, may mắn cho ông Lê Ân, là qua kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, UBND quận 3, Tín dụng Hòa Hưng không những đảm bảo chi trả cả gốc lẫn lãi cho người gửi, mà còn cân đối thừa nhiều tỉ đồng.

Giải thích về chuyện này, ông Lê Ân, nói: “Để tránh nguy cơ sụp đổ, tôi quyết định "đóng băng" đầu vào - nghĩa là hạ lãi suất xuống chỉ còn 11%". Thoạt đầu, khi lãi suất Tín dụng Hòa Hưng hạ xuống còn 11%, thì khách hàng cũ rút tiền ra, gửi chỗ khác. Còn khách hàng mới thì quay lưng. Tuy nhiên - ông Lê Ân nói tiếp: "Vẫn có nhiều người nhìn thấy việc hạ lãi suất của Tín dụng Hòa Hưng là đúng nên nhờ vậy, "con gà trống" mới không gãy cánh". --PageBreak--

Sau đó, được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, Tín dụng Hòa Hưng lấy tiền của mình, hỗ trợ cho Trung tâm tín dụng quận 3, lúc ấy đang mất khả năng chi trả để thành lập Đại Nam Ngân hàng. Thế nhưng, khi nhận được giấy phép nâng cấp Tín dụng Hòa Hưng lên thành Đại Nam ngân hàng, thì trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng quản trị, ông Lê Âân coi như... ra rìa vì "đã từng ở tù vì tội vượt biên". Ông nói: "Trên 1 tỉ đồng của tôi góp vốn từ hồi đó, đến nay vẫn chưa thu hồi được".

Và đó là lần trắng tay thứ hai. Những tưởng ông không đứng lên được nữa. Nhưng sau nhiều ngày suy nghĩ, tính toán, đầu năm 1990, ông Lê Ân bán hết các cơ sở kinh doanh thuốc Tây rồi ôm tiền ra Vũng Tàu. Lúc này, Hợp tác xã tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu đang lâm vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền trả cho người gửi.

Được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, ông bỏ tiền ra, mua lại tất cả nợ xấu rồi xin nâng cấp Hợp tác xã tín dụng lên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (Vungtau Commercial Stock Bank - gọi tắt là VCSB). Ba năm sau, vốn điều lệ đã có trên 70 tỉ - theo như quy định của Ngân hàng Nhà nước nên VCSB được phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hà Nội, TP HCM.

Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng du lịch của Vũng Tàu rất lớn, ông mua một mảnh đất ở khu Chí Linh với ý định sẽ biến nó thành một làng du lịch, nghỉ dưỡng, phục vụ mọi đối tượng từ cao cấp đến bình dân. Ông nói: "Dự án làng du lịch Chí Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/12/1998, và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép  với tổng mức đầu tư là 350 tỉ đồng".

Vậy mà chẳng ai học được chữ ngờ. Cuối năm 1999, Ngân hàng VCSB bị cơ quan chức năng đưa vào dạng quản lý đặc biệt vì vi phạm các quy định quản lý về tín dụng, tiền tệ rồi đầu năm 2000, ông Lê Ân bị bắt. Đau cho ông nhất là người vợ đã từng đầu gối tay ấp với ông - bà Lê Đỗ Hạnh Kiều,  nhân lúc tranh tối tranh sáng, đã sử dụng chức danh thành viên Hội đồng quản trị để rút hơn 2 tỉ đồng bỏ túi.

Ông nói: "Khi phát hiện ra, để giữ thể diện cho vợ và cũng là để giữ uy tín cho tôi, cho VCSB, tôi lấy tiền riêng của tôi bù vào cho đủ số mà vợ tôi đã rút", còn làng du lịch Chí Linh phải bỏ dở nửa chừng khi đã đầu tư vào đó hơn 50 tỉ đồng. Ngày ông bị bắt, đã có hàng chục bài báo viết về ông, thậm chí có bài còn thêu dệt những chi tiết không có thật để tạo ra hình ảnh ông như một người bất bình thường: "... Mỗi khi đi tắm biển, ông Lê Ân luôn sai hai cô thư ký che dù đi kèm và một cô, trong túi lúc nào cũng có cây viết và cuốn sổ tay để nếu ông nảy ra một sáng kiến gì đó, thì phải ghi chép lại ngay lập tức... (?!)".

Ông Lê Ân với các em khuyết tật.

Ông Lê Ân bị bắt, rồi ra tòa nhận án 12 năm tù giam, còn vợ ông thì đi theo người khác. Và đó cũng là lần trắng tay thứ ba. Những ngày nằm trong tù, ông ngẫm nghĩ ra rằng nghề kinh doanh cũng như người đi lên cầu thang, nên bước từng bước chứ đừng nóng vội mà vượt qua nhiều bậc.

Ông nói: "Đến lúc ấy, tôi thấy rằng tôi đã làm những việc ngoài tầm tay, thậm chí cả những việc ngoài tầm với. Nhưng nếu lúc đó Nhà nước đồng ý cho tôi thế chấp toàn bộ tài sản của VCSB cùng tài sản riêng của tôi, trị giá gần 400 tỉ đồng để vay 97 tỉ, trả cho khách hàng gửi tiền rút trước kỳ hạn, thì có lẽ hậu quả đã được khắc phục sớm".

Tháng 8/2005, ông được đặc xá tha trước thời hạn nhưng mới chân ướt chân ráo về nhà, chưa kịp làm gì thì cơn bão số 9 ập đến. Chỉ trong một đêm, hầu hết các hạng mục xây dựng ở làng du lịch Chí Linh biến thành đống gạch vụn, cụm rừng dương do chính tay ông Lê Ân trồng và chăm sóc, ngã đổ ngổn ngang. Nhờ sự giúp đỡ, động viên, hỗ trợ vốn liếng của những người thân quen, cùng với một số nợ do bạn bè trả, ông Lê Ân từng bước giải quyết các vấn đề  tồn đọng.

Ông nói: "Trả xong nợ gốc, tiền lãi, tôi nhận lại toàn bộ tài sản của Ngân hàng VCSB cùng tài sản của cá nhân tôi, trong đó có làng du lịch Chí Linh, rồi bắt tay vào làm lại từ đầu”.

Làng du lịch Chí Linh bây giờ, trên diện tích 12 ha, là một cơ ngơi gồm những nhà nghỉ - cả bình dân lẫn cao cấp nằm dọc theo bãi biển. Những đồi cát nay đã được phủ xanh bằng những rừng dương, cây anh đào, cây phượng vĩ, cây hoa giấy... mà rất nhiều đoàn khách khi đến đây, đã chọn nó làm địa điểm để đốt lửa trại hoặc chơi những trò chơi tập thể, tạo công ăn việc làm cho hơn 60 người - chưa kể số công nhân thời vụ.

Bằng việc đầu tư 3km đường nhựa từ Quốc lộ 51C vào đến làng, cùng hệ thống điện, truyền hình cáp, chỉ tính riêng dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, làng du lịch Chí Linh đã đón trên 10.000 người từ nhiều nơi trong cả nước về vui chơi, nghỉ dưỡng. 450 mét bãi biển thuộc làng du lịch Chí Linh hiện đang được xây kè chống xói lở, không hề có một cọng rác, không có hàng rong, ăn mày. Chỉ tay vào một khu đất đang hoàn thành phần móng, ông Lê Ân nói: "Đây sẽ là một siêu thị mini. Khi hoàn thành, khách du lịch có nhu cầu mua 1 gói muối tiêu, 1 trái chanh hay 1 quả ớt, cũng vẫn  được phục vụ chu đáo".

"Trong kinh doanh, bài học tôi rút ra là đừng bao giờ đi quá đôi giày của mình". Ông Lê Ân kết luận. Với ba lần trắng tay, ba lần "xóa bài làm lại", ở  tuổi 72, lẽ ra ông đã hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già vì rằng chỉ cần bán đi một trong những tài sản của cá nhân của ông, đã thừa để ông sống an nhàn đến mãn đời. Tuy nhiên: "Thất bại ở chỗ nào, tôi cương quyết đứng lên ngay chỗ ấy".

Và thực tế chứng minh là ông đã đứng được. Nhưng không chỉ đứng cho riêng mình ông, mà còn cho hoài bão của ông: Làm giàu để làm từ thiện

Vũ Cao
.
.