Thiếu tướng - Nhà văn Khổng Minh Dụ: Tết về lại nhớ chiến trường xưa

Thứ Sáu, 12/02/2021, 09:42
Trong hành trình dằng dặc mỗi đời người, từng sự kiện, biến cố xảy ra cứ theo thời gian mà lùi dần về dĩ vãng, để rồi thành kỷ niệm, thành ký ức đọng lại trong hồn người. Có những câu chuyện, sự việc thoảng qua đời ta rồi dần dần quên bẵng. Nhưng, lại có sự kiện, biến cố tác động vào đời người sâu đậm đến nỗi không thể bị khuất lấp bởi thời gian.

Thời gian càng lùi xa, nó càng hiện rõ ràng hơn. Ấy là khi kỷ niệm đã trở thành một phần của đời sống, trở thành máu thịt của đời người. Điều này cũng đúng với Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ. 

Đối với ông, những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam đã in dày trong ký ức. Những lúc gợi nhớ kỷ niệm chiến trường, ông có thể kể cả ngày không hết về những sự kiện, từng con người, từng trận đánh ác liệt... diễn ra cách nay hơn nửa thế kỷ, với nguyên niềm xúc động, tự hào.

Từ người lính mang 5 cái tên…

Khổng  Minh Dụ sinh ra ở xã Tản Hồng, Quảng Oai, Sơn Tây (cũ), nay là huyện Ba Vì, Hà Nội. Năm 1961, khi vừa tròn 18 tuổi, ông tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ, được biên chế về Tiểu đoàn 10 pháo binh, thuộc Lữ đoàn 335, Quân khu Tây Bắc. Tại đây, ông được đào tạo cả kiến thức chuyên môn và văn hóa, rồi trở thành trung đội trưởng chỉ huy pháo binh. Do yêu thích văn chương và mê viết lách, ông được tham gia lớp đào tạo viết báo của Quân khu Tây Bắc do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Cũng vì ham mê viết lách nên năm 1964, ông đã xin ra quân (nghĩa vụ quân sự thời đó là 3 năm).

Sau 4 năm, ông trở về quê bên vùng đất ngã ba sông. Buổi đầu về, việc đồng áng còn ngỡ ngàng nên hằng ngày ông theo bà con hợp tác xã ra đồng học việc. Ông nhớ như in hôm đó, đang ở ngoài đồng thì Khổng Minh Quang, em trai ông hớt hải chạy ra tìm, bảo ông về ngay, có cán bộ trên huyện xuống gặp. 

Ông về thì được đồng chí cán bộ thông báo: “Theo yêu cầu cấp trên cần tuyển người đi học, ưu tiên người đã qua bộ đội và là đảng viên, xét thấy đồng chí có đủ tiêu chuẩn nên huyện tiến cử. Ý đồng chí thế nào, xin cho biết!”. Ông trả lời không do dự: “Tôi vừa ra quân được 3 tháng, nếu trên cần thì sẵn sàng đi ngay”. Hơn một tuần sau ông về Sơn Tây khám sức khỏe, được gặp ông Xương, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh ta được chỉ tiêu 10 đồng chí đi dự khóa học do Trung ương tổ chức. Đồng chí nào đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sau tết đi ngay. Khi vào học, ông mới biết đây là lớp do Bộ Ngoại giao tổ chức, để bổ sung cán bộ cho các sứ quán của ta ở nước ngoài. 

Lớp học khai giảng được 3 tuần thì có thông báo của trường: “Tình hình căng thẳng. Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, tăng cường lực lượng Mỹ ở miền Nam. Ban tổ chức lớp học kêu gọi mọi người xung phong tái ngũ”. Lớp có 217 người thì hơn 40 người xung phong tái ngũ, trong đó có ông. Sau đó, Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu tuyển chọn được 30 người, Khổng Minh Dụ nằm trong danh sách đó. Từ đó ông được dự chương trình huấn luyện đặc biệt. 

Gọi là đặc biệt bởi chương trình học chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn đầu học chung, giai đoạn sau học riêng theo hình thức đơn tuyến. Ông và ông Nguyễn Văn Giai (quê Bắc Ninh) được đưa về huấn luyện riêng tại một ngôi nhà ở phố Hàng Bè, Hà Nội. Bình phong là 2 cán bộ thương vụ. Được tổ chức đặt cho tên gọi mới: Khổng Minh Dụ là Lê Dung, ông Giai là Trần Thoại (sử dụng thời gian ở Hà Nội).

Ảnh: Nguyễn Đình Lâm.

Khi huấn luyện xong, cấp trên cho biết các ông sẽ vào phục vụ chiến trường miền Nam, Cụ thể là tăng cường cho lực lượng tình báo chiến lược của ta hoạt động tại miền Đông Nam bộ. Điều ông nhớ nhất là để chuẩn bị vào chiến trường, tổ chức đã lo cho ông một cái tên mới, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ nhân thân, quê quán hoàn toàn mới. Đó là Đỗ Văn Nga, năm sinh 1936 (tăng thêm 7 tuổi so với tên thật của ông) lính Sư đoàn 7 thuộc khối Liên hiệp Pháp,  quê Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương.  Sư đoàn 7 Liên hiệp Pháp từ miền Bắc vào tập kết ở Trà Vinh, Tổ chức đã chuẩn bị sẵn giấy giải ngũ cho Đỗ Văn Nga, lý do vì bệnh yếu tim, cư ngụ tại Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, nghề nghiệp làm giáo sư bậc trung học.

Khi vào Nam, cấp trên lại đặt cho ông cái tên để sử dụng trong căn cứ là Khổng Thái Dương, vì ông có chị gái nên theo phong tục Nam bộ, mọi người gọi ông là Ba Dương. Từ cuối năm 1965, ông được điều về Cụm tình báo chiến lược B.48, căn cứ bám trụ tại Bình Dương (chiến trường Đông Bắc Sài Gòn) vào thời điểm địch tăng cường đôn quân, bắt lính. Còn quá trẻ nên lãnh đạo chưa đưa ông vào hoạt động hợp pháp nội thành mà bố trí công việc tại căn cứ với nhiệm vụ làm công tác cơ mật, nhận, biên tập xử lý các tin tức tình báo của cơ sở nội thành Sài Gòn và các vùng lân cận để chuyển lên Miền và gửi ra Bắc. Ông nhớ sau tết Mậu Thân 1968, địch phản kích, càn quét dữ dội vào địa bàn đóng quân của các lực lượng ta. Cụm tình báo B.48 vẫn kiên cường bám trụ, dù rất khắc nghiệt và chịu nhiều tổn thất. Có những tết bám trụ chủ yếu làm việc, sinh hoạt dưới hầm, anh em ăn tết với củ mì và rau rừng nhưng ai nấy đều vui vẻ, không nao núng. Nhưng, rồi cũng không thể chịu đựng được mãi vì tổn thất luôn rình rập; để bảo toàn lực lượng, cấp trên quyết định sáp nhập Cụm B.48 vào  B.49, căn cứ bám trụ tại Bến Chùa, Thanh An thuộc Bắc Bến Cát (Bình Dương) và Trảng Bàng, Tây Ninh.

Không thể để trống địa bàn quan trọng là vùng Đông Bắc Sài Gòn, cấp trên lại quyết định lập cụm tình báo mới, lấy bí số là V8. Bộ phận căn cứ do Khổng Thái Dương phụ trách quyết định về lại Bình Dương. Do việc đi lại rất khó khăn, cả tuần liền đơn vị bị kẹt lại ở Củ Chi. 

Trưa 7-3-1969, khi đội hình ém ở bờ sông Sài Gòn gần khu vực Bến Dược, định đêm sẽ vượt sông về Nam Bến Cát thì bị địch ném bom hủy diệt hai bờ sông. Đoàn đi có 8 người, đã cử trước 2 người đi tiền trạm về Châu Thành, còn lại 6 người thì hy sinh mất 3, thật xót xa. 3 người mai táng 3 liệt sĩ cho tới 10 giờ đêm hôm đó mới xong, trong tình trạng ba lô, quần áo, tăng võng bị bom xăng thiêu rụi; cũng may còn sót lại hầm của 2 chiến sĩ điện đài là Nguyễn Xuân Mùi và Nguyễn Văn Giới, mới có tăng võng để liệm anh em và còn may mắn nữa là sắc cốt, tài liệu, súng đạn, điện đài còn nguyên nhưng do chấn  động của bom, máy phát hỏng nặng phải về xóm trại Dàn Bầu nhờ cụm bạn điện về J22 báo cáo sự cố, xin chi viện quân số, nhờ sửa chữa máy, chia sẻ quần áo, liên hệ may tăng, võng... 2 tuần sau tiếp tục hành quân về Bình Dương. Khảo sát tìm chỗ đóng quân mới, thấy không thể bám trụ nổi, lại bị hy sinh thêm 2 đồng chí. Ông điện gấp về J22 xin chỉ đạo và được lãnh đạo Đoàn điện thông báo coi như các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu quay trở lại Bến Chùa. 

Sau đó Khổng Thái Dương có quyết định đến Cụm H67, bám trụ tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh). Khi tình hình chiến sự càng căng thẳng, cấp trên cho phép tùy nghi di tản, đơn vị H67 đã chuyển về Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng căn cứ, bám trụ tại xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre tháng 12-1969. Hàng chục năm trời hoạt động tại chiến trường ác liệt, ông và đồng đội phải đối diện với bao cam go, thử thách; chứng kiến bao đồng đội hy sinh, trong đó có người bạn thân Nguyễn Văn Giai (được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), ngay bản thân ông cũng bị thương và mấy lần chết hụt. Còn đối với nhân dân xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre, suốt đời ông mang ơn. Chính đồng bào nơi đây đã chở che cho ông và đồng đội thoát vòng vây kẻ địch bao lần để tồn tại và hoạt động đến ngày toàn thắng.

… đến nhà văn Thái Dương - Khổng Minh Dụ

Mặc dù say mê sáng tác văn học, lại từng trải qua lớp bồi dưỡng viết báo hồi ở Quân khu Tây Bắc nhưng khi vào thực tế chiến trường khắc nghiệt, với nhiệm vụ đặc biệt của một cụm tình báo, đã không cho phép ông toàn tâm toàn ý với việc viết lách. Tuy vậy, “máu” viết vẫn không ngăn cản được ông. Cứ hễ lúc rảnh rỗi là ông viết, viết dưới hầm, dưới giao thông hào... nhằm thỏa đam mê. Một số bài thơ, truyện ngắn, ghi chép... viết ra cất dưới đáy ba lô từ năm này qua năm khác mà không biết gửi đi đâu. Ông cũng biết ở Miền lúc đó có mấy tờ báo như Giải phóng, Văn nghệ Quân giải phóng... nhưng không biết địa chỉ. Thế rồi qua mấy trận càn vào dịp tết năm 1966, bản thảo của ông bị cháy, bị thất lạc phần lớn... làm ông chán nản.

Ông nhớ khi đơn vị trên đường về Bến Tre, ông may mắn gặp nhà thơ Nguyễn Thanh Giang, lúc đó là Phó Tổng Biên tập Văn nghệ Quân giải phóng, là người Bến Tre. Ông lục ba lô lấy tập bản thảo còn lại đưa cho Thanh Giang. Sau đó, các truyện “Cu Tèo và cái giàn thun”, “Vùng tử địa” được in trên Văn nghệ Quân giải phóng nhưng mấy năm sau ông mới biết. Truyện ngắn “Vùng tử địa” đã được giải thưởng của Văn nghệ Quân giải phóng. 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh, Tổng Biên tập Văn nghệ Quân giải phóng đọc truyện của ông, cứ ngỡ ông là người Bến Tre, đã bàn với lãnh đạo Ban Biên tập xin ông về tòa soạn nhưng tổ chức của ông không đồng ý. Với bút danh Thái Dương, ông cộng tác thường xuyên với Tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu’. Các tác phẩm của ông phần nhiều viết về vùng đất Bến Tre, về đồng bào, đồng chí, những người thật, việc thật, dũng cảm trong chiến đấu, bình dị trong đời sống, thủy chung tình nghĩa. 

Ông thật sự xúc động khi thấy những con người coi việc được tham gia chiến đấu, bảo vệ xóm làng là một niềm vui: “Người ta dựng cửa dựng nhà/ Buôn đông, bán bắc xây hoa cuộc đời/ Riêng em chỉ một  niềm vui/ Xây làng chiến đấu, xây đời tự do/ ...Đường quê san sát hầm hào/ Xung quanh bốt giặc em rào bãi chông (Niềm vui); hay: “Giặc càn trong vườn rậm/ Mìn du kích banh thây/ Giặc càn ngoài đồng trống/ Máu địch đổ đất cày... (Du kích An Phước). Cùng với những tác phẩm: “Liêm và chiến công của tôi”, “Tiếng hú ven đồng”, “Chuyện mùa dâu chín” (thơ), “Đọ sức”, “Chiếc áo của người chiến sĩ”, “Đám cưới lặng thầm” (viết về đồng chí Chín Cường - sau giải phóng là Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh), “Đồng  hương” (viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Giai), “Một kỷ niệm chiến đấu”... Trong đó, tác phẩm “Chuyện mùa dâu chín” được chuyển thể thành bài ca vọng cổ quen thuộc với thính giả cả nước gần nửa thế kỷ nay.

Khi được vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu, nhà văn Thái Dương - Khổng Minh Dụ xúc động nói: “Bến Tre đã trở thành miền quê văn học của tôi, bởi tôi có nhiều năm sống, chiến đấu, gắn bó với mảnh đất và con người Bến Tre. Các tác phẩm của tôi đã ra đời từ những tình cảm gắn bó này”.

Sau năm 1975, ông chuyển công tác sang ngành An ninh và giữ nhiều trọng trách khác nhau. Nhưng, con đường văn chương của ông không hề ngơi nghỉ. Đến nay ông đã xuất bản 17 tác phẩm (gồm truyện, ký, tản văn và thơ), tham gia vào 18  tuyển tập, 6 tập in chung với các tác giả... Phần lớn các tác phẩm của ông hôm nay vẫn gợi nhớ về những năm tháng đã qua, luôn trân trọng, biết ơn những đóng góp hy sinh của đồng đội, đồng bào trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Hà Văn Thể
.
.