Thôi miên: Câu chuyện của các học viên

Chủ Nhật, 03/02/2013, 01:40

Khi chuẩn bị tham gia khóa học, tôi đề nghị với Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân rằng hãy để tôi vào lớp với tư cách một học viên bình thường cho tiện bề tác nghiệp. Chuyên gia thôi miên đã đồng ý với một điều kiện, khi khóa học kết thúc, các học viên vẫn có quyền được biết rõ tôi là ai và đến lớp với mục đích gì, đồng nghĩa với việc họ sẽ muốn hoặc không bày tỏ thái độ đối với việc tên của họ có xuất hiện trên báo hay không.
>> Đi học thôi miên

Anh Nguyễn T.S. là một cư dân của khu đô thị mới Mỹ Đình I. Ban đầu "bắt gặp" chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân trên mạng, sau đó, tham khảo qua nhiều người, anh tự đến trung tâm đăng ký xin học. Anh T.S. đi học với niềm hy vọng vô bờ bến: tìm cách chữa bệnh cho con.

Qua câu chuyện được biết, thằng "Cò" nhà anh năm nay đã 18 tuổi rồi, nhưng cũng chẳng bằng đứa trẻ lên 10… Nhớ lại ngày trước, anh ân hận lắm. Năm thằng Cò được 1 tuổi, anh đưa nó đi chơi, mua bóng và thổi cho con. Một tay bế con, một tay thổi bóng. Bố chỉ mong muốn đem đến cho con niềm vui tức thì, tự tay sờ thấy quả bóng to dần lên với sự thích thú. Ai dè đâu do chất lượng kém, chỗ dày chỗ mỏng gặp căng hơi bất ngờ khiến cho nó nổ bùng thành tiếng ngay trước mặt thằng bé…

Một đứa trẻ vốn đã tiềm ẩn sự phát triển không bình thường về trí lực, cộng thêm cú sốc hoảng sợ ấy bỗng trở nên vô cùng sợ hãi với mọi tiếng động lớn. Những năm ấy chưa cấm pháo. Cứ mỗi dịp tết đến, nhà anh như cái lô cốt, cửa lúc nào cũng đóng kín mít, chêm chặt cẩn thận để thằng Cò không bị lên cơn kích động vì tiếng pháo. Mỗi lần dắt con ra đường chơi, nhìn cảnh thằng bé hoảng sợ mỗi khi có chiếc xe lạ gầm rú lại khiến cho người cha không kìm được nước mắt…

Anh bảo cho đến năm lớp năm, anh phải cho thằng Cò nghỉ học. Chứng tự kỷ quái ác cộng thêm cú sốc tác động gây ra nỗi sợ hãi triền miên khiến nó không thể tiếp thu được bất cứ bài giảng nào. Kể từ ấy, thằng Cò nhà anh cứ lủi thủi ở nhà. Bạn bè cùng lứa trong khu tập thể cũ cũng chẳng ai chơi với nó.

Xót con, ngoài công việc chính trong ngành xây dựng của mình, anh T.S. chỉ còn cách thường xuyên tham khảo qua các nguồn thông tin để nuôi le lói ngọn lửa hy vọng. Anh bảo ngày trước ít thông tin, có ai nói đến chứng bệnh này đâu? Bố, mẹ và anh trai đều bình thường, chỉ nghĩ sao thằng Cò nhát thế? Đến bây giờ, khi đã biết rõ về con, thì mọi sự gần như đã quá trễ! Biết rằng khả năng tác động hiệu quả nhất để thay đổi chỉ nằm trong lứa tuổi từ 1 đến 6, nhưng anh vẫn hy vọng, vẫn tìm mong bất cứ nơi nào có thể đem thằng Cò khỏe mạnh về cho anh. Biết đâu đấy…

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân và các học viên.

Anh T.S. chỉ là một trong số những trường hợp học viên có hoàn cảnh đặc biệt đến với lớp học của Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên tại Việt Nam. Chỉ riêng trong lớp học lần này đã có rất nhiều người tìm đến với hy vọng tìm kiếm được phương cách giải quyết các vấn đề của cá nhân và gia đình. Anh Q. ngồi cạnh tôi trong buổi học đầu tiên, cũng với tâm trạng ấy.

Con trai út của anh Q. năm nay 8 tuổi, cũng mắc chứng tự kỷ. Vợ chồng anh sinh thằng cu khi đã khá lớn tuổi. Hai chị lớn, chị kề trước cách em út tới 11 năm. Biểu hiện ban đầu của thằng bé sinh ra đã chậm nói, ngoài 3 tuổi mà vẫn chưa nói được tiếng nào. Đến tuổi đi học, muốn cho cháu được học chung với các trẻ bình thường khác, gia đình buộc phải thuê riêng giáo viên có kỹ năng đặc biệt để kèm cặp cháu.

Cứ mỗi buổi sáng đi học, cô giáo đặc biệt kiêm bảo mẫu kiêm giám hộ đến nhà đưa em tới lớp. Em ngồi một bàn, cô ngồi ngay bàn bên cạnh, xung quanh là các bạn bình thường khác. Một tháng, riêng tiền trả cho "bạn cùng lớp" đặc biệt ấy đã hết 3 triệu đồng. Chưa kể nuôi một đứa trẻ tự kỷ bằng nuôi 5 - 6 đứa bình thường, vất vả vô kể. Nhưng anh Q. bảo, anh vẫn sẽ cố gắng tìm cách. Vợ chồng anh chẳng tiếc công sức, tiền bạc, chỉ mong cho con hòa nhập được với cộng đồng.

Cũng có không ít trường hợp học viên có con bị tự kỷ, đã từng theo học các khóa trước đây, nay trở thành cộng tác viên của trung tâm. Trong số này có anh Tuấn. Anh Tuấn là người được chọn thực hành thôi miên ngay tại lớp, thuộc diện dễ vào trạng thái, có con bị tự kỷ thuộc thể nhẹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thì ở ta hiện nay chưa có nơi nào có thể chữa được chứng bệnh quái ác này. Ngay kể cả đối với một số trường học đặc biệt được thành lập để dành riêng cho đối tượng này, thì theo như cách làm hiện nay mới chỉ là nơi trông giữ trẻ tự kỷ ban ngày và thêm vào đó dạy cho các cháu một vài kỹ năng sống cơ bản, chủ yếu theo lối học vẹt nhằm giảm bớt gánh nặng và sự lệ thuộc của chúng đối với gia đình mà thôi.

Vấn đề chính của trẻ tự kỷ là tình trạng tổn thương của bán cầu đại não phải - trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là nguyên nhân chiếm đa số - thì vẫn chưa thể được giải quyết. Ngay cả tại trung tâm của chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân cũng chưa từng nhận xử lý cho một trường hợp bị tự kỷ nào. Hầu hết các bậc cha mẹ tìm đến nơi đây, như anh Tuấn, anh T.S., anh Q.… có lẽ đều chỉ có cơ hội tìm hiểu thêm về căn bệnh của con trai mình cũng như rút ra được cách thức hành xử thích hợp trong hoàn cảnh của mình.

Thực hành phương pháp EFT trị liệu cắt cơn đau ngực mãn tính.

Khác với căn bệnh tự kỷ, những trường hợp trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý có vẻ như có kết quả khả quan hơn khi đến đây. Hẳn bạn đọc còn nhớ trong phóng sự cách đây ít lâu, tôi có đề cập đến trường hợp nữ sinh viên Trường đại học Dân lập Thăng Long bị mắc chứng rối loạn tâm lý. Cô gái này sau khi đi xem bói bỗng dưng mắc bệnh sợ vô cớ, tới mức không dám ra đường một mình, không đi học được nữa. Sau khoảng hai buổi trị liệu, qua điện thoại trực tiếp, được biết cô đã lấy lại được thăng bằng và đi học trở lại.

Một trường hợp khác là chị T., hiện cũng là cộng tác viên của trung tâm. Qua câu chuyện của chị T., được biết chị cũng từng có cô con gái lớn bị trầm cảm. Giai đoạn ấy, chị T. bị suy sụp thê thảm. Cả hai vợ chồng đều có vị trí trong xã hội, có học vị cao. Chồng là tiến sĩ, bác sĩ. Vợ là hiệu trưởng một trường mầm non. Chị T. kể, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm của con gái là do áp lực lên cháu quá lớn.

Trong gia đình lớn, nhiều anh chị em con bác, con các cô, dì của cháu đều học rất giỏi và đoạt giải trong vài kỳ thi lớn. Ban đầu, khi vợ chồng chị nhắc đến anh chị em của cháu để nhắc nhở cháu thì thấy không có phản ứng gì. Nhưng rồi nhiều lần, lặp đi lặp lại, chị thấy con gái thay đổi tính nết, lầm lì hẳn. Lâu dần, cả ngày trời cháu chẳng nói với ai câu nào, sau khi thi chuyển cấp cũng chẳng chơi với bạn mới, mặc dù sức học vẫn tốt… Lần đầu tiên, cách đây khoảng nửa năm, qua thông tin bạn bè, chị T. đưa con đến trung tâm gặp chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân. Chị T. tả lại, khi được chuyên gia thôi miên gợi hỏi chuyện, con bé khóc đúng nửa tiếng đồng hồ.

Theo lời chị T., chỉ sau một buổi trị liệu tâm lý đầu tiên, thái độ của cháu đã có tiến bộ. Thêm vài buổi nữa, tâm tính của con gái đã thay đổi hẳn, vui vẻ trở lại, hòa đồng với mọi người. Chị T. kể, khi quyết định đưa cháu đến đây, chị phải giấu chồng. Tuy nhiên, sau khi con gái thay đổi, chính chồng chị cũng nhận thấy điều này và chủ động giục đưa cháu đến… Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này, hai vợ chồng chị thống nhất vẫn giấu hoàn toàn gia đình nhà chồng.

Còn một vài trường hợp đặc biệt khác mà chính tôi được gặp ngay trong lớp học lần này. Có hai chị em tận trên Yên Bái, cô chị làm ở văn phòng UBND xã đưa em gái bị chứng rối loạn về học. Cô em gái trông dáng người thấp, gương mặt bầu bĩnh, nhưng nói chuyện rất ngộ và ngồi trong lớp cứ thản nhiên khạc nhổ, hỉ mũi như trong nhà vệ sinh riêng…

Một trường hợp khác là hai bố con từ Thái Nguyên xuống. Theo lời ông bố, thì cậu con trai của ông bị một dạng như trầm cảm, có pha cả rối loạn. Tôi lân la ngồi bắt chuyện, hỏi em mang giày đá bóng đi học thế này, chắc là thích bóng đá lắm? Cậu bé năm nay học lớp 11 trả lời: Em không đá bóng được. Vào sân bóng em chỉ toàn nhìn thấy… chân người ta!

Cũng có trường hợp hôm trước mẹ dẫn đến, hôm sau tự đi học một mình là một thanh niên, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường chuyên về mỹ thuật - đồ họa, mắc chứng bệnh tự ti trong giao tiếp, không hòa đồng được với các bạn… Được biết tất cả những trường hợp rối loạn hay trầm cảm này đều đã nhận được lời hẹn của chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân cho từng ca trị liệu riêng. Cho đến khi kết quả thế nào, xin phép được trở lại với bạn đọc trong một dịp khác.

Biểu diễn thôi miên hóa đá, đâm kim vào tay không thấy đau.

Một trong những nội dung của khóa học là phương pháp trị liệu sử dụng thôi miên hoặc tự thôi miên để cắt giảm stress. Đứng giữa lớp, Quân “thôi miên” nói lớn: “Tôi muốn tất cả những người ở đây, những người chưa lập gia đình hoặc có người thân chuẩn bị lập gia đình, đừng tự biến con mình thành những người… đồng tính?”.

Sau phút ngỡ ngàng của mọi người, chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân bắt đầu giải thích. Theo Quân “thôi miên”, trước nay người ta vẫn đổ cho đồng tính do gen di truyền. Nhưng việc này lại có thể lý giải được phần  nào trên góc độ khoa học thôi miên. Đó là mặc dù giới tính của một người được xác định ngay khi tinh trùng gặp noãn, tuy nhiên, trong 6 tuần đầu, mọi xét nghiệm đều trung tính. Đến tuần thứ 6, cơ thể người mẹ tiết ra hormone giới tính để tắm cho thai nhi ấy. Điều đáng chú ý là ở chỗ, mặc dù giới tính thai nhi đã hoàn toàn xác định, nhưng tại thời điểm ấy, hormone do cơ thể người mẹ tiết ra là hormone nam tính hay nữ tính phụ thuộc rất nhiều vào… tâm lý của người mẹ đó.

Cũng theo chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, trong đời người có 2 lần hormone tác động trực tiếp đến những thay đổi tâm sinh lý về giới tính của con người. Đó là thời điểm 6 tuần phôi thai và giai đoạn dậy thì… Bởi thế, nếu có bà mẹ nào thắc mắc rằng tại sao mình sinh con gái mà tính lại như con trai hay ngược lại, thì hãy tự kiểm điểm lại xem trong đoạn đầu thai kỳ mình có quá mong muốn điều ngược lại xảy ra hay không!

Thôi miên, mặc dù được khoác lên mình những tấm áo màu sắc của huyền bí, nhưng một điều không ai có thể phủ nhận được rằng nó là một môn khoa học thực sự. Trong kỳ tiếp theo là trải nghiệm của phóng viên với thực hành thôi miên ngay tại lớp học của chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân.

"Bản thân tôi là người tập thiền, thừa nhận phương pháp thôi miên của Quân có sự khác biệt. Ví như phương pháp châm cứu không dùng kim (EFT - thôi miên trị liệu) trước đây tôi cũng đã từng, nhưng mức độ tập trung không được cao. Nhưng nay đến đây thấy, châm cứu không dùng kim kết hợp với nguyên tắc hoạt động của bộ não 7 cộng trừ 2, đúng là khả năng tập trung tốt hơn, hiệu quả hơn thật. Tuy nhiên, với tư cách trong thành phần đại diện Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam ở đây, tôi cũng sẽ góp ý cụ thể với Nguyễn Mạnh Quân một số vấn đề cụ thể. Không nên và không được ám thị người học bằng những câu chuyện không có lợi" - Ông Ngô Văn Quán, Chánh văn phòng, Trưởng ban kiểm tra của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Ngày nay, Cơ quan ngôn luận chính thức của Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam.

Việt Ba
.
.