Thuê “thám tử” theo dõi người thân có phạm pháp?

Thứ Hai, 04/08/2014, 16:15

Sau khi Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cùng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội phát hiện Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng kinh doanh phần mềm ptraker để nghe lén tới 14.000 điện thoại, một thông tin chấn động khác là các thuê bao bị nghe lén chủ yếu là vợ chồng, những cặp yêu nhau, vì vậy mà Cơ quan Công an đang phải cân nhắc việc có nên thông báo đến những thuê bao bị nghe lén, vì việc này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ. Nhưng, ngoài việc nghe lén nhau, hiện nhiều cặp vợ chồng cũng đã sử dụng dịch vụ "thám tử tư" để giám sát nhau mà không biết rằng việc làm này cũng là vi phạm pháp luật…

Điều tra ngoại tình: Mảnh đất màu mỡ của thám tử tư

"Bạn đang nghi ngờ người yêu/ bạn đời mình ngoại tình? Theo nhiều chuyên gia tâm lý, hầu hết các vụ ngoại tình đều có những dấu hiệu lạ nhưng không phải người bị phản bội nào cũng nhận ra, thậm chí nhiều người còn lờ đi. Nhưng ngó lơ trước dấu hiệu lạ sẽ làm mọi chuyện xấu hơn và vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Gói dịch vụ thám tử điều tra ngoại tình của chúng tôi được thiết kế nhằm giúp cho bạn tìm thấy sự thật một cách nhanh chóng và chính xác. Nếu người bạn đời của bạn thực sự ngoại tình, các thám tử của chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chứng cứ xác thực (hình ảnh hoặc video). Chúng tôi sẽ giúp bạn "bắt tại trận" (nếu bạn muốn). Chúng tôi sẽ giúp bạn biết thông tin về người thứ 3. Các thám tử của chúng tôi được đào tạo nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quốc tế và có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi luôn sử dụng những công nghệ thám tử hiện đại nhất nhằm đạt được hiệu quả chắc chắn và nhanh chóng".

Đó là quảng cáo về gói "dịch vụ thám tử điều tra ngoại tình" của một "công ty thám tử". Để chứng minh việc "sử dụng những công nghệ thám tử hiện đại nhất" khi điều tra ngoại tình, công ty này còn quảng cáo với khách hàng rằng "với dịch vụ này, chúng tôi sẽ tặng cho bạn một phần mềm giám sát điện thoại đặc biệt với những tính năng: quản lý, ghi âm cuộc gọi, tin nhắn, facebook, skype, viber… và xác định vị trí đối tượng cần theo dõi".

Theo xác nhận của một "công ty thám tử" thì cung cấp chứng cứ ngoại tình hiện đang là dịch vụ sôi động nhất của thị trường "thám tử" tại Việt Nam, trong đó nhiều nhất vẫn là tại Hà Nội và TP HCM bởi "tình trạng ngoại tình đang diễn ra rất phổ biến không chỉ ở các thành phố lớn mà nó đã len lỏi về các vùng quê, không phân biệt địa vị xã hội hay tuổi tác".

Vì sao người ta lại phải thuê "thám tử" theo dõi người đang "đầu ấp, má kề" với mình? Có tới hàng trăm lý do, nhưng mục đích cuối cùng vẫn chỉ là để xác định xem có "kẻ thứ ba" đang len vào giữa hay không. Bởi để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, các "công ty thám tử" sẵn sàng cung cấp cho khách hàng đầy đủ các bằng chứng từ thông tin của người thứ ba, ảnh, video hoặc có thể "bắt tại trận" trong trường hợp khách hàng yêu cầu.

Dù không được pháp luật thừa nhận nhưng nghề "thám tử" ở Việt Nam vẫn đang tồn tại. Ảnh: Internet.

Vào các diễn đàn mạng, một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các chị em chính là chuyện nghi ngờ chồng mình "tòm tem" bên ngoài với những lời than thở kiểu như:

"Em đang nghi ngờ chồng em ngoại tình. Thực ra thì em thỉnh thoảng có kiểm tra tin nhắn của chồng. Đợt trước em có đọc được mấy tin nhắn hẹn hò đi ăn, đi chơi của chồng với em kia. Em có hỏi thì chồng bảo chỉ là bạn bè bình thường và em chỉ ghen bóng ghen gió. Sau đó em thấy không liên lạc nữa (cũng có thể là đã đề phòng hơn mà xóa hết mọi tin nhắn và cuộc gọi). Thế nhưng đợt gần đây thì lại liên lạc lại. Theo linh tính và suy đoán của em thì chúng có vấn đề nhưng em không có bằng chứng chắc chắn. Ở nhà nó vẫn ngọt ngào tình cảm với em nhưng chỉ cần ra khỏi nhà là chúng nó gọi điện cho nhau. Bây giờ em phải làm thế nào hả các chị? Nếu cứ sống trong nghi ngờ thì mệt mỏi lắm. Em có nên thuê thám tử để có bằng chứng chắc chắn không?".

"Vợ chồng mình do điều kiện công tác nên phải ở xa nhau, mình vừa sinh em bé được 2 tháng. Cứ 2 tuần chồng mình về thăm hai mẹ con 1 lần. Gần đây mình lờ mờ cảm nhận được chồng mình có gì đó khác thường, nhưng vì mình ở xa, lại bận con nhỏ nên không có cách gì biết được cả. Có lần mình thấy chồng lén lút đăng nhập vào YM, thấy mình một cái vội out ngay (mình nghi chồng mình tìm gái gú trên mạng gì đấy vì ngày xưa đã từng như thế). Mình đẻ xong được 2 tháng, chả thấy chồng mình buồn động vào vợ mặc dù nhiều lần mình có gợi ý. Mỗi lần về nhà anh ấy chỉ để ý đến con thôi còn vợ thì không thèm ngó ngàng tới. Mình rất ức, mình mang thai, sinh con, chồng đều không có bên cạnh, một mình biết bao vất vả thế mà lại bị đối xử thế này mình ức lắm nhưng không có bằng chứng, mình muốn thuê thám tử, có mẹ nào có kinh nghiệm vụ này chỉ cho mình với? giá cả có mắc lắm không?"…

"Công ty thám tử" này sẽ khuyến mại phần mềm nghe lén nếu khách hàng tham gia dịch vụ điều tra ngoại tình.

Có thể thấy hàng trăm những tâm sự kiểu này trên các diễn đàn. Và trong những lời tư vấn đưa ra thì phần đông chị em đều khuyên nhau là thuê thám tử theo dõi để cho "ra ngô, ra khoai".

Nhưng, để có bằng chứng cho "ra ngô, ra khoai", “khổ chủ” sẽ phải chi một khoản tiền không ít. Theo mức giá hiện nay thì chi phí giám sát ngoại tình của các "thám tử tư" nếu giám sát theo giờ với  thời lượng tối thiểu 4 giờ thì phí thuê thám tử tối thiểu 600.000 đồng; từ 30km đến dưới 100km phí tối thiểu 300.000đồng/ ngày, chưa kể chi phí phát sinh khi phải đeo bám theo "đối tượng" vào nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, khu vui chơi giải trí, tàu xe. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức giá cơ bản, còn theo yêu cầu cung cấp bằng chứng đến đâu, các công ty sẽ có mức giá cụ thể cho "khổ chủ".

Đã có những chuyện bi hài khi vợ thuê thám tử theo dõi chồng. Năm ngoái, Công an huyện Thanh Trì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Văn Trung (ở Đa Tốn, Gia Lâm) vì đánh người cướp tài sản, mà người bị đánh, cướp chính là một "thám tử tư" được vợ Trung thuê theo dõi chồng.

Vì nghi ngờ chồng có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác, vợ Trung đã thuê anh Nguyễn Văn Ứng, nhân viên một công ty thám tử, theo dõi chồng.

Ngày 19/11/2012, Trung đưa bồ về phòng trọ ở xã Thanh Trì thì thấy anh Ứng đi theo. Nghi mình bị theo dõi, Trung giả bộ rẽ vào một nhà nghỉ và lấy phòng. Biết chắc người này đang theo dõi mình, Trung bất ngờ xuống trả phòng, lấy cớ chê xấu. Sau đó, Trung để bạn gái đi bộ về, còn mình đứng ở ngoài ngõ và phát hiện "thám tử" cùng vợ đang trao đổi. Trung phóng xe đâm vào Ứng khiến vợ phải nhanh tay đẩy anh này ra để tránh và chặn chồng lại. Trong lúc vợ chồng Trung giằng nhau, anh Ứng vội vàng bỏ đi. Thấy vậy, Trung nhặt thanh gỗ ở bên đường, lao theo truy đuổi.

Những dịch vụ "thám tử" như thế này được quảng cáo nhan nhản trên mạng.

Khi bỏ chạy, "thám tử" bị rơi túi đồ nghề. Lục chiếc túi thấy có một điện thoại di động, máy tính xách tay, máy quay phim, Trung mở máy quay phim nhưng loay hoay một hồi không biết mở nên tức giận đập vỡ luôn rồi vứt vào sọt rác gần đó. Sau đó anh ta và vợ tiếp tục giằng co. Bị đứt hết cúc áo, Trung tát vợ chảy máu mồm, đạp xe máy của thám tử khiến vỡ hết phần nhựa. Gần nửa tháng sau khi xảy ra sự việc, vợ Trung mang toàn bộ tài sản chồng giữ của anh Ứng đến cảnh sát trình báo sự việc. Ngay sau đó, Trung bị tạm giữ, bị khởi tố, tạm giam về tội cướp tài sản.

"Thám tử tư" ở Việt Nam đang hoạt động ngoài vòng pháp luật

Ngoài điều tra ngoại tình, hiện các "công ty thám tử" ở Việt Nam còn nhận nhiều dịch vụ khác như theo dõi giám sát, tìm kiếm thông tin, quản lý giám sát con, điều tra thông tin kinh tế, điều tra hàng giả, xác minh nhân thân, tìm chủ nhân số điện thoại, điều tra kênh phân phối…

Thực tế, có những vụ án, luật sư cũng phải thuê "thám tử" thu thập thông tin hoặc tìm hiểu về tài sản của người phải thi hành án, phục vụ cho việc yêu cầu thi hành án của thân chủ.

Mặc dù dịch vụ được gọi là "thám tử tư" ở Việt Nam đã tồn tại hơn 10 năm và hoạt động rất rầm rộ, bởi chỉ cần vào google gõ 4 từ "công ty thám tử" lập tức tìm được hàng trăm "công ty thám tử" khắp trong Nam, ngoài Bắc mà công ty nào cũng quảng cáo mình "uy tín nhất Việt Nam". Nhưng thực tế là hầu hết các công ty này đều phải hoạt động dưới danh nghĩa công ty cung cấp thông tin. 

Theo luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội), căn cứ Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, ban hành theo Quyết định số 10/2007QĐ-TTg ngày 31/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động của tất cả thám tử tư nhân thuộc dịch vụ điều tra có mã ngành: 803 - 8030 - 80300, dịch vụ điều tra và giám sát. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, phụ thuộc vào loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.

Nhưng hiện cả nước mới chỉ có hai doanh nghiệp được cấp phép hoạt động liên quan đến điều tra, cung cấp thông tin. Sau hai doanh nghiệp này, việc cấp phép cho các hoạt động tương tự trong cả nước đều bị dừng lại.

Trong Luật Đầu tư và Nghị định số108/2006/NĐ-CP "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư" đã quy định cấm đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra.

Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định "Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý".

Nghị định số 52/2008/NĐ-CP "Về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ" quy định cấm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và nhân viên của doanh nghiệp tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức.

Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 "Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp" cũng quy định cấm "kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

Vì vậy cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thám tử bất hợp pháp tùy theo mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nhưng, dù không được pháp luật thừa nhận thì vẫn có nhiều người cần tới dịch vụ này. Có cầu ắt có cung nên dịch vụ thám tử vẫn đang tồn tại và mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này mà lại không chịu sự quản lý của cơ quan nào và cũng không mất một xu tiền thuế. Trong khi với các "khổ chủ" dù mất tiền thuê "thám tử" nhưng nhiều khi hiệu quả của việc này hoàn toàn phụ thuộc vào… đạo đức của "thám tử". Đây là kẽ hở trong quản lý nhà nước với một lĩnh vực khá nhạy cảm khi liên quan đến bí mật đời tư, quyền công dân…

Nhìn nhận từ góc độ của một chuyên gia pháp luật, Đại tá, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng hiện nhiều nước trên thế giới đã coi thám tử tư là một nghề và được điều chỉnh bởi các quy định chặt chẽ của pháp luật. Tại Việt Nam, sở dĩ luật chưa cho phép vì lo ngại những người làm việc này sẽ dùng chính thông tin thu thập được để sử dụng vào những việc vi phạm pháp luật

Nguyễn Thiêm
.
.