Thượng úy Trương Tấn Thương: Người chiến sĩ với mệnh lệnh từ trái tim

Thứ Ba, 11/08/2015, 11:05
Quen nhau gần 3 năm nhưng ít khi nào tôi có một cuộc hẹn đúng nghĩa với Thượng úy Trương Tấn Thương (công tác tại Đội CSGT Phú Lâm) bởi mỗi lần gọi hẹn, lúc thì đang điều tiết giao thông, lúc thì cùng đồng đội tuần tra, lúc thì “em đang đi học”… Dù cả khi bắt cướp phải vào bệnh viện chống phơi nhiễm, khi tôi gọi đến hỏi thăm sức khỏe, Thương nói: “Em đang cùng anh em tuần tra, mai nhé!”.

Nhưng rồi cái hẹn ngày mai cũng không được định hình khi Thương cho biết: “Hẹn anh qua tuần, em đang về quê có chút chuyện”. Con người của Thượng úy Thương là thế, công  việc và công việc cho nên những buổi gặp thật ngắn bên ly cà phê uống vội hay cái bắt tay vội vàng dưới cái nắng gay gắt khi bất ngờ gặp Thương đang điều tiết giao thông. Người đen nhẻm vì nắng gió, gương mặt nhỏ thó, giọng nói đặc sệt miền Tây nhưng khi kể về các chiến công trong bắt cướp, Thương lại cười thật khiêm tốn….

1. Dù đang uống thuốc chống phơi nhiễm và được nghỉ bệnh theo chế độ nhưng Thượng úy Thương hằng ngày vẫn đến đội tất bật cắt ca, nghe thông tin qua bộ đàm và cắt cử các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ tại các điểm nóng về giao thông.

Thiếu tá Đào Văn Út (Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm) lắc đầu: "Bảo nghỉ dưỡng bệnh nhưng Thương nó không nghe vì không chịu được cảnh nhàn nhã nên cơ quan bố trí việc phù hợp với sức khỏe”. Nhắc đến chuyện khống chế đối tượng cướp giật bị nhiễm HIV giai đoạn cuối N.N.T. (SN1982, quê quán Long An, tạm trú Bình Chánh) rồi bị trầy xước và dính máu của đối tượng, Thượng úy Thương cho biết chỉ thấy đó là công việc bình thường của một người chiến sĩ CAND trước các đối tượng tội phạm.

"Lúc bắt cướp em chỉ nghĩ đến việc không cho đối tượng thoát và lấy lại tài sản cho nạn nhân chứ đâu nghĩ đến chuyện đối tượng có H hay không!".

Trưa  22/7, Thương cùng ba đồng đội là Đại úy Trần Trung Hiếu, Trung úy Nguyễn Hoàng Minh, Thiếu úy Trần Văn Lượng tuần tra trên tuyến Trần Văn Giàu (đoạn đầu đường Võ Văn Vân cho đến cầu đôi giáp ranh địa phận huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đến giao lộ Trần Văn Giàu - Vĩnh Lộc (thuộc ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) thì nghe tiếng tri hô cướp của chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân).  Cùng lúc này một đối tượng điều khiển xe gắn máy biển số: 59L1-876.68 lưu thông với tốc độ cao hướng ra Quốc lộ 1.

Nhận định đây là đối tượng vừa cướp tài sản nên Thượng úy Thương cùng anh em quay đầu xe  truy đuổi. Thấy CSGT đuổi theo mình, đối tượng chạy một đoạn thì ném xe chạy bộ vào một con hẻm. Tổ CSGT truy đuổi và hô hoán cho lực lượng dân phòng đang tuần tra tại khu vực này phối hợp truy bắt. Do bị chặn bất ngờ, đối tượng bị ngã xuống đường. Thượng úy Thương bỏ xe lao vào vật lộn với đối tượng trên đường và ngón tay anh bị trầy xước.

Sau khi khống chế được đối tượng, máu của đối tượng đã dính vào ngón tay trầy xước của Thương. "Ban đầu cũng hơi lo lắng nhưng các bác sĩ tư vấn về hiệu quả của thuốc chống phơi nhiễm và khả năng lây nhiễm là thấp nên em cũng phần nào an tâm” - Thương chia sẻ.

Thượng úy Trương Tấn Thương (bên phải) và lãnh đạo đội CSGT Phú Lâm.

2. Đây không phải là lần đầu tiên Trương Tấn Thương bắt cướp. Hơn 10 năm công tác trong lực lượng Công an, Thương không ít lần  đối mặt với các vụ trộm cướp lớn nhỏ, có lúc anh đã nhảy cầu Sài Gòn từ độ cao hơn 20m xuống nước để bắt cho bằng được tên cướp... Nhưng lần này, đối với Thương là lần bắt cướp đặc biệt, bởi đối tượng mang trong người căn bệnh thế kỷ mà anh phải đối mặt với nguy cơ lây bệnh.

Sinh ra tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, lại là con trai út trong một gia đình có đến 10 anh chị em.  Tuổi thơ Thương gắn liền với những buổi chăn ngựa tắm sông cùng bạn bè trên cánh đồng cạnh con sông gần nhà. Bởi vậy cậu bé nhỏ choắt, đen nhẻm bơi lội lặn ngụp như rái cá. Như bao đứa trẻ hiếu động vùng quê, trò chơi công an bắt cướp như đã tô màu cho ước mơ của cậu bé Thương.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thương luôn đeo đuổi ước mơ trở thành chiến sĩ công an để… bắt cướp. Để thực hiện ước mơ của mình, sau khi rời trường phổ thông, Thương đã có cơ hội đứng vào hàng ngũ Công an khi thực hiện nghĩa vụ tại Công an quận 6 TP HCM.

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc Thương cũng là lần anh nhảy cầu Sài Gòn bắt đối tượng Lê Văn Hai (25 tuổi, ngụ quận 1) và đối tượng này cũng là một con nghiện ma túy. Lúc này Thương vẫn còn đang công tác tại Đội Cảnh sát Cơ động Phản ứng nhanh của Công an quận 6 và đang theo học tại chức Đại học Cảnh sát nhân dân. Nhà ở Bình Tân nên buổi sáng đến trường, chiều Thương cùng Trung úy Phạm Công Phan (công tác tại Công an phường 10, quận 5) về nhà trên một chiếc xe.

Trung úy Phan chở Thương lưu thông trên xa lộ Hà Nội đến gần cầu Rạch Chiếc thì thấy chị Nguyễn Thị Hồng (22 tuổi, quê quán Đồng Nai) vừa chạy xe vừa chỉ tay về phía trước truy hô cướp. Với phản xạ của một chiến sĩ công an, Thương xác định nhanh đối tượng điều khiển chiếc xe tay ga hiệu Nouvo đang cố lạng lách trong dòng xe là mục tiêu của mình nên bảo bạn tăng ga truy đuổi.

Đường vào giờ tan tầm nên phương tiện giao thông rất đông, nếu cố tăng ga đuổi bám sẽ gây ảnh hưởng cho người đi đường nên cả hai quyết định cho xe chạy vào làn xe ôtô để chặn đầu đối tượng.

Khi đến giữa cầu Sài Gòn, bắt kịp đối tượng, Thương nhảy khỏi xe lao qua dòng phương tiện đang di chuyển hô lớn: "Anh không thoát đâu! Anh nên theo chúng tôi về trụ sở!". Đối tượng Hai loạng choạng tay lái khi thấy sắc phục màu xanh chặn trước mũi xe mình. Tuy nhiên Hai ngoan cố không chịu dừng lại mà bỏ xe chạy lên thành cầu và nhớm người leo qua lan can rồi nhảy xuống sông Sài Gòn hòng tẩu thoát.

Quyết không để tội phạm trốn thoát, Thương chỉ kịp cởi giày và leo qua lan can cầu lao theo đối tượng. Nước sông Sài Gòn dâng cao, chảy xiết, đối tượng cũng không phải là dân vừa trong bơi lội, hắn bơi thật nhanh về phía đám lục bình dưới chân cầu.

Thương bám theo bơi chặn đầu và leo lên được một cây cầu nhỏ: "Anh không thoát được đâu! Lên bờ đi!", Thương dõng dạc nhưng tên cướp vẫn ngoan cố nhoài người bơi ra xa và dần đuối nước… Thương đã phải gọi Ban quản lý cầu Sài Gòn đưa canô ra kéo đối tượng vào bờ giao cho Công an phường.

“Cả người và giấy tờ, ướt nhẹp, "điện thoại "tắm" sông, vợ em gọi hoài không được nên lo lắng quá trời! Chỉ đến khi về đến nhà cô ấy mới hết lo nhưng không gặng hỏi bởi cô ấy biết tính của em quá rồi!"- Thượng úy Thương bẽn lẽn cười khi nhắc lại chuyện cũ.

Đối tượng cướp nhiễm HIV bị Thượng úy Thương và đồng đội bắt giữ.

3. Nhận xét về người đồng đội, người lính công tác tại đơn vị mình, Thiếu tá Đào Văn Út - Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm  cho biết, cuối năm 2012, Thượng úy Thương chuyển từ Công an quận 6 về đội. Là một người hiền lành, sống hòa đồng với anh em và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên Thương luôn được đồng đội yêu mến, cảm phục, nhất là thành tích hàng chục lần đối mặt và bắt trộm cướp, buôn lậu.

Thương đã 8 lần vinh dự  được nhận giấy khen từ Ban Giám đốc Công an TP HCM và Công an quận 6 về thành tích bắt tội phạm. Trong lần bắt tội phạm này, Đội CSGT Phú Lâm cũng làm các thủ tục đề xuất lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP khen thưởng để động viên Thương cùng đồng đội tham gia trong vụ bắt cướp.

Nhắc về người chiến sĩ CSGT nhưng lại có "máu" săn bắt cướp này, nhiều đồng đội cũ công tác tại Công an quận 6 kể lại, riết rồi lại thành câu chuyện… vui! Ấy là một lần đang đi trên đường Kinh Dương Vương, quận 6, Thương nghe tiếng nạn nhân tri hô cướp. Chiếc xe gắn máy của đối tượng lao đi như tên bắn hướng về Bến xe Miền Tây.

Nhận định đây là đối tượng vừa "ăn hàng" nên Thương quay đầu xe truy đuổi và sau đó cúp được đầu xe đối tượng tại Công viên Phú Lâm. Điều bất ngờ là khi vừa chặn được đầu xe đối tượng thì một số đối tượng khác trờ xe tới áp sát xe của anh cản địa nhằm giải thoát cho đồng bọn. Quyết không để "mất" đối tượng, Thương bỏ xe chạy bộ đuổi theo và khống chế đưa về trụ sở…

Hay một lần khác, Thương phát hiện người dân đang đuổi theo một đối tượng điều khiển xe gắn máy nên nhấn ga đuổi theo. Cuộc truy đuổi từ Công viên Phú Lâm, quận 6 ra đến đường 3-2, quận 11 thì Thương đuổi kịp và chặn đầu xe hai đối tượng. Hai đối tượng bỏ xe và lao vào một nhà dân ẩn nấp, Thương đuổi theo thì bị người dân… chặn lại. Sau một hồi thuyết phục người dân mới hiểu Thương đang bắt cướp nên cùng hỗ trợ khống chế hai đối tượng đưa về phường…

Không chỉ nhớ đến Thương với hình ảnh người chiến sĩ "máu" bắt cướp mà nhắc đến Thương nhiều đồng đội còn dành cho anh những lời lẽ thật cảm động về một người CSGT đầy tình cảm. Gần đây nhất, khi một đồng đội khi làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1 hy sinh, Thương cùng anh em có mặt tại nhà của đồng đội động viên, an ủi, chia sẻ cho đến khi người chiến sĩ này yên nghỉ dưới lòng đất mẹ.

Trong sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ. Đó là câu chuyện của Thương, hay có lẽ gọi là may mắn đúng hơn chăng? Có lẽ người gắn bó và hiểu, cảm thông, chia sẻ với Thương nhiều nhất chính là vợ anh. Nhiều lần Thương tham gia bắt cướp bị thương rồi nhập viện, nhưng vợ anh không một lời trách cứ mà chỉ mong anh cẩn thận khi đối đầu với đối tượng. Lần bắt cướp bị thương này, Thương phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HVIV từ đối tượng, vợ Thương buồn.

"Em phải động viên vợ và nói ra những suy nghĩ của mình cho vợ hiểu và cảm thông! Người dân khi thấy cái xấu còn lao vào huống hồ mình là một chiến sĩ công an, thấy cái xấu không thể làm ngơ được!" - Thương cho hay.

Thượng úy Thương là vậy! Công việc và trách nhiệm, sống đúng với tâm chất của chính mình. Mặc dù đang dưỡng bệnh nhưng Thương không lấy việc này để làm cái cớ để mình lơ là trách nhiệm.

"Hiện tại em vẫn uống thuốc chống phơi nhiễm và chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng. Cơ quan cho nghỉ để chữa bệnh nhưng ngồi ở nhà ngứa ngáy tay chân lắm nên cứ lên cơ quan, lãnh đạo phân công gì mình làm đó, cho đỡ buồn và cũng đỡ lo lắng vì đằng nào cũng đã có kết quả đâu" - Thương cười phân trần.

Những cuộc hẹn giữa tôi và Thương chắc sẽ còn gián đoạn và chỉ có thể gặp nhau qua ly cà phê uống vội bởi lần nào hẹn hò cũng nhận được câu "Em đang bận lắm!".

Mạnh Đức
.
.