Tiếng đàn từ đại ngàn

Thứ Ba, 25/12/2018, 15:00
Tây Nguyên, vùng đất mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo, đặc biệt là âm nhạc. Với các dân tộc Tây Nguyên, âm nhạc bắt nguồn từ núi rừng hùng vĩ, như tiếng nói tâm linh của con người, gắn bó với đời sống cộng đồng, từ lúc mẹ cha làm lễ thổi tai cho tới khi khuất bóng.

Âm nhạc Tây Nguyên khi rộn rã, lúc trầm hùng với những lễ hội cồng chiêng hoang vu, lúc lại kỳ bí đậm chất núi rừng với các nhạc cụ làm từ tre nứa như đàn T’rưng, K’ni hay đàn Goong.

Tiếng đàn gọi tình yêu

Nếu tiếng cồng chiêng tưng bừng trong lễ hội mùa xuân thì đàn Goong và K’ni lại như tiếng lòng gọi mùa xuân tới. Không nhuốm màu huyền thoại và tâm linh, âm thanh không vang động khắp núi rừng như nhịp cồng chiêng, bộ đôi đàn Goong và K’ní bình dị của người Tây Nguyên là lời tâm tình, thủ thỉ của lứa đôi qua ngàn đời. Đâu đâu trên miền cao nguyên đầy nắng gió này cũng thấy đàn Goong và K’ní hòa nhịp những giai điệu bình yên.

Nếu người Thái có chiếc khèn bè, người Mông có chiếc kèn lá thì các chàng trai Jrai, Sedang... ở Tây Nguyên có đàn Goong để thổ lộ tình cảm yêu đương với người con gái. Đàn Goong gọi bạn tình, làm nên nét hấp dẫn của các chàng trai. Qua tiếng đàn, trai gái nhận ra nhau, hiểu được tâm hồn và suy nghĩ của nhau. Thế nên tiếng đàn như mối giao hòa thắm thiết, là nơi gửi gắm trọn vẹn khúc hát yêu đương của những chàng trai cô gái Tây Nguyên.

Cha con nghệ nhân Rơ Châm Tih chuẩn bị chơi đàn Goong.

Rất nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng qua tiếng đàn Goong giao duyên: “Nghe tiếng đàn Goong nhịp tim xôn xao/ Nghe tiếng đàn Goong nhịp chân nghiêng chao/ Tiếng đàn Goong réo rắt nói lời yêu nhau”. Những lời hát thiết tha được cất lên cùng tiếng đàn Goong như lời tự sự, như tiếng lòng sâu kín chân thành mà mộc mạc về khát vọng tình yêu của những chàng trai Tây Nguyên.

Không chỉ thế, tiếng đàn còn có mặt ở khắp nơi. Đàn theo chân người mỗi sớm lên nương, mỗi hoàng hôn trở về sau một ngày vất vả, theo những con gió hoang dại chạy dài trên những vạt cao nguyên. Mỗi tiếng đàn là một lời tâm sự, là một câu chuyện dẫn dắt người nghe lạc vào chốn hùng vĩ của núi ngàn, lúc rạo rực như tiếng chim Ch’rao, khi da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, khi hiền dịu, róc rách như suối chảy. Thế nên chỉ cần nghe qua tiếng đàn là biết được người chơi đang vui hay buồn. Bởi khi vui, tiếng đàn rộn rã thánh thót còn khi buồn, tiếng đàn vì thế cũng nỉ non, trầm lắng, u sầu ...

Đàn Goong và K’ni - bộ đôi kể chuyện

Những tộc người sống ở vùng phía bắc Tây Nguyên như Bana, Jrai, Sedang, Ba Na... thuộc tỉnh Kon Tum và Gia Lai không ai là không biết tới cây đàn Goong thân thuộc bình dị. Đồng bào Ba Na còn gọi đàn này là Tinh ninh hay Teng neng nhưng tên đàn Goong vẫn phổ biến hơn cả.

Đàn Goong có vẻ bề ngoài hết sức độc đáo, được cấu tạo khá đơn giản bởi một ống nứa hoặc tre lồ ô, hai đầu ống đều có mấu kín. Phía chân đàn có mắc một đầu dây, phần đầu dây còn lại quấn vào những trục lên dây bằng gỗ, cắm xuyên qua ống ở phía đầu đàn. Tùy theo từng loại mà đàn sẽ có từ 10 đến 18 dây. Phía dưới gắn thêm nửa quả bầu khô rỗng ruột để làm cộng hưởng. Dù đơn giản vậy nhưng cách hòa âm của đàn lại rất phức tạp. Khi chơi Goong, người ta phải chống gốc đàn vào bụng, hai bàn tay vừa đỡ thân đàn vừa dùng ngón để gảy.

Cùng với đàn Goong, đàn K’ni cũng có cấu tạo đơn giản. Đàn làm bằng thanh gỗ tròn hoặc ống nứa nhỏ, một đầu có trục lên dây, gốc đàn có mấu mắc dây. Trên thân đàn gắn 4 núm tre làm phím dựa theo mẫu thang âm cồng chiêng. Cung kéo của K’ni làm bằng 1 thanh cật nứa mỏng cọ vào dây tạo ma sát kích âm. Nhưng, âm thanh của đàn được tạo nên lại không phải từ dây đàn mà sóng âm được truyền qua một dây nối vào lam đàn (xưa được làm bằng vẩy tê tê nay thay bằng nhựa). Lam đàn được ngậm vào miệng, ở giữa hai hàm răng. Khi người chơi kéo dây lên, dây rung kết hợp với sự đóng mở khẩu hình tạo nên thứ âm thanh rất đặc biệt, u oa như tiếng người nói.

Đàn Goong và K’ni là hai loại đàn dành riêng cho nam giới. Cũng như nhiều nhạc cụ Tây Nguyên làm từ cây rừng nhưng hai nhạc cụ này kết hợp với nhau thành một bộ đôi hoàn hảo, nhuần nhị tạo nên thứ âm thanh hết sức thú vị. Tiếng đàn cất lên như người kể chuyện giữa núi ngàn.

Các nghệ nhân chế tác đàn Goong.

Nghệ nhân Rơ Chăm Tih và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Được ví như “Viên ngọc Jơ Rai”, nghệ nhân Rơ Chăm Tih ở làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, được nhiều người biết đến nhờ tài chơi đàn và chế tạo các loại nhạc cụ dân gian của Tây Nguyên. Tình yêu với những bài hát dân ca, những cây đàn cổ truyền mà cha ông để lại đã có trong anh từ khi còn là một cậu bé. Qua các mùa lễ hội ở buôn làng, qua năm tháng miệt mài dõi theo các cụ già trong làng vót những ống tre, ống nứa làm đàn.

Đến năm 12 tuổi, Rơ Chăm Tih đã tự chế tác được một số nhạc cụ đơn giản. Để sau đó, khi trưởng thành, tên tuổi và tài năng âm nhạc dân tộc anh thực sự được tỏa sáng. Niềm say mê âm nhạc trong anh còn lớn đến nỗi, mỗi đứa con của anh đều được anh đặt tên theo dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống. Với kinh nghiệm nhiều năm chế tác đàn Goong, đôi bàn tay cần mẫn của nghệ nhân Rơ Chăm Tih ngày ngày thổi hồn vào từng thân nứa, thân tre để từ đó tấu lên những giai điệu rộn ràng, những thanh âm mộc mạc mà tha thiết của núi rừng hùng vĩ.

Những ống nứa dùng làm đàn được anh lựa chọn kỹ càng. Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại, cây nứa phải được thu hoạch lúc 3 năm tuổi và chặt vào những ngày cuối tháng để nứa vừa bền đẹp mà không bị mối mọt.

Quá trình tạo ra một chiếc đàn Goong cũng không quá cầu kỳ nhưng phức tạp nhất là sắp xếp vị trí các dây đàn. Vì đàn Goong có từ 10 đến 18 dây, chỉ sai lệch một chút là các cao độ của đàn sẽ bị thay đổi. Tất cả đều được đo, ước lượng bằng bàn tay và kinh nghiệm của nghệ nhân.

Các khoảng cách của chốt đàn được chia và đánh dấu dọc theo ống đàn, mỗi chốt đàn sẽ giữ một dây đàn và dùng để điều chỉnh cao độ. Dây đàn được mắc từ gốc đàn đến từng chốt đàn. Việc khoan các lỗ mắc dây cũng phải đều nhau, sao cho khoảng cách các dây vừa tay người chơi. Từng lỗ nhỏ được khoan một cách cẩn trọng. Các dây được mắc lên trục đàn, mỗi dây có độ dài ngắn khác nhau để tạo ra cao độ khác nhau. Ngày xưa, dây đàn cổ truyền được làm bằng tơ cây dứa dại, xe với mật ong. Ngày nay, các nghệ nhân dùng sợi thép lấy từ dây phanh xe đạp hay sử dụng dây đàn ghi-ta làm cho tiếng đàn vang hơn, trong trẻo hơn.

Mỗi sợi dây đàn được mắc xong lại là một lần chỉnh âm, ngoài đôi tay khéo léo, nghệ nhân Rơ Chăm Tih còn phải dựa vào đôi tai âm nhạc của mình. Đặc trưng của đàn Goong là nhiều dây nên những chốt lên dây của đàn tạo cho nó có một hình dáng rất ấn tượng, độc đáo. Phía gốc đàn được gắn một quả bầu khô để cộng hưởng âm. Quả bầu già được thu hoạch và ngâm với hóa chất để tạo màu đen và độ cứng của vỏ. Trên vỏ quả bầu được khắc những họa tiết trang trí. Đàn Goong khi được chế tác hoàn thiện giống như một tác phẩm điêu khắc độc đáo và như một nhịp cầu nối tình duyên.

Không chỉ say sưa với âm nhạc truyền thống, nghệ nhân Rơ Chăm Tih còn tâm huyết truyền dạy cách làm đàn và chơi đàn cho mọi người. Anh hồ hởi chia sẻ: “Ngày xưa, mình muốn học cách chơi và chế tác nhạc cụ thì phải tự tìm đến các nghệ nhân, tự quan sát, tìm tòi. Nhưng bây giờ, chỉ cần em nào yêu thích, đến với mình, mình sẵn sàng chỉ lại hết kinh nghiệm”.

Anh em nghệ nhân H’Mut và Rơ Châm Cuk đang chơi đàn Goong và K’ní.

Vì thế, từ tình yêu với nhạc cụ dân tộc, anh Rơ Chăm Tih đã khơi dậy niềm đam mê cho thanh niên trong làng bằng cách mở lớp dạy chế tạo và sử dụng nhạc cụ dân tộc, vừa để bán, vừa quảng bá văn hóa của dân tộc mình. Căn nhà của anh trở thành một xưởng chế tác nhạc cụ tre nứa. Hằng ngày, anh cùng bạn bè và các học trò tỉ mỉ, cẩn thận chế tạo từng cây đàn, từ loại đàn nhỏ bé như đàn Goong và K’ni, đến những dàn đàn lớn hơn như Klong put hay T’rưng...

Không chỉ là tay chơi nhạc cụ dân tộc nổi tiếng ở Tây Nguyên, anh Rơ Chăm Tih còn được cử đi trình diễn ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Lào, Campuchia... Anh cho hay: “Người nước ngoài rất thích âm thanh mộc mạc mà mê hoặc phát ra từ quả bầu khô, ống lồ ô, tre nứa, khi rền vang như tiếng nước réo, ầm ầm như thác đổ, nhịp nhàng như tiếng chày giã gạo hay lắng đọng dịu êm của nhạc cụ Tây Nguyên”.

Chỉ với cây đàn Goong thô sơ, những chàng trai Tây Nguyên có thể vừa chơi vừa hát nhiều bài với những ca từ đằm thắm về tình yêu, lòng biết ơn với cha mẹ, với các thần linh hay những lời tỏ tình của chàng trai, cô gái..

Nhớ hoài Yang Ke/ Nhớ hoài đêm Xoang/ Anh cùng em ở bên rượu cần/ Tóc em xõa vai trong điệu múa/ Nhớ hoài Yang Ke/ Nhớ hoài lời nói dịu dàng/ Đứng lên nào/ Hãy cùng đi/ Ta cùng múa nào/ Dậy lên nào/ Ta cùng đi/ Ta cùng Xoang nào...”.

Sống gần gũi với núi rừng nên hầu hết nhạc cụ của người Tây Nguyên đều được làm từ các vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Những nhạc cụ này, tuy chế tác còn thô sơ nhưng lại rất độc đáo về hình thức và âm thanh thể hiện.

Cách đây hàng trăm năm, người Tây Nguyên đã làm ra những nhạc cụ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên hùng vĩ. Đến nay, đồng bào vẫn tạo tác và giữ gìn được nhiều nhạc cụ cổ truyền đặc sắc, chủng loại đa dạng và gắn với nhiều cách thức biểu diễn. Để chơi được những bài nhạc mới, các nghệ nhân đã chế thêm dây cho đàn Goong. Thế mới thấy sức sống mãnh liệt của cây đàn tưởng chừng như đơn giản này.

Những nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên đã đi vào đời sống và gắn bó với họ như một báu vật không thể thiếu. Dù thời gian trôi qua, khi âm nhạc hiện đại đã tràn vào từng buôn làng nhưng những âm thanh mộc mạc, gần gũi của những cây đàn vẫn luôn bất diệt. Sức sống của nó cũng như sức sống của con người nơi đây. Âm thanh của nó cũng là tâm hồn của họ và đó cũng chính là giá trị văn hóa làm lên một Tây Nguyên huyền thoại.

Nhật Minh
.
.