Tiếng vọng từ đại ngàn

Thứ Bảy, 06/04/2019, 09:05
Mùa xuân về trên khắp các nẻo đường cao nguyên, loài hoa dã quỳ vàng rực báo hiệu mùa thu hoạch, mùa ăn năm uống tháng của người Tây Nguyên bắt đầu. Tây Nguyên thu hút mọi người không chỉ bởi những mái nhà rông cao vút, vị nồng say chếnh choáng của men rượu cần bên ngọn lửa bập bùng, đôi chân trần như mời gọi của sơn nữ trong nhịp xoang... mà còn bởi sự mê hoặc khó cưỡng của những vũ điệu cồng chiêng.

Nghe trong gió tiếng chiêng âm vang trên các buôn làng, rừng suối. Đi để về với cội nguồn, để được đắm mình trong tiếng chiêng lễ hội. Những tiếng chiêng như có hồn, có lời thương lời nhớ, lời gọi mời...

Những chiếc chiêng Tây Nguyên.

Mạch nguồn âm nhạc Tây Nguyên

Cồng chiêng có lịch sử từ rất lâu đời, cách đây khoảng 3.000 năm, từ thời kì phát triển của đồng thau tại vùng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Từ đó đến nay, cồng chiêng đã tồn tại, đồng hành, gắn bó mật thiết với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của con người nơi đây. Cồng chiêng là mạch suối nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, là tiếng lòng yêu thương, là sức mạnh, là hồn thiêng.

Trong các lễ hội mùa xuân ở Tây Nguyên, âm thanh cồng chiêng như mạch nước ngầm thấm đẫm vào cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, lúc dữ dội, ào ào như thác đổ, khi lại hờn dỗi, sôi động, trẻ trung như chàng trai hát khúc Eirei, mặn mà, lắng đọng như tình yêu của cô sơn nữ... Âm thanh cồng chiêng có thể xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, sự cô đơn trống vắng hay tủi hờn trong bất hạnh. Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, già trẻ, gái trai như bị thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ điệu cồng chiêng. Âm thanh trầm hùng, huyền ảo ấy trong những áng sử thi, mở ra một không gian nguồn cội, vừa lãng mạn, vừa hào hùng.

Cồng chiêng gắn bó với con người Tây Nguyên từ khi mới chào đời cho đến khi tiễn đưa linh hồn về nơi bến nước. Đồng bào Tây Nguyên rất yêu và trân trọng dàn chiêng. Theo quan niệm tâm linh của họ, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Chính vì vậy, tiếng chiêng khi đánh lên là ước mong muôn đời của con người  tới Giàng, tới mẹ lúa, tới thần sông, thần núi... về một cuộc sống ấm no, yên bình.

Cồng chiêng là linh khí quan trọng trong các nghi lễ. Bởi giá trị đó nên nó được người Tây Nguyên coi là biểu tượng của quyền lực, là vật để giao tiếp giữa con người với thần linh. Tiếng chiêng vang lên như khói hương của người Việt được đốt lên để mời thần linh về dự nghi lễ của người Tây Nguyên.

Cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hay đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng có bề mặt phẳng, không có núm. Trong một dàn chiêng có những chiếc cồng và chiêng với kích cỡ khác nhau, có dân tộc sở hữu bộ chiêng từ 6 đến 12 chiếc, có nơi dàn chiêng lại lên đến 18 hay 20 chiếc. Điều đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên không sản xuất ra cồng chiêng. Các bộ cồng chiêng đều được mua về và gò chỉnh lại cho phù hợp với thẩm mỹ thanh âm của từng tộc người.

Nghệ nhân Đinh Jrang dạy đánh chiêng cho thiếu nhi trong làng.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền đã bắt đầu điền dã Tây Nguyên từ năm 2004, khi ông cùng đoàn chuyên gia làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Từ đó đến nay, sự kì vĩ, bí ẩn của không gian văn hóa cồng chiêng đã bao lần thôi thúc ông trở lại vùng đất này, để tiếp tục khám phá vẻ đẹp của cồng chiêng và nền âm nhạc đồ sộ của đồng bào các tộc người.

Ông cho rằng “cồng chiêng Tây Nguyên được đánh giá ở tầng bậc nghệ thuật cao nhất của vùng Đông Nam Á. Bất cứ ai lần đầu tiên được biết tới cồng chiêng Tây Nguyên đều bị ám ảnh bởi sự huyền hoặc của nó”.

Độc đáo dàn cồng chiêng

Các dàn cồng chiêng Tây Nguyên lấy thang bồi âm tự nhiên làm cơ sở để thiết lập thang âm của riêng mình.  Tuy nhiên, tùy từng tộc người, cồng chiêng được xếp sắp cũng như lựa chọn phương pháp kích âm khác nhau để lập thành nền nghệ thuật của riêng mình. Nếu như bộ chiêng Tha của người Brâu chỉ có 2 chiếc thì các tộc người phía Bắc Tây Nguyên như Ja Rai, Bahnar, Xê Ðăng sở hữu những dàn chiêng đồng lên đến hàng chục chiếc. Cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh các âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm với một vài âm phụ khác.  Bởi vậy mà âm sắc cồng chiêng nghe thật đầy đặn và có chiều sâu.

Người Ja Rai ở xã Iaka, huyện Chư Pah, Gia Lai là tộc người có một trong những dàn cồng chiêng lớn nhất và có cấu trúc dàn nhạc phức tạp nhất Tây Nguyên. Sở hữu chiếc cồng lớn nhất Trường Sơn Tây Nguyên cùng số lượng chiêng lớn, âm thanh của cồng chiêng Ja Rai có tiết tấu nhanh và dồn dập, hùng vĩ, vang dội như tiếng vọng của rừng núi.

Nếu như các tộc người phía Nam Tây Nguyên dùng nắm đấm để kích âm, người Êđê, Brâu sử dụng dùi cứng thì người Ja Rai và các tộc người khác ở Bắc Tây Nguyên thường sử dụng thân sắn mềm làm dùi chiêng, tạo nên âm thanh vang to, sắc nét, các âm cơ bản rõ ràng.

Đến với Tây Nguyên, ta có thể lắng nghe âm thanh cồng chiêng trầm hùng của người Bahnar trong lễ hội đầu mùa; lời tự tình, ngân nga, lắng đọng của các chàng trai, cô gái Ja Rai qua tiếng chiêng Arap trong lễ hội bỏ mả; sự thủ thỉ thì thầm như rót mật vào tai của tiếng chiêng M’nông trong lễ hội cầu mưa; hay thông điệp mạnh mẽ, khát khao của nam nữ Ê-đê trong lễ hội cúng bến nước... Tất cả đều được ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống từ ngàn xưa vọng về. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền những thế hệ, gắn kết cả cộng đồng trong một không gian văn hóa diễn xướng.

Như vậy, tiếng chiêng không chỉ là tiếng nói tâm linh, mà còn là đặc trưng của từng tộc người. Nghe tiếng chiêng, ta có thể hiểu phong cách sống và xử thế của mỗi dân tộc. Và trong những dịp lễ hội, cứ có tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là sẽ có vũ điệu xoang. Bên ngọn lửa, những vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng vang động núi rừng. Những con người ban ngày còn mải mê việc rẫy, việc vườn thì khi màn đêm buông xuống, trong ánh lửa bập bùng lại trở thành những vũ công thực sự, lãng mạn và bay bổng. Vũ điệu xoang trở thành thông điệp của tình đoàn kết nơi buôn làng và làm đắm say, mê hoặc lòng người.

Để linh hồn của núi mãi vang vọng

Cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, ngày nay, văn hóa cồng chiêng cũng có những thay đổi ở từng vùng, từng dân tộc. Những dàn chiêng không chỉ được sử dụng trên các buôn làng, mà xuất hiện trong nhiều không gian khác, gắn với những hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau của người dân Tây Nguyên.

Cuộc sống hiện đại khiến quan niệm về thế giới thần linh cổ xưa của đồng bào có sự đổi khác. Những nghi lễ cổ truyền cùng các hoạt động nghệ thuật cũng chấm dứt sự trao truyền giữa các thế hệ, đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Biểu diễn cồng chiêng ở xã Ia ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.

Cũng theo thời gian, không gian văn hóa cồng chiêng đã có những biến đổi, nhiều giá trị truyền thống đang mai một dần. Không gian diễn xướng, chủ yếu là các nghi lễ truyền thống bị thu hẹp khiến cho việc sử dụng cồng chiêng dần ít đi. Tuy vậy, tại nhiều buôn làng Tây Nguyên, cồng chiêng vẫn có sức sống mạnh mẽ. Đến làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai, tình yêu với những âm thanh của cồng, của chiêng đang từng ngày được truyền đến các thế hệ. Đội cồng chiêng thiếu nhi được già làng tập hợp và dạy cách đánh các bài chiêng từ rất sớm.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Jrang chia sẻ: “Bây giờ trong làng có nhiều người già biết đánh chiêng. Nhưng rồi người già mất đi thì dần dần cũng không còn ai đánh chiêng nữa. Vì vậy tôi phải dạy cho các cháu. Việc này cũng khó nhưng tập cho chúng nhiều lần thì sẽ đánh giỏi thôi”.

Đây không chỉ là niềm tin của riêng nghệ nhân mà còn là niềm tin của cả đồng bào Tây Nguyên về việc lưu giữ và truyền lại những tinh hoa âm nhạc cho thế hệ mai sau. Những tiếng cồng chiêng được đánh lên đã xóa đi những khoảng cách thế hệ, giữa người dạy và người chơi, chỉ còn lại một không gian nhuốm màu huyền thoại trong một sự ngưỡng vọng tuyệt đối thiêng liêng. Những nghệ sỹ nhí biểu diễn cồng chiêng một cách hồn nhiên, như cây cỏ, như sông như suối. Và tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ cùng các em lớn lên, được nối dài đến mai sau, qua bao thế hệ, âm vang khắp đại ngàn.

Từ không gian sử thi bước ra, những chàng Đam San của nguồn cội, của thời nay và của tương lai, những con người luôn nâng niu hồn vía của từng tiếng cồng chiêng đã có những lời hiệu triệu vang khắp núi rừng: “Hãy đánh lên các chiêng có tiếng âm vang, những chiêng có tiếng đồng tiếng bạc, cho tiếng chiêng vang vọng khắp đó đây, khiến voi, tê giác trong rừng quên không cho con bú ếch nhái dưới gầm sàn, kì nhông ngoài bãi phải ngừng kêu, tất cả đều ngày đêm lặng thinh để nghe tiếng chiêng”. (Sử thi Đam Săn) 

Không những là một nhạc cụ độc đáo mà còn mang trong mình sức mạnh tâm linh của cả cộng đồng nên ngày 25-11-2005, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sau nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng tạo cho Tây Nguyên một không gian vừa lãng mạn vừa hùng tráng.

Tiếng nói của dàn chiêng cũng là tiếng nói tâm hồn con người Tây Nguyên, đầy trữ tình và khát khao yêu cuộc sống. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng người, sẽ sống mãi cùng đất trời và con người Tây Nguyên.

Trung Thành
.
.