Tin “thần y” chữa bệnh: Cẩn thận kẻo tiền mất tật mang

Thứ Năm, 01/04/2021, 11:03
Đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người bệnh, nhiều thầy lang đã vung tiền quảng bá thương hiệu nhằm trục lợi từ người bệnh. Gần đây, câu chuyện về “thần y” Võ Hoàng Yên được ca tụng suốt hơn 10 năm qua đang gây xôn xao dư luận sau khi bị bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cp Đại Nam (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, tức Dũng "lò vôi") tố cáo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.


“Thần y” Võ Hoàng Yên và dấu hỏi lớn

Vụ việc ông Võ Hoàng Yên nhận tiền của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng để thực hiện các hoạt động từ thiện, xây chùa, ủng hộ bão lụt... là có thật, song bản chất ông này có lừa đảo hay không thì Cơ quan công an vẫn đang trong quá trình thụ lý, điều tra. Ngay sau thời điểm bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông này ra Cơ quan công an, thêm một số nạn nhân khác cũng đứng đơn tố cáo ông Yên...

Những sự việc này đã dấy lên hoài nghi về năng lực của ông Võ Hoàng Yên - người mà trong suốt nhiều năm qua được tôn sùng bằng các mĩ từ như “thần y” khi có thể chữa trị được các bệnh bại liệt, câm điếc...

Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2011, ông Võ Hoàng Yên được kết nạp vào Hội Đông y tỉnh dù thời điểm này ông Yên không có bằng cấp gì. Ngoài ra, ông Yên còn được cấp 4,5 hecta đất tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên để xây dựng Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh. Đồng thời, cấp 64.294m² đất tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên để xây dựng trung tâm khám chữa bệnh và trồng cây thuốc Nam.

Chuyện chữa bệnh của “thần y” Võ Hoàng Yên đang gây xôn xao dư luận sau tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng.

Để giữ chân “thần y”, từ năm 2012 đến năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh còn cấp từ nguồn ngân sách số tiền 506 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, phục vụ công tác khám chữa bệnh tại trung tâm. Thông tin từ một lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, đã có hàng nghìn người từ khắp trong và ngoại tỉnh đến khám, chữa bệnh tại trung tâm của ông Võ Hoàng Yên.

Thời gian đầu, ông Yên chữa bệnh miễn phí nhưng sau đó mỗi người vào đăng ký khám, chữa bệnh đều phải mua phiếu, mỗi phiếu giá 100.000 đồng cho một lần khám, hoặc xoa, bóp, bấm huyệt. Ngoài ra, tùy bệnh tình của từng người mà ông này chỉ định dùng thuốc Nam do trung tâm bán ra, mỗi gói trị giá 35.000 đồng. Đến năm 2016, lấy lý do đi học nghiệp vụ khi bị Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, ông Yên xin đóng cửa cơ sở chữa bệnh để đi học, sau đó bàn giao trung tâm, bàn giao lại tài sản cho tỉnh.

Sau khi nghỉ việc tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Yên đã đi học y sĩ tại Trường Trung cấp Tuệ Tĩnh (Thanh Hóa) và tốt nghiệp vào tháng 7-2017, đến năm 2018 thì được Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Ngày 11-3-2021, Cục Quản lý y, dược cổ truyền - Bộ Y tế có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình hành nghề của ông Võ Hoàng Yên.

Lập lờ đánh lận con đen

Trong thời gian qua, người sử dụng YouTube và người dùng mạng xã hội liên tục bị tấn công bởi các chương trình quảng cáo bị cắt ghép, làm giả một cách lộ liễu để thổi phồng sự thật về thuốc chữa bệnh của các lương y, “thần y” trên khắp cả nước, với điệp khúc na ná nhau, rằng “ba đời nhà tôi nhận chữa dứt điểm...”. 


Hình ảnh cắt ghép, quảng cáo thuốc tràn lan trên YouTube thời gian gần đây.

Đó là những quảng cáo về thuốc để đặc trị các bệnh mãn tính như đau nhức xương khớp, sỏi thận, yếu sinh lý và thậm chí là cả ung thư... Điều bất thường ở chỗ, nhiều quảng cáo bị cắt xén, lồng ghép để làm giả thương hiệu các nhà đài nổi tiếng, một số “lương y” còn ngang nhiên cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh để quảng cáo, từ đó hướng người xem tin vào việc là những quảng bá này đã được các phương tiện truyền thông chính thống thực hiện. Nhiều MC truyền hình, nhiều người nổi tiếng trong ngành y cũng trở thành nạn nhân khi bị cắt ghép hình ảnh để đưa lên quảng cáo.

Thống kê cho thấy, những quảng cáo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” này tấn công người dùng mạng xã hội và YouTube dồn dập, cứ sau 3-5 phút lại bị ngắt quãng bởi quảng cáo chữa bệnh của các lương y, khiến nhiều người chịu không thấu, phải chuyển kênh hoặc ngắt video để tránh bị làm phiền. Điểm chung của các clip quảng cáo “biệt dược” này là tất cả đều được dàn dựng sơ sài, lồng ghép lộ liễu, trong đó “thần y” không ngại ngần thổi phồng khả năng siêu việt của bản thân khi cho rằng, có thể “chữa dứt điểm 100%” các bệnh, từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, gan, thận đến các loại bệnh nan y như tiểu đường, ung thư...

Những video clip quảng cáo này, “thần y” đều không cung cấp địa chỉ mà chỉ để lại số điện thoại. Khách hàng sau khi điện vào số này, được thăm khám bệnh online qua loa rồi hướng dẫn cách thức chuyển tiền, bốc thuốc. 

Thực tế cho thấy, nhiều người sau thời gian dài điều trị tại các bệnh viện không mang lại kết quả, khi nghe quảng cáo đã đặt hàng online, mua về uống nhưng “tiền mất tật mang”. Thậm chí, có không ít trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì sử dụng thuốc theo hướng dẫn qua mạng của các lương y này. Mới đây nhất, một lãnh đạo của bệnh viện tư nhân lớn ở tỉnh Nghệ An cũng đã phải nhập viện “nhà mình” cấp cứu khi đặt qua mạng và sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh của một lương y vì tin vào quảng cáo trên YouTube.

Dược sĩ  Hoàng Văn Hảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi của tỉnh. Nó chỉ được phép lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y, dược cổ truyền cấp phép.

Theo dược sĩ Hoàng Văn Hảo, việc các nhà thuốc quảng cáo sai sự thật rất nguy hiểm. Bởi một số căn bệnh như xương khớp, tim mạch, tiểu đường... đòi hỏi có thời gian dài điều trị nhưng cũng chỉ có thể đỡ mà rất khó khỏi hẳn. Một số nhà thuốc lợi dụng điều này, đã cho một số hóa chất tân dược vào thuốc để khi bệnh nhân uống thì có tác dụng rất nhanh, khiến họ nhầm tưởng là khỏi bệnh. Uống những loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Đơn cử, để chữa nhanh viêm khớp, các nhà thuốc sẽ trộn Dexamethason vào, nếu dùng lâu và quá liều, tân dược này sẽ gây viêm loét và chảy máu dạ dày.

Luật sư Nguyễn Cao Trí - Văn  phòng luật sư Cao Trí và cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho rằng, tại Khoản 2, Điều 79, Luật Dược 2016 đã quy định rất cụ thể về điều kiện để quản lý hoạt động quảng cáo thuốc đến công chúng thông qua các phương tiện quảng cáo.

Cảnh hoang tàn của Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên ở Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung quảng cáo thuốc trên YouTube hiện nay vừa không tuân thủ luật, lại vừa phóng đại công dụng thực tế của nó. Do vậy, để hạn chế và thậm chí là chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này, theo luật sư Trí thì ngoài việc các cơ quan quản lý nhà nước, cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với sai phạm trong quảng cáo, thì các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung quảng cáo này cũng phải xem xét, thẩm định nội dung trước khi đăng, phát.

Thời gian qua, Cục Quản lý y, dược cổ truyền tiếp nhận nhiều phản ánh về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám, chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên nền tảng YouTube, Facebook tại các địa phương. Bộ Y tế sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đồng thời, sẽ cùng địa phương làm mạnh để quản lý hành nghề y học cổ truyền.

Mới đây, ngày 9-3, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra, phát hiện kho chứa thuốc và thực phẩm chức năng Đông y tại đường Ngô Quyền, TP Phủ Lý có dấu hiệu kinh doanh, bán online các sản phẩm là thuốc chữa bệnh gia truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quá trình kiểm tra đã tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc Đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc Đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói Đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp và gần 500kg bột nguyên liệu các loại, viên nén, thuốc trị viêm mũi, giảm cân, tiểu đường... Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận, đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm, tổ chức quảng cáo bán hàng qua mạng xã hội, thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng. 

“Có bệnh thì vái tứ phương”, đó là tâm lý của những người mang bệnh. Tuy nhiên, mõi người cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo kẻo “tiền mất tật mang”. 

Thiện Thành
.
.