Tình người ở “xóm chạy thận”

Thứ Ba, 03/01/2017, 18:15
“Xóm chạy thận” là tên gọi của nhiều người dành cho những bệnh nhân chạy thận và người nhà đang lưu trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Xóm đang hiện hữu 55 bệnh nhân chạy thận vẫn từng ngày thắc thỏm, chạy đua với thần chết. Từ tứ xứ, những người chạy thận quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau như chòm xóm láng giềng ở quê. Ở nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh, tình người lại thêm bền chặt, ấm nồng...

1. Đến “xóm chạy thận” vào một chiều cuối năm, chúng tôi được những cư dân trong xóm chào đón bằng một thái độ thân thiết và cởi mở. Họ ngồi kể tôi nghe những câu chuyện đời, chuyện bệnh đã bạc màu ở nơi được mệnh danh là “láng giềng” với “ngôi nhà thần chết”.

Giải thích điều này, ông Đặng Minh Trung (50 tuổi, quê ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) buồn bã nói: “Bởi chỗ chúng tôi đang ở nằm sát với nhà tang lễ của bệnh viện, có người còn ở hành lang của nhà tang lễ, nơi được xem là ngôi nhà cuối cùng trên dương gian của những bệnh nhân”.

Những phận đời như ngọn đèn trước gió ở “xóm chạy thận”.

Chung một nỗi đau, nhưng mỗi người bệnh là một số phận, một chuyện đời riêng. Ông Trung là một trong những cư dân lâu năm nhất ở “xóm chạy thận” này. Dấu vết sau nhiều năm chạy thận là cánh tay gân guốc, chi chít những vết kim tiêm sau những lần chạy thận.

“Tôi phát bệnh lâu lắm rồi, nhưng những năm trước còn nhẹ nên ở nhà, cách đây hơn 9 năm bệnh ngày càng nặng nên tôi tới ở hẳn nơi đây. Một tuần phải 3 lần chạy thận nên ít khi về nhà. Ai vào đây cũng như ngọn đèn trước gió, chẳng biết phụt tắt lúc nào. Tối đang ngồi với nhau, sáng ra không còn nhìn thấy nhau nữa là chuyện bình thường”, ông Trung chua chát.

Ở xóm nhỏ ấy còn nhiều lắm những cảnh đời éo le. Chị Võ Thị Bích Thủy (45 tuổi, quê ở phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) ngồi bó gối, đưa mắt nhìn ra phía sau song sắt cổng bệnh viện. Chị nói lâu rồi không về thăm quê, về thì nhà cũng chẳng có, chỉ ở nhờ. Phát hiện bệnh cách đây 8 năm nhưng vì gia cảnh nghèo khó, chồng chết sớm, 2 đứa con còn nhỏ dại nên không điều trị. Cách đây 5 năm, vì bệnh tình khá nặng, người thân khuyên bảo nên chị mới đến đây chạy thận.

“Chạy thận được vài năm thì tôi bán căn nhà ở quê để lấy tiền lo thuốc thang, ăn uống. Hai đứa con chuyển sang ở nhờ nhà cậu, đứa lớn đi làm thuê làm mướn kiếm sống, còn đứa nhỏ thì còn dại lắm. Sức khỏe yếu dần, thân hình tiều tụy, nhà thì bán rồi nên tôi không muốn về quê. Ở đây sống được ngày nào hay ngày đó chứ biết sao giờ”, chị Thủy nói, mắt đỏ hoe.

Nhiều người bảo, khi về đêm, cơn đau nhức, bụng trương phồng lên khiến giấc ngủ của họ chẳng tròn. Có người chẳng ngủ được cứ đi tới đi lui, miệng không ngừng xuýt xoa. Có người tức bụng, ngồi dựa vào tường hoặc tựa đầu lên thùng giấy mà chợp mắt.

Bà Nguyễn Thị Nho (65 tuổi, quê ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) tâm sự: “Vào đây rồi ai cũng đối mặt với cái chết, nhưng vì tuổi tác già yếu nên có những đêm không sao chợp mắt được. Mình đau bưng bức nên chồng con lo lắng, họ cũng không yên. Nhưng tôi biết gia đình nghĩ, còn nước còn tát, nuôi hy vọng từng ngày dù biết sự sống của tôi là rất mong manh”.

Nhà lưu trú của bệnh nhân chạy thận được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 10-2016.

Những người bệnh ở đây tâm sự với tôi, mỗi ngày mở mắt ra họ thấy mình còn sống là may mắn, bởi có khi người mới trò chuyện với mình hôm qua, nay không còn nữa, do tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột. Rất nhiều người bệnh ví mình như dây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình, bà con. Có người chỉ cách quê vài ba chục cây số nhưng cả năm trời mới được nhìn thấy ngôi nhà, vì cuộc sống phải bám lấy những chiếc máy chạy thận. Hầu như trong mỗi người bệnh không còn khái niệm về thời gian, trong đầu họ chỉ tồn tại lịch chạy thận 3 lần/tuần. Đối với hầu hết người bệnh đang chạy thận ở đây, ngày về của họ rất mịt mù.

2. Đa phần bệnh nhân đến chạy thận đều thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ tiền thuốc. Tuy nhiên, để giảm cơn đau, họ cũng cần tiền để mua thêm thuốc điều trị, rồi tiền ăn, chi phí sinh hoạt. Tôi gặp không ít những dáng người mong manh và khuôn mặt nhợt nhạt. Họ phải đối diện với những biến chứng đến tim mạch, khớp, dạ dày, não... dường như họ chẳng còn chút sức lực để mưu sinh. Nhưng những lúc đỡ mệt, họ vẫn đi dọc các hành lang, con đường nhặt nhạnh từng chai nhựa, mảnh giấy để bán, góp thêm vài đồng bạc lẻ cho cuộc sống vốn thiếu thốn đủ bề.

Bà Hồ Thị Nga (54 tuổi, quê ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) không chỉ là người có “thâm niên” 10 năm gắn bó với xóm mà còn có hoàn cảnh éo le. Cách đây 8 năm, chồng bà vì không chịu được cảnh vợ bệnh tật, nhà nghèo đói nên bỏ mặc bà để đi lấy vợ khác. 10 năm chữa bệnh là từng ấy năm bà coi xóm là nhà, là quê hương thứ hai của mình.

Những năm đầu, để có tiền chạy thận, bà Nga còn tranh thủ mua hoa quả về đi bán dạo trên phố. Cứ thế túc tắc tuần 3 buổi đi làm, cũng đủ tiền ăn cho cả tuần. Khi sức khỏe yếu hơn, không cho phép đi lại nhiều, bà lại chuyển sang nhặt phế liệu ở bệnh viện. 3 năm trở lại đây sức khỏe yếu hẳn, bà đành phải đi ăn xin để sống qua ngày.

Chỉ mới 27 tuổi nhưng chị Đinh Thị Khom (người dân tộc Ba Na, quê ở thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã có đến 10 năm chạy thận. Nhiều người trong xóm gọi vui Khom là “lão làng” bởi có “thâm niên” chạy thận.

“Hồi tôi mới bị bệnh, người trong làng một mực khẳng định em bị si đa. Mẹ tôi mất cách đây gần 2 năm, cha thì tối ngày say xỉn nên một năm nay tôi không về nhà. Ở đây, lúc đỡ mệt tôi cũng cố gắng nhặt nhạnh ve chai để bán kiếm tiền mà chữa chạy. Dù mệt nhưng đỡ được đồng nào hay đồng đó. Khi nào bệnh tình nặng quá thì nhờ bà con ở xóm này giúp đỡ lo cho miếng cháo, ly nước”.

Hơn 9 năm bà Đầm vẫn ngày ngày chăm sóc cho chồng ở “xóm chạy thận”.

3 năm trước, để theo đuổi mơ ước đứng trên bục giảng, Dương Ngọc Tâm (21 tuổi, quê ở xã Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã nỗ lực học tập, những mong có một ngày bước chân vào giảng đường đại học. Ngày nhận được giấy báo nhập học ngành Sư phạm Ngữ văn của Đại học Quy Nhơn, Tâm vui sướng vì đã đặt những bước chân đầu tiên trên chặng đường thực hiện mong ước trở thành một người giáo viên. Nhưng, hành trình của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết ấy bỗng dưng dang dở, trước căn bệnh suy thận.

Thương bố mẹ vì mình mà chạy đôn chạy đáo khắp nơi, Tâm càng chắt chiu cuộc sống mà bậc sinh thành đã cho mình. Chàng trai trẻ vừa chạy chữa, vừa tiếp tục việc học vì không muốn dang dở một chặng đường dài cố gắng. Tâm vắt kiệt sức lực mình lao ra ngoài đi làm kiếm tiền, nhưng càng vận động nhiều, Tâm càng suy kiệt. Bây giờ, cơn bạo bệnh khiến Tâm ngắc ngoải trên giường điều trị, đôi mắt em dõi theo hành động của mẹ mà lặng im chẳng nói nên lời, ánh mắt ấy vẫn cứ buồn hun hút.

“Nằm viện nhưng em tranh thủ mang sách vở theo xem bài để củng cố kiến thức. Hiện tại các bạn trong lớp đã làm đơn bảo lưu kết quả cho em, khi nào bệnh tình giảm sẽ học lại”, chàng trai trẻ tâm sự.

3. Và, trên những nỗi đau, tình người vẫn ấm nồng ở nơi này. Nỗi đau thể xác, mặc cảm là kẻ sống bám, sống thừa khiến người chạy thận đâm ra cáu bẳn, thất thường. Vất vả, cực nhọc có. Mệt mỏi, rã rời có. Nhưng người thân của họ vẫn luôn tỏ ra mạnh mẽ, vững vàng. Tôi nhìn thấy những người vợ tần tảo nhóm than hồng để sưởi ấm, nhẫn nại xoa bóp cho người chồng bị biến chứng bại liệt, rồi lật đật đẩy xe lăn đưa chồng vào chạy thận cho kịp giờ.

“Hơn 9 năm rồi, ngày ngày tôi dùng xe lăn đưa ổng vào phòng chạy thận, rồi đi chợ, cơm nước, đêm đến lại buông mùng, đắp mền. Còn sống ngày nào thì lo cho ổng ngày đó thôi”, bà Trần Thị Đầm (48 tuổi, vợ ông Trung) bộc bạch.

Tết này chị Thủy không được về quê để đoàn tụ với các con.

Không chỉ có bệnh nhân và người nhà, xóm còn thường xuyên đón những người thân đặc biệt. Đó là một nhân viên nhà tang lễ, người vẫn được xóm gọi bằng hai tiếng thân thương “chú Hai”, mỗi ngày trực vẫn dành thời gian ghé thăm, có khi ăn chung một bữa cơm đạm bạc nhưng thắm tình. Rồi chị vé số, cô ve chai, xóm lại thêm tiếng cười, thêm niềm vui.

Và, như một cách thể hiện sự quan tâm đến mọi bệnh nhân, số điện thoại di động của bác sĩ trưởng khoa được dán cẩn thận ở các vị trí dễ quan sát để người bệnh có thể liên lạc, phản ánh mọi thắc mắc. Thỉnh thoảng xóm lại được những nhà hảo tâm sưởi ấm bằng những suất cơm chay, những phần quà nhỏ.

Theo tìm hiểu, vì lịch chạy thận của mỗi bệnh nhân phổ biến là 3 lần/tuần, nhà xa, sức khỏe không cho phép, nhiều năm nay, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường ăn, ở ngay tại bệnh viện. Họ nằm nghỉ rải rác dọc hành lang nhà tang lễ bệnh viện, gốc cây gần Khoa Nội thận - Lọc máu. Cuộc sống vạ vật, chắp vá cho qua ngày giảm hẳn khi nhà lưu trú của bệnh nhân chạy thận được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào đầu tháng 10/2016.

“Mừng lắm! Không biết nói sao hết cái mừng vui trong bụng. Bởi đã sống nhiều năm trong cảnh tạm bợ, chật chội, mùa mưa ẩm thấp, dột nát, giường chiếu thì ọp ẹp, có gì dùng nấy... Nên hôm nay, được sống trong tiện nghi, sạch sẽ ngay tại nơi điều trị, chúng tôi không biết phải nói sao cho hết lòng biết ơn”, ông Trung thổ lộ.

Ông Nguyễn Tấn Hiểu - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định, cho biết: “Nhà lưu trú bệnh nhân chạy thận là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng tôi gửi lời tri ân sâu sắc trước tấm lòng của các tổ chức, cá nhân dành cho bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định”. 

4. Cuối năm, ai cũng về quê, về nhà để được sum họp, đoàn viên. Những người đã chịu cảnh “chung thân” với máy chạy thận nhân tạo cũng ước ao giây phút ấy. Tết Đinh Dậu sắp đến, có người thỏa nguyện nhưng cũng có người không. “Nhà tôi bán rồi nên mấy năm nay tôi ở lại bệnh viện, đỡ lo tiền xe, đi lại vất vả. Với lại mình cũng không có điều kiện. Mấy năm nay, ba bữa tết, cả xóm gom góp làm mâm cơm, mua bánh kẹo cúng tất niên mừng năm mới rồi cùng chúc mừng nhau sống thêm một tuổi. Năm nay chúng tôi lại sắp được chúc mừng tuổi mới. Nói thì nói vậy chứ cũng chưa chắc...”, chị Thủy bùi ngùi.

Những phận đời như bà Nga, bà Nho vừa chống chọi với bệnh tình, vừa phải mưu sinh để kiếm sống.

Người chạy thận biết rất rõ không có phép màu cho cuộc sống của họ. Dù thế, họ vẫn khôn nguôi thèm được sống, dẫu sự sống ấy chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ. Niềm vui của họ giản đơn chỉ là mỗi sáng thức dậy có thêm một ngày nữa được tiếp tục sống. Rời xóm nhỏ này, tôi không thể quên được những hình ảnh các cụ ông ngồi quây quần bên ấm trà cũ, đăm chiêu với ván cờ tướng, các cô gái trẻ ngồi chải tóc cho nhau... Chân đã rời đi, nhưng còn rõ lắm tiếng nói cười, tiếng hát nghêu ngao.

Thêm một cái tết nữa đang cận kề. Ở cái xóm nhỏ ấy, tết sum họp, đoàn viên dường như vẫn thăm thẳm xa...

Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Khoa Nội thận - Lọc máu của bệnh viện hiện có 33 máy chạy thận nhân tạo và 5 ca chạy thận/ngày. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là nơi tập trung nhiều bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn trong tỉnh và các tỉnh lân cận: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Lắk.
Phan Nhuận Phin
.
.