Chuyện kể từ phòng xét nghiệm ADN: Tình người phía sau những bi kịch

Thứ Ba, 31/07/2018, 13:06
Rất nhiều cá nhân đã tìm đến Trung tâm giám định sinh học pháp lý với mục đích muốn thông qua kết quả xét nghiệm ADN để làm rõ nghi ngờ về những đứa con cũng như "bạn cùng nhà". Kết quả đôi khi thật phũ phàng. Nhưng một thực tế không ai có thể phủ nhận, đó là xét nghiệm huyết thống ADN là xét nghiệm chính xác nhất hiện nay.

Hiện tại, Viện Khoa học hình sự có 3 phòng thí nghiệm được trang bị các máy móc đồng bộ, hiện đại trong giám định ADN. Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (99 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) là phòng thí nghiệm đầu não, hai phòng thí nghiệm với trang thiết bị tương đương ở Phân viện KHHS  tại 258 Nguyễn Trãi, Q.1, TP Hồ Chí Minh và Phân viện KHHS tại đường Đô Đốc Lân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Là một trung tâm "trẻ" của Viện Khoa học hình sự nhưng những con số về đội ngũ cán bộ đang công tác tại Trung tâm giám định sinh học pháp lý khiến cho nhiều người nể phục. Thượng tá Trịnh Tuấn Toàn, Giám đốc trung tâm cho biết, toàn bộ cán bộ chiến sĩ có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 1 Phó giáo sư, 3 tiến sĩ và 3 nghiên cứu sinh, 23 giám định viên tư pháp kỹ thuật hình sự về sinh học.

Đội ngũ cán bộ của trung tâm được đào tạo bài bản từ những trường đại học danh tiếng trong nước và hợp tác đào tạo với nhiều nước trên thế giới như Úc, Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Cùng cơ sở máy móc, trang thiết bị hiện đại, các phòng thí nghiệm của trung tâm và các phân viện  đã và đang góp phần đắc lực trong lĩnh vực giám định ADN đối với những trường hợp thất lạc cha - con - mẹ, anh - em trai, chị - em gái, chú, bác, ông - cháu trai, các trường hợp nạn nhân không thể nhận dạng qua hình thái như nạn nhân các vụ cháy, chìm tàu... từ phục vụ yêu cầu của các vụ án hình sự đến yêu cầu giám định ADN của cá nhân.

Điển hình như một số vụ "thảm án" gây bức xúc trong dư luận như vụ án Lê Văn Luyện (Bắc Giang), Nguyễn Hải Dương (Bình Phước), Tẩn Láo Lở (Lào Cai), Doãn Trung Dũng (Quảng Ninh)..., kết quả giám định ADN của Trung tâm giám định sinh học pháp lý đã góp phần quan trọng giúp cơ quan điều tra nhanh chóng bắt giữ thủ phạm, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Nói như vậy để thấy rằng, ngoài chuyên môn của những người làm công tác khoa học, các cán bộ, giám định viên của Trung tâm còn có sự nhạy bén, tư duy lô-gic của một cán bộ công an trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.

Chính vì vậy, những xét nghiệm ADN tại trung tâm, dù là phục vụ yêu cầu điều tra, phòng chống tội phạm hay phục vụ nhu cầu xét nghiệm ADN của cá nhân, đều đảm bảo thận trọng, quy trình giám định chặt chẽ, khách quan, chính xác, được người dân hết sức tin tưởng.

Khi niềm tin rạn vỡ

Các giám định viên của Trung tâm cho biết, ngoài nhiệm vụ giám định ADN phục vụ yêu cầu của Cơ quan điều tra, thì mảng việc xét nghiệm ADN theo yêu cầu của cá nhân mang lại cho giám định viên nhiều cảm xúc khác nhau khi chứng kiến vô vàn những tình huống bi - hài kịch trong cuộc sống đời thường.

Những trường hợp đưa trẻ đến làm xét nghiệm ADN, chủ yếu là đàn ông. Có người do mất niềm tin với bạn đời, do tình cờ phát hiện vợ ngoại tình, có trường hợp thấy con càng lớn càng khác biệt về ngoại hình và tính cách nên nảy sinh nghi ngờ. Cũng có trường hợp người mang con đến đề nghị xét nghiệm ADN là phụ nữ, nhằm chứng minh đứa con đó của chồng, hoặc của người đàn ông trong trường hợp họ chối bỏ trách nhiệm làm cha...

Xét nghiệm ADN tại Viện Khoa học hình sự luôn đảm bảo sự khách quan, chính xác.

Có người đàn ông sống đến quá nửa đời người rồi, lên chức ông rồi tự nhiên lôi bằng được con trai đến trung tâm để xét nghiệm bởi "nhà tôi toàn người da đen, sao da nó lại trắng?".

Thế nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy họ có quan hệ huyết thống cha - con. Hôm nhận kết quả, người bố hết khóc lại cười, rối rít cảm ơn giám định viên đã giúp ông giải tỏa những nghi ngờ giấu trong lòng mấy chục năm nay. Nếu không đi làm xét nghiệm ADN, có khi đến chết ông vẫn ôm khối ngờ vực này mà không biết sự thật không phải như vậy.

Lại có trường hợp người đàn ông lớn tuổi "khát" con trai, bí mật đi cặp bồ với cô sinh viên để kiếm đứa con nối dõi tông đường. Ông ta không tiếc tiền sắm nhà, sắm xe cho bồ vì cô ta đã sinh được con trai cho ông theo ý nguyện. Mọi việc được giấu kín vì ông ta còn đang đương chức. Đến khi nghỉ hưu, ông này quyết định đi làm xét nghiệm ADN để chính thức mang đứa con trai về nhà sống cùng, để ông được công khai "có con nối dõi" với họ hàng.

Đau lòng thay, kết quả xét nghiệm ADN cho biết đứa bé đó không phải con của ông. Ông bí mật thuê thám tử theo dõi mới biết cô nhân tình bé nhỏ trong lúc cặp kè với ông để được chu cấp vẫn bí mật giữ mối quan hệ với một chàng sinh viên nghèo.

Chàng trai kia chấp nhận cho người yêu cặp với người đáng tuổi bố mình để lấy tiền nuôi anh ta ăn học. Và đứa bé mà ông lầm tưởng đó là con mình chính là con của hai người. Biết sự thật cay đắng này, chỉ sau một đêm, người đàn ông bạc hết tóc. Với cái tuổi "hiu hắt" này thì ông ta chẳng thể làm lại những việc như mong muốn được nữa.

Nhưng buồn nhất vẫn là những vụ việc chính cha đẻ lại tìm cách chối bỏ con đẻ của mình. Ngay cả khi có kết quả giám định ADN kết luận là cha đứa trẻ, người đàn ông vẫn không tin kết quả, yêu cầu lấy mẫu và xét nghiệm lại. Nhưng ADN thì không thể nói dối. Chỉ buồn cho nhân tình thế thái. Khi không còn tình cảm, người ta sẵn sàng phủi tay, rũ bỏ trách nhiệm với giọt máu của chính mình. 

Theo các giám định viên sinh học, trong xã hội hiện đại, khi mối quan hệ giữa con người ngày càng trở nên phức tạp thì không tránh khỏi việc những người trong cuộc nảy sinh nghi ngờ về quan hệ huyết thống cha - con, họ hàng. Nếu mối nghi ngờ này không được hóa giải thì sẽ tạo ra vết nứt trong gia đình, đặc biệt tâm lý nặng nề cho cả người nghi ngờ và người bị nghi ngờ.

Khi đó, chỉ có xét nghiệm ADN là cách xác định huyết thống chính xác nhất hiện nay. Cho dù kết quả có thể phũ phàng với một số người song không thể phủ nhận sự rõ ràng, minh bạch của ADN. Người ta có thể đau đớn vì sự thật không ngờ tới nhưng thà một lần đau như vậy còn hơn phải sống trong day dứt, dằn vặt và nghi kỵ cả đời.

Tình người phía sau sự thật phũ phàng

Các giám định viên Trung tâm giám định Sinh học pháp lý (Viện Khoa học hình sự) nhớ mãi trường hợp ông A., hơn 50 tuổi, ở Hà Nội, là một công chức. Không ít người ghen tỵ với cuộc sống gia đình của ông A, vốn được coi là hình mẫu lý tưởng cho nhiều cặp gia đình khác. Ông A là một công chức gương mẫu, rất thân thiện với bà con lối xóm. Vợ ông A. là một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, lại là giáo viên.

Ông A. yêu thương vợ hết mực vì với nghiệp vụ sư phạm, vợ ông là người nghiêm khắc, dạy dỗ hai cậu con trai từ nhỏ đến giờ, khi chúng đã trở thành các chàng sinh viên đại học. Ông A luôn hãnh diện với các đồng nghiệp khi có 2 thằng con trai to cao, đẹp trai, ngoan ngoãn, học giỏi. Đi đâu, ông cũng tự hào khoe con, khoe vợ.

Mọi việc diễn ra êm đẹp cho đến một ngày, cứ vào nửa đêm là ông A. nhận được tin nhắn từ  số điện thoại lạ với nội dung có vẻ rất hả hê: "Không phải là con của mày đâu! Mày chỉ là tu hú nuôi con thôi". Lần đầu, ông cho rằng có ai đó đã nhầm số điện thoại. Đến lần thứ 2, thứ 3, bực quá, ông nhắn lại: "Nhầm máy rồi". Không ngờ tin nhắn vừa đi thì ông nhận được trả lời rằng: "Không nhầm đâu, cứ mang hai đứa con đi xét nghiệm ADN thì biết!".

Sinh nghi, ông A nói chuyện nhận được tin nhắn cho vợ biết. Thoáng giật mình, vợ ông gạt đi: "Vớ vẩn, không con anh thì con ai".  Thế nhưng câu chuyện tin nhắn cứ vơ vẩn trong đầu khiến ông A. không thể tập trung vào công việc như trước.

Một ngày, ông quyết định đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, mang theo túi cuống rốn của đứa con lớn. Ông cho biết sau khi 2 đứa con rụng rốn, theo tập tục của các cụ xưa, ông giữ cuống rốn của 2 con làm kỷ niệm và treo lên đèn vì theo quan niệm, làm như thế trẻ lớn lên sẽ thông minh, sáng dạ. Ông đề nghị làm xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống của mình với đứa con lớn.

Ngày nhận kết quả, ông A. lặng đi khi kết quả phân tích cho thấy hai bên không có quan hệ huyết thống cha con. Ông ngồi trên ghế rất lâu, gương mặt thất thần. Khoảng một tuần sau, ông A lại đến trung tâm. Lần này ông mang theo cuống rốn và mẫu tóc của đứa con thứ hai để kiểm tra cho chắc. Ông A. tâm sự từ trước đến nay, ông rất yêu vợ và hai con, chưa bao giờ nghi ngờ vợ.

Chính vì vậy, ông thực sự choáng váng khi biết vợ ông đã lừa dối chồng bao nhiêu năm nay. Nhưng vợ chồng đã ăn ở với nhau bằng ấy năm rồi. Nếu đứa thứ hai là con ông thì ông vẫn có thể tha thứ cho vợ, bỏ qua tất cả mọi chuyện. Và ông sẽ giấu kín chuyện đi xét nghiệm ADN vì hạnh phúc gia đình. Trong những người đàn ông bí mật đến trung tâm làm xét nghiệm ADN, hiếm có người nào sống vị tha được như ông A..

Sau khi phân tích, giám định viên cũng giật mình buồn thay cho ông A. khi kết quả báo rằng ông không phải bố đẻ. Biết nói sao để an ủi ông A. bây giờ, bởi chỉ có xét nghiệm ADN mới là căn cứ khoa học nhất, chính xác nhất để xác định quan hệ huyết thống. Hôm trả kết quả, giám định viên đã phải dìu ông A. xuống cầu thang như một cách chia sẻ nỗi niềm với người đàn ông này. Bước từng bước khó nhọc, ông A. bảo, ông vẫn yêu hai đứa con cho dù chúng không phải là con ông. Nhưng để tiếp tục chung sống với vợ chắc là không thể. "Còn gì để mà sống với nhau nữa?" - ông A. đau đớn thốt lên.

Thế nhưng câu chuyện của ông A. không phải là duy nhất. Các giám định viên của trung tâm vẫn còn nhớ một trường hợp đặc biệt khác. Đó là anh X., người bố của 4 đứa trẻ, sinh sống ở một tỉnh vùng cao. Đứa lớn nhất đang học cấp 2, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi.

Anh X. rất yêu đàn con và dày công chăm sóc, mong chúng mau gánh vác công việc trong gia đình như anh. Lý do mang cùng lúc 4 mẫu ADN của cả 4 đứa con xuống trung tâm xét nghiệm, theo anh X., là do anh nghi đứa con đầu không phải con của mình từ lâu rồi, nhưng vợ chồng sống với nhau có tới mấy mặt con nên anh cho qua. Nhưng mấy đứa trẻ sau cũng thế, càng lớn càng không giống bố.

Chuyện này hàng xóm xì xào từ lâu rồi. Cho đến một ngày trong cuộc nhậu với mấy ông bạn thân, khi đã ngà ngà say, chuyện về những lời đồn anh X. "nuôi đàn tu hú mà không biết gì" mới bung ra. Vì chuyện này mà về nhà, anh X cãi nhau với vợ.

Tưởng rằng vợ anh sẽ ấm ức, nào ngờ cô ta tức giận hét lên: "Đúng đấy, chẳng đứa nào là con anh hết, anh làm gì có khả năng có con". Tâm sự với giám định viên, anh X. cho biết dù bản lĩnh đàn ông của mình có thể không mạnh mẽ như những người khác, nhưng anh vẫn có đủ khả năng sinh lý làm chồng. Tuy nhiên câu nói bột phát của người vợ khiến anh hoang mang. Không lẽ những lời đồn đại của thiên hạ bấy lâu nay là thật? Đường sá xa xôi, không phải muốn đi xét nghiệm ADN lúc nào cũng được nên anh bí mật lấy mẫu tóc của cả 4 đứa con mang xuống Hà Nội cho đỡ mất công đi lại.

Kết quả xét nghiệm thật quá phũ phàng. Không có đứa trẻ nào là con của anh X. Cứ nghĩ khi nhận kết quả, người đàn ông này vì quá sốc mà có những phản ứng tiêu cực. Nào ngờ ông bố này khá bình tĩnh.

Anh X. bảo rằng, nếu chuyện này vỡ lở ra, anh ta sẽ là người chịu xấu hổ chứ không phải chị vợ. Mà anh không muốn mất thể diện của một thằng đàn ông  nên thà chỉ một mình anh biết bí mật này còn hơn để mọi chuyện bung bét ra. Hơn nữa những đứa trẻ cũng không có tội tình gì. Anh sẽ chấp nhận sự thật cay đắng này, còn hơn mất gia đình là mất tất cả. Nghe anh X. phân tích như vậy, các giám định viên cũng thấy nhẹ lòng. Những đứa trẻ lớn lên, cho dù có biết sự thật thì chắc chắn khi đó chúng sẽ yêu thương anh hơn.

Nhưng không phải người đàn ông nào cũng lựa chọn cách xử lý vị tha, đặt tình yêu thương những đứa trẻ lên trên hạnh phúc vợ chồng như vậy. Rất có thể, nhiều bi kịch gia đình sẽ xảy ra sau khi có kết quả xét nghiệm ADN.

Sự thật có thể rất nghiệt ngã, nhưng dù  phũ phàng đến mấy thì những người trong cuộc đều phải chấp nhận trước những chứng cứ khoa học không thể chối cãi này. Nhưng khoa học thì không có lỗi, điều quan trọng là thái độ tiếp nhận sự thật đó của những người trong cuộc và quan trọng hơn là cách giải quyết tránh những hậu quả đáng tiếc.

Hương Vũ
.
.