Tôi đi... giảm béo

Thứ Hai, 06/08/2007, 10:15

Với quyết tâm giảm béo, tôi mua trà giảm béo đang bàn đầy rẫy trên thị trường về dùng. Sau khi uống ba gói, bụng tôi bỗng sôi lên ùng ục, đau quặn từng cơn. Người tôi lả đi, chân tay run lẩy bẩy. Bác sĩ đến khám kết luận là tôi bị ngộ độc tiêu hóa.

Hơn chục năm trở lại đây, đời sống kinh tế khá giả, cộng với chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đã khiến tình trạng béo phì ngày càng tăng, đặc biệt là ở nữ giới.

Có được một thân hình thon thả là điều ai cũng mong muốn. Vì thế, phong trào giảm cân bằng nhiều phương pháp đã ra đời mà trong đó, nhiều người đã tiền mất, tật mang...

Tôi cao 1,57 mét, nhưng khổ nỗi lại nặng đến... 67kg, nên bạn bè thường gọi tôi bằng biệt danh “nhí béo”.  Quyết tâm xóa bỏ cái tên chẳng lấy gì làm hãnh diện lắm, thông qua một bác sĩ – là người quen với bố tôi - giới thiệu, một sáng chủ nhật, tôi đến gặp Tiến sĩ Y Sinh học Đào Đại Cường, hiện là giảng viên Trường đại học Y Dược TP HCM với hy vọng sẽ được mách bảo cho một loại thần dược.

Qua giải thích, tôi mới vỡ lẽ ra rằng thức ăn khi đi vào cơ thể chúng ta, nếu là tinh bột (cơm, bánh mì, bún, phở...) thì nói một cách nôm na, nó sẽ chuyển hóa thành đường. Phần lớn lượng đường này được dùng để nuôi các mô, cơ, số còn lại tích lũy ở gan, làm vai trò dự trữ.

Riêng về chất đạm, cũng như chất béo (thịt, cá, trứng, sữa, mỡ, bơ...), sau khi cung cấp cho các bộ phận trong cơ thể, nó chuyển hóa thành mỡ và thường tập trung ở bụng, vùng dưới cằm, đùi, mông... Nếu ăn nhiều, mà lại ít vận động thì về lâu về dài, lượng mỡ tích lũy mỗi lúc một dày lên, gây ra béo, bởi lẽ tế bào mỡ vừa tăng trưởng, lại vừa phân sinh.

Ở đàn ông, béo thường xuất hiện ở bụng, gọi là béo kiểu “táo tàu”. Còn ở phụ nữ, béo tập trung tại mông, đùi, bụng, gọi là béo kiểu “quả lê”.

Một số khảo sát của những chuyên gia về dinh dưỡng cũng đã chứng minh rằng, lượng đường dư thừa trong cơ thể, qua quá trình chuyển hóa phức tạp, cũng sẽ biến thành tế bào mỡ (nhưng hoàn toàn không phải hễ cứ ăn nhiều chất ngọt thì sẽ bị bệnh... tiểu đường).

Bên cạnh đó, lại còn chuyện rắc rối nữa là có người ăn một quả trứng gà chẳng hạn, hệ tiêu hóa của họ hấp thu được 3/4 năng lượng do quả trứng tạo ra. Nhưng cũng quả trứng đó, người khác ăn thì lại chỉ hấp thu được một nửa – thậm chí chỉ 1/3. Điều này giải thích vì sao nhiều người, mặc dù ăn kiêng ăn khem, mà vẫn béo.

Thế rồi, thay vì viết đơn thuốc, Tiến sĩ Đào Đại Cường viết cho tôi một... thực đơn, trong đó nói rất tỉ mỉ buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều tôi phải ăn gì, uống gì, số lượng bao nhiêu. Lúc đưa cho tôi, Tiến sĩ dặn: “Thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng này, cộng với một môn thể dục, đơn giản là chạy bộ chẳng hạn – và tập thường xuyên, đều đặn, thì cháu sẽ giảm béo”.

Tôi cầm tờ thực đơn ra về mà lòng ngao ngán. Không thể kiên nhẫn ăn uống theo tấm thực đơn giảm béo của Tiến sĩ Đào Đại Cường vì phải sau vài tháng, nó mới hiệu quả mặc dù Tiến sĩ Cường đã khẳng định đó là cách giảm béo tốt nhất, an toàn nhất và phù hợp nhất với cơ chế sinh học của con người, tôi quay sang hỏi mấy nhỏ bạn.

May thay, một đứa hồi học chung lớp 12 với tôi cho biết, người chị họ nó trước đây còn béo hơn tôi, nhưng chỉ sau 15 ngày uống thuốc, đã xuống được 3 cân. Mừng quá, tôi nằng nặc nhờ nó đưa đến gặp.

Khi biết "nguyện vọng" của tôi, chị cho tôi xem vỉ thuốc gồm những viên màu trắng, bé bằng chiếc nút áo sơmi. Chị nói loại này thị trường không có bán, phải nhờ một người quen mua dùm, giá một viên 200 nghìn đồng. Tôi nghe chưa dứt câu, đã thấy ù tai chóng mặt. Để giảm được từ 6 đến 8 ký, tôi phải uống liên tiếp trong 30 ngày, mỗi ngày 1 viên, đi đứt 6 triệu bạc. Lương công chức như tôi, phải làm 4 tháng thì mới đủ tiền để uống 1 tháng.

Tôi cám ơn người chị của bạn, rồi dặn là mai mốt sẽ nhờ chị mua dùm vì hôm nay tôi chưa kịp chuẩn bị tiền, trong lúc đó đầu tôi cố nhớ thuộc lòng tên thuốc: miraflocid.

Đến tối, tôi đảo ra mấy nhà thuốc Tây và quả thật đúng như lời chị ấy nói, chẳng nhà thuốc nào bán loại thuốc này. Thậm chí có nơi, nhân viên bán thuốc còn không biết nó là thuốc gì nữa. Tại một nhà thuốc, thấy trên quầy có cuốn Từ điển Dược động học, tôi liền hỏi mượn coi. Đến khi tìm ra tên biệt dược miraflocid, tôi tá hỏa tam tinh khi biết thành phần chính của nó là 3-4 methylenedioxymethamphetamine (MDMA).

Cũng cuốn từ điển ấy, nói rất rõ rằng MDMA lần đầu tiên được tổng hợp bằng phương pháp hóa học ở Đức vào năm 1912, rồi đưa ra thị trường năm 1914 dưới những cái tên thương mại như Miraflocid, Miraflon, Mirafront, Phenamin. Thoạt đầu, nó được coi như loại thuốc điều trị “chứng ăn nhiều” nên vì thế, các bác sĩ hồi đó khi kê toa cho những người béo phì, thì nó vẫn là chọn lựa số một, bởi lẽ vùng “dưới đồi” trong não (hypothalamus) có hai trung tâm gọi là “trung tâm ăn” và “trung tâm no”.

Được coi như khu vực nhạy cảm về chất ngọt, lúc lượng đường trong máu giảm (mà ta hay gọi là hạ đường huyết), thì lập tức “trung tâm ăn” bị kích thích khiến ta có cảm giác thèm ăn. Thuốc miraflocid tác dụng trực tiếp vào “trung tâm no” nên dù thèm ăn, ta vẫn chẳng muốn ăn nữa vì “trung tâm ăn” đã bị khống chế.

Tuy nhiên, sau một thời gian, người ta biết thêm những tác dụng phụ của nó: Đó là MDMA gây ra ảo giác. Người sử dụng nó có cảm tưởng như mình đang lắc lư... trên mây, không còn kiểm soát được hành vi ngôn ngữ, hành vi vận động (và nó chính  là “thuốc lắc” mà một số thanh niên vẫn thường uống trong các vũ trường). Lâu dài, MDMA gây ra hiện tượng trầm cảm, hoang tưởng.

Điều nguy hiểm nhất của MDMA là nếu uống liên tục, nó sẽ khiến cho não bộ con người không còn sản xuất ra chất dopamine – là chất điều khiển sự nhận thức. Tệ hại hơn, nó còn là một trong những nguyên nhân đưa đến bệnh liệt rung (Parkinson) nên hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấm lưu hành loại thuốc này.

Thấy thuốc men coi bộ nguy hiểm quá, kể cả những loại thuốc của những hãng mỹ phẩm danh tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, sử dụng chất cafein hoặc chất chiết xuất từ vỏ cây táo, hoặc kết hợp giữa chất rutin và diglucosyne nhằm ngăn chặn đường trong cơ thể chuyển hóa thành mỡ, tôi bèn quay sang một phương pháp khác.

Xem trên truyền hình, tôi thấy họ quảng cáo một loại đai dùng để đeo vào bụng, vào đùi, gọi là đai giảm béo. Ở chợ Kim Biên, quận 5 TP HCM, loại đai này bán đầy, giá cả dao động từ 350 nghìn đến 850 nghìn/chiếc – tùy theo xuất xứ. Chị bán hàng giải thích: “Khi đeo vào rồi cắm điện, đai sẽ phát ra một sức nóng từ 30 đến 600C – tùy theo mình điều chỉnh”. Dưới sức nóng ấy, mỡ tan ra và nếu để ở độ nóng tối đa, đeo trong khoảng 50 phút, vòng bụng sẽ giảm được khoảng 2cm.

Sau một lúc chọn lựa, cuối cùng tôi quyết định mua một đai mà chị bán hàng giới thiệu, là hàng Nhật, nhưng liên doanh lắp ráp tại Trung Quốc với giá 450 nghìn đồng.

Về nhà xé bao bì ra coi, chỉ thấy tờ hướng dẫn ghi toàn bằng tiếng Hoa, nguồn điện sử dụng là 220 volt. Đem hỏi bố tôi, ông quát lên: “Mày điên à? Đai đeo trực tiếp vào người rồi khi nhiệt độ tăng cao, mồ hôi toát ra. Trong mồ hôi lại có muối, là chất dẫn điện tốt. Nếu dây điện hở thì coi như mày đi đời”.

Để chứng minh thêm, bố tôi đưa tôi đọc cuốn sách loại Y học phổ thông, nói về bỏng. Theo đó, khi nhiệt độ tăng lên 500C, thì đã có khả năng gây bỏng, còn 600C thì sẽ gây bỏng nặng. Vậy mà cái đai này lại khuyên người ta để ở chế độ 600C trong... 50 phút thì biết tin vào đâu bây giờ?

Đến tối, đọc báo, tôi lại thấy có chuyện một chị ở Hà Nội, dùng đai này nên đã bị bỏng nặng. Vết bỏng dài gần 25cm, rộng gần 10cm ở bụng và hai bên sườn.

Thế là tôi quẳng chiếc “đai giảm béo” vào một xó.

Một đứa bạn khuyên tôi: “Hay là mày thử uống trà giảm béo xem sao”. Theo quảng cáo, mỗi ngày chỉ cần uống 3 gói, và uống liên tiếp trong 30 ngày thì sẽ giảm được ít nhất từ 3 đến 5kg. Giá cả cũng mềm: Mỗi gói trà chỉ 10 nghìn đồng. Cũng như “đai giảm béo”, “trà giảm béo” được sản xuất từ Trung Quốc nhưng bên cạnh những dòng chữ tiếng Hoa, nó còn có cả hướng dẫn bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, tìm đỏ con mắt tôi vẫn chẳng thấy tên nhà nhập khẩu, cũng như số giấy phép nhập khẩu của ngành y tế, nằm ở nơi đâu.

Một liều ba bảy cũng liều. Sáng sớm thức dậy, tôi pha nguyên một gói với nước ấm. Trà có vị hơi chát, và đắng. Đến trưa, thêm một gói nữa rồi đến tối, khi vừa uống xong gói thứ 3 thì chỉ khoảng 15 phút, bụng tôi bỗng sôi lên ùng ục, đau quặn từng cơn. Từ đó cho tới 11 giờ khuya, tôi vào nhà vệ sinh không dưới 20 lần. Người tôi lả đi, chân tay run lẩy bẩy. Bác sĩ đến khám kết luận là tôi bị ngộ độc tiêu hóa.

Tôi phân vân tự hỏi không biết trong cái gọi là “trà giảm béo” ấy, người ta có cho vào độc tố của vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy hay không vì tiêu chảy nếu kéo dài gây mất nước, thì cơ thể “xẹp” xuống là cái chắc.

Mất hai ngày, tôi mới hồi phục nhưng cái mộng giảm béo vẫn không ngớt ám ảnh thân tôi. Nghe nói có người giảm béo bằng cách đi hút mỡ bụng, mỡ đùi nhưng rất nhiều tai biến đã xảy ra bởi lẽ nếu không được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa, và nếu không kiểm tra tỉ mỉ thể trạng người được hút mỡ, thì một lượng mỡ bỗng nhiên mất đi đột ngột, sẽ gây choáng phản vệ dẫn đến chết người.

Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy đã từng ghi nhận một trường hợp thủng dạ dày do uống giấm để giảm béo. Số là không hiểu do ai mách bảo, chị Trần Thị V suốt 3 tháng liên tiếp, chị uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một cốc giấm - loại cốc uống trà. Hậu quả là  axit axêtic trong giấm đã làm loét niêm mạc dạ dày, rồi gây thủng.

Cuối cùng, tôi quyết định chọn một thẩm mỹ viện thường xuyên xuất hiện trên báo chí, truyền hình, với lời quảng cáo: “Giảm béo bằng phương pháp xông hơi, xoa bóp, đắp thảo mộc. Xuống từ 3 đến 5kg trong 30 ngày”. Lúc đến tận nơi, tìm hiểu, tôi được biết mỗi ngày tôi phải xông hơi, xoa bóp, đắp thảo mộc trong 90 phút với giá 100 nghìn đồng. Hỏi thăm mấy chị đang ngồi đợi đến lượt mình vào phòng xông hơi, một chị cho biết: “Cũng chưa thấy giảm gì lắm, nhưng được một cái là người khỏe hẳn”.

Thế là tôi đóng tiền. Phòng xông hơi lát gạch men, trắng muốt, có một dãy ghế cũng bằng gạch men xếp theo hình chữ U, người ngồi đầy. Hơi nước phun lên từ một chiếc vòi đặt dưới gầm ghế, thoang thoảng mùi tinh dầu sả. Sau 20 phút, mồ hôi  vã ra như tắm, tôi được mời sang khu tắm nước lạnh, rồi lên giường nằm để một phụ nữ – là kỹ thuật viên, mátxa.

30 phút mátxa trôi qua, chị kỹ thuật viên bê lên một chiếc thau, trong đó chứa một chất hơi sền sệt, màu nâu thẫm. Đeo đôi găng tay cao su vào, chị ta vốc từng mảng, đắp lên người tôi. Nó khá nóng khiến tôi cứ phải xoay qua xoay lại. Chị kỹ thuật viên giải thích: “Chất này bao gồm 5 loại thảo dược, là hoa mẫu đơn, lúa mạch, rau húng tây, hạt tiêu và vỏ cây bách, có tác dụng làm săn da, tan mỡ”.

Một lát, khi nó đã khô, chị kỹ thuật viên bóc ra. Bóc đến đâu, người tôi đỏ ửng lên đến đó như con tôm luộc. Chưa hết, tôi còn phải tắm qua một lần nữa, cũng bằng “nước thảo dược”, có mùi rau thì là!

Công đoạn tắm hơi, xoa bóp, đắp thảo dược coi như đã xong. Tôi ra phòng ngoài ngồi thư dãn. Trước mặt tôi, là một ly nước còn bốc khói, do một nhân viên đem lên, bảo tôi uống ngay vì “kết hợp giữa xông hơi, xoa bóp với nước thảo dược này, mới nhanh có hiệu quả”. Thấy tôi ngần ngại, cô nhân viên nói: “Nếu thấy khó uống, thì chị có thể uống bằng thuốc viên cũng được”.

Vẫn lại là một viên thuốc bé tí, màu trắng, không nhãn hiệu, đặt trên chiếc đĩa con khiến tôi muốn vãi linh hồn. Hỏi tên thuốc là gì, cô nhân viên không đáp. Đến lúc thấy tôi cương quyết muốn biết vì tôi không thể uống một loại thuốc mà tôi chưa rõ nó là gì, cô nhân viên bỏ đi, chắc là đi hỏi ai đó. Một lát, cô quay lại, nói dấm dẳng: “Tên nó là orlistat”.

Orlistat là tên gọi khác của loại biệt dược xenical, hiện được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và châu Âu. Nó không tác động lên hệ thần kinh trung ương, mà chỉ ức chế hoạt tích lipase ở ruột nên sẽ làm giảm sự hấp thu chất béo khoảng 30% so với lượng chất béo ăn vào hàng ngày.

Trời ạ! Tốn  tiền xông hơi, xoa bóp, đắp thảo dược mà lại còn phải uống kèm thuốc “giảm béo” nữa, thì hóa ra những công đoạn ấy, chỉ nhằm tạo ra tác động tâm lý và sự nguy hiểm cho tính mạng mà thôi...

Vũ Cao
.
.