Tôi đi làm… “cò”!

Thứ Ba, 25/07/2017, 15:59
Hằng ngày, tôi nhận ít nhất vài cuộc gọi và tin nhắn của “cò” môi giới (MG) mà nhiều nhất là “cò” nhà đất và “cò” gia sư tại nhà. Nhiều lúc bị quấy rối trong thời gian nghỉ ngơi, họp hành rất ấm ức nhưng cũng chẳng biết phải làm sao.

Tôi có 2 đứa con đang học phổ thông, nhiều người quen còn chưa biết nhưng “cò” thì biết tất. Tôi hỏi đồng nghiệp, bạn bè thì họ đều cho biết cũng bị “tra tấn” như tôi. Muốn biết “cò” hoạt động ra sao và lấy thông tin cá nhân thế nào đã thôi thúc tôi đi học làm... “cò”!

“Cò” nhà đất thời công nghệ số

Trụ sở chỉ là một căn nhà nhỏ 2 tầng cũ kỹ nhưng giám đốc Tuấn trạc tuổi 50 “nổ” long trời, bảo công ty MG bất động sản (BĐS) của mình mạnh nhất nhì ở quận 9. Hỏi cách để được đầu quân cho công ty, Tuấn nói đơn giản như xin làm công nhân, học chừng cấp 3 là được. Công việc bắt đầu từ 8h30-12h, chiều từ 14-18h, còn “đóng chốt” ở khu vực nào thì do bên công ty sắp xếp.

“Không có lương mà chỉ ăn theo sản phẩm, bán 1 nền thì được tiền “cò” từ 7,5-8 triệu đồng do công ty chi trả. Thằng em chỉ chào bán, còn mọi thủ tục khác công ty lo”, Tuấn nói vậy rồi giao tôi cho Hùng để hướng dẫn vào nghề. Hùng nhỏ hơn tôi 5 tuổi nhưng có 6 năm làm “cò”.

Việc đầu tiên là Hùng bảo tôi vào Zalo, Facebook tăng cường kết bạn; còn gọi hoặc nhắn tin cho khách hàng thì có nguồn dữ liệu, Hùng sẽ cung cấp sau. Hùng nói, bất kể nhà đất nằm ở vị trí nào nhưng khi đăng tin hay điện thoại mình cũng phải gán vào là gần trường học, chợ, siêu thị, nhà trẻ...

Nhân viên “sale” của các công ty môi giới bất động sản trước các dự án.

Nơi nào chưa có thì mình cứ nói là dự án sắp khởi công xây dựng, chả ai rảnh để kiểm chứng. Giá cả chỉ nói “mềm” thôi, khi khách đến nơi xem thì mình bảo hết loại nền đó và chỉ sang nền khác đúng cái mình cần bán. Đặc biệt là mình phải biết tạo cơn sốt ảo cho khách hàng thấy đầu tư là có lời. Còn cụ thể như thế nào, Hùng hẹn sẽ dẫn tôi đi thực tế...

Đầu tháng 7-2017, tôi và Hùng đến khu vực có nhiều dự án thuộc dạng “phân lô hộ lẻ” (diện tích mỗi nền từ 50-60m2) nằm trên đường Nguyễn Xiển, chạy qua 3 phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ và Trường Thạnh thuộc quận 9. Cũng như nhiều nơi khác, hai bên đường Nguyễn Xiển, dự án nằm san sát nhau, chi nhánh văn phòng các công ty MG cũng mọc đầy hai bên đường.

Trước các dự án đều có nhân viên “sale” của các công ty MG che dù ngồi chờ khách. Nếu xin vào làm “cò” thì tôi cũng phải xuống đây làm việc như họ. Tấp vào nơi một “đồng nghiệp” đang ngồi, Hùng giới thiệu người này tên Công, một “sale” giỏi của công ty. Tôi hỏi Công một tháng bán được mấy nền, Công bảo tháng nhiều nhất hơn 10 nền nhưng cũng có tháng chỉ được 1-2 nền.

Để bán được nhiều, Công phải miệt mài quảng cáo trên mạng, nhắn tin, điện thoại đủ kiểu. “Khách hàng chủ yếu là do mình đi tìm, chứ ngồi đồng mà đợi khách đến thì biết bao giờ mới bán được. Nhưng làm nghề này cũng phải mát tay, gặp được khách hàng tiềm năng thường xuyên mua 5-7 nền để đầu tư là vô mánh ngay”, Công chia sẻ.

Bí quyết để thành công thì phải dẻo miệng, phải biết đánh vào lòng tham của khách hàng mua đầu tư và đánh vào tâm lý “nơi ở lý tưởng” của người mua để cất nhà ở. Còn có làm được giấy tờ hay không thì hồi sau phân giải!

Chỉ vào bản đồ phân lô nền, Công nói, khi khách đến hỏi mua nền, anh đừng “bung” ra hết, cứ bảo chỉ còn 2-3 nền thôi để tạo sự khan hiếm ảo. Còn đẳng cấp hơn nữa là thuê một vài người giả làm khách hàng tạo nên sự tranh giành giả là hiệu quả ngay. “Hôm trước em bảo chỉ còn 3 nền rồi cho chim mồi vào mua 2 lô, tức thời, vị khách kia mua lô còn lại” - Công khoe thành tích.

Tuy nhiên, để làm được như vậy thì phải trải qua một thời gian học hỏi kinh nghiệm tiếp xúc và cách nhìn người. Gặp khách hàng là phải biết người này có nhu cầu thật hay không, mua để ở hay mua đầu tư... rồi mình tập trung tư vấn thì mới dễ thuyết phục được họ... Sau khi được hướng dẫn bước đầu, những ngày hôm sau tôi lân la qua các khu vực có nhiều dự án ở quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Nhà Bè để học hỏi thêm kinh nghiệm thì thấy chiêu thức cũng giống như lời Công nói...

Nhân viên “sale” của các công ty môi giới bất động sản trước các dự án.

“Cò” gia sư chỉ cần... ngồi một chỗ!

Tôi than đang thất nghiệp, “cò” Danh, chuyên môi giới “gia sư tại nhà” bảo “theo em!”. Danh dắt tôi đến căn nhà cấp 4 nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo thuộc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Nhà rộng chừng 40m2, bên trong bố trí 1 bộ salon khá cũ kỹ dành để tiếp khách, 1 máy tính để bàn, 1 chiếc bàn dài đặt 3 điện thoại để bàn cùng vài chiếc ghế.

Gặp một thanh niên độ hơn 30 tuổi, Danh giới thiệu: “Đây là Thành, bạn em, cũng là giám đốc doanh nghiệp này”. Thành khá cởi mở. Tôi chưa hỏi gì Thành đã “khai” luôn: “Chỗ anh em nói thiệt, trước đây em và Danh cũng làm “sale” cho một trung tâm gia sư ở quận 10. Thấy làm cũng dễ ăn nên anh em ra mở làm riêng”. Tôi hỏi sao công ty không thấy bảng hiệu gì cả, Thành nói thật là làm “lụi”, giấy phép kinh doanh thì có nhưng giấy phép hành nghề do Sở GD&ĐT cấp thì chưa.

Biết tôi có ý định làm “cò”, Thành nói MG kiểu này thì mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có “data” (dữ liệu) là đủ. Nếu tôi chấp nhận làm tại chỗ sẽ có mức lương cố định cộng thưởng nếu đạt năng suất cao; còn làm “cò” tự do thì cứ “có hợp đồng nào “xào” cái ấy”. Thành đưa cho tôi xem tờ giấy A4 với danh sách hàng trăm phụ huynh học sinh cùng số điện thoại của họ rồi hướng dẫn: “Anh căn cứ theo danh sách này rồi gọi điện mời chào, càng dẻo miệng thì càng kiếm được nhiều hợp đồng. Nếu gọi 100 số mà được 2-3 lớp là “ok” rồi. Nhận được, anh báo lại bên em xuống nhà phụ huynh ký hợp đồng, hoàn tất thì trích tiền cà phê cho anh”.

Hỏi tiền “cò” ra sao, Thành cho biết, khi Thành giao lớp cho gia sư sẽ hưởng “cò” 40% tiền công của tháng đầu tiên, Thành sẽ “ngắt” cho tôi 10%. Sau khi được Thành chỉ dẫn về cách thức tiếp cận khách hàng, tôi chính thức trở thành “cò” môi giới gia sư tại nhà.

Danh nói, nguồn gia sư dạy kèm tại nhà chủ yếu sinh viên của các trường đại học và giáo viên mới ra trường muốn dạy kèm kiếm thêm thu nhập. Bên công ty Thành chỉ quen biết với một số gia sư, còn lại phải “sưu tầm” trên mạng, báo đài. “Họ đăng thông tin tìm chỗ dạy kèm tại nhà, mình móc nối giới thiệu lấy “cò”, vậy thôi. Mà không phải lúc nào cũng êm đẹp đâu anh. Có người đã nhận lớp dạy rồi nhưng “xù” tiền “cò” thì mình cũng chịu vì làm rùm beng cũng chẳng được gì.

Thậm chí có trường hợp gia sư trộm cắp thì mình cũng phải có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Nhưng ít ít thì được, còn nhiều thì mình “né” luôn. Nói chung làm nghề môi giới này cũng hên xui lắm. Nhưng thôi, lúc khó khăn có cái làm kiếm cơm cũng hơn, anh lấy ít dữ liệu đi, chừng nào xài hết thì “a lô” cho em” - Danh trải lòng.

Theo Danh, chiêu thức của “cò” gia sư tại nhà là cứ “nổ” tối đa về chất lượng gia sư rồi cam kết chắc nịch đảm bảo vào được trường chuyên, trường điểm, trường đại học danh tiếng... để phụ huynh tin tưởng, còn sau đó thì... mặc kệ! “Mình chủ yếu lấy tiền “cò” là coi như xong, mai mốt con họ có thi rớt cũng đâu đỗ lỗi cho mình được”, Danh trấn an tôi.

Tập sự, tôi gọi hơn 10 cuộc điện thoại nhưng chẳng “dính” cái nào. Có người trả lời không có nhu cầu, có người tắt máy giữa chừng, có người chửi rủa vì bị làm phiền... Có trường hợp phụ huynh cười sặc sụa khi tôi nói “đảm bảo cháu nhà sẽ đỗ đại học trong tầm tay”, bởi con của họ đã học đại học từ năm trước! Tôi đem thắc mắc này hỏi Danh thì được giải thích là do nguồn “data” đã có cách đây 2 năm, lúc đó cháu này đang học lớp 11!

Danh chỉ dẫn: “Hôm trước em quên nói, anh đừng căn cứ theo lớp ghi trong “data” mà coi năm sinh của học sinh để tính lớp vì nguồn data mới chưa mua được”. Theo Danh, “data” mà tôi đang sử dụng là “hàng quá đát” được mua trên mạng, còn dữ liệu mới chỉ bán trực tiếp nhưng phải quen biết mới mua được. “Khai thác khoảng 1 năm thì những người mua trước mới bắt đầu bán lại cho người sau. Mình dạng “bèo” nên đợi mua data cũ rồi chắt lọc lại xài.

Bùa hộ mệnh của “cò”

Tất cả “cò” đều phải sử dụng “data”, nếu không cũng giống như rắn không đầu. Nhưng khi có “bùa hộ mệnh” rồi cũng chưa chắc thành công vì dữ liệu có quá nhiều “cò” sử dụng nên không tránh khỏi việc bị khách hàng chửi bới, cáu gắt. Do vậy, nếu không có độ lì và tính kiên trì thì cũng khó có thể trở thành “cò”!

Truy cập mạng tìm mua “data” tôi phát hiện ra vô số người mua kẻ bán. Kiểu gì cũng có, nào là danh sách (DS) người có thu nhập cao, DS người đang sở hữu nhiều BĐS, DS người sở hữu ô tô, DS giám đốc doanh nghiệp, DS những người là cán bộ nhà nước... Tôi chọn ngẫu nhiên trang web rao bán “data” phụ huynh học sinh thì liên hệ được với một người tên Thủy.

Thủy bảo sẽ chuyển file dữ liệu qua e-mail cho tôi trước nhưng có đặt mật khẩu. Khi nào tôi chuyển khoản rồi chụp lại sao kê ngân hàng gửi cho Thủy xem thì Thủy sẽ nhắn tin mật khẩu cho tôi ngay. Để làm tin, Thủy chụp ngẫu nhiên một đoạn danh sách phụ huynh ở quận 1 để tôi kiểm chứng. Tôi liên hệ thử thì thấy đúng thực tế nên đồng ý mua.

Hỏi giá cả, Thủy bảo DS này có tất cả 60.000 phụ huynh các cấp ở TP Hồ Chí Minh, giá 1,5 triệu đồng. Thấy tôi chê giá đắt, có lẽ sợ mất con mồi nên Thủy hạ giá dần và cuối cùng chốt ở mức 600.000 đồng.

Trích một đoạn danh sách phụ huynh học sinh mà chúng tôi dễ dàng mua trên mạng.

Sau khi nhận được chuyển khoản, Thủy đã cho tôi mật khẩu. Có tất cả 14 file đính kèm là DS PHHS của tất cả 24 quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh. Tuy dữ liệu có cái mới cái cũ (cũ nhất là từ năm học 2013-2014) nhưng thông tin qua kiểm chứng hoàn toàn chính xác. Có DS không chỉ ghi rõ họ tên, địa chỉ nhà ở, số điện thoại của PHHS mà còn thể hiện học lực của học sinh nên rất dễ để “cò” khai thác.

Tôi tiếp tục tìm mua các dữ liệu khác thì cũng được họ mời chào và thỏa thuận cách thức mua bán như ở trên. Điều này lý giải vì sao, hằng ngày, rất nhiều người bất kể là ai cũng bị “tra tấn” bởi những người MG.

MG là một nghề được pháp luật thừa nhận. Người MG chuyên nghiệp có thể trở nên nổi tiếng và giàu có không thua kém bất cứ thương nhân ngành nghề nào. Luật kinh doanh BĐS là phải có chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng đến thời điểm cuối năm 2016, toàn Việt Nam mới chỉ có 100 người được cấp chứng chỉ hành nghề MG BĐS, trong khi đó có đến 100.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực này mà TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung đông đảo nhất.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh có thêm khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ BĐS mới hình thành (nâng tổng số gần 20.000 doanh nghiệp BĐS). Điều này cũng có nghĩa là số lượng người MG sẽ tăng thêm rất nhiều nhưng tỷ lệ người không có chứng chỉ hành nghề ngày càng ít đi.

Mặt khác, hiện tại luật cũng chưa có quy định cơ quan, tổ chức nào quản lý, kiểm tra, giám sát người MG rồi quy chuẩn đạo đức ra sao, khi sai phạm sẽ bị chế tài như thế nào cũng chưa được thiết lập. Người có hay không có chứng chỉ cũng như nhau, cũng hoạt động MG bình thường vì thế mà vai trò, vị thế của người làm nghề MG chưa thật sự được xã hội coi trọng. Thậm chí người làm nghề môi giới cũng chưa trân trọng công việc mà mình đang làm.

Khi mà hành nghề mang tính chất tự phát, tạm thời thì người MG nói chung và MG BĐS nói riêng rất dễ sa vào tiêu cực, làm ăn chụp giựt, lừa gạt khách hàng. Mà muốn giải quyết vấn đề tiêu cực của “cò” không chỉ đòi hỏi pháp luật có quy định chặt chẽ về điều kiện, cách thức hành nghề MG trên từng lĩnh vực mà còn phải xử lý triệt để việc thông tin cá nhân bị mua bán và sử dụng tràn lan như hiện nay.

Mã Hải
.
.