"Tôi muốn làm nhân chứng của chiến tranh"

Thứ Năm, 28/02/2008, 16:30
Đây là đoạn kể của Nguyễn Ngọc Xuân - Việt kiều Mỹ ở bang Oregon, về cơn ác mộng cứ lặp đi lặp lại. Giấc mơ hiện ra mỗi đêm là hình ảnh: Bà nằm trên giường không mảnh vải che thân. Đứng xung quanh bà là những người lính Mỹ. Họ chỉ vào bà rồi cười nhạo. Bà cố sức nhảy ra khỏi giường để che thân, nhưng tấm nệm chùng xuống như cát lún. Càng cố vùng vẫy thì bà càng lún sâu hơn...

Giật mình tỉnh giấc mồ hôi nhễ nhại. Nguyễn Ngọc Xuân nói: "Tôi đã sống với cơn ác mộng đó đêm này qua đêm khác, nên tôi không muốn bất kỳ cô gái nào cũng rơi vào hoàn cảnh như thế!". Và có lẽ đó cũng là ý tưởng để bà cho ra đời dự án "The new day project" (Dự án ngày mới) mà bà đang thực hiện tại Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận).

Cuộc đời của bà thể hiện rõ ý chí vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, Niên lịch thư viện Quốc hội Hoa Kỳ năm 2008 đã chọn bà cùng 52 người phụ nữ "Tài đức, dám nói, dám làm trên thế giới" (Women Who Dare) in lịch.

"Tôi muốn làm nhân chứng của chiến tranh!"

Cứ mỗi buổi sáng, bà Xuân cùng chồng là Ed Reiman thường ra ngồi trên bãi biển sau nhà tại số 106 Huỳnh Thúc Kháng - Mũi Né để đón ánh mặt trời. Đó là "ngày mới" mà hơn nửa đời người bà mới có được. Trong quá khứ, bà là nạn nhân của cuộc chiến tranh mà người Mỹ đã gây nên tại miền Nam Việt Nam. Vì vậy, bà nói: "Tôi muốn làm nhân chứng của cuộc chiến tranh!".

Giấy chứng nhận bộ phim "Regret to inform" đoạt giải Oscar năm 1998.

Sinh năm 1954 tại Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn hoa lệ trong khói lửa đạn bom. Bà có một người anh đi lính cộng hòa và một người anh trốn quân dịch. Bà còn có một mẹ già, một cô em gái và một cậu em trai. Để nuôi cả gia đình, bà tìm kế sinh nhai bằng một mẹt trái cây. Gánh hàng không đủ nuôi cả gia đình và nhất là lo cho người anh trốn quân dịch.

Cũng như nhiều cô gái khác trong đất nước bị chiến tranh tàn phá, bà xoay sang nghề làm gái khi mới tròn 14 tuổi - thời kỳ đẹp nhất của đời người con gái. Để có thể bán thân cho lính Mỹ, bà phải thuyết phục bọn chúng rằng bà đủ lớn.

Bà kể, năm tôi 16 tuổi, yêu một anh lính cộng hòa. Chúng tôi sống với nhau như vợ chồng. Năm 17 tuổi, khi tôi mang thai đứa con trai đầu lòng được 7 tháng tuổi thì người chồng tử trận. Tình yêu của tôi đã chết từ đó. Nhưng vì đói nghèo, sinh con được 2 tuần tuổi, tôi tiếp tục trở lại với nghề làm gái.

Đôi mắt buồn và ngân ngấn lệ, không giấu nỗi đau ê chề về tâm hồn và thể xác. Bà nói: "Mỗi đêm, tôi phải làm gái bao của 5 thằng lính Mỹ. Để không phải thẹn thùng với bọn chúng, tôi phải uống thuốc và hút cần sa. Cuối cùng tôi nghĩ, thà mỗi đêm ngủ với 1 tên lính Mỹ còn hơn 5 tên. Vì vậy, tôi chấp nhận gá nghĩa với một cố vấn không quân Mỹ".

Dường như cơn xúc động mạnh, nên bà vớ lấy ly nước lọc uống một hơi. Một lát sau bà tiếp: "Là phụ nữ Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ dám mặc chiếc áo dài Việt Nam. Vì chính tôi đã làm hoen ố hình ảnh dịu dàng, nhu mì của người phụ nữ".

Khác với rất nhiều phụ nữ Việt kiều, bà ăn mặc giản dị và đặc biệt là không đeo nữ trang. Giải thích điều này, bà nói: "Tôi có 3 đứa con, lành lặn, thông minh, thành đạt, đó là nhờ ơn trời Phật và Chúa bù đắp cho những gì tôi đã mất mát trong chiến tranh. (Quang là kỹ sư phần mềm, Sơn Burn là hiệu trưởng một trường trung học đệ nhất cấp và Elden là cử nhân Tâm lý học). Có nhiều người ước khi có tiền sẽ mua một đôi lắc để đeo, mua một đôi giày để mang. Nhưng khi đủ điều kiện để mua thì đôi tay không còn để mang lắc, đôi chân không còn để mang giày vì chiến tranh đã cướp đi một phần thân thể của họ".

Bà nói với tôi rằng, trong nhà của bà không có tấm gương nào vì bà sợ phải đối diện với đôi mắt của bà - đôi mắt hằn sâu nỗi buồn quá khứ.

Năm 1974, bà cùng viên cố vấn không quân Hoa Kỳ về Mỹ và định cư tại tiểu bang Montana. Tình yêu của bà đã chết từ lâu nên chuyện chăn gối với viên cựu chiến binh Mỹ chỉ là nghĩa vụ. Hay nói đúng hơn, bà hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc và cần sa mỗi khi gần chồng.

Nơi đất lạ xứ người, nghề nghiệp không có, tiếng Anh không rành nên bà không thể tìm mua thuốc và cần sa để phục vụ cho người chồng không tình yêu mỗi khi hắn đòi hỏi. Bà kể, có lần hắn lồng lộn lên như con thú bị trúng thương, cầm một xấp đôla quăng vào mặt bà và hét lên: "Hồi còn ở Việt Nam, mỗi lần làm tình tao trả tiền thì bây giờ tiền đây”.

Sau những lần như thế, hắn quay sang đánh đập bà. Không thể chịu nổi người chồng vũ phu, bà dắt 3 người con là Quang (con trai với người chồng Việt Nam), Sơn Burn và Elden đi trốn. Đó là năm bà vừa tròn 20 tuổi.

Bà xin vào làm việc ở tiệm may thêu thời trang áo cưới do bà Lucille Payton làm chủ. Bà làm theo cách vừa làm vừa học, mỗi ngày nửa buổi. Bà được Lucille Payton truyền nghề và hướng dẫn tận tình tất cả kỹ năng nghề nghiệp.

Và nhờ đó, bà tiếp tục tìm tòi sáng tạo cách thiết kế các mẫu áo cưới cô dâu để tiệm may The Brides Shoppe ngày càng phát đạt. Bây giờ thì bà Xuân đã trở thành nhà thiết kế thời trang áo cưới cô dâu dù rằng cuộc đời của bà chưa một lần lên xe hoa, chưa một lần mặc áo cô dâu.

Lần trong quá khứ, bà Xuân kể: Đó là thời kỳ khốn khó nhất, một nách nuôi 3 con nhỏ, lo cho chúng ăn học, lo tự học tiếng Anh và lo kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ giúp gia đình.

Ban ngày bà học may thêu, ban đêm bà đi bộ chừng 45 phút dưới trời tuyết bay trắng xóa, có đêm, thời tiết xuống âm 20oC để đến một nhà hàng rửa chén thuê. Hôm nào đông khách, phải 10 giờ đêm bà mới quay về với 3 đứa con nhỏ.

Không chỉ vậy, lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ cha của 2 đứa con lai tìm và giết bà. Để an tâm nuôi con, năm 1981, bà tìm đến “Hội cựu binh Mỹ” nhờ can thiệp. Tại đây, bà đã được Ed Reiman - người từng tham chiến tại Việt Nam - đang làm chức năng của một nhà tâm lý chuyên giải tỏa cho những cựu chiến binh Mỹ bị "Hội chứng chiến tranh Việt Nam" che chở.

Và Ed hiện nay đang cùng bà cứ từ tháng 4 đến tháng 10 về Mũi Né để thực hiện dự án “New Day”.

Miệt mài tranh đấu vì hòa bình

Sau khi thành công với nghề thiết kế thời trang áo cưới cũng như đã giỏi tiếng Anh, bà cùng nhóm phụ nữ Mỹ đấu tranh với Hạ viện Hoa Kỳ thành lập "Chương trình con lai".

Bà nói: "Sau năm 1973, người Mỹ về nước, bỏ lại ở miền Nam Việt Nam những đứa con lai đủ màu da. Chúng nó ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt Nam, học trường Việt Nam nhưng không tránh khỏi sự mặc cảm là con lai Mỹ. Bản thân chúng không có tội, Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với chúng".

Miệt mài tranh đấu, cuối cùng, năm 1986, "Chương trình con lai" cũng được Hạ viện Mỹ thông qua. Không chỉ dừng ở đó, năm 1992, bà cùng với nhóm "Quả phụ của tử sĩ yêu chuộng hòa bình” về Việt Nam để khởi quay bộ phim tư liệu “Regret to inform” (Thương tiếc báo tin) do Barbara Sonneborn làm đạo diễn.

Lúc đầu, bà chỉ với tư cách làm người phiên dịch nỗi đau của những phụ nữ Việt Nam có chồng, có con hy sinh trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ. Kể cả phỏng vấn những quả phụ ở miền Nam có chồng tử trận vì đi lính cộng hòa, cũng như phỏng vấn những người phụ nữ Mỹ có chồng tử trận tại miền Nam.

Sau này, bà trở thành diễn viên chính đại diện cho những quả phụ có chồng tử trận, kiêm dẫn chương trình của bộ phim. Bộ phim tố cáo mạnh mẽ tội ác do chiến tranh gây ra, trong đó rất nhiều cảnh máy bay Mỹ oanh tạc, lính Mỹ lùa dân, cảnh nhà cửa bị thiêu rụi hoặc cảnh dân phải gồng gánh nhau chạy tản cư vì bom đạn Mỹ, lính Mỹ tìm mua hoa ở những đô thị lớn...

Bộ phim đưa đến một thông điệp: trong chiến tranh, người hứng chịu nỗi đau lớn nhất chính là những người phụ nữ vô tội. Bộ phim kêu gọi Chính phủ Mỹ cũng như Việt Nam hãy cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, bù đắp nỗi mất mát đau thương cho phụ nữ.

Năm 1998, bộ phim đã được Giải thưởng Oscar do Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ trao tặng cho các diễn viên xuất sắc, tài năng. Trong phim, bà Xuân đã dám nói thật và nói thẳng về quá khứ gian truân của đời mình. Cuộc tranh đấu cũng như sự vượt qua chính mình của bà Xuân đã được tiểu bang Mountana trao tặng giải thưởng "Linh hồn hy vọng" vào năm 2005.

Phần tiểu sử của bà Xuân trong Niên lịch Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ năm 2008 giới thiệu: "Xuân Ngọc Nguyễn, Việt kiều Mỹ (sinh năm 1954), nhà thiết kế và may thêu các loại áo cô dâu/ áo cưới, nhà giáo dục từ thiện. Được mô tả và ngưỡng mộ như nhân vật Vera Wang của miền Tây Bắc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (nguyên văn: Described as the Vera Wang of thenorthewestern United States.).

Cùng in chung niên lịch năm 2008 với bà Xuân còn có Sally Ride - Nữ phi hành gia đầu tiên của nước Mỹ, CarolMoeley Braun - Người chống phân biệt chủng tộc, Ellen Jonson - Sirleaf - Tổng thống Liberia...

Ngày Mới của Nguyễn Ngọc Xuân

Năm 1999, bà Xuân cùng chồng là Ed Reiman gom góp tiền mua một miếng đất để làm xưởng may và cất nhà ở tại Mũi Né. Thông qua một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Oregon và Montana, bà được nguồn vốn hỗ trợ cho dự án "Ngày Mới" khoản 11.000 USD.

Giữa năm 2004, vợ chồng bà Xuân trở lại Great Fall, Montana nơi bà mới sang định cư tại Mỹ và gặp bà Lucille Payton nói rõ về mục đích của dự án "Ngày Mới" - một dự án từ thiện, nhằm giúp những cô gái lầm lỡ trở thành những phụ nữ có ích cho xã hội. Thế là Lucille Payton lại đứng ra giúp bà hoàn thành ước nguyện.

Về Việt Nam, bà được người em trai tên Nguyễn Ngọc Thạch đứng ra giúp đỡ để làm nhà, một quán cà phê và xây dựng cơ sở cắt may. Năm 2005, khi có đủ điều kiện, dự án bắt đầu khởi động vợ chồng bà đang ngồi trong quán cà phê tình cờ nghe 3 cô nhân viên của mình bàn nhau vào TP HCM thử làm mại dâm.

Bà Xuân nhớ lại, 1 trong 3 cô gái nói: "Vào đó chúng ta có thể làm được nhiều tiền hơn ở đây”. Vậy là bà Xuân quyết định tiếp cận với họ. Bà đã kể lại cuộc đời của mình. Bà thuyết phục 3 cô gái cùng cha mẹ của họ rằng làm việc cho dự án của bà sẽ có thu nhập cao gấp 12 lần so với một nhân viên chạy bàn bình thường, ngoài ra còn được trả tiền để học may nữa.

Thế nhưng mọi cố gắng của bà cũng chỉ giữ chân được 2 cô gái 19 tuổi là Phương và Tuyền, còn người kia vào Sài Gòn tìm việc làm khác.

Với một quán cà phê nhỏ và một cơ sở dạy cắt may mang tên "Ngày Mới" nằm bên làng chài bình yên của Mũi Né, bà Xuân đang bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Ý tưởng của bà hết sức đơn giản khi tìm những cô gái trẻ chẳng may rơi vào con đường lầm lỗi như Phương về làm việc tại quán cà phê và dạy họ cách cắt may những món đồ phục vụ đám cưới và bán cho những cửa hàng thời trang bên Mỹ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, quán cà phê đi vào ổn định và đủ sức trang trải cho dự án đó về lâu về dài. Cơ sở dạy may còn cho phép những cô gái học thêm nghề kinh doanh để lo cho tương lai.

Khi dự án đi vào hoạt động, từ Montana, bà Payton bay sang Mũi Né, bà Xuân nói rằng: "Tôi muốn những chiếc máy may quay mặt ra biển". Còn bà Payton thì nhẹ nhàng đưa tay xoay chiếc máy may quay một vòng 360 độ và cười.

Bà Xuân hỏi: "Thế bà nghĩ gì vậy Cille?". "Ngôi nhà này rất đẹp. Đúng là cơ hội đang mở ra trước mắt những cô gái của chúng ta!” - bà Payton trả lời. Cuối năm 2005, bà Xuân đã hướng dẫn Phương, Tuyền và Hạnh cắt may 6 chiếc áo đầm phù dâu theo phong cách Việt Nam nhân ngày đầu năm mới.

Cứ tưởng dự án dạy cắt may áo cưới thuận buồm xuôi gió, nhưng không ngờ, qua một thời gian, các học viên của bà chán nản. Một lý do họ đưa ra là nghề may bây giờ khó trụ nổi vì quần áo may sẵn quá nhiều. Không mấy cô dâu đủ tiền đặt may áo cưới, phần lớn họ đi thuê.

Vậy là, bà Xuân phải liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM để đưa 3 học viên đầu tiên của mình vào Trường dạy nghề của Hội để học chăm sóc thẩm mỹ. Từ tiền học nghề, tiền nhà trọ, tiền tiêu xài, và cả tiền để các học viên gửi về phụ giúp gia đình, bà Xuân đều lo tất.

Bà Xuân cho biết, hiện tại 2 em đã có việc làm, 1 em chưa chịu đi làm. Thông qua Trường dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, bà tạo điều kiện cho Hạnh, Tâm và Tuyền học vi tính. Các em đã học xong 2 khóa và đang chờ học tiếp những khóa sau.

Dự án "Ngày Mới" của bà Xuân còn giúp những đứa trẻ khuyết tật như bé Tường Vi, bé Kiệt (Mũi Né) phẫu thuật chỉnh hình, tặng máy giặt, lồng ấp trẻ sơ sinh cho Phòng khám Đa khoa Mũi Né...

Về dự án "Ngày Mới", bà Xuân nói, không phải cho những mảnh đời bất hạnh mà cho chính mình. Bà tâm sự: "Thông qua họ, tôi đã sống lại tuổi thơ của mình, một tuổi thơ không có chiến tranh"

Nguyễn Hữu Cán
.
.