Tổng Giám đốc “chim cánh cụt”

Chủ Nhật, 13/05/2007, 10:16

Chị Hương cho Nam “mượn” 5 cái máy tính, hai vợ chồng chủ nhà đồng hương cho mượn tiền mua 5 cái, rồi trước sự bảo chứng của Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương, người bán máy tính cho Nam mua trả góp thêm 5 cái nữa. Nam có 15 máy tính để lập nghiệp.

Ngày 21/8/1979, một sinh linh không toàn vẹn chào đời, người mẹ vừa trông thấy hình   hài con mình đã ngất xỉu, cả gia tộc băn khoăn với quyết định có nên đem đứa bé tật nguyền này về nuôi hay là... bỏ. Bà ngoại lặng lẽ bế trộm cậu bé ra một căn chòi ngoài bờ sông, âm thầm nuôi cậu bé lớn lên!

Một ngày cuối tháng 3/2007, trong Văn phòng Công ty Vệ sĩ Văn Nhân có trụ sở tại Bình Dương, ngồi trước mặt tôi, cậu bé tật nguyền năm xưa đã trở thành ông Tổng giám đốc Công ty đào tạo vệ sĩ chuyên nghiệp.

Con đường Nguyễn Văn Nam đã đi, không ít mồ hôi và đủ nỗi nhọc nhằn...

Từ khi còn bé xíu, Nam đã là một cậu bé đặc biệt, bởi khi Nam sinh ra đã phải nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết vì Nam bị tật nguyền bẩm sinh.

Xế chiều ngày 21/8/1979, tại trạm xá xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên một phụ nữ đau đẻ được đưa đến. Rất đông người nhà của người phụ nữ ấy cũng theo đến, bởi đây là đứa cháu đầu lòng của cả một dòng họ. 4h chiều, cậu bé Nguyễn Văn Nam chính thức cất tiếng khóc chào đời, người mẹ sinh khó, mệt đến ngất xỉu. Người thân nghe tiếng khóc, ai cũng ào vào đòi xem mặt đứa bé, người ta vào rất nhanh rồi ra cũng rất nhanh, vào xem bằng sự hồ hởi và trở ra với sự thất vọng, đứa bé sơ sinh ấy hai cánh tay chỉ là hai nhúm thịt lủng lẳng.

Người mẹ hồi tỉnh, với tay ôm lấy con mình, khi tận mắt trông thấy thân hình tật nguyền của con, chị ngất một lần nữa. Thế rồi, cả họ xúm lại bàn bạc xem có nên đưa đứa bé về nuôi hay không, dù sao nó cũng là máu mủ của mình, nếu không thì biết xử lý nó như thế nào... Khi cả họ đang đắn đo trước sinh mệnh của cậu bé, còn cậu bé thì nằm lăn lóc trên bàn sanh và khóc ngằn ngặt.

Nam chua chát kể lại những giờ phút đầu tiên tồn tại trên đời như thế. Bà ngoại thấy thương cháu, sợ bố mẹ Nam không đồng ý đem con về nuôi, bà lén đến bồng “trộm” cháu mình đem về. Bà cũng không dám bế về nhà bố mẹ, cũng không dám bế về nhà các con mình. Sợ những lời thị phi của hàng xóm, láng giềng.

Bà ngoại nói với các con mình ra bờ sông, nơi ít người qua lại, dựng cho hai bà cháu một túp lều. Bà ngoại Nam là mẹ liệt sĩ, bác của Nam đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Sau khi bế Nam từ bệnh viện trở về, Nam khóc ngặt vì đói sữa, trời sinh Nam thiếu thốn về thân thể, nhưng những đòi hỏi ăn uống và tinh thần của Nam cũng như ngàn vạn đứa trẻ khác. Vì là mẹ của liệt sĩ, bà ngoại Nam được tiêu chuẩn đường, sữa phân phối của Nhà nước, Nam sống đến ngày hôm nay cũng là nhờ chút đường sữa thời bao cấp ấy. Ban ngày thì bà ngoại lội xuống sông bắt con còng, con cá lên hai bà cháu qua bữa, khi nào nhà không có người gửi gạo ra, bà lại đi vào làng xin lá khoai lang, đụn sắn về hai bà cháu luộc ăn.

Năm Nam lên 6 tuổi, trưa một ngày đầu tháng 9, Nam không thấy chúng bạn í ới gọi Nam vào xóm chơi như những ngày khác. Nam thắc mắc thì bà Nam cho biết là chúng bạn đã đi học. Nam tức tốc chạy về nhà gặng hỏi bố mẹ vì sao Nam không được đến trường.

Bố mẹ Nam ái ngại nhìn đôi tay không hề có bàn tay của Nam rồi hỏi con: “Con không có ngón tay như người ta, làm sao con cầm viết, học làm sao được, ở nhà đi”. Nam khẳng định: “Không cho đi học mới không biết viết”. Rồi Nam lẳng lặng chạy vào nhà tìm một viên phấn, kiếm chỗ đất bằng, ngồi bệt xuống, hai tay tật nguyền kẹp chặt viên phấn, bậm môi vẽ một chữ O tròn rồi ngước đầu lên nói với bố mẹ rằng, con có thể đi học như các bạn, các bạn cũng chỉ có thể viết “đẹp” đến thế này thôi.

Ngày bố mẹ dẫn Nam đến trường có lẽ là ngày trọng đại nhất đời, Nam vừa bỡ ngỡ vừa hào hứng khi thấy chúng bạn chạy nhảy tung tăng khắp sân trường. Thấy con người ta như thế, bố mẹ Nam lo lắng không biết Nam có thể kiên trì đi học được mấy bữa và có theo kịp chúng bạn không. Thế mà Nam theo học ngon lành, cũng cứ lên lớp đều đều. Nam hiểu rõ sự hạn chế của bản thân từ khi còn bé xíu, vì thế nếu chúng bạn học 1 tiếng thì Nam phải dành 2 tiếng để luyện viết.

Có người còn ác mồm, ác miệng nói với bà ngoại Nam: “Bà nuôi “của nợ” làm gì cho cực thân, lớn lên chắc nó cũng chẳng làm nên trò trống gì đâu...”. Câu nói ấy in vào đầu Nam như một nỗi đau. Nam ở với bà ngoại cho đến khi bà mất, năm ấy bà 81 tuổi và Nam vừa tròn 10 tuổi.

Cũng mãi đến ngày bà ngoại mất, Nam mới được trở về sống bên vòng tay bố mẹ. Nam thú thực rằng, anh sợ những ánh mắt, ghét sự thương hại, và để thoát khỏi nỗi sợ đó, Nam đã gắng học, học như để khẳng định rằng, người khuyết tật cũng có thể làm được những điều bình thường.

Tốt nghiệp lớp 12, rớt mộng vào Đại học KHTN Hà Nội, Nam thi vào Trung cấp Tin học. Năm sau, không bằng lòng với tấm bằng Trung cấp Tin học, Nam theo học lớp tại chức Đại học Hàng hải Hải Phòng. Mấy năm sau, Nam lại bỏ thời gian học Trung cấp Kiểm toán.

Ngay khi có trong tay tấm bằng Trung cấp Tin học, Nam thành lập một công ty tin học chuyên cung cấp máy tính cho các doanh nghiệp. Một ngày cuối năm 2003, Nam bị đối tác lừa, một dàn máy hàng trăm triệu bốc hơi. Nam thua lỗ nặng. Không lâu sau đó, một cú sốc tinh thần đến với Nam khi bị người con gái anh đem lòng yêu thương từ chối tình cảm.

Hai cú sốc quá lớn ập đến với chàng trai trẻ, Nam suy sụp. Nam quyết định rời bỏ quê vào Nam lập nghiệp. Sau này, Nam kể lại rằng, nếu không bị "sự cố" vụ máy tính đó, Nam sẽ giành toàn bộ số tiền lời kinh doanh được mở hai quỹ học bổng, nơi Nam đã từng theo học. Quỹ học bổng ấy sẽ lấy tên người bà của Nam, tên là Phạm Thị Tròm.

Chuyến đi định mệnh

Tết năm 2003, chàng trai tật nguyền tập tễnh lên chuyến tàu cuối vào TP HCM, ấy là 29 tết. Chuyến tàu vắng khách, ai cũng tất tả... duy nhất chỉ có Nguyễn Văn Nam là không vội và có tâm trạng khác mọi người... vì đã rời quê. Nam đã hào sảng dốc hết tiền túi của mình để mua bia đãi tất cả những người cùng toa, uống cho đến say mới thôi.

Tàu dừng ở ga Sài Gòn, Nam lộn hết túi này sang túi khác cũng chỉ còn hơn 60 ngàn sót lại trong một góc túi áo lạnh mà may mắn là khi ở trên tàu Nam không... tìm thấy.  Nam lững thững bước ra cửa ga. Bây giờ đi đâu? Câu hỏi mà Nam không biết phải trả lời như thế nào! Hàng chục bác xe ôm nhao lại, Nam lắc đầu, nếu đi xe ôm chắc sẽ hết số tiền này, rồi ngày mai không người thân thích thì biết sống ra sao?--PageBreak--

Những câu hỏi cơm, áo, gạo, tiền xuất hiện trong đầu Nam. Nhưng nhớ lại, khi Nam quyết định xa quê nghĩa là đã quyết định đánh cuộc với số phận. Sống, chết âu cũng đã là cái số, người khác có thể không tin nhưng Nam thì không bao giờ tin rằng mình không thể kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân. “Dũng cảm” ngoắc một bác tài lại hỏi: “Đi Sóng Thần hết bao nhiêu?”. “Đêm rồi, cho 50 ngàn đi”. Nam gật.

Trên đường đi, bác tài hỏi rằng Nam có địa chỉ cụ thể nào để đến không, Nam trả lời cứ đưa anh đến cầu vượt Sóng Thần, sau này Nam kể lại rằng, cái địa danh Sóng Thần ấy cũng là Nam buột miệng nói ra, nếu đêm ấy Nam nói địa danh khác với bác tài thì không biết cuộc đời Nam sẽ đi về đâu...

Ai không tin rằng cuộc sống có định mệnh, Nam tin điều đó. Nam kể rằng, con đường của anh đi như đã có một sự sắp đặt  của số phận, từ sự tình cờ này đến sự tình cờ khác, chỉ có điều may mắn là ở đâu Nam cũng gặp những người tốt.

Khi Nam xuống cầu vượt Sóng Thần, trong túi chỉ còn 10 ngàn đồng, bụng đói, Nam vào quán phở ăn tạm một bát cho ấm bụng. Cuối cùng trong túi Nam chỉ còn lại 3 ngàn. Nam đi lang thang quanh cái cầu vượt ấy, trời lạnh, Nam đã xác định đêm ấy Nam sẽ ngủ gầm cầu vượt, đang loay hoay kiếm chỗ ngủ thì vô tình Nam đụng vào xe một thanh niên cũng trạc tuổi Nam, nghe Nam xin lỗi bằng cái giọng Hải Phòng nhè nhẹ, người thanh niên liền hỏi: “Ở Hải Phòng vào phải không?". Nam gật đầu. Hỏi ra mới biết, người thanh niên ấy cũng cùng huyện Thủy Nguyên.

Người thanh niên hỏi Nam tại sao tết không về quê lại lang thang ở đây, Nam cũng thật thà kể lại câu chuyện về chuyến tàu cuối năm đưa Nam đến nơi này. Người thanh niên nghe chuyện, trầm tư một lúc rồi bảo với  Nam rằng, về nhà mình ăn tết cho vui. Như người sắp chết đuối vớ được cọc, Nam liền leo lên xe theo anh thanh niên.

Nhà của anh ấy cũng không sung túc gì, hai vợ chồng là công nhân, gom góp bao nhiêu năm mới cất được một căn nhà bé tẹo. Khi nghe chồng kể về Nam, người đồng hương sa cơ lỡ vận, chị chủ nhà, cũng trạc tuổi Nam đồng ý cho Nam tá túc qua mấy ngày tết, trước khi Nam kiếm được việc làm.

Ngay ngày hôm sau, Nam đi tìm việc, hơn hai tuần liên tiếp, Nam chỉ nhận được những cái lắc đầu. Phải đến tuần thứ 3, Nam được giới thiệu đến một trung tâm đào tạo tin học. Đến nơi, người đàn ông có vẻ là người phụ trách trung tâm nhìn xoáy vào đôi tay tật nguyền của Nam với ánh mắt không mấy tin tưởng, ông đã dẫn Nam đến một chiếc máy tính, tắt nguồn, tháo rời ổ cứng, ổ CD..., yêu cầu Nam lắp trở lại bình thường. Nam biết chắc rằng người ta sợ với đôi tay tật nguyền ấy không thể vặn những con ốc nhỏ xíu vô máy được. Thế nhưng, Nam đã lắp cẩn thận từng chi tiết một, trở lại như cũ.

Người đàn ông gật đầu, nói đồng ý nhận Nam với mức lương... 400 ngàn/tháng. Ngay lập tức trong đầu Nam  phác thảo một kế hoạch chi tiêu cho 400 ngàn đó, sẽ góp cho hai vợ chồng người đồng hương 100 tiền nhà trọ, thêm 200 tiền ăn nữa, vẫn còn 100 ngàn để làm vốn, tìm cơ hội khác. Nhưng ông nọ lại nói: một tháng nữa em quay lại đây làm việc... Nam cười chua chát, vậy là lại rơi vào những ngày thất nghiệp.

Nam chán nản thật sự, lại ra đường đi lang thang, không hiểu sao khi gặp bảng Trung tâm nhân đạo Quê Hương, nơi nhận nuôi dưỡng hơn 200 đứa trẻ mồ côi nằm trên đường DT 743. Nam đứng lại rất lâu, nghĩ trong đầu, một tháng nữa mình mới có việc làm, đi dạy miễn phí cho trẻ em ở đây vậy, vừa giúp người khác, kiến thức sẽ không mai một...

Thực sự thì Nam không hề biết ai là Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Nam đi vào thì gặp một cô gái rất trẻ, tiến tới hỏi Nam liên hệ công chuyện gì, Nam xin gặp giám đốc trung tâm để xin được dạy miễn phí tin học cho những trẻ em ở đây.

Không như nhiều người, cô gái nhìn Nam với ánh mắt tin tưởng, rồi bảo rằng, cô ấy có thể “thay quyền” giám đốc trung tâm để nhận sự giúp đỡ của Nam, hỏi Nam có thêm yêu cầu gì không, Nam thật thà: “Em chỉ xin chị bữa cơm trưa nếu có thể”. Cô gái ấy chính là Huỳnh Tiểu Hương - Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương, người phụ nữ đã nhận nuôi hơn 200 đứa trẻ cơ nhỡ làm con.

Khi Huỳnh Tiểu Hương hỏi về quá khứ, lai lịch của Nam, trước cách nói chuyện thân mật của Giám đốc Hương, Nam bắt đầu kể lại một phần quãng đời cơ cực của mình, từ chuyện làm ăn thua lỗ ngoài Hải Phòng đến câu chuyện chờ việc 1 tháng.

Rốt cuộc, người mà Nam mang ơn nhất là Huỳnh Tiểu Hương và Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Bước chân vào Trung tâm nhân đạo Quê Hương với ý định giúp đỡ người khác, nhưng cuối cùng, chị Hương lại giúp Nam rất nhiều.

Nghe hoàn cảnh của Nam, chị Hương cho Nam “mượn” 5 cái máy tính, hai vợ chồng chủ nhà đồng hương cho mượn tiền mua 5 cái, rồi trước sự bảo chứng của Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương, người bán máy tính cho Nam mua trả góp thêm 5 cái nữa, Nam có 15 máy tính cho ước mơ không bao giờ nghĩ tới khi bước chân vào Nam lập nghiệp: một trung tâm tin học.

Kể tới đây, giọng Nam chùng hẳn. Ra đời với hai bàn tay trắng, không người thân thích, Nam không ngờ rằng những người mới quen nơi đất khách quê người lại tận tình giúp đỡ Nam đến vậy.

Nam tri ân đôi vợ chồng đồng hương người Hải Phòng, cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân, lương tháng của cả hai người cộng lại chưa đến 3 triệu đồng/tháng, chỉ là đồng hương với nhau, vậy mà họ vẫn dốc cạn những đồng tiền mà họ dành dụm bao nhiêu lâu nay để giúp Nam lập nghiệp.

Họ giúp Nam mà không hề biết trước rằng Nam có thể trả nợ cho họ hay không, trung tâm của Nam có hoạt động nổi không, đầu tư vào Nam khi ấy còn nguy hiểm hơn cả đầu tư một ngành kinh doanh mạo hiểm. Cũng chính từ những điều giản dị ấy, từ lòng tốt của con người, của chị Huỳnh Tiểu Hương, của đôi vợ chồng người công nhân nọ mà Nam quyết định đặt cho trung tâm của mình cái tên: Văn Nhân, là nói ngược của từ Nhân Văn mà ra...

(Còn nữa)

Thuận Thiên
.
.