Triệt phá đuờng dây mua bán, tiêu thụ 5,5 tỉ đồng tiền giả

Thứ Ba, 12/02/2008, 11:00
Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang vừa triệt phá một đường dây mua bán, tàng trữ và lưu hành tiền Việt Nam giả với số lượng lên đến 5,5 tỉ đồng. Từ phát hiện này, Lực lượng Công an ở một số tỉnh, thành khác đã bắt được hơn 100 tên khác.

Từ manh mối ban đầu

Sáng ngày 1/6/2007, chủ một tiệm buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - khi nhận tờ giấy bạc polyme mệnh giá 100 nghìn đồng do một gã đàn ông đến mua hàng, bỗng cảm thấy ngờ ngợ vì tờ tiền có vẻ không bình thường. Lập tức, một mặt chủ tiệm giữ chân lại bằng cách đợi đổi tiền lẻ, mặt khác, thông báo ngay cho Cơ quan Công an huyện Cai Lậy.

Sau khi tiến hành giám định, ngày 2/6/2007, gã đàn ông cùng một đồng phạm bị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Công an tỉnh Tiền Giang bắt khẩn cấp vì hành vi tiêu thụ tiền giả. Đó là Lê Minh Sơn và Nguyễn Văn Dũng, đều cùng cư ngụ tại ấp Xuân Điền, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Dũng khai đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại với Nguyễn Công Án, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM để mua tiền giả đem về Tiền Giang tiêu thụ. Khi thỏa thuận xong giá cả, Dũng và Án gặp nhau tại một số quán cà phê nằm trên đoạn đường tránh thị xã Tân An.

Ngày 3/6, Nguyễn Công Án bị cơ quan chức năng bắt quả tang khi đang giao 5 triệu tiền polyme giả, loại 100 nghìn đồng cho Nguyễn Văn Dũng. Khám xét nhà riêng của Án, Cơ quan ANĐT còn thu thêm 225.800.000 đồng tiền giả.

Đến những kẻ bất chấp luật pháp

Sinh năm 1943 tại Nam Định, nhưng Quách Kim Hoa lại cư trú tại số 216 đường Ngân Hưng, thị trấn Bằng Tường, Trung Quốc. Vào năm 2000, Hoa tình cờ gặp lại người cháu bên chồng là Hoàng Dương, cùng một người bạn tên Nguyễn Trung Hiếu, ở Cà Mau, sang Bằng Tường bán ba ba, rùa, rắn.

Qua chuyện trò, Hoa biết Dương và Hiếu có ý định tìm mua tiền Việt Nam giả để đưa về tiêu thụ.

Tháng 5/2005, Nguyễn Trung Hiếu đến nhà Hoa, mang theo 6 triệu đồng tiền Việt Nam thật, nhờ Hoa mua giúp tiền giả. Điện thoại cho Hải – là người Trung Quốc, có vợ tên Huyền, gốc tỉnh Hải Dương, Hoa đặt vấn đề mua 20 triệu tiền giả với tỉ lệ “một ăn ba”...

Hôm sau, tại bến xe buýt Bằng Tường, Hải giao tiền giả cho Hoa. Lúc đưa cho Hiếu, Hoa dặn lần sau nếu cần mua, thì cứ chuyển tiền thật vào tài khoản của Trần Thị Châm (làm nghề đổi tiền Việt Nam, Trung Quốc ở chợ Tân Thanh) tại Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn, chi nhánh Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn chứ đừng trực tiếp cầm theo, dễ bại lộ.

Nhận được tiền giả, Nguyễn Trung Hiếu chia đều, nhét vào hai chiếc tất ở chân và đi xe buýt đến Pò Chài rồi theo lối mòn của dân cửu vạn, về lại Việt Nam.

Tháng 6/2005, Hiếu điện thoại, báo tin đã chuyển vào tài khoản của Trần Thị Châm 26 triệu đồng, để mua 100 triệu tiền giả. Vài ngày sau, Hoa nhờ Nguyễn Thị Máy Din, ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đưa cho Hiếu 100 triệu tiền giả tại địa điểm trước bưu điện Tân Thanh.

Đến tháng 7, vẫn với phương thức như vừa nói, Hiếu nhận 120 triệu đồng tiền giả từ tay Nguyễn Thị Máy Din và lần này, Hiếu còn dẫn theo Nguyễn Chí Linh, ở Cà Mau, giới thiệu là bạn, rồi nhờ Hoa làm giấy thông hành cho Linh sang Trung Quốc.

Một tuần sau, Linh rủ thêm Mai Văn Trực ở Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng gặp Hoa, và đến cuối năm 2005, Linh đã mua của Quách Kim Hoa 3 lần tiền giả, tổng cộng 310 triệu đồng, Trực mua 300 triệu.

Không chỉ dừng lại ở đó, Trực lại rủ thêm một số tên khác cùng tham gia dưới hình thức chuyển tiền vào tài khoản của Trần Thị Châm, để Trực nhận lại tiền giả. Tuy nhiên, khi đang tiêu thụ 120 triệu, thì Trực bị Công an Bình Dương phát hiện, truy nã nên đã trốn sang nhà Hoa ở Bằng Tường.

Tháng 10/2006, Quách Kim Hoa về dự đám giỗ mẹ ruột ở Nam Định. Lúc ghé thăm bà Trần Thị Vượt – là vợ của anh chồng Hoa bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người - thấy trên đầu giường có giấy chứng minh nhân dân của bà Vượt, Hoa đánh cắp rồi dùng CMND ấy, mở tài khoản tại Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Lạng Sơn để nhận tiền của các đối tượng mua bán tiền giả từ miền Nam chuyển ra.

Trốn sang Trung Quốc, đi làm phụ thợ điện một thời gian, thấy tình hình im ắng, Mai Văn Trực quay về Việt Nam rồi thông qua Quách Kim Hoa, Trực mua tiếp 400 triệu tiền giả.

Sau vụ mua bán ấy, Hoa đọc báo thấy đăng lệnh truy nã Mai Văn Trực của Công an tỉnh Bình Dương nên Hoa báo cho Trực biết. Tổng cộng trong năm 2006, Mai Văn Trực đã mua của Quách Kim Hoa 940 triệu đồng tiền giả.

Cuối tháng 3/2007, Mai Văn Trực và Nguyễn Công Án theo lối mòn của dân buôn lậu, sang Bằng Tường gặp lại Hoa. Chỉ riêng 4 lần mua bán vào các tháng 3,4,5,6, năm 2007, Hoa đã bán cho Trực 1.170.000.000 đồng tiền giả. Riêng Nguyễn Công Án, mua tổng số tiền giả là 400 triệu đồng.

Để tiêu thụ, Trực, Án, Linh, Hiếu... bán lại cho đồng phạm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước rồi những kẻ đồng phạm này dùng tiền giả uống cà phê, mua thuốc lá hoặc mua đồ vật, thực phẩm giá trị thấp, lấy lại tiền thừa mà cụ thể là ngày 13/5/2007, Nguyễn Thái Sơn dùng tiền giả để mua tôm giống ở Năm Căn, Cà Mau. Tại Bình Dương, Trần Trung Thành dùng tiền giả gửi về cho mẹ và mẹ Thành lấy tiền đó thanh toán cho nhân công làm thuê.

Đến khi một công nhân ra bưu điện, chuyển tiền về cho gia đình thì bị phát hiện là... tiền giả.

Tại huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, khi bán cho một thanh niên gói thuốc Hero, rồi thối lại 192.000 đồng, chủ tiệm là bà Nguyễn Thị Nguyền phát hiện tờ giấy bạc 200.000 đồng gã đưa là tiền giả. Lập tức, gã thanh niên leo lên xe máy, chạy bán mạng nhưng đã bị con trai bà Nguyền đuổi theo, bắt được.

Nguyễn Thi Tài, ở Đồng Tháp, có vợ, 4 con, sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn nhưng lại đèo bòng thêm... vợ bé. Để có tiền chu cấp, Tài nhận tiền giả của Trần Văn Triệu rồi thuê nhà ở gần cầu vượt Quang Trung, quận 12, TP HCMcùng vợ bé tiêu thụ, kiếm hoa hồng, và đã tiêu thụ được 193 triệu đồng.

Một kẻ khác là Lê Thị Châu Pha, từ Tiền Giang qua Đồng Tháp dùng tiền giả đánh số đề. Ngô Văn Bảy, Trương Văn Sinh, Hồ Văn Thắng thì dùng tiền giả đổ xăng, trả nợ, đá gà.

Tiêu xài mạnh tay nhất có lẽ là Huỳnh Hồng Phúc. Vốn là nài ngựa ở trường đua Phú Thọ, Phúc dùng tiền giả cá độ, và thua 78 triệu đồng, hay như một kẻ tên Phương, buôn bán trái cây ở chợ đầu mối TP HCM, mua của Triệu 257 triệu đồng rồi trộn với tiền thật, sử dụng trong giao dịch. Khi bị bắt, có kẻ... giả điên nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Có thể nói, đây là đường dây mua bán, tiêu thụ tiền giả lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện. Nếu tại cửa khẩu biên giới, tiền giả được Quách Kim Hoa bán với tỉ lệ một tiền thật ăn ba tiền giả, thì đám Mai Văn Trực, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Chí Linh, Nguyễn Công Án... bán lại cho các đầu mối với tỉ lệ một ăn hai, rồi khi xuống đến những kẻ tiêu thụ thì tỉ lệ này là một ăn một.

Riêng Nguyễn Trung Hiếu, trong suốt năm 2006 đến ngày bị bắt, đã nhiều lần nhờ Quách Kim Hoa mua tiền giả, tổng cộng hơn 2 tỉ đồng. Khi giao cho Hiếu, Hoa lúc thì giấu trong nồi cơm điện, lúc giấu trong đầu DVD, lúc giấu trong hộp đựng sữa tươi bằng giấy.

Không những thế, Quách Kim Hoa còn giới thiệu cho Đặng Thị Dung ở Thái Bình và Nguyễn Thị Hợp ở Bắc Giang tiếp xúc với vợ chồng Hải, Huyền để mua 2 tỉ tiền giả, và cho Dung, Hợp thuê nhà của mình làm nơi giam giữ những thiếu nữ Việt Nam bị dụ dỗ, trước khi chuyển sang Ma Cao làm gái mại dâm.

Lúc bị bắt, Quách Kim Hoa khai tiền giả in ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, rồi được một nhóm tội phạm người Trung Quốc do Vương Sỹ Hùng cầm đầu, chuyển tới thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây.

Tại Bằng Tường, ngoài vợ chồng Hải, Huyền, còn có một nhân vật khác, người Trung Quốc, tên Đính – là đầu mối cung cấp tiền giả. Một số lần, khi những kẻ tiêu thụ báo cho Hoa biết tiền giả bị lỗi kỹ thuật như không có hình chìm, màu sắc đậm hơn tiền thật, Quách Kim Hoa liền thân chinh sang Đài Loan, để... chỉ đạo sửa chữa!

Sau khi bắt giam Lê Minh Sơn và Nguyễn Văn Dũng, Cơ quan ANĐT – Công an tỉnh Tiền Giang tiến hành bắt tiếp 19 đối tượng khác trong tổng số 30 đối tượng mua bán, tiêu thụ tiền giả, trong đó có Quách Kim Hoa. Trong trại giam, Hoa rất ngoan cố, khai báo quanh co và đổ tội cho những đối tượng mà Hoa tin rằng Cơ quan điều tra không thể xác minh được.

Đến đây, cũng cần nói thêm về nhân thân của Quách Kim Hoa. Sinh năm 1943 tại Nam Định, bố mất sớm, Hoa được một người Trung Quốc là ông Quách Hải Thành nhận làm con nuôi, rồi đưa ra Hải Phòng cho ăn học nên Hoa mang họ Quách. 15 tuổi, Hoa lấy chồng rồi chuyển về quê chồng ở Nam Định.

Đến năm 1962, khi đã có 3 mặt con, vợ chồng Hoa ly dị. Năm 1977, Quách Kim Hoa cùng cha nuôi vượt biên sang Hồng Công, nhập quốc tịch Trung Quốc. Trong những năm từ 1999 đến 2000, Quách Kim Hoa liên tục về Việt Nam và đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng Việt Nam trong một chuyên án buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Hoa đã từng đưa hàng trăm viên thuốc lắc (hồng phiến) vào TP HCM tiêu thụ, và nhà Hoa cũng là nơi tập kết của bọn buôn ma túy, buôn người...

Ngày 29/6, Mai Văn Trực nhận được điện thoại của đồng bọn, báo cho Trực biết Quách Kim Hoa đã bị bắt, và hẹn gặp Trực tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh để bàn cách đối phó. Thời điểm này, Trực thuê nhà trọ, sống chung với một gái mại dâm. Đúng giờ hẹn, để che mắt cơ quan chức năng Trực quần áo chỉnh tề, tóc tai gọn ghẽ, đi xe tay ga, dáng dấp như một doanh nhân, xuất hiện.

Một lát, không thấy con mồi xuất hiện, nhưng các động thái biểu lộ sự bồn chồn, lo lắng của Mai Văn Trực đã khiến trinh sát chú ý. Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác định đúng vị "doanh nhân" kia là Mai Văn Trực. Y đã bị bắt.

Theo lời khai của Hoa, thì bà ta nằm trong đường dây mua bán tiền giả của Vương Sỹ Hùng. Cứ mỗi lần vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam, rồi giao cho người mua trót lọt, Quách Kim Hoa được hưởng hoa hồng 2% trên tổng số tiền giao.

Một đối tượng khác cũng “cộm cán không kém. Đó là Trần Văn Tấn. Sau khi trốn sang Trung Quốc một thời gian, Mai Văn Trực mò về miền Nam, rồi lừa Trần Văn Triệu – cũng là kẻ kinh doanh tiền giả, lấy 72 triệu đồng để hợp tác với Nguyễn Công Án, mở trại nuôi tôm ở Long Thành, Đồng Nai.

Chưa kịp thu hoạch, tôm bị bệnh chết. Hết vốn, Án cùng Trực lại lao đi buôn... tiền giả và kết nạp Trần Văn Tấn, làm nghề chạy xe ôm ở khu vực Linh Trung, Thủ Đức rồi dùng Tấn làm giao liên, chuyển tiền giả đến cho những đối tượng khác.

Cuối tháng 6/2007, khi Tấn đang đậu xe đón khác trước khu du lịch Suối Tiên, thì một người đến, nhờ Tấn đưa về đường Nguyễn Trãi, TP HCM mà không cần kỳ kèo giá cả. Hí hửng vì gặp khách sộp, Trần Văn Tấn phi thẳng một mạch vào... Văn phòng phía Nam – Bộ Công an, rồi đứng sững như trời trồng khi nghe đọc lệnh bắt khẩn cấp.

Từ lời khai của những kẻ này, lực lượng công an một số tỉnh, thành trong cả nước đã bắt tạm giam hơn 100 tên tội phạm, đồng thời cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã thông báo cho phía Trung Quốc biết về đường dây vận chuyển, mua bán tiền giả để nước bạn có biện pháp ngăn chặn và xử lý.

Để thực hiện thành công chuyên án này, lực lượng Công an các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Lạng Sơn, TP HCM..., dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã mất nhiều công sức đeo bám, xác minh, tiếp cận với từng đối tượng. Trong quá trình điều tra xét hỏi, cũng không ít lần các cán bộ công an phải đấu trí với những tên tội phạm sừng sỏ.

Lâu nay, tiền giả vẫn luôn là một vấn nạn – không riêng gì ở Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia trên thế giới bởi lẽ ngoài việc làm suy yếu nền kinh tế, tạo ra tình trạng lạm phát, nó còn khiến xã hội hoang mang, người dân lo lắng – nhất là những người nghèo buôn thúng bán bưng.

Vì thế, bên cạnh mức án nghiêm khắc dành cho những kẻ mua bán, lưu hành và tiêu thụ tiền giả, các cơ quan chức năng tại những địa phương có đường biên giới với nước bạn cần phối hợp thực hiện việc kiểm soát các lối mòn, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa của đội quân cửu vạn, để kịp thời phát hiện và bắt gọn bọn buôn bán tiền giả, không để tiền giả lọt vào nội địa.

Một số hành vi phạm tội của những bị can
trong đường dây mua bán, tiêu thụ tiền giả

Quách Kim Hoa, trực tiếp bán cho Nguyễn Trung Hiếu, Mai Văn Trực, Nguyễn Chí Linh, Nguyễn Công Án, Trần Văn Tấn, Trần Văn Triệu cùng một số kẻ khác 5,5 tỉ đồng tiền giả.
Nguyễn Trung Hiếu: Mua bán, tiêu thụ 2,2 tỉ đồng tiền giả.
Mai Văn Trực: Mua bán, tiêu thụ 1 tỉ 960 triệu đồng tiền giả.
Nguyễn Chí Linh: Mua bán, tiêu thụ 101 triệu đồng tiền giả.
Trần Văn Tấn: Mua bán, tiêu thụ 600 triệu đồng tiền giả.
Nguyễn Công Án: Mua bán, tiêu thụ 383 triệu đồng tiền giả.
Nguyễn Văn Dũng: Mua bán, tiêu thụ 153 triệu đồng tiền giả.
Trần Văn Ba: Mua bán, tiêu thụ 51 triệu đồng tiền giả.

V.C.
.
.