“Trực chiến” nơi cửa ngõ Thủ đô

Thứ Ba, 20/07/2021, 14:13
Giữa tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, từ ngày 14-7, Hà Nội triển khai 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô. Dù gặp nhiều bất tiện, như mất nhiều thời gian, mang theo nhiều loại giấy tờ nhưng người dân hoàn toàn ủng hộ, ai cũng mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh.


Người dân chấp hành nghiêm túc

Chị Vũ Thị Liên (Nam Trực, Nam Định) trước khi lên Hà Nội đọc kỹ yêu cầu tại các chốt kiểm dịch nên mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để cung cấp cho các cơ quan chức năng. Con trai chị mới lớp 2 nhưng bị đau dạ dày cả tuần nay. Nhà chị có gene di truyền đau dạ dày. Chị, cô con gái lớn, rồi giờ đến cậu con trai. Cả tuần nay cháu kém ăn, kém ngủ nên chị đưa con lên Bệnh viện Nhi Hà Nội khám bệnh, tranh thủ con đang nghỉ hè để lấy thuốc cho con uống. Bản thân làm trong ngành y nên chị rất hiểu những quy định chặt chẽ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Cũng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ nhưng để vào Hà Nội thuận lợi, chị vẫn xét nghiệm COVID-19 cẩn thận ở bệnh viện đa khoa huyện, rồi mang giấy xét nghiệm bên mình, tự lái xe nhà đưa con lên Hà Nội để khám bệnh.

Chốt kiểm soát dịch cầu Vĩnh Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

“Sau khi khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, giấy tờ tùy thân, mẹ con tôi đã qua chốt kiểm dịch an toàn. Tuy mất thời gian một chút nhưng việc triển khai các chốt trực tại các đầu ngõ ra, vào Thủ đô là rất cần thiết vì hiện nay dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, kiểm tra sẽ giúp sàng lọc các đối tượng nghi nhiễm để thực hiện cách ly, bảo đảm an toàn cho mọi người dân Thủ đô đảm bảo phòng dịch tốt, người dân chúng tôi rất ủng hộ quy định này”, chị Liên cho biết.

Ngày nào cũng đi làm từ Ocean Park sang trung tâm Hà Nội, anh Minh Phong cũng qua chốt kiểm dịch chân cầu Thanh Trì. Vì mang biển kiểm soát Hải Phòng nên anh được yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Nhưng, sau khi xuất trình giấy tờ đầy đủ, trình bày địa chỉ, công việc công ty ở có trụ sở tại gần Thiên đường Bảo Sơn, anh vẫn được đi lại bình thường.

“Việc dừng xe, kiểm tra, phòng dịch chúng tôi cũng không gặp khó khăn gì. Tôi xe biển ngoại tỉnh nhưng nhà ngay Ocean Park, lại làm ở trung tâm nên không phải từ vùng dịch trở về. Sợ nhất là những xe biển Hà Nội nhưng lại ở quê, hay tỉnh có dịch mà đi ra đi vào Hà Nội không kiểm soát chặt thì cũng rất sợ”, anh Phong cho hay.

Còn anh Trần Anh Tuấn, nhà ở Ecopark nhưng lại làm việc ở ngay hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng băn khoăn khi nhiều người ở quê, ở tỉnh khác vẫn đi biển số xe Hà Nội vào ngoại thành mà không bị kiểm tra. “Tôi đi xe biển Hà Nội từ bên Ecopark sang không bị kiểm tra tại chốt phòng dịch. Sợ nhất nhiều người cũng đi biển Hà Nội từ tỉnh có dịch đến thì sao?”, anh Tuấn băn khoăn. Bản thân anh cũng đã 2 lần tiêm vaccine phòng dịch nhưng luôn ủng hộ thành phố kiểm soát tốt, phòng chống dịch khoa học, nghiêm túc như thành lập chốt, khai báo y tế, liên tục tuyên truyền lan tỏa thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Dừng phương tiện kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế ở cầu Vĩnh Thịnh.

Ông Nguyễn Văn Kiên (Vĩnh Phúc) vốn là một luật sư, vì đặc thù công việc hay phải đi chuyển giữa nhiều tỉnh nên ông phải thường xuyên đến Trung tâm Y tế huyện để test COVID-19 và lấy giấy xác nhận đi đường để đề phòng công việc đi bất cứ lúc nào. Việc xét nghiệm không có gì khó khăn, chỉ cần đến trung tâm y tế và yêu cầu test nhanh thì sẽ có đội ngũ cán bộ hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, vì mỗi lần xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 3 ngày nên phải tốn nhiều thời gian đi làm xét nghiệm. Thế nhưng, ông luôn ủng hộ và chấp hành nghiêm túc các quy định tại chốt kiểm dịch.

Phát huy hiệu quả các chốt kiểm soát dịch

Có mặt tại chốt đầu cầu Vĩnh Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có nhiều phương tiện vận tải và xe cá nhân lưu thông từ Hà Nội sang hướng Vĩnh Phúc và ngược lại. Các lực lượng chức năng đã có mặt tại đây từ sáng sớm để chuẩn bị công tác kiểm soát, phòng chống dịch. Theo quy định, mỗi chốt kiểm dịch sẽ gồm lực lượng công an, quân đội, thanh tra giao thông, y tế, dân phòng của các quận, huyện, thị xã, trong đó công an làm nòng cốt. Lực lượng công an sẽ chia làm 4 ca trực và chịu trách nhiệm dựng lều, bạt và các phương tiện phục vụ như bàn ghế, nước uống tại các chốt trực.

Khai báo y tế ở chốt kiểm soát dịch Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Các chốt trực sẽ đề nghị người dân về Hà Nội kê khai y tế, đo thân nhiệt; các trường hợp nghi vấn, biển số tỉnh vùng dịch đề nghị quay lại hoặc phải có xét nghiệm âm tính. Các trường hợp người và xe biển số tỉnh có vùng dịch phải quay lại hoặc phải có giấy xét nghiệm âm tính giá trị trong 3 ngày hoặc những trường hợp nghi vấn sẽ được test nhanh COVID-19 tại chỗ.

Ông Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây cho biết, đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố, thị xã đã chỉ đạo các lực lượng tại địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát. “Sau khi kiểm tra tại chốt kiểm dịch đầu cầu Vĩnh Thịnh, chúng tôi cũng ghi nhận tinh thần thực hiện nghiêm túc của các lực lượng gồm cảnh sát giao thông, trật tự giao thông, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Sơn Tây, y tế, tư pháp... Đồng thời, đề nghị tổ công tác có báo cáo nếu thiếu vật tư, dụng cụ phục vụ phòng dịch”, ông Khánh cho biết.

Thời tiết Hà Nội mấy hôm nay nắng nóng khắc nghiệt. Chốt kiểm dịch dựng lên đơn sơ ngay bên quốc lộ nên những giờ nắng nóng cao điểm, ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Công việc vất vả, lực lượng trực chốt lại mỏng, chỉ khoảng 10 người cho mỗi ca trực nhưng ai cũng nhiệt tình hướng dẫn chi tiết cho người dân qua lại.

Ông Nguyễn Tài Điền, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông thị xã Sơn Tây cho hay: “Chốt kiểm dịch cầu Vĩnh Thịnh này bảo đảm cấm toàn bộ hoạt động của các phương tiện xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi theo yêu cầu của Chính phủ và Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa và xe cá nhân, lực lượng chức năng chỉ tiến hành kiểm tra thân nhiệt, việc đeo khẩu trang đối với lái xe và người ngồi trên xe. Ai không có các triệu chứng ho, sốt... vẫn được di chuyển bình thường”. Việc thành lập các chốt kiểm dịch không phải là để phong tỏa thành phố mà chủ yếu tập trung vào vấn để phòng, chống dịch và tuyên truyền cho người dân từ các tỉnh về Hà Nội thực hiện nghiêm túc công chỉ đạo phòng, chống dịch.

Tổ kiểm soát dịch tại chân cầu Thanh Trì tiến hành Kiểm tra thân nhiệt.

Tại chốt kiểm soát dịch ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, chị  Nguyễn Vân Anh, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cùng các đồng nghiệp cũng đã có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị. Hằng ngày, công việc của các chị là sắp xếp các thiết bị y tế, mặc quần áo bảo hộ từ sáng sớm, kiểm tra thân nhiệt những người trên xe, khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm sẽ tiến hành test nhanh ngay lập tức.

Lực lượng y tế đa phần là nữ giới nên công việc sẽ vất vả, nặng nhọc hơn, nhất là ca tối. Theo lịch, mỗi ngày làm việc của các chị sẽ chia thành 4 ca, mỗi ca kéo dài 6 tiếng. Đây là lần thứ hai lực lượng Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì tham gia chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào Thủ đô. Xác định đây là một trong những chốt kiểm soát quan trọng nhất nên với tinh thần chống dịch như chống giặc, các chị em đều gác lại mọi công việc gia đình, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn Hà Nội đang làm rất tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch. Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội: Các chốt kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh vào thành phố, không phải “ngăn sông, cấm chợ”, mà để đảm bảo người dân các tỉnh về Hà Nội hoạt động kinh doanh thì mọi người chuẩn bị các điều kiện, thủ tục kiểm tra test nhanh COVID-19 một cách nhanh nhất. Để vào Hà Nội được thuận lợi và nhanh chóng, tốt nhất người dân nên làm xét nghiệm có kết quả âm tính bằng phương pháp PCR trong thời hạn 3 ngày, khai báo y tế trước qua mạng, đeo khẩu trang, đảm bảo giữ khoảng cách trên xe, chuẩn bị giấy tờ như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe... để đối chiếu và khai báo tạm trú khi vào Hà Nội...

Song Ngọc
.
.