Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố - Nơi san sẻ yêu thương

Thứ Tư, 08/07/2015, 13:15
Những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, ở Đà Nẵng tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống nơi nhà ga, bến phà, chợ cá, công viên, rạp chiếu bóng… trở thành một vấn nạn của xã hội. Trước thực trạng này, một vài người có tấm lòng với trẻ em đã cùng nhau lập nên Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Quảng Nam - Đà Nẵng…

Sự tích một ngôi nhà

Những người đầu tiên có sáng kiến thành lập nên Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Quảng Nam - Đà Nẵng phải kể đến ông Hiền Lương, ông Nguyễn Rân và ông Hoàng Xuân Thanh, các ông đã chạy đôn đáo để được chính quyền địa phương cho phép dùng địa chỉ số 312 Phan Châu Trinh làm trụ sở của Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố. Khi số lượng trẻ lang thang, bụi đời được đưa về ngày càng nhiều, lúc ấy trung tâm bắt đầu hình thành nên Gia đình số 1.

Những người sáng lập nên trung tâm đã bằng nhiều cách, vận dụng đủ các mối quan hệ xã hội và bằng hữu của mình để gửi thư kêu gọi tài trợ kinh phí giúp trẻ em lang thang, bụi đời ở Quảng Nam - Đà Nẵng đến bà Fransoi's Danielle Mitterrand (phu nhân Tổng thống Pháp lúc bấy giờ). Và trong một chuyến thăm Việt Nam cùng chồng, bà Mitterrand đã đến thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố và cũng từ đó tổ chức France Liberte's do bà phu nhân Tổng thống Pháp làm chủ tịch đã chính thức nhận tài trợ cho Gia đình số 1 của trung tâm.

Nhận được sự tài trợ của Tổ chức France Liberte's cuộc sống của những đứa trẻ ở trung tâm được cải thiện rất nhiều. Từ đó, những người sáng lập cũng như các nhân viên xã hội khác đã tích cực tìm kiếm những cảnh đời trôi dạt trên khắp địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Đêm ngày họ tỏa đi khắp nơi từ bãi rác Khánh Sơn cho đến chợ cá Thuận Phước và sau này là cảng cá Thọ Quang,  bến phà sông Hàn… rồi cả  vùng quê xa lắc, nơi có những cảnh đời khốn khó, nơi có những gia đình nghèo đến xác xơ… để đón những đứa trẻ thiếu may mắn trong những căn nhà ấy về nuôi dưỡng ở trung tâm.

Ông Hoàng Xuân Thanh - cựu Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng kể với tôi rằng: Trong hành trình tìm kiếm nguồn tài trợ để xây dựng nhà cửa, nuôi dạy trẻ em của trung tâm cũng có rất nhiều chuyện buồn vui. Ví như chuyện ra đời của Gia đình số 4 thuộc Trung tâm bây giờ. Tình cờ lắm, các anh trong Ban điều hành trung tâm mới gặp được bác sĩ Trần Tiễn Chánh, một Việt kiều ở Pháp. Bác sĩ Chánh là người sống xa quê hương hơn 40 năm, ông thành danh ở Pháp.

Năm 1994, lần đầu tiên bác sĩ Chánh  về Việt Nam và sau này ông thú thật rằng: Tâm trạng của ông trước chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên ấy không mấy thoải mái gì, bởi lẽ ông bị ảnh hưởng bởi những chia sẻ của những Việt kiều khác rằng lúc bấy giờ ở Việt Nam thường bán hàng cho Việt kiều với giá… cắt cổ hay là chuyện ăn cắp vặt vẫn thường xảy ra…

Bác sĩ Chánh lần đầu về quê là với tâm trạng như thế. Nhưng trong một lần đi qua phà bến Bính ở Hải Phòng, khi  qua sông là lúc trời rất nóng, vì vậy ông mới gọi cô bé bán quạt giấy đến mua một chiếc, hỏi giá bao nhiêu? Cô bé trả lời là 500 đồng. Bác sĩ Chánh rút  10.000 đồng đưa cho cô bé. Cô bé cười và nói với bác sĩ Chánh rằng tất cả chỗ quạt trên tay cháu cũng chẳng đến 10.000 đồng, bác đưa ngần ấy tiền thì lấy đâu cháu trả lại cho bác.

Khi bác sĩ Chánh bảo với cô bé rằng "bác cho cháu luôn" thì cô bé lại cười rồi bảo "cháu bán quạt giấy chứ cháu không đi xin". Nghe cô bé trả lời như thế, bác sĩ Chánh dường như bị "sốc" và ông suy nghĩ thật nhiều…

Khi phà sang bến, ông tìm đến một quán cơm vỉa hè để lót dạ, sau khi ăn xong ông cũng lại rút trong ví ra tờ 10.000 đồng để trả cho cụ già bán cơm. Cụ già bảo với ông rằng: Phần cơm ông ăn hết 6.000 đồng, lúc nãy ông mua cái quạt của con bé hết 500 đồng là 6.500 đồng, con bé bán quạt đã trả tiền cơm cho ông và còn dư của ông đến 3.500 đồng đây! Bác sĩ Chánh bàng hoàng trước cách xử trí của cô bé bán quạt, nhưng ông phải về Nam nên không có dịp tìm gặp cô bé thêm một lần nào nữa. Chuyến đi đó, ông chỉ kịp hỏi bà cụ bán cơm tên của cô bé bán quạt và bà cụ cũng chỉ biết cô bé có tên là Xuân.

Sau chuyến đi đó, bác sĩ Chánh đã lập ra hội từ thiện giúp trẻ em đường phố mang tên: Xuân, Les Enfants De L'avenir và tổ chức này đã tài trợ kinh phí để xây dựng nên Gia đình số 4 của Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Quảng Nam - Đà Nẵng, và tài trợ tiền nuôi dạy trẻ em ở trong Gia đình số 4 từ năm 1994 đến nay.

Thúy An (bên phải) bên cạnh "mẹ" Nhung ở Gia đình số 1.

Đón nhận những mảnh vỡ cuộc đời

Một ngày mải miết cùng những người điều hành tại trung tâm, ông Hoàng Xuân Thanh chỉ cho tôi chàng thanh niên Phạm Văn Hùng rồi nói: “Anh thấy thằng cu này có đẹp trai, ngon lành không?”. Tôi gật. Ông Thanh nói tiếp: “Vậy mà anh không thể nào hình dung được lúc Hùng đến với trung tâm này là như thế nào đâu”.

Ngày ấy, Phạm Văn Hùng có biệt danh Hùng "què". Hùng được xem như một số phận đặc biệt mà người dân Hà Tĩnh quê Hùng cho rằng Hùng được sinh ra từ một quái thai. Lang thang tấm thân tật nguyền vào Đà Nẵng để đi xin ăn, kiếm sống qua ngày. Rồi một ngày mùa đông rét mướt, Hùng không thể đi xin ăn được, cơn đói cồn cào gan ruột.

Bế tắc, Hùng lê tấm thân tật nguyền ra cầu Nguyễn Văn Trỗi, rồi khó nhọc lết lên thành cầu để gieo mình xuống sông Hàn tự tử. May thay, lúc ấy mấy em lớn ở trung tâm nhìn thấy, nên vội nhảy xuống sông vớt Hùng lên rồi mang về Trung tâm chăm sóc. Từ đó đến nay, các "bố", các "mẹ" ở trung tâm cố tìm tài trợ và Hùng đã trải qua 9 cuộc phẫu thuật chỉnh hình. Nhờ sự giúp đỡ của những tấm lòng từ tâm, sự  tiến bộ của y học. Hùng mới có một đời sống và thân thể như bây giờ…

Một trường hợp khác là mấy chị em của Nguyễn Thị Bích Quy. Quy quê ở Thanh Hóa, gia đình nghèo nên phải đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đắk Lắk, gia đình gồm có cha, mẹ và 4 chị em tên là Nhung, Sâm, Quy, Thục. Sau mấy năm đi lập nghiệp gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì, vì vậy cha của Quy đành phải đưa cả gia đình về Đà Nẵng... ăn xin.

Rồi một ngày mùa đông, mẹ của chị em Quy không chống chọi nổi với đói và rét nên đã trút hơi thở cuối cùng bên vỉa hè đường Bạch Đằng - Đà Nẵng. Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố đã đến để lo lắng việc chôn cất cho mẹ của chị em Quy. Sau khi mẹ mất, Sâm được trung tâm đón về chăm sóc, Nhung vừa tròn 16 tuổi thì lấy chồng. Cha đưa Quy và Thục ra Đông Hà (Quảng Trị) xin ăn.

Thế rồi sự nghiệt ngã của cuộc đời vẫn không buông tha cho gia cảnh của Quy, khi đang trên đường xin ăn cha của Quy bị một người say rượu đi xe máy tông chết. Trung tâm lại thêm một lần nữa cử cán bộ ra Quảng Trị lo chôn cất cha của Quy. Từ đó, Quy và Thục được đưa về sống trong Gia đình số 1 của Trung tâm cho đến bây giờ...

Tính đến nay, trung tâm đã đón về đây không biết bao nhiêu trẻ em nghèo, lang thang, bụi đời.

Bàn thờ ông bà Jaque Graziani ở gia đình số 1.

Lột xác từ trong đau khổ

Ông Hoàng Xuân Thanh nhẩm tính, hơn 20 năm trôi qua, từ khi chỉ có một trụ sở số 312 Phan Châu Trinh, đến nay trung tâm đã có 5 gia đình với số lượng các con là gần 150 đứa và 1 trường dạy nghề cho trẻ lang thang, bụi đời, nghèo khó. Thường xuyên có trên 60 em được giáo dục, dạy nghề… Bao nhiêu số phận con người đã đi qua đây, nhiều trẻ lang thang ngày xưa bây giờ đã lập gia đình, cuộc sống riêng ổn định, nhiều đứa cháu "nội', cháu "ngoại" của trung tâm đã được chào đời trong vòng tay yêu thương của bố mẹ chúng. Nhiều đứa trẻ ngày trước cứ ngỡ rằng cuộc đời đã khép cửa với chúng nhưng nhờ có những gia đình này, nhờ có sự tài trợ về vật chất của nhiều tổ chức xã hội mà chúng đã lột xác, đã trưởng thành nhiều hơn.

Đứa trẻ đầu tiên đến với trung tâm là Nguyễn Văn Hùng, nay đã là chủ của một tiệm cắt tóc khá đông khách ở quận Sơn Trà; Nguyễn Thanh Tâm (SN 1978), nay là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đóng quân ở Tam Kỳ; Nguyễn Minh Tuấn (SN 1981), nay là kỹ sư thực hành ngành điện tử làm việc cho một liên doanh với Hàn Quốc ở Hà Nội. Nguyễn Đình Tâm (SN 1977), nay là chủ một cơ sở cơ khí lớn ở quận Ngũ Hành Sơn, không những nuôi các em ruột của mình ăn học, Tâm còn liên hệ mật thiết với Trung tâm để đưa về cơ sở của mình hàng chục em cùng cảnh ngộ với mình ngày trước để học nghề, mỗi tháng ngoài ăn uống ra, Tâm còn trả lương cho các em theo trình độ tay nghề…

Trần Thị Lệ Phương, hiện là chủ của hai hiệu sách và kinh doanh văn hóa phẩm khá lớn ở Cẩm Lệ; Trần Thị Lệ Thu, nay là nhân viên của Khách sạn Saigon Tourane. Nhiều em khác từng sinh sống ở Trung tâm như Thúy An, nay đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ; Thục Quy đã học xong Cao đẳng Y tế Đà Nẵng; Quỳnh Anh tốt nghiệp Khoa Kế toán của Trường cao đẳng Phương Đông… Các em đều có công ăn, việc làm và đều làm được những điều hữu ích cho cộng đồng và xã hội…

Những tấm lòng vì trẻ

Phải nói rằng, để có được những thành quả như ngày hôm nay, để có được một khuôn mặt của đô thị lớn vắng bóng trẻ bụi đời như hiện tại là một kỳ tích của những người sáng lập nên Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Quảng Nam-Đà Nẵng ngày ấy và Đà Nẵng bây giờ. Là kết quả của những ngày tháng làm việc không biết mệt mỏi của những người làm công tác xã hội không lương. Họ đã làm việc bằng chính trái tim và tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ lang thang, bụi đời.

Những cái tên như Hiền Lương, Nguyễn Rân, Hoàng Xuân Thanh… đã và sẽ mãi mãi không mờ phai trong tâm khảm của những đứa con được trung tâm dưỡng nuôi, giáo dục… chúng ta không thể không cảm động khi biết được những người như nhạc sĩ Hoàng Minh Nhân đã bỏ bao thời gian công sức để chăm chút cho những đứa con mình không phải do mình sinh ra ở Gia đình số 5 của trung tâm.

Cô Nguyễn Thị Nhung - giáo viên của Trường tiểu học Ông Ích Khiêm, lúc đầu chỉ tình nguyện đến trung tâm dạy văn hóa cho các em một tuần 3 buổi, nhưng khi cô nhận ra rằng những đứa trẻ đường phố này rất cần đến mình thì cô đã xin nghỉ hẳn công việc ở trường để đến ở, chăm sóc và dạy chữ cho các em từ đó cho đến hôm nay.

Cô Nhung kể: Từ năm 1991 đến bây giờ, riêng cô ở Gia đình số 1 đã chăm bẵm và chắp cánh cho hơn 120 trẻ em đường phố. Nhiều đứa con mặc dù cô không mang nặng đẻ đau nhưng giờ này dù ở chân trời góc bể nào cũng nhớ về mẹ Nhung của chúng. Ngày tết, các con đi làm ăn xa xứ lại trở về để thay "mẹ" lo tết cho các "em". Cô Nhung vui lắm, cô bảo: Mình không có gia đình riêng, nên cả tuổi thanh xuân cho đến bây giờ luôn gắn bó với các con ở trung tâm. Cảm giác một người chưa lập gia đình mà có đến cả trăm đứa con như thế này khó tả lắm…

Cô Nhung luôn dạy các con của mình rằng: các con được sống, được vui chơi, được học hành là nhờ một phần giúp đỡ vô cùng to lớn của các tổ chức từ thiện xã hội. Nhìn lên chiếc bàn thờ mà cô Nhung và các con ở Gia đình số 1 đã lập nên để hàng ngày hương khói cho vợ chồng ông Jaque Graziani và vợ là bà Rene'e Graziani là người đã sáng lập ra Hội Rencontre Corse - Việt Nam để tài trợ kinh phí cho Gia đình số 1 duy trì cuộc sống từ sau khi phu nhân Tổng thống Pháp Fransoi's Mitterrand thôi tài trợ cũng thấy được sự tri ân như thế nào…

Mặc dù rằng, Trung tâm bảo trợ này ra đời và hoạt động, không nhận tài chính của bất cứ nguồn ngân sách nào, nhưng sự quan tâm của chính quyền địa phương với Trung tâm cũng là một vấn đề hết sức to lớn.

Ông Hoàng Xuân Thanh nói với tôi rằng: Các con đã trưởng thành trong trung tâm này sẽ không thể quên được tấm lòng và sự quan tâm đến tương lai của chúng từ ông Nguyễn Bá Thanh, một cựu lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng vừa mới qua đời vì bạo bệnh. Đó là việc ông Thanh đã đồng ý và chỉ đạo cho các đơn vị hữu trách tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho những đứa trẻ lang thang, bụi đời không xác định được quê hương, bản quán của mình được lấy địa chỉ số 312 làm hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân. Vấn đề chỉ có vậy, nhưng hết sức quan trọng với cuộc sống của một con người…

Chia tay ông Hoàng Xuân Thanh, chia tay những đứa trẻ đang sinh sống rất bình yên trong từng gia đình của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố… Tôi thầm mong ngày càng có thêm nhiều tổ chức từ thiện xã hội đến với Trung tâm; mong rồi đây sẽ có thêm những con người tiếp bước ông Rân, ông Thanh, cô Nhung…để chắp cánh cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này tung bay trên cuộc đời dài rộng…

Phan Bùi Quốc Anh
.
.