Trung thu của những bệnh nhi ung thư: Sống là nuôi dưỡng hi vọng

Thứ Hai, 24/09/2018, 16:12
Rằm Trung thu đến gần, hàng triệu trẻ em trên cả nước đang ngóng chờ được vui chơi trông trăng phá cỗ. Còn ở tầng 3 Bệnh viện K 3 Tân Triều (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) nhiều em bé đang ngày đêm kiên cường chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Cùng các nhà hảo tâm, chúng tôi đã đến thăm và tặng quà Trung thu cho các em với mong muốn chia sẻ và động viên các em thêm sức mạnh trong cuộc chiến giành giật sự sống mỗi ngày.

Những mảnh đời bất hạnh

Những phòng bệnh dành cho trẻ nhi chật kín, đa phần giường nào cũng có 2 cháu, nhiều thời điểm lên đến 3 cháu một giường. Có những đứa trẻ da xanh rớt, tay lằng nhằng dây truyền khóc nhèo nhẹo trên tay mẹ. Những đứa bé khác vẫn đủ sức để nô đùa, đôi mắt trẻ thơ trong veo và thi thoảng chúng nở nụ cười nhưng ở đây hầu như bé nào đầu cũng trọc lốc do những đợt truyền hóa chất, xạ trị.

Bé trai sắp được 3 tuổi, tên là Phùng Văn Hưởng, nhà ở xóm 4, xã Kim Đồng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được mẹ bế trên tay. 3 tuổi nhưng Hưởng chỉ nặng 10 kg, bác sĩ nói riêng khối u thận đã nặng 2kg. Khi được hỏi chuyện về con, chị Trần Thị Thê - mẹ của bé nghẹn ngào  kể:

Vợ chồng chị Thê lấy nhau đẻ được 2 bé trai, đến khi em bé đầu 5 tuổi, bé thứ hai 3 tuổi, vợ chồng gửi 2 con cho bà nội rồi dắt nhau vào Nam đi làm thuê, 2-3 tháng, khi dành dụm được ít tiền lại gửi về quê cho bà chăm cháu. Một lần, đang đi làm, chị nhận được điện thoại ở nhà báo bé trai thứ hai 5 tuổi ngã xuống ao chết đuối. Hai vợ chồng khóc ngất, lật bật mua vé xe đò từ Nam về quê để kịp.

Một năm sau ngày con mất, chị Thê mang thai đứa con thứ ba, hai anh chị hồi hộp đợi đứa trẻ chào đời. Vợ chồng chị hi vọng ông trời lấy đi của họ đứa con này sẽ bù cho đứa con khác. Nhưng thật nghiệt ngã, đến ngày hạ sinh thì em bé đã mất ngay trong lúc sinh nở vì ngộp nước ối. Chỉ trong 2 năm, 2 đứa con lần lượt qua đời. Đến lần sinh thứ tư là một bé gái, hai vợ chồng chăm sóc đến khi con lên 6 tuổi mới lại dắt nhau vào Nam làm thuê làm mướn.

Bé Nguyễn Văn Long (13 tuổi) bị cưa chân và Triệu Thị Phương Anh (18 tuổi).

Sau đó, chị Thê có mang Hưởng, bầu đến tháng thứ năm thì đột nhiên chồng chị sức khỏe suy giảm. Đi khám, bác sĩ kết luận chồng chị bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Hai vợ chồng về căn nhà trọ ôm nhau khóc. Chồng chị dặn: “Mình sống cố vui để con sinh ra còn khỏe mạnh. Tôi đau yếu thế này, không biết sống được ngày nào hay ngày nấy”.

Chị sinh cu Hưởng vào tháng 11 năm 2015, bé chào đời được 3,2kg, kháu khỉnh khỏe mạnh. Chồng chị lúc đấy phải nhập viện ung bướu ở Sài Gòn. Hưởng được 1 tháng tuổi, chị bế đến bệnh viện cho chồng xem mặt con. Ngày 28 tết năm 2016, bệnh viện gọi chị lên nói bệnh tình của anh nặng, tiên lượng xấu nên đưa về nhà. Cả nhà lại đi xe đò từ Sài Gòn về quê đến 30 tết về tới nhà, được 12 ngày sau thì anh mất. Lúc đấy bé Hưởng chưa đầy 3 tháng tuổi.

Nỗi buồn mất chồng chưa kịp vợi đi thì 2 năm sau, thấy con đang bụ bẫm bỗng nhiên lười ăn, sốt cao cả tháng trời. Một lần đưa con đi giải, chị sờ vào bụng con thấy hạch to bằng quả ổi. Đưa con đi xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé bị u thận. Hiện nay khối u của cháu bé nặng 2kg và đang đợi bác sĩ có phác đồ điều trị cho phù hợp. Bé Hưởng đã mổ một lần nhưng khối u quá lớn chưa phẫu thuật lấy ra được.

Khối u ngày càng phát triển to hơn khiến cho bé rất đau và khó chịu. Tuy nhiên, bé bắt chước anh Trung bị ung thư vòm họng cùng giường, đau nhưng không khóc. Anh Trung bảo với Hưởng: “Khóc là mẹ sẽ lo lắng rồi ốm đấy”...

Có người mẹ trẻ đang cho con bú. Chị là Lường Thị Nhung, năm nay 22 tuổi, mẹ của bé Vi Văn Nhật Tường, 2 tuổi, nhà ở thôn Đồng Yên, xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Chị kể, khi Nhật Tường 10 tháng tuổi thì đột nhiên bị ngạt mũi, khó thở, khi ngủ ngáy to. Sau 3 tháng, bệnh không thuyên giảm, tuyến bệnh viện huyện chuyển lên tuyến Trung ương để khám.

Sau lần xét nghiệm thứ hai, 10 ngày sau có kết luận bé bị u vòm họng cần mổ gấp. Là hộ nghèo của xã, chồng chị phải bán cả nhẫn cưới để có chút tiền chữa trị cho con.

Cậu bé khuôn mặt sáng và nụ cười tươi rói rạng rỡ, tên là Nguyễn Văn Long, 13 tuổi, quê ở xóm Tân Thành, xã Tân An, huyện Tân Kì, tỉnh Nghệ An, vừa phải đoạn chi đến tận đùi hôm 12 tháng 9 vừa qua từ Bệnh viện Việt Đức chuyển lên.

Triệu Thị Phương Anh (18 tuổi) bị ung thư xương và mẹ.

Bố của Long kể, nhà có hai anh em, Long và một em trai 4 tuổi. Bố ở bệnh viện chăm Long, mẹ ở nhà chăm em và còn phải đi làm. Bố mẹ đều là công nhân, cuộc sống cả nhà đang yên ổn bỗng dưng sóng gió ập đến. Năm Long lên lớp 8, đột nhiên cậu bé cứ tối đến lại đau chân, càng đêm càng đau dữ dội, người nóng sốt.

Mồng 5 tháng 9 là ngày khai giảng vào năm học mới, bố Long được bác sĩ gọi lên thông báo, Long bị ung thư xương, cần phải cắt bỏ chân sớm không thì sẽ bị di căn. Bác sĩ cũng nói tỉ lệ thành công 70% còn thất bại sẽ rơi vào 30%. Nghĩ con trai mấy tháng trước vẫn nô đùa, chạy nhảy đá bóng, vậy mà giờ phải cắt chân bên phải lên đến đùi, hai bố con ôm nhau khóc. Nhưng cần phải quyết định gấp nên chỉ trong một tuần vợ chồng anh quyết định mổ để cứu con.

Đến nay ca mổ mới được 14 ngày, theo bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị từ giờ cho đến tết trong vòng 4 tháng xem bệnh tình tiến triển như thế nào. Cha của Long bảo: “Gia đình đang rất hi vọng con sẽ khỏi bệnh”. Tuy nói vậy nhưng anh vẫn rớm nước mắt vì thương con. Anh bảo: “Con hay vào internet để tìm hiểu về bệnh tình của mình, đôi lúc con lại lên mạng đọc về cái chết. Lắm lúc con hỏi: “Bố ơi, cắt chân đi rồi liệu con có sống được không!...”.

Người bố xoa đầu con bảo: “Đương nhiên là con phải sống chứ. Sống để còn về chơi với mẹ và em ở nhà”. Long yêu mẹ và em trai 4 tuổi ở nhà lắm. Lên đây chữa bệnh cậu rất nhớ mẹ và em. Cậu cũng mong sao cho sớm khỏi bệnh để về nhà nên mỗi lần truyền xong một chai thuốc, Long hi vọng sức khỏe sẽ tăng thêm một chút.

Đoàn viên, thanh niên Báo CAND tặng quà Trung thu cho trẻ em tại Khoa Nhi Bệnh viện K cơ sở II Hà Nội.

Sống là nuôi dưỡng niềm hi vọng

Cạnh giường của Long là Triệu Thị Phương Anh, 17 tuổi. Phương Anh và Long rất thân thiết với nhau. Phương Anh quê ở thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nhà Phương Anh chỉ có hai mẹ con, cha bỏ đi lấy vợ khác khi cô bé được 1 tuổi, hai mẹ con nuôi nhau từ ngày đó đến giờ.

Thấy mẹ một mình lam lũ công việc đồng áng, năm lớp 12, Phương Anh bảo với mẹ năm nay tốt nghiệp cấp III sẽ thi vào Đại học Thái Nguyên rồi đi làm gia sư kiếm thêm tiền phụ giúp cho mẹ. Trong suốt quá trình ôn thi, Phương Anh bị đau nhức xương, sưng chân nhưng cô bé vẫn miệt mài học. Đến khi vừa mới thi xong thì Phương Anh không thể đi lại được nữa.

Mẹ đưa Phương Anh xuống Hà Nội đến Bệnh viện Việt Đức để kiểm tra xong, hai mẹ con lại lên ô tô khách về quê. Được chục ngày sau, bà đang ngoài đồng thì có điện thoại từ bệnh viện thông báo con gái đã bị ung thư xương. Bà Liên thất thần rồi òa khóc như mưa như gió giữa cánh đồng, thương con đỗ đại học mà chưa kịp nhập học, lại bị bệnh hiểm nghèo, nhưng bà nghĩ cần phải giấu bệnh tình, không muốn cho con biết, sợ con suy sụp.

Ngày 11 tháng 7, Bệnh viện Việt Đức chuyển Phương Anh sang Bệnh viện K, mẹ thì giấu bệnh nhưng chỉ cần chuyển bệnh viện và nhìn đôi mắt hoe đỏ của mẹ là Phương Anh đã biết mình mắc bệnh gì. Ngày hôm qua là một ngày đáng nhớ vì cô bé biết một đợt điều trị bằng hóa chất sẽ rụng hết tóc nên mái tóc ngang vai vừa bị bác thợ dùng tông-đơ ủi sạch nhẵn.

Các bạn sinh viên tình nguyện và các em bé Bệnh viện K 3 Tân Triều.

Đang tóc dài bay trong gió giờ lại là đầu trọc lốc nhưng cô gái vẫn có niềm tin và hi vọng, cô bảo: “Sống ở trên đời phải nuôi dưỡng niềm hi vọng, nếu chẳng may để mất nó thì coi như mất đi sự may mắn còn sót lại của mình”.

Cô gái cũng nói: “Con người ta sống được là không bao giờ được buông hi vọng, cho dù đó là hi vọng mong manh nhất”. Phương Anh gần như là chị cả trong căn phòng số 5 toàn các bé nhỏ tuổi hơn này. Người chị cả can đảm và bản lĩnh để các em noi theo trong cuộc chiến đấu với bệnh tật.

Trẻ thơ vốn là những tâm hồn thánh thiện nhất, các bé ngoài cơn đau bị bệnh tật hành hạ vẫn nở những nụ cười hạnh phúc khi được mọi người tặng quà Trung Thu. Các bé còn bảo với nhau: “Khỏe lên, khỏi đi để Trung Thu năm sau không phải vào đây nữa”. Có bé hồn nhiên nói: “Ở đây cũng vui chứ, có đông bạn chơi lại hay được hát”.

Thì ra, vào dịp cuối tuần, các bạn sinh viên tình nguyện vẫn đến đây dạy các bé hát và gấp những con thuyền giấy, những con chim giấy cho các bé.  Anh chị sinh viên bảo: “Con thuyền chở ước mơ và khát vọng về sự sống đang dần hồi sinh. Con chim như cánh én mùa xuân báo điềm tốt lành”.

Trần Mỹ Hiền
.
.