Truyền kỳ vũ điệu trống đồng âm dương

Chủ Nhật, 03/04/2011, 12:45

Người Lô Lô sống ở cực bắc Tổ quốc hiện nay là một trong rất ít tộc người ở Việt Nam còn diễn tấu trống đồng, với âm thanh của những chiếc trống cổ có niên đại hàng ngàn năm cùng những vũ điệu nguyên sơ huyền thoại. Đó là những báu vật, những khúc dân ca dân vũ nghi lễ mang đậm yếu tố linh thiêng, mà người Lô Lô chỉ trình diễn trong các dịp quan trọng của cư dân cộng đồng, không phải ai mong muốn cũng có được cơ hội một lần được chiêm ngưỡng.

Nguyên sơ đất, người và trống

Chúng tôi tìm đến Lô Lô Chải, bản nhỏ với hơn 100 nóc nhà (96 hộ dân, 492 nhân khẩu) của 5 dòng họ Vàng, Dìu, Sình, Lù, Mùng người Lô Lô Hoa quần tụ trong thung lũng Thèn Pả (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Bản Lô Lô nằm giáp con sông Nho Quế có 8 km tụ thủy, cùng 8 km đường biên trên bộ, giáp với Trung Quốc.

Theo khẳng định của Thiếu úy Lý Mý Dình, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Lũng Cú và cả công an viên Vàng Dỉ Tình, ở Lô Lô Chải lâu lâu cũng có mất trộm vài con gia súc nuôi thả trong rừng, nhưng thực chất rất bình yên, chưa phát hiện có dấu hiệu của tệ nạn ma túy, người dân rất tự nguyện, tích cực cùng chính quyền tham gia phong trào tự quản đường biên.

Ở vùng đất địa đầu của dải đất hình chữ S, người Lô Lô tự hào là cư dân chủ nhân sinh sống tới hơn ngàn năm nay (các sử liệu cho rằng họ đã định cư tại Đồng Văn từ thế kỷ X, trước khi Thái úy Lý Thường Kiệt cho dựng cột cờ Lũng Cú). Tôn trọng người có công khai khẩn, hiện nay ở vùng Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai là địa bàn cư trú lâu đời của người Lô Lô, những cư dân đến sau là người Tày, Mông vẫn còn tục lệ cúng ma Lô Lô.

Thung lũng rộng rãi và duy nhất của Đồng Văn có cái tên nhiều nguồn gốc: Lũng Cú. Theo lời cô hướng dẫn viên du lịch Đặng Thị Thanh thuộc Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn nói, trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, cái tên này có nguồn gốc từ hai chữ Long Cư (nghĩa là nơi rồng ở). Rồng vốn ở đất này, khi bay về trời thì thương dân đói khổ do thiếu đất, thiếu nước, nên để lại đôi mắt là hai chiếc hồ bán nguyệt hai bên cột cờ Lũng Cú hiện nay.

Sử sách lại ghi nhận một giả thiết khác, rằng sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung cho đặt tại nơi biên ải hiểm trở này một chiếc trống lớn tại vị trí trạm biên phòng Lũng Cú bây giờ, để nhanh chóng truyền tin về kinh thành khi có giặc xâm lấn. Từ đó người ta gọi vùng đất chót cùng nơi cực Bắc này là Long Cổ (tức là trống rồng, trống của vua), sau đọc chệch ra thành Lũng Cú.

Trong câu chuyện trao đổi với ông Lương Đình Nhất, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đồng Văn, chúng tôi lại có thêm giả thuyết về địa danh này, Lũng Cú là tên người thủ lĩnh Lô Lô ngàn năm trước có công khai khẩn vùng đất. Nhưng cái tên mộc mạc "thung lũng ngô" có lẽ là hợp ý nhất, vì nơi thung lũng Thèn Pả này vốn là một vựa ngô. Và nữa, nếu cứ chiết tự chữ "Lũng" thành "Long" cho gắn với rồng, với vương quyền, thì khắp miền núi phía Bắc này, với hàng trăm địa danh có chữ Lũng như Lũng Lô, Lũng Cò, Lũng Vài, Lũng Cao, Lũng Niêm... thì sao rồng và vua có mặt ở khắp nơi vậy?

Những cư dân đầu tiên của vùng đất còn truyền kể cho con cháu nghe nhiều huyền thoại khác. Rằng loài người sinh sôi nảy nở nhiều quá khiến cho loài rồng không còn chỗ ở. Rồng bèn làm phép dâng nước ngập đến trời để giết hết người. Nhưng có hai anh em nhà nọ được một vị thần báo mộng, đã chui vào đôi trống đồng nên thoát chết. Hai anh em sau này phải lấy nhau để sinh con đẻ cái cứu lấy loài người. Nhưng họ chỉ sinh ra một bọc thịt, nên người chồng đau khổ đã đem dao chặt cái bọc ra thành hàng trăm mảnh vứt đi.

Kỳ lạ thay, mỗi mảnh bọc đó lại biến thành người, rồi sinh sôi đông đúc thành loài người ngày nay. Nơi thịt vướng vào gốc đào thì có họ Đào, vướng vào gốc mía mang họ Thàng (tức là mía ngọt), gốc lê mang họ Lý (Lê)... và từ đây loài người đi khắp nơi. Và cũng từ đó, người Lô Lô cất giữ trống đồng ở nơi linh thiêng nhất, chỉ khi người thân mất đi thì mới mang trống ra, đánh lên vang vọng để tiễn đưa linh hồn người đó siêu thoát lên trời, về với tổ tiên.

Trống đồng cổ của người Lô Lô Chải.

Gìn giữ tiếng trống truyền kỳ

24 tuổi, chàng thanh niên Vàng Dỉ Toán đã là Đội trưởng Đội văn nghệ dân gian Lô Lô. Nhiều năm nay, đội văn nghệ học hỏi từ người già các ca khúc, vũ điệu phục vụ nghi lễ cộng đồng, nghi lễ vòng đời mang đậm bản sắc văn hóa Lô Lô để diễn tấu tại thôn bản mỗi khi có dịp.

Vàng Dỉ Toán cho biết: "Màn trình diễn độc đáo nhất của người Lô Lô chính là các vũ điệu trống đồng. Không rõ ngày xưa các cụ có bao nhiêu vũ điệu, nhưng chúng tôi được truyền dạy và hiện nay thường xuyên trình diễn 12 vũ điệu thôi. Gần đây, chúng tôi có tham gia các hoạt động văn hóa của Hà Giang, và những vũ điệu trống đồng của chúng tôi được hoan nghênh rất nhiều, nhưng chưa có dịp nào được về Hà Nội trình diễn". Cứ nhìn ánh mắt hấp háy và nghe giọng nói nhiệt huyết, đủ biết Vàng Dỉ Toán tự hào về vai trò của mình lắm.

Ở Lô Lô Chải luôn ăm ắp lời ca tiếng hát, trẻ lên 10 đã hát dân ca lảnh lót, đã uyển chuyển với các vũ điệu. Tiêu chuẩn tuyển chọn người tham gia đội ca múa rất gắt gao: Phải là người hát hay nhất, nhảy đẹp nhất. Và quan trọng hơn nữa, người đánh trống phải là những người đàn ông chưa vợ và nếu có vợ thì vợ phải không trong thời kỳ mang thai, những người tham gia trong các vũ điệu thì trai phải còn tân và gái trinh nguyên thì mới may mắn được tham gia vào các nghi lễ cầu cúng trời đất, tổ tiên.

Tiến sĩ Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa thông tin, là người từng được chứng kiến vũ điệu trống đồng trong một cơ duyên tình cờ gặp lễ cúng tổ tiên của người dân Lô Lô Chải. "Cúng tổ tiên là một nghi lễ quan trọng được người Lô Lô gìn giữ từ nhiều đời nay. Người Lô Lô luôn có một khu rừng cấm, được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ nguồn nước, và là nơi để linh hồn tổ tiên cư ngụ. Họ thường tiếp xúc với tổ tiên mình bằng cách chọn lựa rồi cho một đoàn người vào rừng cấm, mình quấn rêu cỏ ngà lu ngan quanh mình, đeo mặt nạ làm từ vỏ tre hoặc mo cau. Những người khoác trên mình trang phục đó được người Lô Lô mặc định chính là tổ tiên của mình.

Ngay từ sáng sớm, cả bản đã tụ tập trước cửa rừng, trang nghiêm thành kính chờ đợi tổ tiên. Từ trong rừng, đoàn người thiêng (tổ tiên) vừa múa vừa hát đi ra, rồi nhanh chóng hòa nhập vào dân bản cùng những vũ điệu hoành tráng, đẹp mắt theo tiết tấu trống đồng. Họ cùng ăn xôi, uống rượu, đánh trống đồng, múa hát, trò chuyện với nhau, xóa hết khoảng cách giữa người sống và người đã khuất. Không ai được cố tình tìm cách xem mặt người thiêng, và tổ tiên chỉ thực sự trở lại thành người thường khi buổi lễ tan, đoàn người đã trở về rừng cấm trút bỏ trang phục nghi lễ của mình" - Tiến sĩ Hoàng Sơn cho biết.

Trống đồng cổ mà người Lô Lô Chải sử dụng chính là loại trống đồng Đông Sơn có niên đại hàng ngàn năm trước. Không ai trả lời được từ bao giờ người Lô Lô có trống đồng và coi trống đồng là vật thiêng trong tâm thức, vì khắp các huyền thoại và sử liệu, chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ người Lô Lô có nghề đúc đồng.

Anh Vàng Dỉ Gai, Trưởng bản Lô Lô Chải cho biết: "Hiện nay ở bản chỉ còn hai chiếc trống đồng cổ, là một cặp trống đực cái, do hai gia đình anh Vàng Dỉ Chánh (46 tuổi) và anh Vàng Dỉ Khuôn (48 tuổi) cất giữ. Chúng chỉ được lấy ra dùng trong dịp lễ tết hoặc tang ma. Trống nhà anh Chánh là trống đực (dương), đường kính mặt khoảng 50 cm, đã mòn vẹt hết cả chân trống rồi, nhưng hoa văn còn rõ đẹp lắm. Trống nhà anh Khuôn là trống cái (âm), to hơn, đường kính mặt khoảng 70 cm. Trước đây ở Lô Lô Chải có cả chục đôi trống như vậy, đánh lên để cả bản ca múa, nhưng thất lạc hết rồi, chỉ còn một cặp duy nhất".

Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú.

Hầu hết thanh niên Lô Lô Chải đều biết hát và múa với trống đồng. Vàng Dỉ Dích là 1 trong 3 người hội đủ tiêu chuẩn cầm dùi gõ nhịp và diễn tấu được tất cả những tiết tấu trống còn lại của người Lô Lô.

Vàng Dỉ Dích bảo: "Khi đánh trống, hai chiếc trống đồng sẽ được treo cao lên, hướng mặt trống vào nhau. Tôi sẽ cầm chiếc dùi dài và to, là cây gỗ gọt thuôn hai đầu để đánh. Các vũ điệu sẽ được đội múa gồm từng cặp 3 nam 3 nữ, hoặc 4 nam 4 nữ... thể hiện, tùy theo quy mô của buổi lễ. Nhóm nữ gồm các chị Dìu Thị Xúi, Sình Thị Khuyên, Vàng Thị Xuyến... nhóm nam gồm Lù Dỉ Biến, Vàng Dỉ Tú, Vàng Dỉ Toán... Mỗi vũ điệu thường kéo dài 30 phút, được diễn tấu suốt ngày đêm, mỗi lần chuyển vũ điệu chỉ kịp nghỉ chừng dăm phút, đủ thời gian uống vội một đôi chén trà. Gần đây, tỉnh Hà Giang và huyện Đồng Văn có bổ sung thêm cho bản một số trống đồng mới, nhưng chúng tôi chỉ dùng trong các dịp lưu diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ thôi, còn các nghi lễ dân gian đều dùng trống cổ".

Người Lô Lô diễn tấu với một chiếc dùi to gõ vào hai mặt trống âm dương, theo tiết tấu và nhịp điệu riêng, khác hẳn tiếng trống "khua luống" của người Mường dịp lễ hội Đền Hùng, hay tiếng giàn trống đồng đại lễ của người Kinh... Điều đó càng tạo nên nét phong phú, đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc. Với đôi trống âm dương tiếng trầm tiếng bổng, các điệu dân ca dân vũ thăng hoa trong không gian linh thiêng, người Lô Lô Chải có những thời khắc giao hòa được cùng trời đất, tổ tiên, nghe được tiếng gọi trách nhiệm phồn thực của cộng đồng chỉ có hơn 3.000 cư dân trên đất Việt.

Cũng phải thôi, ngay như chiếc áo truyền thống với rất nhiều hoa văn đặc sắc cho người sống và bắt buộc cho người về với tổ tiên, không thể thiếu hoa văn hình tam giác, biểu tượng của phồn thực, sự duy trì giống nòi của dân tộc Lô Lô

Lê Quân
.
.