Từ cảng Tam Á nhìn về Hoàng Sa, Trường Sa: Tham vọng độc chiếm Biển Đông

Thứ Sáu, 25/03/2016, 23:03
Nằm ở cực nam của đảo Hải Nam, ngang với tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, thành phố Tam Á là nơi duy nhất ở Trung Quốc có khí hậu nhiệt đới nên thường được gọi là “Hawaii của Trung Quốc”. Với dân số gần 2 triệu người, nhiệt độ nơi đây ban ngày bình quân khoảng 20 độ C cho dù là mùa đông. Liên tiếp trong các năm 2003, 2004, 2005, ở Tam Á đã diễn ra các cuộc thi Hoa hậu thế giới.


Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm

Từ thành phố Quỳnh Hải đi Tam Á, Liu vẫn cho xe chạy theo tuyến cao tốc 223. Đường rộng, 4 làn xe và không hề có cái thuật ngữ lạ lùng: “Đường chờ lún”. Hơn nữa, nếu như ở Việt Nam, điểm tiếp giáp giữa mặt đường và mặt cầu hầu như bao giờ cũng có một cái “mô” khiến xe phải giảm tốc độ rồi tiếp theo, nhẹ thì nghe một cái huỵch - còn nặng thì lắm khi cả người lẫn xe nảy tưng lên, nhưng ở cao tốc 223, chiếc Subaru lên cầu mà Liu vẫn giữ tốc độ 110km/giờ, chẳng “nảy” chẳng “tưng” gì cả!

Nằm ở cực nam của đảo Hải Nam, ngang với tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, thành phố Tam Á là nơi duy nhất ở Trung Quốc có khí hậu nhiệt đới nên thường được gọi là “Hawaii của Trung Quốc”. Với dân số gần 2 triệu người, nhiệt độ nơi đây ban ngày bình quân khoảng 20 độ C cho dù là mùa đông. Liên tiếp trong các năm 2003, 2004, 2005, ở Tam Á đã diễn ra các cuộc thi Hoa hậu thế giới.

Ngoài các thắng cảnh biển xanh cát trắng, Tam Á còn có chùa Nam Sơn với bức tượng Nam sơn Hải thượng Quan Âm cao 108m, đặt trên một hòn đảo nhân tạo nối với đất liền bằng chiếc cầu dài 280m. Đây là nơi kết hợp giữa những kiến trúc văn hóa Phật giáo với các khu vui chơi giải trí, là chốn linh thiêng của tín đồ Phật giáo.

Câu chúc nổi tiếng của người Trung Quốc “Phúc như Đông hải, thọ tỉ Nam sơn” có nguồn gốc từ ngôi chùa này nên cũng dễ hiểu vì sao mỗi năm Tam Á đón trên 6 triệu khách du lịch.

Sau khi nhận phòng tại khách sạn Huayu nằm trên vịnh Á Long (Yalong), tôi cùng Liu thả bộ dọc theo bờ biển. Mặc dù trời đầy mây mù, gió thổi mạnh do đợt không khí lạnh từ đại lục tràn xuống nhưng vẫn có khá nhiều khách du lịch tắm biển hoặc lướt sóng bằng dù, hoặc ngồi la liệt trong những quán trà, quán cà phê, quán ăn. Liu nói phần lớn họ đến đây bằng đường hàng không vì Tam Á có sân bay quốc tế Phượng Hoàng (Fenghuang). Chỉ vào mùa hè, khi biển êm sóng lặng thì mới có nhiều người đến bằng tàu cao tốc.

9/10 tàu đánh cá đã lên đường nhưng cảng Tam Á vẫn còn cả trăm chiếc khác neo đậu.

Đi gần hết 3km đường ven biển, trước mắt tôi là một hàng rào kẽm gai cao khoảng 5m có treo tấm bảng viết bằng tiếng Trung lẫn tiếng Anh, cho biết đây là khu quân sự, cấm lại gần. Qua các lớp kẽm gai, tôi thấy 2 cầu tàu dài gần 1km. Cặp theo cầu tàu là 4 chiến hạm màu xám nằm im lìm.

Theo lời Liu, căn cứ này là một trong những nơi neo đậu của tàu sân bay Liêu Ninh. Xa hơn về phía bên kia, có thêm 4 cầu tàu, mỗi cầu dài chừng 200m, có lẽ dành riêng cho tàu ngầm vì một người dân đi thu nhặt vỏ chai nước khoáng, túi nylon gần đó cho biết thỉnh thoảng ông ta vẫn thấy mấy chiếc tàu ngầm nổi lên mặt nước.

Theo những thông tin trên báo chí - cả trong lẫn ngoài nước mà tôi từng đọc, có khoảng một tá đường hầm đã được đào dọc theo bờ biển, nơi có các cầu tàu quân sự. Điều đó chứng tỏ đây là một trong những nơi đồn trú nằm ngầm dưới đất lớn nhất thế giới, gồm các tàu ngầm lớp Jin, đóng tại xưởng đóng tàu Hồ Lô Ðảo ở tỉnh Liêu Ninh, trang bị tên lửa đối đất có tầm bắn 8.000 km - nghĩa là có thể bắn tới Mỹ!

Bên cạnh đó, đây còn là căn cứ của các tàu ngầm lớp Shang, cũng được đóng ở Hồ Lô Ðảo, chưa kể lực lượng không quân với những phi đội máy bay tiêm kích thế hệ mới J-11, máy bay ném bom chiến lược H6-K, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay tuần tra biển Y-8X, hệ thống tên lửa đất đối không SAM, tên lửa hành trình chống hạm ASCM, hệ thống radar và trinh sát đường không ASR.

Trên tờ tạp chí Diplomat số ra tháng 9-2015 nhận định: “Toàn đảo Hải Nam bây giờ đã trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ trong chiến lược Biển Ðông của Trung Quốc”.

Đang chăm chú nhìn ngó thì bất ngờ một người lính trong bộ quần áo rằn ri xuất hiện, vừa la lớn vừa vẫy tay xua chúng tôi đi. Liu gật đầu, xin lỗi rồi kéo tôi quay ngược trở lại: “Anh cũng biết là giữa Việt Nam, Trung Quốc đang tranh chấp về chủ quyền biển đảo nên tốt nhất là đừng để họ làm khó dễ”.

Bảo Liu ghé vào một quán trà vì mỏi chân quá, tôi thấy 4 người đều cùng mặc áo kaki màu lam nhạt, cầu vai đỏ, quần xanh rêu, trên bàn có để mấy chiếc mũ kêpi, Liu nói nhỏ: “Đó là Lực lượng Hải cảnh”.

Quán khá đông người nên Liu chủ động tiến đến bàn của nhóm Hải cảnh rồi xin phép được ngồi chung. Một người trong số họ hỏi Liu là dân ở đây hay từ đại lục qua? Liu trả lời rằng mình ở Quảng Châu, dẫn tôi - là người Malaysia - chỉ biết tiếng Anh chứ không nói được tiếng Hoa - đến Tam Á để tìm nguồn hàng cá thu sấy khô.

Mấy tay Hải cảnh nhìn tôi xí xa xí xô một tràng dài. Liu dịch: “Họ nói nếu anh cần thì họ sẽ giới thiệu cho vì một trong số họ có bà con chuyên chế biến loại này”. Tôi gật đầu, “thank you” lia lịa trong lúc Liu cắm cúi ghi chép số điện thoại người nhà của tay Hải cảnh.

Tàu du lịch “Ngôi sao vịnh Bắc bộ” xuất phát từ cảng Tam Á, đưa khách trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 13-3-2016.

Câu chuyện giữa Liu và nhóm Hải cảnh càng lúc càng sôi nổi, tay chân vung lên hạ xuống búa xua. Tôi ngồi như phỗng vì đâu biết ất giáp gì, lại càng không dám nhờ Liu dịch. Lúc về khách sạn, Liu kể: “Em hỏi công việc mấy anh chắc vất vả lắm, rồi em hỏi khi tuần tra trên biển, gặp tàu đánh cá “Duê Nản” thì các anh xử trí thế nào? Họ nói “đuổi về thôi”. Em nói xem tivi, đọc báo, thấy tàu mình với tàu “Duê Nản” húc nhau là sao? Mấy tay Hải cảnh đồng thanh trả lời: “Nó tấn công mình trước nên mình phải tự vệ”(?!).

Thật nực cười, câu nói nghe chẳng lọt lỗ nhĩ chút nào! Những chiếc tàu đánh cá của ngư dân Việt hầu hết bằng gỗ, công suất nhỏ, sao lại dám “tấn công” tàu hải cảnh vỏ thép to đùng, trang bị vũ khí đến tận răng. Một ngày trước khi tôi đến đảo Hải Nam, tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46101 đã áp sát tàu cá QNa-91.939 hành nghề lưới vây với 10 thuyền viên, do ông Võ Quang Thái ở thôn 1, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam làm chủ, lúc đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ông Thái kể: “Sau khi áp mạn, 11 người trên tàu Hải cảnh Trung Quốc nhảy qua. Trên tay họ cầm roi điện, dùi cui, nhìn rất hung dữ. Họ lùa anh em tụi tui đến trước mũi tàu rồi một người nói bằng tiếng Việt: “Chúng tôi là cảnh sát biển Trung Quốc. Yêu cầu tàu của các anh không được qua lại vùng biển này, vùng biển này là của Trung Quốc”.

Nói xong, nhóm Hải cảnh chụp hình, quay phim, lập biên bản bằng tiếng Trung, bắt ông Thái ký xác nhận là đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc và cam kết sẽ quay về ngay, nếu không sẽ bị đâm chìm. Thế đã xong đâu, trước khi bỏ đi, tàu Hải cảnh 46101 còn lấy hết nhiên liệu và lương thực của tàu QNa-91.939 cùng gần 1 tấn cá đánh bắt được.

Ông Thái kể tiếp: “Lưới và ngư cụ, máy định vị, máy ICOM, cái thì họ lấy, cái họ phá. Thậm chí 2 chiếc thúng chai - được coi như thuyền cứu sinh cũng bị họ đâm cho nát rồi ném xuống biển”. Lê lết suốt hai ngày, không phương tiện thông tin liên lạc để cầu cứu, đến sáng 8-3-2016, tàu QNa-91.939 mới về được cảng Kỳ Hà.

Chiến thuật “biển tàu”

Ngày thứ hai ở Tam Á, tôi cùng Liu ra cảng cá nằm trong vịnh Á Long (Yalong), đối diện với những cao ốc thiết kế theo hình con trai dựng đứng hé miệng, nhìn rất phản cảm! Liu cho biết ở Tam Á, ngoài Yalong thì còn có 3 cảng nữa là Haitang, Riyue và Shimei nhưng Yalong vẫn là cảng nhộn nhịp nhất. Hôm tôi đến thì cũng là lúc chiếc tàu du lịch mang tên “Ngôi sao vịnh Bắc bộ” với hơn 200 khách, nhổ neo đi Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam).

Trong cuộc họp báo, ông Tả Chính Hòa, người phụ trách Cục Bến cảng Tam Á cho biết sau khi tàu “Ngôi sao Vịnh Bắc bộ” thực hiện thành công chuyến đi này thì mỗi tháng, Công ty Du lịch eo biển Hải Nam sẽ tổ chức 4 hoặc 5 chuyến đi nữa.

Hỏi thăm về lịch trình chạy tàu tại văn phòng công ty, một hướng dẫn viên cho tôi biết: “Xuất phát từ cảng Tam Á, 12 tiếng sau sẽ đến Tây Sa. Du khách được ghé thăm đài quan sát Ngân Tự (Yinyu - tên quốc tế là Observation Bank), đảo Toàn Phú (Quanfu), đảo Áp Công (Yagong) - tất cả đều nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm - Crescent Group, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.- rồi về nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí ở đảo Vĩnh Hưng - tức đảo Phú Lâm của Việt Nam.

Với tham vọng bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông, thật ra không phải bây giờ Trung Quốc mới thực hiện những tour du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa mà ngay từ đầu tháng 4-2013, tàu du lịch “Công chúa xứ dừa - Coconut Princess” thuộc Công ty Du lịch eo biển Hải Nam đã đưa du khách ra Hoàng Sa trong một tour kéo dài 4 ngày, 3 đêm, đi qua hơn bốn chục đảo nhỏ, bãi đá. Tại những nơi này, hướng dẫn viên tuyên truyền bằng cách kể lại lịch sử, rằng Đô đốc Trịnh Hòa đã đặt chân lên từ năm ấy, năm kia - dĩ nhiên là bịa đặt - để chứng minh Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.

Những con tàu từng đi Hoàng Sa, Trường Sa nay đã mục nát.

Và mặc dù truyền thông Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến yếu tố du lịch, nhưng theo các nhà quan sát, hoạt động này mang đậm màu sắc chính trị bởi lẽ bên cạnh hàng nghìn tàu đánh cá, sự hiện diện của các tàu du lịch là cái cớ để Trung Quốc đưa các tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính đến những vùng đang tranh chấp nhằm khẳng định những yêu sách về chủ quyền.

Xưa kia, từ cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân đảng đến cuộc chiến tranh “kháng Mỹ viện Triều” ở Triều Tiên, quân đội Trung Quốc đã nổi tiếng với chiến thuật “biển người”, thì giờ đây, có vẻ như họ đang áp dụng chiến thuật “biển tàu” trong việc độc chiếm biển Đông.

Tại cảng cá Tam Á, một số ngư dân - thông qua phiên dịch Liu - cho tôi biết 9/10 tàu cá đã ra khơi nhưng trong cảng, tôi đếm thấy vẫn còn gần trăm chiếc neo đậu. Đó là những tàu hư hỏng máy móc, ngư cụ hoặc vỏ tàu bị “phá nước” nên phải nằm lại để sửa chữa.

Một ngư dân nói: “Nếu các anh đến chừng một tháng trước sẽ thấy ngày lễ xuất quân ra biển rất hoành tráng. Hàng nghìn con tàu từ Hải Khẩu, Bác Ngao, Quỳnh Hải, Vạn Ninh, Quảng Châu, Tam Á… đều tập trung ở đây, tàu nào cũng đốt pháo trước khi hướng ra biển với sự hỗ trợ của tàu hải giám, tàu ngư chính và tàu cảnh sát biển”.

Thông qua việc tuyên truyền, hầu hết thuyền trưởng và thủy thủ đoàn trên những con tàu này đều ngộ nhận rằng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc nên họ hoàn toàn tự tin ra khơi. Một thợ máy làm việc trên tàu Sanya 7269 cho biết tàu của anh ta nếu không kè được tàu cá Việt Nam để áp giải về đảo Vĩnh Hưng hoặc về Tam Á xử lý thì sẵn sàng húc cho chìm vì “họ đánh bắt cá trong vùng khai thác của chúng tôi” (?). Liu hỏi: “Nếu húc chìm tàu họ thì mình có vớt họ không?”. Tay thợ máy lắc đầu: “Không!”.

Trong suốt 6 ngày ở đảo Hải Nam, đi qua các cảng cá Hải Khẩu, Bác Ngao, Quỳnh Hải và Tam Á, tôi càng thấy rõ hơn chiến thuật “biển tàu”. Được chính quyền cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đóng mới hoặc nâng cấp, đội tàu đánh cá Hải Nam thừa khả năng hoạt động trên biển nhiều tháng trời với sự yểm trợ tích cực của những tàu vũ trang khoác áo dân sự. Một số ngư dân ở Tam Á cho biết khác với tàu đánh cá “Duê Nản”, đội tàu của họ không bao giờ đi từng cặp hoặc 3, 4 chiếc, mà ít nhất cũng là 6 đến 10 chiếc để kịp thời hỗ trợ nhau.

Còn một chuyện nữa, tuy nhỏ nhưng lạ: Ấy là khi ở Hải Khẩu, tôi mua 1 simcard của nhà mạng China Unicom. Đã từng đi vài nước nên tôi biết khi về đến Việt Nam, cái sim ấy sẽ hết tác dụng nhưng khi xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất rồi và những ngày sau đó, sim vẫn có sóng và tôi vẫn nhắn tin, gọi được như thường!

Vũ Cao
.
.