Từ vụ một thầy giáo bị tố cáo hành hung cha: Bi kịch… đất!

Thứ Bảy, 14/11/2009, 23:50
Đất đai là vàng bạc. Nhưng khi lòng tham ngự trị khiến con người trở nên tàn nhẫn đến phi nhân tính thì cái đống bạc vàng ấy có khi lại là ngọn nguồn của những tấn bi kịch. Đớn đau và tủi hổ thay bi kịch xảy ra giữa những người thân với nhau...

Trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mỗi tấc đất trở thành cả ngàn tấc vàng thực sự thì khốn thay, những tấn bi kịch từ đất lại xảy ra nhiều hơn. Những rắc rối nảy sinh xung quanh câu chuyện thừa kế, chia chác đất đai, đôi khi đã tàn nhẫn phá vỡ cả những quan hệ máu mủ ruột rà tưởng như bền vững nhất, thậm chí trở thành nguyên nhân của những thảm cảnh gia đình: anh giết em, con giết mẹ…

Ở Hà Nội, đã từng có nhiều câu chuyện đau lòng như thế xảy ra mà mới đây nhất là vụ một thầy giáo ở Mê Linh, Hà Nội bị tố cáo là hành hung gây thương tích cho chính cha ruột của mình…

1. Theo tố cáo của người dân địa phương ở Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội thì sáng hôm ấy gia đình thầy Trường xảy ra xô xát giữa một bên là vợ thầy Trường và bên kia là em trai, em dâu và cha đẻ thầy Trường - ông Nguyễn Hữu Chí. Màn cuối và cũng là đỉnh điểm của cuộc xô xát này là khi có thêm thầy Trường xuất hiện. Nhân chứng là một phụ nữ đã nói trước máy ghi âm của các nhà báo, rằng, khi đang bán hàng thì bà thấy thầy Trường và cha lao vào nhau. Bố đánh con và xót xa thay, con cũng lao vào đánh bố. Cảnh tượng  ấy đã khiến người này, dù chỉ là hàng xóm, không có quan hệ máu mủ thân thích gì với gia đình ông Chí, đau lòng. Bà kể, tôi khóc thét lên và la lớn: “Ối Trường ơi, mày định đánh chết bố mày à”.

Ông Chỉ, ngậm ngùi: “Nó là thầy giáo nên dân rất bức xúc”.

Trong câu chuyện với các PV, hình như nỗi hoảng sợ vẫn còn ám ảnh người cha già tội nghiệp này. Ông liên tục nài nỉ: “Mọi người thương tôi thì điện thoại cho nhà báo chứ tôi không trình báo với ai cả. Tôi không muốn gây hận thù cha con”. Và, dường như chưa yên tâm, ông còn quay sang cầu cứu người đại diện cho khối phố: “Ông phải làm chứng cho tôi chuyện này nhé để nó không hận thù tôi”.

Trái với thái độ dè dặt và hoảng hốt của người cha, thầy Trường trò chuyện với các PV khá thoải mái. Tại ngôi trường nơi thầy Trường dạy học, khi các PV tới, thầy vẫn đang đứng lớp giảng bài. Năm nay 38 tuổi, thầy đã làm cái nghề cao quý này ngót 15 năm. Cũng có nghĩa là chừng ấy năm, thầy đứng trên bục giảng, dạy kiến thức và dạy đạo làm người cho học trò. Hôm nay, thật đắng cay khi thầy phải ngừng giờ giảng giữa chừng để tiếp các PV đang đi tìm sự thật cho một câu chuyện vô đạo đến độ khó tin mà thầy bị tố cáo là nhân vật chính.

Mở đầu câu chuyện, thầy cật vấn: “Ai báo tin mà nhà báo biết”. Khi các PV giải thích, nhân dân bức xúc báo tin còn cha thầy thì không muốn để báo chí biết. Thầy phủi tay: “Đấy là bài của ông ấy, tôi lạ gì. Ông ấy muốn giết tôi”. Thầy gọi cha mình là “ông hâm” và kể tội cha rất nhiều. Rằng, lúc vợ chồng thầy khốn khó phải đi vay nợ lãi để làm ăn thì cha thầy bán đất có tiền nhưng lại cho người ngoài vay.

Song thầy cũng không phủ nhận rằng, cha thầy ngoài khoản tiền 2,5 triệu đồng đã cho thầy từ thời khốn khó đó cách đây hơn 10 năm thì mới đây lại cho thầy thêm 100 triệu nhưng thầy không lấy. Rằng, cha thầy có những cư xử xấu xa với người này, người kia làm thầy cảm thấy rất xấu hổ. Nhưng lại thừa nhận rằng, hôm rồi họp gia đình cha thầy có hứa cắt cho thầy 5,5m đất (tính theo chiều dài của mặt đường), thầy dự tính ra giêng sẽ làm nhà và đã hối cha tách riêng sổ đỏ cho thầy.

Trong câu chuyện với các PV về những mâu thuẫn trong gia đình mình, câu chuyện về đất đai của nguời mà thầy gọi là “ông hâm” được thầy nhắc đến rất nhiều. Rằng, cha thầy đã bán đất đến 5 lần. Lần mới nhất bán được những trên 1 tỉ đồng. Nhưng cha thầy chỉ coi thầy là đứa con trai lớn nhất mà không coi thầy là con trưởng nên không giao hết mọi việc cho thầy. Thầy còn bức xúc với cả 3 đứa em trai vì vợ chồng thầy đã lo cho các em rất nhiều nhưng bây giờ anh em chửi nhau rồi, các em bảo thầy cướp đất. 

Cũng câu chuyện chia chác này nhưng cha thầy thì nói với các PV rằng: “Nhà có 4 con trai, Trường là con cả, tôi đã cắt cho 5,5 m đất trong khi các em chỉ được có 4,5 m. 1m đất của tôi bây giờ hơn 300 triệu đồng. Nó đã được phần hơn các em mà vẫn không thỏa mãn. Nó bảo vợ chồng tôi không ra gì”. Cha thầy còn nói thêm: “Tôi bị ngược đãi nhưng tôi vẫn cắt đất cho nó... Cái nhà vợ chồng nó đang ở, cái cửa hàng vợ chồng nó đang kinh doanh cũng là đất của tôi”.

Trở lại với câu chuyện bị tố cáo là đánh cha gây thương tích, thầy Trường nói rất nhiều đến các cuộc cãi vã liên quan đến “con Hà”. Hỏi thầy mới biết, hóa ra “con Hà” là vợ thầy, thầy quen gọi vợ là “con”. Thầy bảo sáng ấy thầy đang thay quần áo để đi họp công đoàn (thầy hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch công đoàn nhà trường) thì thấy “con Hà và con em dâu chửi nhau”. Thầy lẽ ra cũng chả can thiệp, vì chuyện chửi nhau như thế đã xảy ra như cơm bữa.

Nguyễn Đức Thuận trước vành móng ngựa.

Nhưng, theo lời thầy thì sau đó cha thầy ra chửi và em trai thầy lao vào đánh “con Hà”. Thầy bênh vợ nên xông ra đánh em. Cha thầy lao vào ôm thầy và thầy đẩy cha ra để rộng cẳng tẩn thằng em trai thôi. Còn vết thương trên đầu cha thầy mà theo lời ông thì “đã đi chụp ảnh để làm bằng chứng cho họ tộc giải quyết” thì thầy bảo đó là tối hôm trước cha thầy với thầy xô xát trong nhà. Thầy va vào mâm bát nên sứt tay chân còn cha thầy thì ngã vào chiếc xe đạp, tự gây thương tích thôi.

Sự thật chưa biết thế nào nhưng có một điều chắc chắn rằng, những mâu thuẫn đến độ trầm trọng làm phá vỡ những tình cảm, những mối quan hệ thiêng liêng trong gia đình thầy là có thật và những phiền lụy trong chuyện bán chác, chia phần đất đai đã là một trong những nguyên nhân được cha thầy và chính thầy nhắc đến rất nhiều. Và, đó mới chính là điều đau xót nhất...

2. Câu chuyện nhiều đau đớn của gia đình thầy giáo Trường đã làm tôi nhớ đến một phiên tòa xét xử một vụ án giết người ở Hà Nội tôi đã tham dự cách đây ít lâu. Bị cáo là một người đàn ông luống tuổi, tóc đã bạc quá nửa đầu. Còn bị hại chính là em gái ruột của bị cáo thì đã chết bởi bàn tay tội ác của anh trai mình. Đại diện cho gia đình bị hại ra tòa chỉ có con gái của bà, cũng chính là cháu ruột của bị cáo, mang vành tang trắng trên đầu, ngồi ở ngay hàng ghế đầu tiên trong phòng xử, chỉ cách vành móng ngựa nơi bị cáo đứng có chừng vài bước chân.

Tôi để ý thấy bị cáo đã quay xuống nhìn cô cháu ruột nhiều lần nhưng đáp lại chỉ có những tia nhìn căm phẫn. Quan hệ giữa hai người ruột rà, máu mủ này, bây giờ chỉ còn là những hận thù xen lẫn đắng cay. Tấn bi kịch của gia đình họ, cũng bắt nguồn từ... đất.

Trước tòa, cháu Phạm Thanh Hà, con gái của nạn nhân Nguyễn Thị Lan, cũng đồng thời là cháu gọi bị cáo Nguyễn Đức Thuận là bác ruột kể lại trong nước mắt chứa chan. Cha mẹ cháu ly thân từ khi cháu còn nhỏ, một mình mẹ cháu nuôi 4 đứa con. Mãi sau này, anh trai cháu trưởng thành mới đi làm ăn xa, tự nuôi bản thân, còn ba đứa con gái nhỏ, trong đó có cháu vẫn sống cùng mẹ. Chị Lan, mẹ cháu, sức khỏe yếu, đau ốm luôn lại phải gánh vác cả gia đình với 4 miệng ăn nên cuộc sống rất nghèo túng.--PageBreak--

May sao, mấy năm gần đây, khi Hà Nội mở rộng, đất đai ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên trước kia rẻ như bèo nay bỗng tăng giá đến chóng mặt. Thửa đất cha mẹ đẻ để lại cho hai anh em - chị Lan và Thuận bỗng trở nên giá trị. Chị Lan tính, phần thừa kế của chị trong mảnh đất đó chị sẽ bán đi để lấy tiền mua một ngôi nhà khác nhỏ hơn cho bốn mẹ con ở và lấy số tiền còn dư ra để nuôi các con. Nhưng Thuận, dù là anh trai, cùng sống chung một nhà, biết gia cảnh của em gái nghèo túng nhưng nhất quyết không chịu chia quyền thừa kế đất cho em. Cuối cùng, chị Nguyễn Thị Lan đành phải nhờ đến pháp luật giải quyết.

Tòa án nhân dân quận Long Biên đã phân xử cho chị Nguyễn Thị Lan được hưởng một phần mảnh đất theo đúng pháp luật về quyền thừa kế.

Tòa đã quyết, Thuận buộc phải chấp hành nhưng kể từ đó lúc nào cũng tức tối. Dù mảnh đất được chia thừa kế đã hoàn toàn thuộc về sở hữu của chị Lan theo pháp luật nhưng Thuận lại bắt chị Lan không được bán đất, phải để lại xây nhà mà nếu xây nhà thì chỉ một mình chị Lan được ở còn 4 đứa con của chị muốn đi đâu thì đi (!).

Không tuân theo những đòi hỏi cạn tình và trái pháp luật của anh, lại cần tiền để trang trải cho cuộc sống vốn rất nghèo túng của mấy mẹ con, chị Lan vẫn kiên quyết bán đất. Vì thế, nỗi tức tối, lòng tham lam và thói ích kỷ đã khiến Thuận trở nên điên cuồng. Ai đến mua đất Thuận cũng chửi thậm tệ. Thậm chí, Thuận còn dọa, nếu bán đất thì Thuận sẽ chém đứt cổ cả mấy mẹ con chị Lan. Nhưng trong khi mảnh đất còn chưa bán được, cuộc sống của mấy mẹ con vẫn nghèo túng thì bi kịch đã xảy ra.

Sáng hôm ấy, khi chị Lan và cháu Hà đang làm cỏ ở bãi ngô ven sông Hồng thì Thuận xuất hiện gây sự chửi bới, vẫn vì chuyện bán đất. Thuận vác một cây gậy gỗ vụt vào chân chị Lan. Chị Lan uất ức cãi lại và bị Thuận đuổi đánh tiếp. Thuận đã dồn đuổi chị Lan suốt một quãng dài cho tới sát mép nước sông Hồng thì đuổi kịp, túm được tóc chị. Và rồi, dồn hết sức lực, Thuận đã đẩy em gái xuống sông Hồng. Nước sông ngập qua vai chị Lan, biết rằng cái chết đã sắp đến gần, chị Lan vừa vùng vẫy dưới nước vừa kêu cứu. Cháu Hà do không biết bơi nên không dám ra cứu mẹ mà chỉ ở trên bờ khóc lóc thảm thiết cầu xin bác.

Trước tòa, Hà đã khóc nấc lên từng chập khi kể lại giây phút kinh hoàng ấy: “Lúc đó, cháu đã hét lên bác Thuận ơi, đừng giết mẹ cháu”. Nhưng vô vọng. Thuận vờ như không nghe tiếng và vẫn hành động điên cuồng như loài cầm thú mất hết tính người.

Thay vì cứu em, Thuận đã dùng tay vít đầu và ấn thật lực vào hai bả vai chị Lan để dìm chị Lan xuống sâu hơn. Lúc này nước đã ngập đầu chị Lan, biết chị Lan đã nghẹt thở nhưng Thuận vẫn cố ghìm giữ thêm khoảng 5 phút nữa để cho em gái mình chết hẳn. Chị Lan bị nước cuốn trôi. Mãi mấy ngày sau người dân quanh vùng mới vớt được xác chị. Còn Thuận, sau khi dìm chết em gái, y bỏ trốn lên Thái Nguyên và bị Công an Hà Nội bắt giữ. Trong người Thuận lúc bị bắt vẫn còn một con dao nhọn. Thuận khai rằng mua dao để giết thẩm phán Nguyễn Thị Thúy Hạnh, người đã xử cho chị Lan được hưởng một phần tài sản thừa kế.

Phạm Hữu Chiến bị đưa về trại giam.

3. Còn đau đớn hơn cả chị Lan là cụ bà Nguyễn Thị Phòng ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Bà đã bị chính Phạm Hữu Chiến, đứa con trai mà bà rứt ruột đẻ ra sát hại ngay tại chính ngôi nhà của mình. Ngôi nhà nằm ở mặt đường, kể từ khi đất đai trở nên có giá thì nó có giá trị bằng cả một đống vàng nên Chiến bắt đầu chiến đấu với mẹ để giành quyền sở hữu. Mâu thuẫn mẹ con cũng từ đó trở nên căng thẳng và bà cụ do quá uất ức đã phải rời khỏi ngôi nhà của chính mình ra đi. Hôm đó là ngày rằm, bà quay trở lại ngôi nhà của mình, mang theo đồ cúng lễ để thắp hương cho chồng, để rồi đã bị Chiến dùng búa đập nhiều nhát vào đầu cho đến chết.

Đất đai là vàng bạc. Nhưng khi lòng tham ngự trị khiến con người trở nên tàn nhẫn đến phi nhân tính thì cái đống bạc vàng ấy có khi lại là ngọn nguồn của những tấn bi kịch. Đớn đau và tủi hổ thay bi kịch xảy ra giữa những người thân với nhau mà một số vụ việc trên chỉ là những minh chứng điển hình

Huyền Thi - Trang Thu
.
.