Tủi phận ngày trở về!

Thứ Sáu, 22/12/2017, 09:16
Bị lừa bán sang bên kia biên giới, những sơn nữ ở các huyện vùng cao xứ Nghệ, người may mắn thì chỉ phải làm vợ những người đàn ông bản địa, dù phải sống cảnh “Oshin”; những cô gái bất hạnh hơn bị đẩy vào nhà thổ, bán mình để đếm thời gian mong ngày thoát cảnh địa ngục trần gian.

Rất ít trong số này may mắn được trở về nhà trong cảnh thân tàn ma dại, tay trắng, thậm chí ngơ ngẩn sau chuỗi ngày dài bị đọa đày thân xác.

Nước mắt đoàn tụ của người phụ nữ sau 7 năm biệt tích

Những ngày vừa qua, trên các trang mạng xã hội nói chung và dư luận tại tỉnh Nghệ An nói riêng, xôn xao bàn tán về trường hợp người phụ nữ mất tích suốt 7 năm qua, bỗng dưng được một người ở Vĩnh Phúc phát hiện ở Trung Quốc, bỏ tiền chuộc để đưa về Việt Nam tìm lại quê hương, gốc tích.

Hành trình tìm lại quê hương bản xứ giống như cổ tích đó là trường hợp của chị Lê Thị Lới (38 tuổi), trú tại xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Chuyện bắt đầu vào ngày 6-12, khi anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) lên Facebook cá nhân đăng tải thông tin về một người phụ nữ tên Lới, quê ở Nghệ An, được anh chuộc trong đồn cảnh sát tại tỉnh Bằng Tường (Trung Quốc).

Các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về kỹ năng phòng, chống mua - bán người tại vùng cao xứ Nghệ.

Theo đó, anh Hưng làm nghề xây dựng, trong một lần làm visa, anh nghe thông tin về những người phụ nữ Việt Nam ngụ cư bất hợp pháp, bị truy quét và bắt về giam giữ tại đồn cảnh sát, trong đó có chị Lới đã bị giam giữ hơn 2 tháng qua. Thấy người phụ nữ này tâm trí không được bình thường, anh Hưng đã quyết định bỏ ra 1.800 nhân dân tệ (tương đương 6 triệu Việt Nam đồng) để chuộc về.

Tuy nhiên, do tâm tính người phụ nữ này như vậy, phần vì bận việc công trình nên anh Hưng đã lên mạng xã hội đăng ảnh kèm địa chỉ chị Lới để nhờ cộng đồng chia sẻ. Ngay sau đó, chính quyền địa phương xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) xác nhận chị Lới là người địa phương, mất tích suốt 7 năm qua nên đã làm thủ tục cho người thân ra Vĩnh Phúc đón về lại quê nhà.

Ông Lê Đình Đàn (54 tuổi), anh trai của chị Lê Thị Lới, kể: Lới là con gái út trong gia đình. Sinh ra vốn dĩ khỏe mạnh, xinh xắn nhưng khi đến tuổi dậy thì, cú sốc tình cảm đã khiến chị suy sụp, sau đó mang thai và sinh một đứa con gái. Hơn 10 năm trước, quan niệm “không chồng mà chửa” còn nặng nề ở làng quê này, nên mẹ con Lới dắt nhau ra thị trấn làm thuê, kiếm sống qua ngày để tránh điều tiếng, thị phi của người đời.

Đến năm 2010, có người quen rủ hai mẹ con chị qua Trung Quốc chơi, chị chẳng cần suy nghĩ, gật đầu tắp lự. Và sau 5 ngày hành trình, mẹ con chị Lới được đưa qua bên kia biên giới, được ở cạnh nhau thêm một tuần thì họ tách mẹ con ra, chị “được” gả cho một người đàn ông bản địa tên là A Ân, đã ngoài 50 tuổi nhưng chưa có vợ. Còn con gái chị ở đâu, làm gì, đến nay chị cũng không hề hay biết. Suốt từ đó cho đến ngày bị bắt trong đợt truy quét là tròn 7 năm, chị sinh cho A Ân 3 người con và suốt hơn 2.500 ngày ròng rã ấy, chị Lới vừa như nô lệ tình dục, vừa như “Oshin” giúp việc cho gia đình, khi ngoài chăm lo cho chồng và con, chị còn phải phục vụ mẹ chồng năm nay đã ngoài 90 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đức Sơn cho biết thêm, chị Lới trở về trong hoàn cảnh không một xu dính túi, bản thân lại không được minh mẫn. Mảnh vườn hương hỏa là tấc đất cắm dùi duy nhất cách đây 3 năm, bố mẹ cũng đã bán mất nên giờ Lới không còn chốn dung thân, phải ở nhờ nhà của anh chị ruột. 

Chị Lê Thị Lới chỉ là một trong số rất ít những trường hợp may mắn được trở về sau khi bị lừa bán qua bên kia biên giới. Số liệu của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cho thấy, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng: Nếu như giai đoạn 2011-2015, cơ quan chức năng phát hiện 51 vụ, khởi tố 46 vụ, 108 bị can và có trên 70 nạn nhân trong lĩnh vực này thì chỉ tính riêng năm 2016, đã khởi tố 14 vụ, 28 bị can, 17 nạn nhân và năm 2017 khởi tố 17 vụ với 25 bị can, 27 nạn nhân.

Ngoài ra, đơn vị này còn phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và các đơn vị nghiệp vụ như Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an Trung Quốc giải cứu 13 nạn nhân trong các vụ mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em.

Ông Nguyễn Trọng Việt, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Công tác giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân mua bán người được giải cứu trở về, hằng năm, tỉnh Nghệ An đều có các chính sách giúp đỡ kịp thời. Đầu năm 2017 đến nay, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng cho 23 nạn nhân bị mua bán trở về địa phương về các vấn đề như hỗ trợ về các điều kiện ban đầu như tiền tàu xe đi về, tư vấn tâm lý, y tế, các đoàn thể, quần chúng tổ chức thăm hỏi động viên. 

Người mẹ này từng bị lừa bán sang trung quốc, sau đó được trở về đoàn tụ với gia đình ở huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Xót xa những phận người lưu lạc

22 năm vắng mẹ, thì có đến 18 năm qua, anh Trần Công Dũng (33 tuổi, trú xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã lập bàn thờ, khói hương cho mẹ đẻ của mình kể từ ngày bà mất tích vào năm 1994. Khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1962), lúc bấy giờ đã là người mẹ của 2 đứa con, vì cuộc sống quá khó khăn nên khi có người rủ sang Trung Quốc làm thuê, bà đã bí mật dắt theo đứa con trai 10 tuổi.

Bà cũng không ngờ, chuyến đi định mệnh ấy kéo dài suốt 22 năm, con trai bị tách khỏi mẹ, bà bị ép gả làm vợ một người đàn ông bản địa lớn hơn 20 tuổi, tên là Lý Kẻ Khỉu. Sinh được 2 người con thì chồng qua đời, bà Hồng sau khi dựng vợ gả chồng cho con thì may mắn vào năm 2012, một người đồng hương làm ăn ở Trung Quốc nhận ra, kết nối cho con trai bà là anh Trần Công Dũng ở quê nhà. Phải đến 4 năm ki cóp, người con trai này mới sang Trung Quốc đón mẹ của mình trở về cố hương.

Ông Bùi Hữu Hùng, Trưởng Công an xã Nam Thanh, cho biết, bà Hồng trở về sau hàng chục năm bặt tin nên chính quyền địa phương đã tiến hành lấy lời khai, tìm hiểu thông tin. Cơ quan công an cũng đã vào cuộc để làm rõ thông tin bà này bị lừa bán. Tuy nhiên, thời gian xảy ra đã lâu, nhân chứng không có, những người liên quan đến vụ việc hiện nay cũng không còn ở địa phương nên vấn đề tìm lại công lý như mò kim đáy biển.

Trong khi đó, Ông Bùi Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh chia sẻ, suốt hơn một năm qua kể từ khi về lại địa phương, dù đã được chính quyền tạo mọi điều kiện, song vấn đề hòa nhập đối với bà Hồng vẫn có những rào cản nhất định. Trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là từ sự mặc cảm, tâm lý tự ti của chính người trở về.

Cũng là nạn nhân của tội phạm mua bán người, song với trường hợp của chị Nguyễn Thị Sáu (SN 1970, trú tại thôn Tam Hợp, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), cũng là một câu chuyện buồn. Trong lúc đi buôn cá đường xa, chị bị lừa bán sang Trung Quốc, ép làm vợ một người đàn ông ở đảo Hải Nam suốt 12 năm.

Đến năm 2009, mẹ con chị Sáu may mắn được một người Việt đang làm ăn sinh sống ở Trung Quốc đưa về Việt Nam. Chống chọi với căn bệnh xơ gan, từ ngày trở về đến nay, hai mẹ con chấp nhận cảnh ăn nhờ, ở đậu trong sự dị nghị, gièm pha của xóm giềng.

Cuối năm 2016, được sự chung tay giúp đỡ của hội liên hiệp phụ nữ, cuối cùng, chị Sáu cũng có được căn nhà nho nhỏ làm chốn dung thân, con trai của chị mang họ Trung Quốc cũng được chị khai sinh lại, mang họ mẹ và cho đến trường như bao chúng bạn. Chị Sáu trở lại cuộc sống của ngày xưa, phụ nữ đi biển và bốc vác cá thuê dưới bến thuyền.

Một nạn nhân vỡ òa niềm vui đoàn tụ với người thân sau khi được giải cứu trở về (tháng 11-2017).

May mắn hơn những nạn nhân của tội phạm mua bán người khác, sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Văn Thị Nguyệt (SN 1980, trú tại xóm 8, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sau 15 năm ở Trung Quốc đã được gia đình nhà chồng yêu thương. Tháng 10-2006, được sự đồng ý của gia đình chồng, chị Nguyệt cùng chồng và hai đứa con mang hai dòng máu Việt - Trung về lại Việt Nam thăm quê hương, bản quán. Đến nay, cả gia đình quyết định sinh sống tại Việt Nam.

Kể về quãng đời lưu lạc, chị Nguyệt cho biết: Năm 2001, khi đang giúp việc tại một nhà hàng trên quốc lộ 1A, chị bị một người đàn ông lừa phỉnh ra Hà Nội tìm việc lương cao nên đã gật đầu. Sau đó, chị bị ép đưa qua biên giới, vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc và gả bán cho chồng hiện tại là anh Liều Hài Miền (SN 1978) với giá 8 vạn nhân dân tệ.

Cuộc sống cơ cực nhưng chị Nguyệt may mắn được gia đình nhà chồng rất mực yêu thương và sau 15 năm làm “tròn vai” của một người vợ, người con dâu hiếu hạnh, chị được bố mẹ chồng đồng ý cho về lại Việt Nam thăm quê hương, bản quán. Sợ vợ không quay lại, anh Hài Miền cũng khăn gói đi theo, sau đó cả gia đình quyết định ở lại Việt Nam để mưu sinh.

Ông Văn Đình Thuận, bố đẻ chị Nguyệt chia sẻ, Nguyệt là con thứ 3 trong gia đình có 4 người con, hoàn cảnh gia đình neo khó nên không được đi học, phải xa nhà đi làm thuê. Sau ngày con mất tích, gia đình ông mất nửa năm tìm kiếm trong vô vọng và suốt 15 năm qua luôn nghĩ sẽ không có ngày gặp lại nữa. Giây phút trùng phùng, không ngờ Nguyệt mang cả gia đình trở về, không còn nỗi hạnh phúc nào lớn lao bằng.

Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: Tội phạm mua bán người gây ra nhiều hệ lụy nhưng công tác đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng cho biết, phần lớn các nạn nhân sau khi bị đối tượng buôn người đưa ra khỏi địa phương một thời gian khá lâu, gia đình mới đến trình báo với cơ quan điều tra. Đặc biệt, những người được giải cứu trở về, phần vì mặc cảm, phần nữa do người lừa bán có quan hệ quen biết, anh em họ hàng nên rất ít người dám đứng ra tố cáo.

Một số trường hợp khác do thời gian lừa bán xảy ra đã lâu nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ gặp không ít khó khăn. Hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay vẫn đang diễn ra khá phức tạp. Phần lớn số phụ nữ, trẻ em bị các đối tượng mua bán sang Trung Quốc là nhằm mục đích mại dâm, chỉ có một số ít bị bán sâu vào nội địa để làm vợ người Trung Quốc.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, thì đa số nạn nhân của tội phạm mua bán người may mắn trở về thường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, hội phụ nữ các cấp đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, song do mặc cảm, một số nạn nhân do thời gian bị lừa bán ở xứ người quá lâu nên trở về gặp rất nhiều rào cản.

Cũng theo bà Tám, tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An ở các “điểm nóng” về loại tội phạm này như các xã Tam Quang, Yên Na (huyện Tương Dương), xã Đôn Phục (Con Cuông)... đều thành lập các câu lạc bộ “Lá chắn” để trợ giúp cho chị em khi trở về. Mặc dù vậy, vấn đề cân bằng lại cuộc sống cho những người phụ nữ sau thời gian bị lừa bán sang Trung Quốc trở về, vẫn còn nhiều gian nan.

Thiên Thành
.
.