Tuổi thơ bất hạnh và bữa cơm gà rán cho người vô gia cư

Thứ Bảy, 13/06/2015, 16:35
Là một nhân viên chăm sóc thẩm mỹ, mức lương khiêm tốn nhưng suốt 15 năm qua, người phụ nữ 33 tuổi cứ thầm lặng mang đến những bữa ăn tối bất ngờ cho những người vô gia cư khắp đường phố Sài Thành.
Linh Vy làm điều từ tâm đó chỉ vì đồng cảm. Vy đồng cảm vì tuổi thơ của chị là những chuỗi ngày cơ nhỡ trong nghèo khó, đói rách. Kể cả bây giờ, chẳng giàu có hơn ai, nhưng thôi thì "lá lành đùm lá rách" và nó cũng như là tâm nguyện, lẽ sống của Vy vậy.

Theo lịch hẹn, đúng 5h chiều ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến Công viên 23/9 giữa lòng thành phố nhộn nhịp, đã thấy Linh Vy và một số tình nguyện viên đứng trước cổng chờ đón các trẻ em đường phố.

Linh Vy có vẻ hạnh phúc với điều mình đang làm. Mỗi khi có một đứa trẻ - mang nét tự tin của người trưởng thành sớm - bước đến chìa tấm phiếu nhận quà, mắt Vy sáng lên. Vy xuất hiện luôn vồn vã, ân cần như một "bà chị bạn" với bọn trẻ.

Một bạn nam trạc 20 tuổi trong nhóm tình nguyện bảo: "Từ hôm kia, chị Linh Vy đã phải chạy xe máy lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, vào tận các khu ổ chuột để phát phiếu nhận quà cho những đứa nhóc mưu sinh đường phố. Hôm nay, đứa nào có phiếu mới được nhận quà. Đứa nào không phiếu thì được cho kẹo và tham gia trò chơi". Hỏi vì sao không "xả cửa" cho tất cả các trẻ em, chàng trai không thích nêu tên, cho biết: "Không xả cửa được. Tụi em chỉ tổ chức cho những đứa mưu sinh trên đường phố thật sự. Tụi em phải canh me theo dõi xem đứa nhóc đó có bán vé số, bán chìa khóa hay không, rồi mới phát phiếu. Có vậy mới không phát nhầm phiếu".

Linh Vy chia sẻ: "Giờ nhớ lại thấy em gan thiệt. Đi sâu vô mấy con hẻm khu ổ chuột ở đường Trần Hưng Đạo, phải để xe ở ngoài nhờ người dân không quen biết trông coi. Lỡ mất xe thì nghèo luôn. Mỗi đứa ở một nơi. Có đứa đang đi bán dạo, em phải chạy đi tìm mấy vòng mới gặp được".

Những đứa trẻ nhận phiếu quà tặng từ tay Linh Vy.

Chúng tôi đang trò chuyện thì mấy em gái trạc 12 tuổi xách lặc lè tay nải treo đủ thứ mắt kính, đồ chơi bằng nhựa, hộp quẹt, móc khóa... đi vào chìa phiếu nhận quà ra. Các tình nguyện viên đưa các em vào khu sinh hoạt. Chúng xếp tay nải vào một góc rồi hòa nhập vào vòng tròn ca múa. Có 72 em được tham gia chương trình "ngày hội quốc tế thiếu nhi, vui chơi cùng các em" của Linh Vy tổ chức hôm nay.

Sau vài lượt tham gia trò chơi tập thể, Linh Vy cùng các tình nguyện viên phát cho mỗi em 1 hộp cơm chiên đùi gà gán và 1 chai nước ngọt.

Nhìn những đứa trẻ hau háu ngắm hộp cơm rồi nhỏ nhẻ cắn từng chút thịt. Chứng kiến cảnh ấy, người vững tâm nhất cũng khó cầm lòng. Những xô bồ của cuộc mưu sinh hè phố đã được chúng bỏ lại ngoài kia. Đêm nay, chúng là những "thiên thần tạm bợ". Rồi sau đó, kết thúc cuộc chơi này, chúng sẽ trở về cảnh đời thật của cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt mà đáng lẽ cái tuổi thiên thần không phải gánh vác.

Bé Nguyễn Thùy Linh, 11 tuổi, quê Thanh Hóa trò chuyện bằng giọng tự tin: "Cháu theo mẹ vào Sài Gòn kiếm tiền. Mỗi đêm cháu bán đồ chơi ở cửa Đông chợ Bến Thành đến 12 giờ khuya mới nghỉ. Mỗi đêm như thế, cháu bán được khoảng 300.000 đồng. Cháu vừa học xong lớp 6, tranh thủ nghỉ hè bán kiếm tiền để đóng học phí và mua sách vở. Cháu thích ăn thịt gà của cô Linh Vy. Thường ngày, cháu ít được ăn thịt vì mẹ phải dành dụm".

Ăn xong, các bé lại được chơi trò chơi. Kết thúc, mỗi đứa được phát một phong bao 50.000 đồng.

Bánh bao khuya cho trẻ đường phố.

2. Cuộc đời Linh Vy là một chuỗi bất hạnh gia cảnh.

Linh Vy có tên khai sinh là Đinh Thị Ngọc Linh, sinh năm 1982.

Trước kia, căn nhà rách nát của cha mẹ Linh Vy ở quận 4. Sau dời về đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8.

Thuở cha của Linh Vy còn khỏe mạnh, gia đình cô luôn đầm ấm, hạnh phúc. Bỗng dưng, ông bị bệnh tâm thần. Trụ cột chính trong gia đình bị gãy, mẹ Vy phải quăng thân ra đường phố làm đủ thứ nghề để nuôi cơm 3 chị em Linh Vy và thang thuốc cho chồng.

Là chị cả, 12 tuổi, Linh Vy phải bỏ học giữa chừng để đi giúp việc cho các quán cơm, quán giải khát, kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. 13 tuổi, đi làm giúp việc cho nhà người ta. Dù cực khổ, có khi bị chủ la mắng, Vy vẫn hồn nhiên sống như thể cuộc đời đương nhiên phải thế. Thuở đó, Vy không hề xem cuộc đời này là bể khổ trầm luân.

Một ngày nọ, trong cơn túng quẫn, mẹ nhờ Linh Vy đến nhà bác ruột mượn 300.000 đồng để làm vốn bán gà. Người bác cho tiền nhưng kèm câu nói lạnh: "Tiền rất khó kiếm. Sống phải biết kiếm tiền". Với Linh Vy, câu nói ấy hàm ý: Ai cũng biết kiếm tiền, tại sao phải xin tiền người khác.

Lần đầu tiên trong đời, Linh Vy biết khóc cho thân phận kẻ nghèo túng. Câu nói ấy ám ảnh đứa cháu nghèo suốt nhiều ngày, thậm chí đến bây giờ vẫn còn văng vẳng trong tâm trí.

Chứng bệnh tâm thần của cha ngày càng nặng do thiếu thuốc. Khi bệnh trở nặng, cha thường bỏ nhà đi mất biệt. Nửa đêm, mẹ con Vy hớt hải đi tìm, thấy cha đang bới đống rác ngoài phố tìm thức ăn thừa. Trên đường về nhà, cha Vy ngây ngô bảo, đói mà không ai cho ăn. Về đến nhà, biết cha đói nhưng không còn gì để cho cha ăn. Nhìn ánh mắt lạc thần của cha, Vy ứa nước mắt trong cơn bất lực. Đêm ấy là đêm thứ năm không thể nào quên đối với Vy. Và đó cũng là lý do mà suốt cả một thời gian dài, Vy lựa chọn buổi phát cơm bằng những đồng lương ít ỏi của mình và sự đóng góp của các bạn vào đêm ngày thứ năm hàng tuần. Có bao nhiêu con người nghèo khổ, bệnh tật đang tha hương, không nhà trong đêm của ngày thứ năm này?

Trao tiền trong những đêm thứ năm hàng tuần.

Một lần khác, Vy tìm thấy cha nằm ngủ co ro lạnh nơi góc vắng một con phố. Vy còn bắt gặp một số người vô gia cư khác cùng co ro với cha. Đưa cha về nhà, Vy thấy xót lạnh thay những kẻ không nhà. Lúc ấy Vy nghĩ, giá như mình có chiếc chăn thừa sẽ mang ra chia sẻ cái ấm với những người đáng thương đó. 

Tuổi thơ Vy trôi đi như thế, không có áo đẹp, không có những bữa cơm đầy ắp thịt mà chỉ có những trần trụi đời thường của một cô bé sớm phải mưu sinh như một người lớn. Kiến thức duy nhất Vy có được là, muốn tồn tại phải làm thuê mọi thứ việc lương thiện để có tiền. Bài học đạo đức duy nhất mẹ dạy là, ở hiền gặp lành. Cũng nhờ đó, Vy thoát được nhiều cạm bẫy xã hội và được nhiều người yêu mến.

Vốn nhanh nhạy, trong những ngày làm giúp việc cho một tiệm spa, Vy học lóm được nghề chăm sóc da cho phụ nữ. Năm 18 tuổi, Vy được tuyển vào làm nhân viên chăm sóc thẩm mỹ cho khách sạn Liberty Central.

Tháng lương đầu tiên, dù chỉ được vài triệu nhưng với Vy, đó là một món tiền chỉ có trong mơ. Trên đường chiều về nhà, trong cơn phơi phới, Vy tự thưởng cho mình một suất cơm gà rán vỉa hè. Lần đầu tiên trong quán cơm, không "thủ vai" làm thuê mà đường hoàng làm "thượng đế", Vy sung sướng như được lên tiên.

Đang phiêu bồng, bất chợt Vy trông thấy một nhóm trẻ con bán dạo đang ngồi co ro trú mưa ở vỉa hè cạnh quán cơm. Chúng nhìn đắm đuối những đĩa cơm của khách bằng ánh mắt thèm thuồng. Nhớ lại những ngày thơ ấu lang bạt, xót lòng, Vy gọi chúng vào quán.

Nhìn bọn trẻ ăn, Vy rơi nước mắt lúc nào không hay.

Những đêm đi làm về muộn, Vy thường mua sẵn một hộp cơm đem về nhà ăn. Một đêm, trên đường về trông thấy một cụ ông đang bới thùng rác tìm thức ăn thừa, nhớ cảnh xưa, cha cũng từng làm như thế vì đói, Vy chạy đi mua một hộp cơm mang đến cho ông cụ. Nhìn cái cách ông cụ ăn trong cơn đói, Vy lại khóc ngon lành. Ánh mắt hàm ơn của ông cụ cứ quẩn quanh tâm trí Linh Vy suốt đêm.

Phát cơm cho người quét rác.

Từ đó, đêm trên đường đi làm về còn tiền, Vy đều cố mua sẵn một hộp cơm để phát cho bất kỳ người vô gia cư nào bắt gặp. Thế nhưng, một người ăn, nhiều người đói bên cạnh, Vy cũng không đành lòng. Thế là hàng tuần, cứ đến tối thứ năm Vy lại dùng hết số tiền tip của khách, mua cơm hộp rồi chạy xe lòng vòng các con phố để phát cho từng người suốt 15 năm qua. Có tiền nhiều mua nhiều, có tiền ít mua ít, Vy cứ lặng lẽ làm công việc phát cơm tự nguyện đó một mình. Người vô gia cư ở các con hẻm Trần Hưng Đạo hoặc Bến Vân Đồn đều biết chị. Gọi chị là Vy "cơm hộp".

Chị Thiệu Ng. A., sinh năm 1974, sống trên vỉa hè hẻm 11, đường Trần Hưng Đạo rưng rưng nói: "Dân vỉa hè, ai cũng từng được chị Vy "cơm hộp" phát quà. Với tụi tui, đó là món quà rất bự. Đang đói, nhận được cơm mà là cơm gà, giống như nhận được... vàng. Quý chị Vy lắm! Thương chị lắm!". 

3. Mãi đến năm 2014, một số bạn bè tình cờ biết Linh Vy làm điều nhân ái đó, thế là cứ đến thứ năm hàng tuần, họ góp tiền để mua được nhiều hộp cơm hơn. Một số sinh viên, thanh niên ở gần chỗ làm của Vy cũng góp sức cùng chị chở cơm đi phát. Tiếng thơm được truyền vang xa, một số người hảo tâm cũng góp tiền, của thêm vào.

Có thêm sự giúp sức của cộng đồng, ngoài đêm thứ năm phát cơm, Linh Vy thực hiện thêm nhiều buổi phát quà khác. Khi thì đem chăn ra hè phố đêm đắp cho người nghèo. Khi thì mua bánh bao phát lúc 0 giờ. Khi thì gửi gạo cho bếp ăn từ thiện của các chùa.

Linh Vy không tổ chức chuyến từ thiện theo quy chuẩn nào mà chị có cách làm riêng của mình: Làm theo cách con tim mách bảo!

Các tình nguyện viên chuẩn bị lên đường hỗ trợ Linh Vy đi phát cơm đêm thứ năm hàng tuần.

Bất chợt nhận thấy đoạn đường trước ngôi chùa Kim Liên (Nguyễn Thị Tần, quận 8) cứ đến buổi trưa có nhiều người lao động chân tay đến núp nắng, nghỉ trưa, Vy mua một thùng đựng nước lọc mang đến nhờ các sư trong chùa đặt ven đường cho mọi người uống.

Bất chợt nghe tin ở Bạc Liêu có một gia đình 5 người không nhà cửa, hàng ngày núp mưa nắng dưới bóng một "ngọn đồi" rác, Linh Vy kêu gọi bạn bè, người quen góp tiền mang đến tận nơi giao cho chính quyền xã nhờ cất giúp ngôi nhà tình thương.

Đêm "Ngày hội quốc tế thiếu nhi, vui chơi cùng các em" do Linh Vy tổ chức đêm cuối tháng 5 vừa qua cũng mang hơi hướm "ngẫu hứng Digan". "Miễn sao những người bất hạnh vơi bớt nỗi khổ đau đang tràn ngập trong lòng họ là em vui" - Linh Vy "chốt" tư tưởng từ tâm trong nghĩa cử của mình như thế.

Nông Huyền Sơn
.
.