“Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”

Thứ Sáu, 20/11/2020, 12:57
Những bông cúc trắng lần lượt được mọi người đặt lên đài tưởng niệm Bến Nọc (quận 9, TP Hồ Chí Minh) - nơi tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Nhiều người tham dự rơm rớm nước mắt. Dòng chữ đen treo trước đài tưởng niệm “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại” khiến nhiều thân nhân của các nạn nhân bị TNGT vội quay đi khi vừa chạm mắt...

Những mất mát không thể bù đắp

Sáng 15-11, trong không khí trầm buồn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan công bố những dòng thông tin về tình hình TNGT trong 10 tháng năm 2020 khiến nhiều người phải xót xa. 10 tháng, TP Hồ Chí Minh xảy ra 2.463 vụ TNGT làm 460 người tử vong, 1.732 người bị thương. Nhiều nạn nhân tử vong khi còn khá trẻ. Họ là những học sinh, sinh viên, lao động chính trong gia đình.

“Thiệt hại do TNGT không gì có thể bù đắp được. Những di chứng thương đau của TNGT chính là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè người bị nạn. Tổ ấm gia đình bị tổn thương, con mất cha mẹ, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, các bậc phụ lão mất đi người nương tựa.

Buổi tưởng niệm những người mất vì TNGT cũng là dịp để chúng ta tự nhắc nhớ chính bản thân mình, nhắc nhớ những người thân trong gia đình phải biết trân quý cuộc sống. Để làm được điều này thì mỗi người đều phải có ý thức tự giác khi tham gia giao thông, phải tuân thủ luật pháp, Luật Giao thông đường bộ. Đã uống bia rượu thì không lái xe, lên xe phải đội mũ bảo hiểm, thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn, không phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ. Ai cũng làm được như vậy thì TNGT sẽ giảm đi rất nhiều. Nỗi đau sẽ không đến với những người biết tuân thủ luật! Lễ tưởng niệm cũng là dịp nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng về trách nhiệm xây dựng xã hội giao thông an toàn” - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Buổi tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông là một hành động nhắc nhở rất ý nghĩa.

Ngồi ở hàng ghế đầu, đôi mắt đỏ hoe, tay áo còn vương những giọt nước mắt, chị Trương Thị Mỹ Dung (ngụ Bình Chánh) thuật lại câu chuyện mà đời mình phải trải qua một cách đau đớn. Từ khi chồng và con trai mất vì TNGT, cuộc sống của chị Dung có quá nhiều xáo trộn. Đầu tháng 12-2017, đứa con trai mới 17 tuổi của chị Dung mất vì TNGT trên tuyến QL50, huyện Bình Chánh. Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì cuối tháng 7-2020, cũng ngay chính con đường con trai mình gặp nạn, chồng chị Dung cũng bị TNGT qua đời. Chị Dung vĩnh viễn mất đi hai người thân yêu. Gia đình nhỏ ba cột vững chãi mất đi hai cột chính. Cuộc sống đã khó khăn, giờ chị lại bị đẩy vào cùng cực.

Tình cảnh không khác chị Dung là ông Nguyễn Văn Đua (ngụ ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh). Vào ngày rằm tháng 5-2019, vợ ông Đua chở con đến trường thì bị xe đầu kéo tông khiến 2 mẹ con tử vong tại chỗ. Vợ mất, đứa con duy nhất mới 14 tuổi đầu cũng thiệt mạng khiến ông dường như mất hết niềm vui sống. Hằng ngày ông Đua vẫn đến tiệm inox làm việc, tối đến lủi thủi trở về căn nhà cấp 4 xập xệ một mình. Thắp thêm nén nhang trên bàn thờ vợ con để căn nhà bớt nguội lạnh, bới tô cơm ra ăn một mình, tiếng kinh văng vẳng phát ra từ chiếc radio khiến nước mắt ông Đua rơi lúc nào không hay. Mỗi lần như thế, ông lại  buông đũa, nấc nghẹn.

Hai chân bị gãy, vỡ xương chậu, hậu môn, bộ phận sinh dục, đi lại khó khăn, đó là trường hợp của bé Gia Huy (8 tuổi, ngụ phường 13, quận 6), một trong những nạn nhân may mắn không mất mạng trong một vụ TNGT. Nhưng di chứng để lại đối với một đứa trẻ như Gia Huy quả thật quá nặng nề. Nỗi đau tinh thần đối với em càng nặng nề hơn. Em giữ được mạng sống nhưng người mẹ của em đã vĩnh viễn ra đi. Hôm đó Gia Huy theo mẹ về Long An thăm người thân, trên đường trở về thì xe của mẹ Gia Huy va chạm với một chiếc xe tải.

Cảnh tượng vụ tai nạn kinh hoàng khiến nhiều người chứng kiến đau xót. Mẹ Gia Huy tử vong tại chỗ, Gia Huy bị thương nặng đến nỗi mà những người đưa em đi cấp cứu không tin là em sẽ sống. Tiền để chữa trị cho Gia Huy là một vấn đề nan giải đối với gia đình em. Người chồng làm nghề chở hàng thuê, đau đớn vì mất vợ nhưng phải kìm nén đau thương để lo cho con. Những cuốc xe chở hàng thuê giờ đây phải tăng lên, thời gian được gần con cũng vì thế ít đi...

Buổi tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông là một hành động nhắc nhở rất ý nghĩa.

Tình cảnh cháu Gia Bảo cũng không khác mấy. Cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1967) đi dự đám tang người bạn trở về nhà thì bị tai nạn, bị chấn thương sọ não. 3 năm đã trôi qua, ông Dũng vẫn phải sống với hộp sọ bị lõm một bên. Là trụ cột trong nhà, khi ông Dũng gặp tại nạn, số lương làm công nhân của vợ ông không thể kham nổi một người bệnh và 3 đứa con đang tuổi ăn học. Trước tình cảnh này, người con gái lớn phải nghỉ học ở nhà vừa chăm cha vừa phụ giúp gia đình. Đã 3 năm trôi qua, ông Dũng vẫn chưa có tiền để lắp lại hộp sọ bằng xương nhân tạo.

Đừng để thêm nhiều nỗi đau

Thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2.463 vụ TNGT xảy ra trong 10 tháng đầu năm 2020 thì đối tượng gây ra TNGT chủ yếu là xe gắn máy, kế đến mới đến phương tiện xe du lịch và xe đầu kéo... Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT chủ yếu là người điều khiển phương tiện sử dụng bia rượu, ma túy khi tham gia lưu thông, chở quá số người quy định, lưu thông đường cấm, khu vực cấm; lưu thông không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng...

Ngoài ra, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng có chiều hướng gia tăng. Phòng CSGT đã phát hiện 67 vụ tụ tập với hàng trăm phương tiện tập trung một số tuyến đường như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Phạm Văn Đồng, Võ Trần Chí, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Chinh, Hoàng Sa-Trường Sa, Kênh Tân Hóa, Lũy Bán Bích... Đã có không ít những vụ TNGT liên quan đến việc tổ chức đua xe trái phép và những người gặp nạn tuổi đời rất trẻ.

Sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tai nạn giao thông.

Khi phân tích về các nguyên nhân dẫn đến TNGT, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng nguyên nhân đáng kể đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Ý thức chấp hành pháp luật (ở đây là Luật Giao thông đường bộ) của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao. Nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe đầu kéo và người bộ hành.

Nói về ý thức tham gia giao thông phải kể đến tình trạng người điều khiển phương tiện (đa số là người lưu thông bằng xe 2 bánh) đang tự biến mình thành nạn nhân của các vụ TNGT khi vừa lưu thông vừa cắm mặt vào chiếc điện thoại. Không khó để chứng kiến cảnh người tham gia giao thông, một tay vít ga, một tay sử dụng điện thoại. Không phải vì một cuộc điện thoại quan trọng trong làm ăn hay tin nhắn cấp bách. Nhiều người  cắm mặt vào điện thoại chỉ vì các đoạn chat trên Facebook, hay vừa đi vừa xem YouTube. Đối tượng vi phạm nhiều nhất là cánh tài xế xe ôm công nghệ. Họ thường vừa chở khách vừa xem điện thoại để dò đường, tìm số, xác định địa chỉ. Hành vi vi phạm luật giao thông như thế tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho chính bản thân họ và với các phương tiện khác.

Một cán bộ Đội CSGT trật tự, Công an quận 1 cho hay, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại sẽ bị phạt 2 triệu đồng (đối với điều khiển xe ô tô), 1 triệu đồng (đối với điều khiển xe máy). Trường hợp người vừa di chuyển vừa sử dụng điện thoại di động gây TNGT ngoài phạt tiền còn tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Mặc dù CSGT liên tục xử phạt những trường hợp này, tuy nhiên ý thức của nhiều người vẫn chưa chuyển biến.

Tai nạn giao thông luôn chực chờ, ai cũng có thể là nạn nhân nếu như ý thức tham gia giao thông kém.

Một thói quen khác của người điều khiển phương tiện là chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ. Viện khá nhiều lý do như đoạn đường ngắn, “đi cho tiện, hoặc nhà gần...”! Hay “đường vắng, có xe đâu mà... dừng đèn đỏ!”. Có trường hợp người vượt đèn đỏ được người khác nhắc nhở đã dừng lại sừng sộ, chửi thề: “Tao vượt, tao chết, liên quan gì đến mày!”.

Vì những người thiếu ý thức như vậy nên tai nạn xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân họ còn gây ảnh hưởng cho người khác. Rất nhiều người đi đường đúng luật nhưng vì những người khác khi tham gia giao thông thiếu ý thức dẫn đến việc người đi đúng luật cũng lãnh hậu quả. Mỗi năm số liệu TNGT giao thông về số vụ, số người chết, số người bị thương khiến người ta rùng mình. Người gây tại nạn nhẹ thì đền bù, nặng thì phải rơi vào vòng lao lý. Nạn nhân tử vong vì TNGT để lại nỗi đau cho gia đình, bị thương tích thì mang “án” tàn tật làm gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bao nhiêu lần chúng tôi chứng kiến các vụ TNGT từ nhẹ cho đến thảm khốc. Cảnh người tử vong, bị thương nằm la liệt trên đường, xe cộ hư hỏng, máu chảy hòa lẫn với mùi xăng dầu tạo ra khung cảnh bi thương. Đau đớn nhất của người làm tin là chứng kiến người thân của các nạn nhân vật vã. Có khi là người chồng ôm thi thể người vợ trẻ sắp cưới, có lúc là bà mẹ gào thét gọi tên đứa con vài ba tuổi. Có cảnh người vợ vật vờ như người mất hồn tự trách bản thân không kêu chồng chạy chậm để dẫn đến mỗi người một thế giới. Hay cảnh đôi vợ chồng già nằm bất động dưới bánh xe tải... Những cảnh tượng ám ảnh.

TNGT đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng, lấy đi sự bình yên của bao gia đình, biến một gia đình đang yên ổn rơi vào cảnh đường cùng. Hãy trân quý cuộc sống của mình, đừng biến mình thành nạn nhân chỉ vì “nhanh một giây chậm cả đời”. Cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để những trường hợp đáng tiếc không rơi vào bản thân, gia đình mình. Muốn như vậy thì phải tuân thủ, chấp hành luật giao thông.

Hãy nhìn về những buổi tưởng niệm, nhìn những thân nhân của các nạn nhân tử vong vì TNGT. Đừng để có thêm những người ở lại... phải rơi cạn nước mắt.

Huyền Đức - Nguyễn Cảnh
.
.