Tuyên chiến với ma men “lái” tài xế

Thứ Ba, 07/01/2020, 15:08
Từ ngày 2-1, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt triểu khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Việc xử lý nghiêm theo Nghị định mới đối với các trường hợp vi phạm đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.

Bất ngờ trước mức phạt cao

Chiều ngày 2-1, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi tổ tuần tra kiểm soát giao thông đang tiến hành đo nồng độ cồn và xử phạt tài xế sử dụng rượu bia. Phát hiện người điều khiển xe máy 29R9-08XX trong tình trạng mặt đỏ đang chở bạn ngồi sau, tổ công tác đã yêu cầu dừng xe kiểm tra. Khi được thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này tỏ ra rất bất ngờ. Kết quả kiểm tra cho thấy người này đã vi phạm nồng độ cồn với mức 0,489 mg/ lít khí thở.

Xuất trình giấy phép lái xe (GPLX), người đàn ông này là Nguyễn Văn D. ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Vừa kí vào biên bản vi phạm, ông D. vừa thắc mắc tại sao chỉ uống 2 chén rượu với bạn mà vẫn vi phạm.

Lái xe khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông.

Trước thắc mắc của ông D., một cán bộ CSGT đã giải thích cụ thể: “Theo nghị định mới, người nào uống rượu, bia, dù uống ít hay nhiều mà điều khiển phương tiện giao thông cũng bị xử phạt. Do đó, khi chúng tôi đo được nồng độ cồn tức là ông đã vi phạm. Với mức 0,489 mg/lít khí thở, theo nghị định mới, ông sẽ bị phạt 7 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 23 tháng”.

Nghe giải thích, ông D. chỉ còn biết thở dài: “Ai ngờ mức phạt giờ cao quá. Thế này thì tôi không dám uống rượu trước khi lái xe nữa”.

Chỉ trong vòng 20 phút từ 13 giờ  đến 13 giờ 20, chúng tôi chứng kiến tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 4 người điều khiển xe máy thì cả 4 trường hợp đều vi phạm nồng độ cồn. Thượng úy Ngô Văn Tâm - tổ trưởng tổ công tác thuộc Đội CSGT số 1 cho biết, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới 100% cán bộ chiến sĩ tiến hành kiểm tra và xử lý theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

“Tuyến đường, địa bàn Đội CSGT số 1 quản lý nằm trong khu phố cổ, tập trung nhiều quán nhậu. Đối với những trường hợp sử dụng rượu bia, chúng tôi giải thích người vi phạm hiểu rõ, đồng thời tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định” - Thượng úy Tâm chia sẻ với chúng tôi.

Nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng chỉ là một trong số nhiều điểm đo nồng độ cồn và xử phạt tài xế sử dụng rượu bia trên địa bàn Hà Nội. Trong những ngày đầu ra quân, các tổ CSGT Công an TP Hà Nội đã có mặt tại nhiều ngã tư, ngã năm để thắt chặt việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực quận Cầu Giấy, trong khoảng thời gian từ 20-22 giờ có rất nhiều người điều khiển phương tiện xe máy, ôtô được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đều có hơi men trong người. Những cuộc nhậu say sưa cùng các “chiến hữu” luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhưng trước và sau khi uống rượu bia thì chẳng ai còn nhớ tới điều đó. Bởi vậy, rất nhiều người giật mình khi được yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, nhiều người tiếc ngẩn ngơ khi bị xử phạt. Sau những cái giật mình này, có lẽ họ sẽ hạn chế uống rượu bia.

Những logo cảnh báo.

Nâng mức phạt để có tính răn đe

Nghị định xử phạt về sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông đã có từ lâu nhưng chưa được thực hiện triệt để. Chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn trong thực tế của Nghị định 46/2016/NĐ-CP chưa tương xứng, chưa có tính răn đe. Do vậy tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc uống rượu bia vẫn diễn ra, để lại hậu quả thương tâm và gây bức xúc trong dư luận. 

Nhiều người không biết đến quy định của pháp luật, cứ vô tư uống rượu bia. Đến khi mặt đỏ phừng phừng, đầu óc liêng biêng, nhìn một thành hai thì liêu xiêu rời quán nhậu, liêu xiêu lên xe, liêu xiêu trên đường và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có vụ người điều khiển ôtô trong tình trạng say rượu, thấy đèn đỏ thì dừng xe và ngủ quên trên vô lăng. Tai nạn khủng khiếp đã xảy ra khi một xe container từ phía sau lao đến và húc mạnh vào chiếc xe đang đỗ giữa đường, còn lái xe vẫn đang say giấc nồng...

Lại có trường hợp một người đàn ông sau khi uống rượu ở đám cưới, phóng xe máy như bay trên đường trong tình trạng say xỉn. Một tai nạn đau lòng đã xảy ra khi người này tự điều khiển xe máy đâm vào một chiếc xe tải. Người đàn ông đó đã mất đi tính mạng quý giá trong tích tắc khi người vẫn nồng nặc mùi rượu.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển ôtô trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nhiều người biết quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình uống rượu bia. Khi bị phát hiện thì bao biện rằng chỉ uống vài chén, vẫn tỉnh táo nên nghĩ rằng nồng độ cồn chưa cao nên vẫn lái xe ra đường bất chấp nguy hiểm. Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì có đến 70% người dân sau khi uống rượu bia vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông.

Trong các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước, có đến 40% số vụ liên quan đến rượu bia, thậm chí vào các dịp lễ tết thì tỷ lệ này còn tăng lên đến 80%. Mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.

Trước đây, Luật Giao thông đường bộ quy định, chỉ người đi ôtô có nồng độ cồn bằng 0, còn xe máy vẫn cho phép 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở. Đến nay, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1-1 quy định tất cả các phương tiện kể cả xe đạp, xe máy có nồng độ cồn đều bằng 0.

Nghị định 100/2019 thay thế nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1-1-2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, người đi xe đạp có nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt mức từ 400-600 nghìn đồng. Đối với người đi ôtô, nếu sử dụng rượu bia mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng và giữ GPLX 2 năm. Đối với xe máy trước đây cao nhất chỉ phạt 3-4 triệu đồng nhưng hiện nay được nâng mức phạt lên 8 triệu đồng và giữ GPLX 2 năm.

Có nhiều ý kiến đồng thuận với việc tăng nặng mức xử phạt vi phạm quy định nồng độ cồn vì khi mức phạt cao sẽ tăng tính răn đe. Nhiều người sẽ cân nhắc, thận trọng khi uống rượu bia. Hoặc khi đã uống rồi thì hạn chế tối đa việc tham gia giao thông.

Hiện trường một vụ tai nạn làm chết 4 người do tài xế uống rượu bia, ngủ gật trên đường.

Quyết tâm xử lý đến cùng

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là công cụ cần thiết để khống chế, tiến tới triệt tiêu tệ nạn người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Với các công cụ pháp lý này, các lực lượng thực thi sẽ có căn cứ để xử lý nghiêm và rốt ráo các trường hợp vi phạm.

Vào khoảng 21 giờ 30 ngày 1-1, tổ công tác thuộc Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT khi đang làm nhiệm vụ tại Km 188+300 trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã dừng xe ôtô BSK 29C-45XX để kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Do lái xe là Lê Khắc T. không hợp tác, tổ công tác đã phải rất vất vả để tiến hành kiểm tra nồng độ cồn theo quy định. Kết quả, trong hơi thở lái xe T. có nồng độ cồn là 0.719mg/lít khí thở, vượt mức cao nhất trong khung xử phạt về vi phạm nồng độ cồn là 0.4 mg/lít khí thở.

Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe Lê Khắc T. về hành vi vi phạm nồng độ cồn cho phép. Theo nghị định mới, hành vi vi phạm của lái xe T. bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng. Như vậy, ngay từ những ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT đã áp dụng mức phạt cao nhất đối với trường hợp lái xe vi phạm “kịch khung” quy định nồng độ cồn.

Không chỉ xử lý nghiêm theo đúng quy định, lực lượng CSGT còn bố trí lực lượng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại các tuyến trọng điểm, các đô thị vào các khung giờ từ 13-15 giờ; 20-22 giờ, các ngày nghỉ, ngày lễ,... Việc kiểm tra xử lý nồng độ cồn có thể cố định hoặc di động nhưng vẫn phải đảm bảo tính đột xuất và ngẫu nhiên cũng như thường xuyên, liên tục.

Điều này đã tác động mạnh tới đông đảo người dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Nhiều người hạn chế tới các cuộc nhậu, hoặc khi đi ăn, liên hoan đã sử dụng phương tiện công cộng. Công tác tuyên truyền cũng cần được tăng cường để người dân hiểu rõ về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, từ đó nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Đối với người điều khiển ôtô, mức xử phạt cao nhất từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô, mức phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.

Năm 2019, lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 182.725 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Với hàng loạt chuyên đề tuần tra kiểm soát, những đợt tổng kiểm soát phương tiện, cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đều tập trung đấu tranh, phát hiện và ngăn chặn vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể:

- Theo Kế hoạch số 196/KH-C08-P8 ngày 4-1-2019 về tổng kiểm tra các xe ôtô từ 8 chỗ trở lên kinh doanh vận tải, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện xử lý 196 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

- Theo Kế hoạch số 139/KH-BCA-C08 ngày 23-4-2019 về tuần tra kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn: Từ 23-4 đến 20-12-2019, đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản 83.639 trường hợp người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn (71 xe khách, 544 xe tải, 2.028 ôtô con, 122 ôtô đầu kéo, 80.874 môtô).

Huyền Châm
.
.