Ung thư do ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật

Thứ Ba, 10/04/2007, 11:30

20 năm qua, ở xóm 1 và xóm 2, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có gần 20 người chết vì bệnh ung thư. Hàng chục phụ nữ sinh đến đứa con thứ hai mà vẫn chưa một lần được gọi mẹ. 100 hộ dân xóm 1 và xóm 2  đang phải sống chung với bệnh tật, với ô nhiễm bởi kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm trên xóm.

Cả xóm cùng bị mắc bệnh

Mới ngoài 50 tuổi, nhưng tóc ông Việt đã bạc trắng, khuôn mặt đầy những nếp nhăn khắc khổ. Ông vốn sinh hạ được 3 người con, nhưng cả ba đứa đều mắc những chứng bệnh rất khó hiểu. Đầu tiên là đứa con gái lớn, lúc 15 tuổi tự nhiên bị liệt một chân. Gia đình phải chạy chữa khắp nơi, bệnh tình của cháu mới thuyên giảm.

Chuyện đau lòng về đứa con gái đầu lòng chưa nguôi thì nỗi đau về đứa thứ hai lại đến. Cháu Võ Thị Anh, năm 16 tuổi tự nhiên đôi mắt cứ mờ dần. Ông Việt đã đưa con đi khám khắp các bệnh viện huyện, rồi tỉnh đều không tìm ra nguyên nhân. Hàng ngày ngồi nhìn đôi mắt con mờ dần mà lòng ông đau như cắt. Ông đưa con ra Bệnh viện Việt - Nhật chữa chạy. Cũng may mà bệnh viện xác định được bệnh, nên mất vài tháng điều trị cháu Anh đã dần sáng mắt. Đổi lại gia đình ông mất đi nửa gia tài để lo tiền thang thuốc.

Đứa con gái thứ hai vừa khỏi bệnh thì đến cậu con trai út lăn đùng ra ốm. Hết bệnh đau đầu rồi nổi u ở dưới xương cằm. Các con bị bệnh đã khiến gia đình ông lao đao nhiều phen. Vậy mà nỗi ám ảnh bệnh tật vẫn chưa buông tha gia đình ông.

10 năm qua, vợ ông mắc bệnh đau dây thần kinh không sao chữa khỏi được. Còn ông cũng nổi một cái u to bằng nắm tay ở hông. Những hôm trở trời là cả nhà ông cùng ốm. Ông Việt lo lắng: “Bệnh đau đầu, uống thuốc chỉ đỡ được thôi, chứ nỏ khỏi được mô”.

Em trai ông Việt là Võ Văn Trung còn rơi vào tình cảnh bi đát hơn. Trước đây anh Trung ở cùng ông Việt. Khi lấy vợ anh mới ra ở riêng. Một năm sau, vợ chồng anh sinh được một đứa con kháu khỉnh. Tuy nhiên, cháu bé càng lớn càng phát triển không bình thường. Trong 10 năm liền, cháu bé chỉ biết nằm. Vợ chồng anh đã đưa con đi khám ở khắp các bệnh viện, nhưng đều không mang lại kết quả.

Năm 2003, cháu bé mang cả bệnh tật... “ra đi”. Nỗi buồn về đứa con đầu của anh Trung chưa nguôi thì nỗi đau khác lại ập đến. Đứa con thứ hai ra đời bị câm, điếc bẩm sinh. Năm nay 12 tuổi mà khi giao tiếp với mọi người cháu chỉ ú a, ú ớ.

Cũng giống như gia đình ông Việt, ở xóm 1 còn rất nhiều gia đình khác cũng đang sống trong nỗi đau đó. Đi dọc làng thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những em bé ngây ngô, nhiều thanh niên 20 tuổi rồi mà hình dạng như cháu bé lên 10.

Vào thăm nhà ai cũng đều nghe thấy những chuyện đau lòng. Những người mẹ sinh con mà chưa một lần nhìn thấy mặt con và nỗi khát khao được nghe thấy tiếng con gọi mẹ vẫn xa vời. Những ông bố phải gồng mình lên lo cái ăn rồi tiền thuốc thang khi đau ốm...

Gia đình chị Nguyễn Thị Linh “tiêu biểu” cho sự bất hạnh đó. Chị đã 4 lần sinh con mà chỉ có 2 còn sống. Thế nhưng hai đứa nhỏ sống được thường ốm quặt ốm quẹo. Chị Linh đang lo, không biết tương lai của chúng rồi đây sẽ ra sao, vì vợ chồng chị cũng thường xuyên mắc bệnh đau đầu, nhà có bao nhiêu của nả đều phải bán lấy tiền mua thuốc.

Tại xóm 2, xã Nghĩa Trung, sức khỏe của hàng trăm hộ dân cũng đã và đang bị ảnh hưởng bởi tồn dư của thuốc BVTV có trong đất và nước sinh hoạt.

Anh Hồ Trung Mạnh, trưởng xóm 2 cho biết: “Nước giếng của nhiều hộ dân trong xóm có màu vàng. Xóm có 15 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp vì sống gần các kho thuốc. Do môi trường sống, nguồn nước ăn bị ô nhiễm, nên nhiều người dân trong xóm thường bị “ngất ngơ, ngất ngưởng” và mắc các bệnh như rụng tóc, bệnh ngoài da, đau đầu...”.

Theo anh Ngô Sỹ Tiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Trung, những người sống ở khu vực có kho thuốc BVTV thường bị mắc bệnh đau đầu và một số bệnh khác. Tỉ lệ các cháu bị dị tật ở đây cao hơn nhiều so với các gia đình sống ở các xóm lân cận của xã.

Ông trưởng xóm đi tìm nguyên nhân

Trước năm 2000, những gia đình ở xóm 1 không hề biết đến nguyên nhân nào dẫn đến chuyện con cái họ bị bệnh. Khi bà con đang hoang mang thì ông Võ Trung Việt, khi ấy là trưởng xóm tình cờ nghe được thông tin trên Đài Truyền hình Việt Nam nói về tác hại của thuốc 666 và DDT. Ông Việt mới sực tỉnh, hóa ra cả xóm mình đang sống trên kho thuốc độc.

Trong số 100 hộ dân thì có 6 nhà sống trực tiếp trên nền kho thuốc. Mỗi khi trời mưa là mùi thuốc 666 bay khắp xóm. Nguy hiểm hơn là giếng khơi (nguồn nước ăn và sinh hoạt) của gia đình cũng đầy mùi thuốc 666. Ông Việt đưa ra nhận định: Có thể những căn bệnh mà cả xóm ông đang mắc phải là do ăn và ngửi phải thuốc sâu. Ông đã đến từng gia đình để ghi triệu chứng bệnh của từng người. Ông tổng kết được các triệu chứng bệnh mà mọi người thường mắc giống nhau như đau khớp, đau đầu, trẻ con phát triển không bình thường...

Từ năm 1980 đến nay, cả xóm có 17 người chết vì bệnh ung thư, trong đó phần lớn là người trẻ. Ngay trong năm 2000, ông đã nhiều lần làm đơn gửi lên xã, lên huyện để phản ánh về tình trạng này. Tuy nhiên, khi ấy các cơ quan chức năng đều bỏ “ngoài tai”. --PageBreak--

Chúng tôi ngồi tiếp chuyện ông Việt được một lúc, tự dưng thấy đầu óc bị choáng váng. Ông Việt liền bảo: “Chúng tôi ngửi quen rồi, chứ người lạ như các anh đến nhà chơi, ai ngồi được một lúc cũng thấy đau đầu”. Nói chưa dứt câu ông liền dẫn chúng tôi ra nền kho thuốc sâu phía sau nhà. Ông vừa bới nhẹ cái rãnh nước cạnh bờ rào đã nhìn thấy thuốc 666.

Ông Việt càng đào sâu thì lượng thuốc càng thấy nhiều. Cầm một ít thuốc trên tay, ông bức xúc nói: “Sự thực là đây mà tui nói họ vẫn nỏ tin. Những hôm trời mưa mùi thuốc bốc lên nồng nặc, chẳng ai ngửi được”. Chưa đầy 5 phút sau, bà con xóm 1 đã vây kín lấy chúng tôi.

Anh Võ Văn Trung bế đứa con nhỏ đẩy về phía chúng tôi nói: “Các anh nhìn đi. Đứa con 4 tuổi của tôi mà vẫn phải bế đây này”. Cũng may mà từ ngày ông Việt báo cho mọi người biết tác hại của thuốc 666, nên họ mới không vào lấy thuốc đi bón rau, bón lúa nữa. Tuy nhiên, bệnh tật vẫn đang hằng ngày, hằng giờ hành hạ, rình rập cái xóm nghèo này.

Không thể dửng dưng trước nỗi đau của gia đình mình cũng như của bà con làng xóm. Suốt 6 năm qua, ông Việt không quản ngại đường xa, điều kiện kinh tế eo hẹp, mang đơn “kêu cứu” gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.

Ông Việt tâm sự: “Tui chỉ mong họ về tìm hiểu cho rõ nguồn cơn. Chứ cứ để tình trạng này kéo dài thì khổ lắm. Nhiều gia đình sợ con mình bị nhiễm bệnh đã phải gửi con đến ở nhà người quen ở nơi khác. Thanh niên bỏ xứ đi làm ăn. Ai cũng muốn đi khỏi cái xóm 1 này càng xa càng tốt. Chứ ở đây sống mòn, sống mỏi thì nguy lắm”.

Chính quyền đã vào cuộc, nhưng vẫn chưa xong

Rất may là lời kêu cứu khẩn cấp của ông Việt cuối cùng đã có hồi âm. Năm 2005-2006, đã có 7 đoàn nghiên cứu về đây lấy mẫu đất trên nền kho thuốc BVTV.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An thì môi trường ở xóm 1 bị ô nhiễm nặng do hóa chất. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1966 đến 1982, xóm 1 bệnh viện (xóm 1) và làng Lọ (xóm 2) là nơi đặt trụ sở của 3 bệnh viện: Bệnh viện Lao, bệnh viện dã chiến và bệnh viện Hữu nghị Nghĩa Đàn.

Sau 18 năm đóng trên địa bàn, 3 bệnh viện này có 5 điểm dự trữ thuốc BVTV phân bố trong phạm vi chiều dài 600m, chiều rộng 250m đều thuộc vùng dân cư sống xen kẽ. Khi các bệnh viện chuyển đi cũng là thời điểm các kho dự trữ bị sập, dột nát, thuốc BVTV tồn trong các kho bị bục vỡ trộn lẫn vào trong đất và nguồn nước. Một số kho có lượng thuốc BVTV lớn được dân ở đây chôn vùi xuống 2 giếng nước.

Hiện tại một số vùng đất là nền móng của kho và các khu vực xung quanh các kho vẫn còn có những cục màu trắng có mùi DDT nồng nặc. Kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy tồn dư thuốc BVTV trong đất, bùn và nguồn nước tại Nghĩa Trung đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép 443 đến 20.500 lần, nay đã phát tán rộng trên 100.000m2. 

Do địa hình của xóm 1, xóm 2 có độ dốc lớn, khi trời mưa các dòng chảy từ các nguồn đều chảy tràn qua các kho và nhà ở của dân rồi đổ về các con mương sát đường đi của xóm.

Trong quá trình san lấp các nền kho, nhiều người dân đã lấy đất ở đây để đắp đường giao thông xóm. Đây là nguy cơ làm cho thuốc và đất bị nhiễm thuốc BVTV có điều kiện lan tỏa, phát tán ra diện rộng hơn, thậm chí thuốc DDT còn lẫn trong đất canh tác trong vườn của nhiều gia đình.

Đến nay đã có nhiều bộ, ngành về kiểm tra và nhiều biện pháp được đưa ra như cấp nước sạch, di dân tái định cư cho các hộ sống trên nền các kho hoặc cạnh kho thuốc, xử lý lượng thuốc tồn dư và cấp nước sạch cho những gia đình sống ở khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn nằm trên giấy. Trong một cuộc họp gần đây, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An hứa sẽ di dời những hộ dân sống trên nền các kho thuốc BVTV đến nơi ở mới, nhưng đến nay những hộ dân này vẫn phải tiếp tục sống trong nỗi lo bệnh tật.

Hiện tại có 202 hộ dân, trong đó có 98 hộ gia đình sống trên các vùng kho hoặc cạnh kho trước đây (vùng đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng). Họ mong muốn chính quyền tỉnh Nghệ An sớm giải quyết nước sinh hoạt và những hộ sống trên nền kho sớm được di chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm. Thiết nghĩ đây cũng là nguyện vọng chính đáng của những người dân ở xóm 1 và 2

Thuần Việt
.
.