Vải thiều “vượt vũ môn”
- Chuẩn bị ba kịch bản xuất khẩu và tiêu thụ vải thiều
- Central Group Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 350 tấn vải thiều Lục Ngạn
- 500 tấn vải thiều Lục Ngạn có mặt tại chuỗi bán lẻ Saigon Co.op
Về xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn tìm hiểu những vườn vải lần đầu tiên được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - thị trường khắt khe hàng đầu thế giới, mới thấy được hành trình vất vả của người dân để đưa quả vải “vượt vũ môn” chinh phục thị trường ngoài nước.
Anh Hoàng Ngọc Thanh chăm sóc vườn vải trồng theo kỹ thuật GlobalGAP xuất khẩu Nhật Bản. |
Tiểu vùng khí hậu của vải thiều
“Vùng đất Lục Ngạn chúng tôi có 3 loại vải, trong đó vải U Hồng (hay còn gọi là vải U Đường) và Thanh Hà thu hoạch sớm từ đầu tháng 5. Sang tháng 6, những vườn vải thiều chính vụ đồng loạt chín, từng chùm vải căng mọng trĩu cành, những quả vải tròn nhỏ, sần gai, dày cùi và ngọn lịm. Để thu hoạch 3 loại vải này, bà con xã tôi tất bật suốt 2 tháng, đến tận cuối tháng 7 thì đường làng mới vắng bóng những xe chở vải ngược xuôi” - ông Trình Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dương trên đường dẫn chúng tôi đến thôn Lâm hào hứng kể về nhịp điệu ngày mùa nơi đây.
Năm nay bà con Nam Dương được mùa vải, ước tính 470ha vải của cả xã sẽ thu về 1.800 tấn vải các loại. Đặc biệt năm nay nhiều bà con trồng vải Nam Dương và các xã khác như Quý Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn được chọn để áp dụng mô hình trồng vải GlobalGAP xuất khẩu Nhật Bản. Có không ít những lạ lẫm, hồi hộp và hào hứng trước mô hình mới này.
Giữa trưa, cái nắng chang chang và tiếng ve kêu ran cả một vùng đồi như đang nung cho quả vải chín dần, chúng tôi theo chân bác Trần Minh Phóng - trưởng thôn Lâm và anh Hoàng Ngọc Thanh - người dân trồng vải lên đồi Hố Léc thăm vùng trồng vải xuất khẩu. Con đường dẫn lên đồi vừa hẹp, vừa quanh co và càng lên cao càng dốc.
Bác Phóng bảo tôi, ngày trước lên đồi chăm cây vải vất vả lắm vì là đường đất, mùa mưa thì trơn như đổ mỡ, mùa khô thì bụi bốc mù mịt, leo lên đến đồi vải là thở không ra hơi. Con đường mới đổ bê tông nhẵn lì này là do những hộ trồng vải trên đồi này góp công góp của vào làm cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. “Giờ thì đi lại sướng cái chân rồi, đến mùa vải thì nườm nượp xe máy, ô tô vào chở quả, mới thấy quyết tâm làm đường là đúng đắn”, bác Phóng nheo mắt cười.
Bác Trần Minh Phóng - trưởng thôn Lâm, xã Nam Dương và anh Thanh trên đồi vải xuất khẩu Nhật Bản. |
Càng lên gần ngọn đồi, không khí càng mát mẻ. Anh Thanh giải thích rằng nơi đây được coi là một vùng tiểu khí hậu hoàn toàn khác do địa hình cao, nhiệt độ giảm 3-4 độ C so với các khu vực khác của xã, không khí thoáng sạch, nguồn nước ngầm dồi dào, rất thích hợp để trồng vải. Quả vải trên đồi Hố Léc cho quả to đều, mọng nước và ngọt. Cũng bởi thế nên tất cả diện tích trồng vải xuất khẩu của 12 hộ dân xã Nam Dương đều ở trên đồi này.
Bác Phóng khoe với tôi rằng bác và hai người con đang gấp rút chăm sóc tổng cộng 4ha vải của gia đình. Còn anh Thanh có 1,4ha vải, nhận trách nhiệm là trưởng một mã vùng trồng vải xuất khẩu được Nhật Bản đặt hàng.
Khắt khe trồng vải xuất khẩu
Chúng tôi dừng chân trong vùng vải bạt ngàn. Anh Thanh - người đàn ông dân tộc Tày với gương mặt hiền khô và nụ cười tươi say sưa kể về trải nghiệm mới mẻ khi trồng vải theo kĩ thuật mới. Anh bảo, mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Không những thế trong quá trình trồng vải còn phải đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường. Bởi vậy mà theo anh Thanh thì năm nay chăm cây vải vất hơn rất nhiều so với trước kia.
Trồng vải, nghe thì có vẻ nhàn, tưởng chỉ đợi cây vải ra hoa đậu quả, đến mùa vụ là thu hoạch đem bán. Nhưng thực tế, để đến được thị trường Nhật Bản, quả vải Nam Dương phải trải qua một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt từ khâu tỉa cành tạo tán, chăm bón, thu hoạch và vận chuyển. Khu trồng vải này đã được đánh mã, theo dõi, ghi chép vào hồ sơ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu. Hai vợ chồng anh Thanh chăm sóc 1,4 ha vải mà không lúc nào ngơi việc.
Sau vụ thu hoạch 2019, anh phải dồn sức chăm cây, canh cho vườn vải ra đủ 3 lứa lộc. Đến tầm giữa tháng 10 âm lịch bắt đầu khứa cành, hãm cây để vải ra hoa. 2 tháng đó là khoảng thời gian phải bỏ nhiều công sức để chăm sóc vải ở chế độ đặc biệt. Giữa tháng Chạp, vải có hiện tượng ra hoa, chỉ cần nhìn những búp vải nhú ra khoảng một đốt ngón tay là chủ vườn đã biết vườn vải vụ này có sai hoa hay không. Sau tết, khi cả vườn vải trổ hoa trắng xóa thì anh Thanh ngày nào cũng lên đồi để chăm hoa.
Khắt khe nhất có lẽ là khâu phun thuốc trừ sâu cho vườn vải luôn được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang giám sát khắt khe về thời gian phun, quy trình phun, danh mục thuốc và thời gian cách ly để không còn dư lượng thuốc trừ sâu khi thu hoạch. Khi phun thuốc, người dân phải mặc áo mưa, đi ủng, găng tay, đeo khẩu trang, hình thành thói quen lao động an toàn.
Cán bộ kĩ thuật trồng trọt (bên phải) hướng dẫn anh Thanh cắt tỉa quả vải lép chuẩn bị cho vụ thu hoạch. |
Thay vì phun thuốc diệt cỏ cho vườn vải như trước kia, giờ đây chủ vườn chỉ được dùng máy phát cỏ chuyên dụng, lưỡi cắt cỏ bằng dây cước để an toàn cho người lao động. Suốt từ đầu lứa vải đặc biệt này, cán bộ kĩ thuật của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Phát triển khoa học và công nghệ Toàn Cầu gần như “nằm vùng” ở vườn vải để hướng dẫn các hộ trồng vải chăm cây. Quả lép, quả kẹ được cắt tỉa loại bỏ thường xuyên, đảm bảo tiêu chuẩn 25-30 quả/kg, độ ngọt đạt trên 18 độ brix. Trước khi thu hái, vải được lấy mẫu xét nghiệm tới 5 lần.
Cả đồi vải sạch tinh không một mẩu rác thải. Sau những gốc vải, loạt soạt đám thằn lằn, sóc cuống quýt chạy trốn khi bị bước chân của chúng tôi đánh động. Bác Phóng bảo, vườn vải sạch còn phải đảm bảo phúc lợi động vật. Người dân cũng không được phép nuôi gia súc, gia cầm trên đồi vải để đảm bảo vệ sinh. Nếu có dựng nhà trên đồi để tiện chăm sóc vải thì các hộ cũng phải bảm đảm các tiêu chí về môi trường.
Khi quả vải ngả màu vàng cũng là lúc cả đồi vải được khoác những bộ áo lưới dựng chắc chắn để bảo vệ quả vải một cách tự nhiên khỏi côn trùng. Không những thế, an ninh vườn vải rất tốt, cả đồi vải sai trĩu nhưng không bao giờ phải canh chừng người hái trộm.
Ước mong quả vải đi xa
Anh Thanh kể với tôi rằng, anh gắn bó với cây vải từ khi còn là anh thanh niên say mê trồng trọt. Nhưng chưa có lứa vải nào lại căng thẳng, hồi hộp như lứa vải áp dụng kĩ thuật GlobalGAP năm nay. Bởi với anh đây là một bước thử nghiệm kĩ thuật trồng vải hoàn toàn mới, vất vả, kì công hơn nhưng cũng thu về nhiều kinh nghiệm.
Những ngày dịch bệnh COVID-19 lan rộng, phải thực hiện cách ly xã hội, bà con trồng vải phấp phỏng lo âu. Riêng 12 hộ trồng vải xuất khẩu còn lo hơn vì đây là năm đầu tiên phía Nhật Bản đặt hàng. Việc giám sát, hướng dẫn kỹ thuật trồng vải cũng phải diễn từ xa qua điện thoại.
Đến bây giờ thì nỗi lo đã dần tan đi, khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các thương nhân Trung Quốc và đoàn chuyên gia giám sát thu hoạch, xử lý vải thiều xuất khẩu của Nhật Bản đã đến Việt Nam để thu mua vải. Chỉ vài ngày nữa thôi, sau khi hết thời gian cách ly theo quy định, đồi vải đón khách quốc tế.
Lục Ngạn, Bắc Giang mùa vải chín. |
Hiện tại, cả đồi vải đang trong đợt thu hoạch vải sớm U Hồng và Thanh Hà. Người dân Nam Dương phấn khởi vì năm nay vải được mùa, quả to đều, mã đẹp. Giá bán đầu mùa dao động từ 20-40 nghìn/kg. Hộ nào cũng bận túi bụi, phải thuê người trẩy vải, nhà ít thì thuê 1-2 nhân công, nhà nhiều thuê tới 7-8 nhân công.
Với chủ trương tạo thị trường tiêu thụ đa dạng, thông thoáng linh hoạt của tỉnh, vải của người dân được tiêu thụ nội địa, xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ và lần đầu tiên được xuất sang Nhật Bản.
Vào mùa vải, cả nhà anh Thanh như chạy đua với thời gian, bữa cơm, giấc ngủ cũng theo nhịp vụ mùa. Từ 3 giờ sáng, nhà nhà trở dậy hái vải để kịp giao vải vào buổi sáng sớm. Cả đồi vải lấp lóa ánh đèn pin, tiếng cười nói của bà con đi bẻ vải râm ran giữa trời đêm.
Năm nay, theo tiêu chuẩn GlobalGAP, người dân sẽ phải trải bạt sạch dưới gốc để trẩy vải, hái đến đâu sẽ vận chuyển đến nơi tập kết để sơ chế, phun khử trùng quả vải, đóng gói. Năm đầu tiên tiệm cận với công nghệ trồng vải kỹ thuật cao, anh Thanh và bà con Nam Dương hy vọng quả vải quê hương sẽ chinh phục được thị trường Nhật Bản khó tính. Nếu như vượt qua được “cửa ải” này, quả vải nhỏ bé sẽ “vượt vũ môn” để dễ dàng lọt vào các thị trường khác trên thế giới.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Thanh, ngôi nhà 2 tầng đang được xây dựng giữa vườn vải trĩu trịt quả. “Năm nay tôi dự kiến thu hoạch được từ 13-15 tấn vải, thu khoảng 230-250 triệu” - anh Thanh không giấu nổi niềm vui khoe với chúng tôi.
Vườn vải bao năm qua giúp vợ chồng anh nuôi 4 người con ăn học và tích cóp đủ tiền để xây nhà. Anh kỳ vọng nhiều vào người con thứ hai đang học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cũng đam mê với đất với vườn, với cây vải đặc sản của quê hương. Rồi mai đây, các con sẽ thay anh chăm sóc vườn vải, áp dụng những kĩ thuật tiên tiến mà con học được để đưa cây vải đi xa hơn nữa.
Sáng 6-6, tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 được tổ chức với điểm cầu chính tại Bắc Giang cùng các điểm cầu tại các tỉnh thành trên toàn quốc, kết nối với 4 điểm cầu tại Trung Quốc gồm TP Nam Ninh, Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây); TP Côn Minh, huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam). Cùng với đó, sàn giao dịch vải thiều Bắc Giang trực tuyến lần đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức ra mắt, được coi là mô hình mẫu để Việt Nam có những sàn giao dịch trực tuyến nông sản tại các địa phương khác. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều của tỉnh Bắc Giang đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Năm 2020, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 160 nghìn tấn (tăng khoảng 10 nghìn tấn so với năm 2019). Trong đó, vải chín sớm khoảng 6 nghìn ha, sản lượng ước 45 nghìn tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 115 nghìn tấn. Trong số vải thu hoạch được, 80.000 tấn sẽ tiêu thụ nội địa, 80.000 tấn còn lại sẽ để xuất khẩu bằng các hình thức truyền thống và trực tuyến. |