Vận động đầu thú và những câu chuyện cảm động

Thứ Tư, 12/04/2017, 09:45
Bên cạnh công tác điều tra truy bắt những đối tượng phạm tội cộm cán, công tác vận động để các đối tượng truy nã đầu thú luôn được lực lượng cảnh sát truy nã coi trọng. Thời gian vừa qua, các cán bộ trinh sát phòng Cảnh sát truy nã tội phạm PC52 Công an TP Hà Nội đã liên tiếp vận động được nhiều đối tượng truy nã đặc biệt, nguy hiểm về quy án.


Phút sám hối của kẻ hiếp dâm trẻ em

Trung úy Nguyễn Tài Hải, cán bộ Đội truy bắt 2 Phòng PC52 nhớ lại, đầu năm 2015, Hải được giao nhiệm vụ truy bắt đối tượng Trương Văn Biên (SN 1988, trú tại Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội). Biên là đối tượng truy nã nguy hiểm từ năm 2005. Lực lượng truy nã đã nhiều lần tổ chức trinh sát, theo sát những mối quan hệ của Biên, song hành tung của đối tượng vẫn vô cùng bí ẩn.

Được biết, một buổi sáng mùa hè tháng 7-2005, Biên sang nhà người hàng xóm chơi. Không thấy ai ở nhà, ngoài một cô bé 9 tuổi đang thơ thẩn. Thú tính nổi lên, Biên đã dụ dỗ cô bé cho “yêu”. Khi đang hành sự thì người nhà của cô bé về, Biên sợ quá vội bỏ trốn. Suốt hơn chục năm trời đằng đẵng, Biên chưa một lần dám bén mảng về quê.

Sau khi được cán bộ PC52 Hà Nội vận động, Biên đã tự nguyện viết đơn xin đầu thú.

Tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, cán bộ trinh sát Đội 2 phát hiện sau khi gây án, Biên đã trốn vào một số tỉnh thành phía Nam. Biên lấy tên giả, gần như cắt đứt liên lạc với gia đình. Đặc biệt, có thời gian Biên còn trốn vào làm tại một số rẫy cà phê ở Tây Nguyên. Để tìm ra đối tượng ở vùng đất rộng lớn này thực sự không hề dễ dàng. Khoảng những năm 2011, Biên đã xuất hiện tại Bình Dương, TP HCM hành nghề nhôm kính. Và có lẽ, do ám ảnh bởi tội lỗi trong quá khứ mà cho tới thời điểm này Biên vẫn chưa lập gia đình.

Qua quá trình tìm hiểu hoàn cảnh của đối tượng, Trung úy Hải được biết thông tin Biên rất nhớ gia đình, muốn trở lại quê hương làm ăn song chưa dám. Lý do lớn nhất khiến Biên trốn biệt tích là do sợ nếu bị bắt thì sẽ phải “tù mọt gông”.

Xuất phát từ cái tâm, trách nhiệm của một cán bộ công an, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo PC52, Hải quyết tâm tổ chức vận động để đối tượng tự nguyện ra đầu thú.

Lần đầu tiên có mặt tại gia đình đối tượng, bố mẹ Biên đều rất “cảnh giác”, không tiết lộ một chút thông tin nào về đối tượng. Bằng sự kiên trì, Hải thường xuyên qua lại vận động thuyết phục gia đình đối tượng. Hải phân tích rằng tương lai của Biên còn rất dài, nếu ra đầu thú sẽ được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đồng thời xét về khía cạnh pháp luật, vì Biên gây án trong độ tuổi vị thành niên nên sẽ không bị “tù mọt gông” như là suy nghĩ của đối tượng và gia đình.

Phải đến lần thứ 6 đến nhà, bố mẹ Biên mới tiết lộ rằng gần đây đối tượng có liên hệ về gia đình. Gia đình cũng đã trao đổi để Biên có thể hiểu và nhận thức được rõ về hành vi của mình. Về phía bị hại, được biết cô bé từng bị Biên xâm hại nay cũng đã lập gia đình có cuộc sống ổn định. Gia đình họ không muốn truy cứu lại chuyện cũ nữa.

Ráp nối lại các thông tin, nhân chuyến công tác vào TP HCM cuối năm 2016, tổ công tác của Đội 2 PC52 đã liên hệ với Biên để vận động đối tượng. Nghe trinh sát phân tích về hành vi, Biên ứa nước mắt và hứa sẽ có mặt sớm nhất để quy án.

Được sự phối hợp giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ chiến sỹ Đội 3 PC52 Công an TP HCM, ngày 6-11-2016 Biên đã có mặt tại Cơ quan công an để đầu thú. Biên sau đó đã được di lý ra Hà Nội để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.

Vận động “nữ tu” về quy án

Trung tá Trần Nhật Tân, Đội trưởng Đội 2 PC52 cho chúng tôi biết, tháng 2-2017 vừa qua Đội đã tiếp nhận đối tượng T.T.D (30 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) về quy án. Khi đó, D. đang là một nữ tu tại một ngôi chùa ở Hà Nội.

Trung tá Trần Nhật Tân dẫn giải một đối tượng truy nã (dấu X).

D. vốn là một cô gái có nhan sắc, sinh ra trong một gia đình có hai chị em. Bố đẻ mất sớm, D. có một người bố nuôi là ông Trần Minh Thịnh (SN 1963, cùng trú tại Thường Tín) .

Từ năm 2010, D. được ông bố nuôi rủ tham gia đường dây chạy việc với ông ta. Cả hai thống nhất bịa ông Thịnh là cán bộ y tế của UBND Hà Nội, có nhiều mối quan hệ nên có thể xin được vào ngành y. Từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, từ năm 2010-2013, Thịnh cùng D. nhận tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng và hứa hẹn xin việc cho 8 người vào biên chế trong các bệnh viện lớn và trường học. Riêng đối tượng Thịnh còn trực tiếp cầm của 3 người khác số tiền 210 triệu đồng chạy việc vào sở giao thông công chính và ngân hàng. Chồng của D. không hay biết hành vi phạm tội của vợ. Khi các bị hại đến nhà đòi tiền, anh này mới biết tin vợ cùng bố nuôi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người cùng quê.

Vụ việc vỡ lở, Thịnh và D. đã bị TAND TP Hà Nội tuyên tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do đang nuôi con nhỏ nên D. được hoãn thi hành án. Cho đến khi hết thời hạn hoãn thi hành án, D. đã biến mất. Cơ quan thi hành án đã ra lệnh truy nã đặc biệt đối với cô ta.

Tổ chức trinh sát, cán bộ Đội 2 được người thân của D. cho biết, sau vụ án trên D. và gia đình đã rất tích cực khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, D. chỉ có vai trò giúp sức cho ông bố nuôi, và được trả công chưa đến 10 triệu đồng. Hiện mẹ đẻ của đối tượng đang bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình D. cũng đang mở một quán bán cơm chay tại một bệnh viện lớn của Hà Nội.

Đầu năm 2016, cán bộ trinh sát Đội 2 đã nhiều lần tiếp cận gia đình của D., phân tích cho họ biết về điều hơn lẽ thiệt khi tự nguyện quy án. Rằng cô ta không thể trốn tránh pháp luật mãi được. D. nên nghĩ đến tương lai của những đứa con... Bên cạnh đó, đối tượng cũng có nhân thân tốt, lại phạm tội là do quá tin tưởng vào ông bố nuôi... Từ đó, gia đình sẽ thuyết phục đối tượng ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng.

Và cho đến ngày 7-2-2017, vị “nữ tu” này đã có mặt tại Cơ quan công an để đầu thú.

Vận động bị can ma túy

Cũng theo trung tá Tân, một trong số những đối tượng khó vận động thuyết phục nhất là bị can ma túy. Các đối tượng thường manh động, liều lĩnh và không phải là kẻ ưa nhời. Nhưng cuối năm 2016, bằng sự kiên trì quả cảm, cán bộ chiến sỹ Đội 2 PC52 đã thuyết phục thành công một trường hợp. Anh ta là Nguyễn Văn Sơn (SN 1977, trú tại An Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nội).

Khoảng năm 2015, Sơn (vốn là một con nghiện) đã tham gia một đường dây buôn bán vận chuyển ma túy. Khi Cơ quan công an tổ chức chặn bắt, Sơn đã nhanh chân bỏ trốn. Đối tượng bị lệnh truy nã đặc biệt của PC47 Công an TP Hà Nội.

Đối tượng Nguyễn Văn Sơn.

Tiến hành trinh sát, cán bộ Đội 2 được biết Sơn có bố từng công tác ở UBND xã (nhưng đã mất). Các anh em trong gia đình cũng đang có công việc ổn định. Vì Sơn nghiện ma túy nên người vợ đầu đã từ bỏ cuộc hôn nhân với anh ta.

Bỏ trốn khỏi Hà Nội, Sơn lang thang khắp nơi với đám “bạn giang hồ”. Khi thì sống lang thang ở chợ Đồng Xuân, khi thì lại “dạt” vào tận Bình Dương, TP HCM... Thời gian gần đây, Sơn bất ngờ quay trở về quê, lấy một phụ nữ cũng từng qua một lần đò. Ngạc nhiên hơn, Sơn và chị này đã đến tận UBND xã để làm giấy đăng ký kết hôn. Và khi sống với người phụ nữ này, Sơn thậm chí còn có những biểu hiện cai nghiện được ma túy.

Xét thấy đối tượng là người có thể khuyên bảo để quay trở về con đường lương thiện, cán bộ trinh sát đội 2 đã nhiều lần có mặt tại gia đình Sơn, trò chuyện với vợ của Sơn. Khi biết tin Sơn có cậu con trai, anh em trinh sát đến chúc mừng và lựa lời thuyết phục Sơn tự nguyện đầu thú. Rằng hãy vì những đứa con, vì tương lai dài rộng trước mắt mà suy nghĩ lại.

Các trinh sát dẫn giải, trao trả một đối tượng truy nã nguy hiểm (dấu X).

Nếu Sơn quy án sớm ngày nào, thì anh ta sẽ được trở về giúp vợ, chăm con sớm ngày ấy... Khi Sơn được vợ kể lại những lời chí tình ấy của cán bộ, thì anh ta đã khóc nấc lên mà rằng: “Ừ, anh sẽ nhanh chóng về”. Ngày 7-12-2016, Sơn đã có mặt tại Cơ quan công an đầu thú.

Theo Trung tá Trần Nhật Tân, trong số hàng ngàn đối tượng đang bị truy nã thì có không ít đối tượng chưa nhận thức được bản chất của hành vi phạm tội của mình. Đối tượng chỉ biết rằng đang bị truy nã thì phải trốn thật sâu, thật kỹ. Nếu theo đúng pháp luật hình sự thì đối tượng sẽ phải trả giá cho hành vi của họ trong một thời gian nhất định. Về phía gia đình của đối tượng, cũng có nhiều người do thiếu hiểu biết pháp luật, do hoàn cảnh éo le mà không dám khuyên con em ra đầu thú.

Lãnh đạo Công an TP và Phòng PC52 luôn quán triệt nhiệm vụ vận động rồi mới đến truy bắt. Làm tốt công tác vận động sẽ giảm bớt sức người, sức của đối với lực lượng làm công tác đấu tranh truy nã tội phạm. Bên cạnh đó, công tác này không những giúp cho người dân hiểu được chính sách của pháp luật mà còn bớt đi những nguy hiểm không đáng có cho lực lượng.

Chỉ huy Đội 2 cũng khuyến cáo các gia đình khi biết con em có lệnh truy nã thì nên khuyên bảo, thuyết phục ra đầu thú. Vì trước sau những hành vi phạm pháp sẽ phải trả giá. Và khi tự nguyện đầu thú sẽ được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Năm 2015 và 2016, mỗi năm cán bộ chiến sỹ Đội 2 PC52 đều bắt và vận động được trên 30 đối tượng truy nã ra đầu thú. Đặc biệt qua công tác trinh sát địa bàn, cuối tháng 2-2017 trinh sát Đội 2 phát hiện hai đối tượng người Trung Quốc không giấy tờ đang lẩn trốn tại Việt Nam.

Qua các biện pháp nghiệp vụ và công tác vận động, đối tượng Vương Quốc Lương (SN 1971) và Vương Văn Sinh (SN 1967, cùng trú tại Sơn Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc) - là hai đối tượng đang bị công an Trung Quốc truy nã - đã đến PC52 đầu thú. Các đối tượng đã được trao trả cho công an nước bạn tại cửa khẩu Nội Bài.

Yên Chi
.
.