Vất vả chạy thận giữa tâm dịch

Thứ Ba, 09/03/2021, 13:37
Cả Tết không được về nhà vì ở giữa tâm dịch, rồi liên tiếp Hải Dương phải cách ly xã hội khiến thời gian trị bệnh kéo dài hơn nhưng những bệnh nhân chạy thận ở Trung tâm y tế huyện Ninh Giang (Hải Dương) vẫn có những tháng ngày khó quên bởi tình yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng cơn bão COVID-19 tràn qua lại kéo họ gần nhau hơn...


Nỗi buồn xa quê

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Xuân Minh ăn tết xa nhà. Đã 4 năm nay, ông lặn lội bắt xe khách từ Thái Bình sang Hải Dương chạy thận. 73 tuổi, đã trải qua mọi buồn vui, cay đắng của cuộc đời nhưng cái tết năm nay ông vẫn thấy chạnh lòng. Vừa mang trọng bệnh trong người, vừa mặc cảm về hoàn cảnh khó khăn, tết lại không được về nhà với gia đình, vợ con và các cháu, cảm xúc nao lòng trong ông khó tả lắm.

Thông thường, sau mỗi lần chạy thận, ông Minh chỉ muốn nhanh chóng về nhà để được con cháu động viên, chăm sóc thì giờ đây, ông Minh chỉ có thể nhìn vợ con của mình qua màn hình chiếc điện thoại. Bệnh tật, ốm đau thế nhưng năm nào ở nhà ông cũng gói bánh chưng cho có không khí tết. Những lúc ấy, các cháu của ông lại quay quần, ríu rít xung quanh, vui lắm.

Bác sĩ Quách Xuân Loan (bên trái) thăm hỏi, động viên bệnh nhân.

Giờ đây, tại trung tâm y tế, tuy thiếu vắng hơi ấm gia đình, bù lại ông Minh nhận được sự yêu thương, đùm bọc của nhiều bệnh nhân khác cũng như các y, bác sĩ nơi đây. Họ coi ông như cha chú trong nhà, hỏi thăm ông sức khỏe hằng ngày thế nào, có ăn uống được hay không. Có đồ ăn ngon, ấm nước chè thơm mát, mọi người cũng í ới mời mọc gọi nhau. Những lúc ấy, ông thấy cuộc sống ấm áp biết chừng nào.

Đâu chỉ riêng ông Minh mới phải ăn tết xa nhà. Ở Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang còn nhiều bệnh nhân cũng hoàn cảnh ấy. Với anh Nguyễn Hữu Sơn, tết năm nay đặc biệt hơn hẳn. 10 năm gắn liền với chạy thận, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, anh đã quen với cuộc sống một mình chẳng có người thân bên cạnh. Những lần từ Hải Phòng sang Hải Dương chạy thận kéo dài cả tháng trời, một mình anh xách ba lô đi. Hành trang chỉ là vài bộ quần áo, ít tiền lẻ để trang trải tiền ăn uống, nhà trọ. Cũng có năm phải chạy thận xuyên tết nên năm nay không được về nhà, anh Sơn cũng không còn chạnh lòng như những năm trước nữa. Thậm chí anh còn thấy ấm áp, hạnh phúc hơn bởi ở đây, anh và các bệnh nhân được các bác sĩ, y tá chăm lo tận tình cả về nơi ăn chốn ở.

Ăn đã có những suất cơm vừa ngon, vừa rẻ ở căng tin của trung tâm. Tắm giặt thì được bố trí phòng tắm sạch sẽ, đầy đủ nóng lạnh tại trường học gần đó. Tết không được đi đến đâu, mấy anh em, chú cháu lại ngồi tán gẫu, rồi tập thể dục nhẹ nhàng, nâng cao sức khỏe. Thỉnh thoảng các bác sĩ, y tá lại xuống tận nơi hỏi thăm, động viên, trò chuyện, ngày dài qua nhanh, chẳng mấy chốc mà hết thời kì giãn cách xã hội. Tuy không được đầy đủ như đón tết ở nhà nhưng với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như anh, thế là mãn nguyện lắm rồi.

Ước mơ dang dở

23 tuổi, nhìn Đặng Đình Toản già hơn so với cái tuổi của mình bởi khuôn mặt ứ nước sau khi vừa chạy thận xong. Toản may mắn hơn những bệnh nhân ở đây vì nhà em ngay gần trung tâm y tế huyện nên em vẫn được về nhà ăn tết cùng mẹ và chị gái nhưng nhắc đến em, ai cũng thương cảm vì hoàn cảnh bất hạnh. Khi mẹ mang bầu Toản thì bố mẹ chia tay, mẹ đưa chị gái Toản về sống cùng bà ngoại ở huyện Ninh Giang này.

Để kiếm tiền nuôi hai con khôn lớn, khi Toản được 4 tuổi, mẹ Toản gửi hai con lại cho bà ngoại để bươn chải ở vùng Tây Nguyên xa xôi. Từ đó, Toản sống thiếu vắng tình yêu thương bàn tay chăm sóc của mẹ. Tưởng rằng bất hạnh sẽ dần buông tha cho em thì đến năm lớp 9, Toản phát hiện toàn thân xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ kèm theo sốt cao kéo dài. Uống thuốc rồi đi khám ở bệnh viện tỉnh, bệnh tình của em vẫn không thuyên giảm. Chỉ đến khi lên khám ở Hà Nội em mới biết mình bị mắc chứng bệnh Lupus ban đỏ. Và từ đó là những tháng ngày ở viện nhiều hơn ở nhà. Hôm nào khỏe thì tự đi viện một mình, hôm nào yếu phải có người chở đi.

Ông Minh (thứ 2, từ phải sang) được các bác sĩ thăm hỏi, động viên.

Thời gian chạy thận thường kéo dài nên sau mỗi đợt chạy thận, Toản mới được quay trở lại trường học cùng bạn bè. Nhưng rồi những đợt điều trị dài hơn, sức khỏe cũng yếu hơn, Toản có cố gắng đến mấy cũng chỉ học được đến lớp 11 rồi đành ngậm ngùi xin bảo lưu kết quả. Nhiều năm trôi qua, giấc mơ được tốt nghiệp PTTH rồi vào đại học vẫn còn dang dở. Bạn bè bằng trang lứa đều đã ra trường và có việc làm ổn định còn Toản vẫn phải sống dựa vào gia đình. Em bảo, tầm tuổi này rồi, chắc em chẳng thể theo đuổi giấc mơ đến trường được nữa. Chỉ mong sau này khỏe lên, Toản sẽ xin đi học một nghề nào đó để có thể tự kiếm tiền nuôi mình và trả ơn cho mẹ và chị đằng đẵng bao năm vất vả vì mình.

Anh Phạm Văn Công gắn với chạy thận 4 năm, đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng mà chỉ vì nó, anh đã mất tất cả, gia đình con cái. Học hết cấp 2, Công xin ra Hải Phòng làm công nhân. Có bao nhiều tiền lương, Công đều tiết kiệm gửi về quê cho bố mẹ trang trải cuộc sống. Sự hiền lành, chịu khó của chàng thanh niên trẻ nhanh chóng lọt vào mắt xanh của một cô gái xinh đẹp người Hải Phòng. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ đưa nhau về quê để lập nghiệp.

Hằng ngày vợ đi làm công ty, Công ở nhà chăm lo cho trang trại gà của mình. Cuộc sống tuy không dư giả nhiều nhưng hạnh phúc viên mãn cho tới khi anh mắc bệnh suy thận mãn. Chính căn bệnh oái ăm này đã cướp đi tất cả của anh. Bao nhiêu tài sản trong gia đình đều đội nón ra đi sau những lần anh ra vào viện. Sức khỏe yếu, không còn đủ sức lao động và không thể có con, anh chủ động nói lời chia tay vợ để chị tìm được bến đỗ mới của mình. Đứa con duy nhất nay đã 8 tuổi, anh cũng không thể nuôi đành gửi lại cho vợ.

Sau mỗi lần chạy thận, khỏe lên một chút, anh lại sang thăm con cho đỡ nhớ. Ước mong duy nhất của anh lúc này là khỏe lên, để có thể kiếm được một công việc nhẹ nhàng tự nuôi sống được bản thân, chữa bệnh hằng tháng cũng như lo được cho con. Nhưng dường như mơ ước nhỏ nhoi ấy vẫn còn quá xa vời với một bệnh nhân suy thận như anh.

Ân tình người bác sĩ

Đâu chỉ những bệnh nhân chạy thận tỉnh xa mới không thể về nhà ăn tết mà ngay cả những y bác sĩ của Trung tâm Y tế Ninh Giang cả đợt dịch cũng không được về nhà, bởi Ninh Giang cũng được xác định là cơ sở điều trị COVID-19. Khi cơn bão COVID tràn qua, công việc của các bác sĩ của đơn vị Thận nhân tạo thuộc Khoa Hối sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang vất vả hơn hẳn ngày thường. Xác định mức độ nguy hiểm của các bệnh nhân có bệnh nền ở đây nên ngay từ đầu, các bác sĩ đã có sự quan tâm đặc biệt, vừa điều trị tích cực cho bệnh nhân, vừa lo nơi ăn chốn ở cũng như thường xuyên có mặt động viên kịp thời.

Bệnh nhân của Đơn vị thận nhân tạo đều là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng hơn tháng nay, bác sĩ Quách Xuân Loan phụ trách đơn vị cũng không được về thăm nhà, dù nhà anh cách đó chỉ vài chục cây số. Anh ăn tết cùng đồng nghiệp và bệnh nhân tại bệnh viện. Nhớ vợ nhớ con lắm nhưng biết làm sao được khi các bác sĩ như anh cũng phải cách ly hoàn toàn với bên ngoài để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân chạy thận và khu vực nhà anh cũng đang trong diện phong tỏa.

Khi cả Hải Dương là một ổ dịch lớn thì việc đi lại, tiếp xúc của các y bác sĩ càng phải thận trọng, nhất là khi trung tâm y tế huyện cũng là một địa điểm điều trị COVID-19. Những tháng ngày nóng bỏng này vai trò của người bác sĩ quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ điều trị cho bệnh nhân mà họ còn đóng vai là những người thân, những bác sĩ tâm lý để an ủi động viên kịp thời cho những bệnh nhân xa quê, không được về ăn tết.

Cứ hết ca trực, anh Loan lại đến khu trọ của các bệnh nhân chuyện trò, hỏi han. Có lúc là kết quả khám chữa bệnh kèm những lời giải thích tận tình, chi tiết. Có lúc là nhưng câu chuyện đùa vui tếu táo, hay những lời khuyên hữu ích cho sức khỏe để bệnh nhân quên đi mặc cảm của bản thân, quên đi nỗi buồn xa nhà trong những ngày tết đoàn viên. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, anh và các đồng nghiệp lại kêu gọi quyên góp hỗ trợ kinh phí thuê nhà trọ hay sắm sửa những món đồ quen thuộc để bệnh nhân được đón một cái tết cổ truyền đầm ấm, quen thuộc như ở nhà.

Nhớ lại những ngày đi tìm chỗ trọ cho bệnh nhân, nhiều chủ nhà có tâm lý e ngại sợ lây COVID-19, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên đã ra sức thuyết phục và đảm bảo an toàn cho chủ nhà bằng chính uy tín, trách nhiệm của người thầy thuốc. Thậm chí, anh và nhiều người bạn còn tự bỏ tiền ra để trả tiền thuê trọ cho bệnh nhân.

Lương y như từ mẫu, người lao vào tuyến đầu chống dịch, người ở lại bảo vệ cho những bệnh nhân nguy cơ cao. Gắn bó với những bệnh nhân chạy thận nhiều năm nay, nên các bác sĩ ở đây hiểu hết từng hoàn cảnh, từng tính cách bệnh nhân. Bệnh nhân gắn bó với đơn vị lâu nhất cũng trên chục năm, ít nhất cũng 2-3 năm nên giữa bác sĩ và bệnh nhân có nhiều ân tình lắm. Khó có thể nói hết được thành lời nhưng trên cả là xuất phát từ trái tim và khi xuất phát từ trái tim thì mọi hành động, lời nói đều là chân thành.

Hoàng Minh
.
.