Venice – Một lần đến, mong một lần trở lại
Vội vàng đưa hành lý xuống khoang rồi tất cả tranh thủ lên phía mũi hoặc thò đầu qua các ô cửa sổ hai bên mạn thuyền để chụp ảnh. Tất cả đều giương máy bấm lia lịa. Mấy người dường như sợ không đủ còn dùng cả iPad và điện thoại di động để ghi hình.
Thuyền nổ máy và từ từ rời bến. Trước mắt chúng tôi lần lượt hiện ra những con kênh với tàu thuyền xuôi ngược, những dãy nhà cổ, những cây cầu… đều lộng lẫy và trầm mặc. Nếu không có những dòng người đi bộ trên những con đường, đứng ngắm trên những cây cầu thì tôi nghĩ mình đang mơ về một vùng đất nào đó trong tiểu thuyết.
Sau một hồi luồn lách trong các sông, rạch, chui qua các cây cầu, 2 chiếc Gondola đưa chúng tôi ra một eo biển. Và chạy khoảng 15 phút, chừng 3 cây số, chúng tôi đến khách sạn Hilton nằm trên một hòn đảo nhỏ.
Thành phố của tình yêu và những cây cầu
Anh bạn Antoni hướng dẫn viên du lịch, người địa phương, to như hộ pháp vừa đi vừa phải chờ chúng tôi. Một phần anh bách bộ quá quen ở đây mỗi ngày nên đi rất nhanh. Nhưng khổ nỗi còn do nhiều anh chị em trong đoàn chúng tôi trước cảnh đẹp mê hồn của Venice mà vừa đi vừa tranh thủ chụp hình. Chắc phải tới vài chục lần anh đề nghị mọi người hãy đi tham quan, nghe anh giới thiệu để phần nào thấy được sự vĩ đại và vẻ đẹp của Venice. Antoni nói về Venice, quê hương mình với một niềm đầy tự hào và kiêu hãnh…
Venice, theo tiếng địa phương còn gọi là Venezia, bởi có nguồn gốc từ người Veneti cổ sống ở đây vào khoảng thế kỷ X trước Công nguyên. Theo tiếng Latin, Venice có nghĩa là tình yêu. Vì vậy, Venice còn được mệnh danh là thành phố tình yêu. Ngoài ra, Venice còn được biết đến với những cái tên đầy ấn tượng khác như thành phố nổi, thành phố của những cây cầu, thành phố kênh rạch, thành phố của mặt nạ …
Venice nằm ở phía đông bắc Italia, trên bờ biển Adriatique, trong vịnh Venice. Cả thành phố được xây dựng trên 118 hòn đảo trong một vịnh kéo dài 60km, rộng 4km, và được nối với đất liền bằng những công trình nghệ thuật là những cung điện, nhà thờ, quảng trường… với kiến trúc độc đáo. Antoni nói rằng, theo sử sách chép lại, nơi đây xa xưa là những hoang đảo với những rừng thông ngập mặn cao hàng chục mét. Khi người ta xây dựng thành phố, có hàng triệu cây thông được chặt hạ để đóng cọc làm nền móng cho những tòa kiến trúc. Và hiện tại ở nhiều điểm neo đậu tàu thuyền vẫn còn những cọc bằng gỗ thông được đóng hàng trăm năm trước.
Tác giả trước cầu tàu bên khách sạn Hilton. |
Trong lịch sử, Venice là một trung tâm thương mại, nghệ thuật lớn. Đây cũng là quê hương của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Antonio Vivaldi, Giovanni Picchi… Nằm ở điểm giao nhau của các tuyến thương mại hàng hải thế giới giữa một phần Tây Âu rộng lớn và vùng còn lại của thế giới, Venice trong quá khứ từng là một đế chế hàng hải. Và cũng chính nơi đây là một khu vực chuẩn bị cho các cuộc Thập tự chinh, cũng như là một trung tâm thương mại quan trọng của châu Âu thời kỳ Phục hưng.
Xen lẫn 118 đảo trong thành phố có khoảng 200 kênh và 400 cây cầu để vượt qua các kênh đó. Vật liệu xây chủ yếu bằng gỗ, có cả bê tông, sắt thép nhưng đều chung một kiểu kiến trúc truyền thống. Chúng tôi bắt gặp nhiều cây cầu có từ thời cổ xưa và là những công trình kiến trúc quý giá. Antoni cho biết trong đó nổi tiếng nhất là cầu Rialto danh tiếng, được xây từ thế kỷ XVI, nơi dừng chân của các cặp tình nhân. Nhà Vàng Cađơro, dinh thự đẹp nhất Venice được xây bằng đá hoa cương nhiều màu và được trang trí mạ vàng ở mặt tiền.
Kênh lớn với tên gọi Canal Grande, mạch giao thông chính dài gần 4 km chia thành phố thành hai phần và có 3 cây cầu vượt qua. Canal Grande là một trong những điểm hấp dẫn du khách và được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới, góp phần quan trọng cùng hệ thống kênh rạch tạo nét riêng cho Venice.
Nơi thu hút và níu chân du khách
Hai ngày đi thuyền rồi đi bộ khám phá thành phố Venice với chúng tôi là thời gian quá ngắn ngủi. Bởi lẽ Venice với một khối lượng khổng lồ những công trình kiến trúc với 120 nhà thờ kiểu Phục hưng, hơn 60 tu viện, hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện cùng những cửa hàng mua sắm dọc những con phố, những khu khách sạn nằm nép mình bên trong những hẻm nhỏ đều tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách tham quan.
Antoni đưa chúng tôi đến Quảng trường Piazza San Marco (Thánh Mark) và Tiểu quảng trường Piazzeta, trung tâm của Venice. Nơi đây lúc nào cũng đông khách du lịch và rất nhiều chim bồ câu, thật khó tìm được không gian trống trải để chụp riêng cho mình mấy kiểu ảnh. Đây là nơi tập trung các công trình quan trọng của Venice như nhà thờ San Marco, tháp Campanile cao 98m, tháp đồng hồ Toore dell'Orologio được xây dựng trong khoảng 1496 – 1499. Đây là một đồng hồ thiên văn học mô tả các chu kỳ mặt trăng, mặt trời và hoàng đạo.
Rồi Điện chấp chính xây vào thế kỷ XIII trong đó còn có cả sáng tác của các họa sĩ có tên tuổi như Veronese (1528 - 1588), Tiziano Vecellio (1490 - 1576) và Tintoretto (1518 - 1594). Sau khi bách bộ trên quảng trường rồi tạt vào các quầy hàng lưu niệm, chúng tôi được dẫn đến tham quan một cơ sở sản xuất gia công đồ thủy tinh nằm cạnh quảng trường lớn. Trong một căn phòng đủ chỗ ngồi cho khoảng 40 người, cạnh một xưởng nhỏ, chúng tôi được giới thiệu về lịch sử của làng nghề truyền thống chuyên sản xuất đồ dùng thủy tinh bằng phương pháp gia công.
Một người thợ bật lò, lấy một bóng đèn tuýp đã hư cho vào lò và anh cắt một đoạn. Dùng ống thổi chấm vào khay thủy tinh nóng chảy và trong vài phút người thợ thổi những giọt thủy tinh kia thành một chiếc lọ hoa khá đẹp trong sự trầm trồ cảm phục của du khách. Sau màn biểu diễn đó, trước khi ra về chúng tôi cùng mấy đoàn khách quốc tế khác được đưa qua phòng trưng bày sản phẩm của công ty bày la liệt sản phẩm rất bắt mắt. Và tôi thấy khá nhiều du khách dừng lại trả một món tiền kha khá cho những sản phẩm ở đây. Ngoài đồ thủy tinh thì túi xách, ví da đa sắc màu cũng là những sản phẩm địa phương khiến nhiều du khách thích thú.
Kênh rạch và những cây cầu ở Venice. |
Rời Quảng trường Piazza San Marco, chúng tôi được ngồi trên chiếc Gondola chèo tay nhẹ nhàng lướt trên mặt nước tĩnh lặng, len qua các con kênh nhỏ, để được tận mắt chiêm ngưỡng và nghe người chèo thuyền nói về những kiến trúc độc đáo của các công trình nằm hai bên bờ kênh. Buổi trưa, chúng tôi dừng ở một nhà hàng Ý.
Dù phải tất bật chạy các bàn vì đông khách nhưng người quản lý của nhà hàng vẫn thỉnh thoảng qua bàn chúng tôi giới thiệu thêm các món ăn đặc sản của người Venice ngoài bánh Pizza, mỳ Ý, rượu vang hầu như khách nào cũng đã biết. Anh còn giới thiệu những nét kiến trúc độc đáo cũng như những vật liệu dùng để xây dựng các công trình dân sinh ở đây thế nào để chịu được nước biển… Cách tiếp chuyện của anh quản lý nhà hàng khiến chúng tôi thêm hào hứng và bữa ăn ngon miệng hơn.
Qua câu chuyện của người quản lý nhà hàng chúng tôi còn biết thêm những điều người ta đang lo ngại về sự trường tồn của Venice. Do vận động của địa chấn, nền của vịnh Venice có xu hướng sụt dần, Venice đang phải đối mặt với nguy cơ giống như “hòn đảo thần thoại Atlantis”.
Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy rằng thành phố có thể bị chìm dưới nước sau một thời gian không quá dài nữa. Biên độ thủy triều lớn. Lũ lụt ngày càng gia tăng mỗi năm và các nhà khoa học lo ngại rằng không biết Venice còn có thể nổi trên mặt nước được bao nhiêu năm nữa. Rồi vấn đề ô nhiễm môi trường gây nên nhiều khó khăn đe dọa đối với di sản văn hóa của thành phố.
Người ta ước tính, mỗi ngày có tới hơn 50 nghìn lượt du khách tới thăm Venice. Mọi vấn đề từ an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… luôn được các nhà tổ chức và cá nhân ở đây đảm bảo tới mức tối đa. Cùng với cảnh đẹp mê hồn của thành phố nổi, việc làm hài lòng với mỗi du khách đến đây chính là bí quyết để Venice ngày càng thu hút nhiều người hơn đến với thành phố.
Sau hai ngày đắm chìm ở thành phố nổi, chúng tôi phải chia tay Venice. Tôi đọc đâu đó rằng Đức vua Byron từng gọi Venice là “Thành phố thần tiên của con tim”. Nơi đây được biết đến bởi những câu chuyện tình yêu cảm động, như là trung tâm của những câu chuyện tình lãng mạn. Venice đã làm điên đảo, thu hút cả tâm trí và cả trái tim của những ai một lần đặt chân đến thăm nơi này. Để rồi khi rời xa, ai ai cũng luôn khát khao được một lần trở lại.
Rời Venice lúc 5 giờ sáng khi trời còn đang tối. Chiếc tàu thủy chạy trên eo biển đưa chúng tôi đến sân bay Venice trong màn sương mờ đục. Venice đang xa dần trong tầm nhìn, nhưng vẻ đẹp của nó thì vẫn mãi trong tâm tưởng của tôi. Tôi mong có thêm một lần được trở lại Venice, thành phố của tình yêu.