Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại
- Tổ chức trọng thể Lễ tang đồng chí Đồng Sỹ Nguyên
- Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên từ trần
Lịch sử ghi nhận, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh chiến trường đã có các quyết sách thông minh, táo bạo để mở những cung đường “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Chính con đường này đã góp phần chiến lược quan trọng để chúng ta chiến thắng kẻ thù, thống nhất non sông.
Từ cậu bé chân trần bên bờ Gianh...
Người dân vùng cát Quảng Bình vẫn thường tự hào nói với nhau rằng: Trong những năm tháng khốc liệt chiến tranh, Quảng Bình có 2 vị tướng mà nhân dân luôn hướng tới với lòng kính trọng và ngưỡng mộ đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Quê hương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nằm hiền hòa bên bờ sông Gianh thơ mộng, dòng nước uốn lượn chảy dài như dải lụa. Mảnh đất anh hùng này là cái nôi cách mạng của Quảng Bình trong những ngày đầu thành lập Đảng.
Ngay sau ngày Đảng ra đời (1930), nhiều người con của Quảng Trung, nhiều đồng chí Đảng viên kiên trung của Đảng như Nguyễn Huyên, Nguyễn Biểu, Nguyễn Hữu Lương, Nguyễn Sỹ Đồng... đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở vùng cát Quảng Bình. Và từ mảnh đất này bao nhiêu người đã gắng học thành tài cống hiến cho quê hương, đất nước.
Người làng Quảng Trung vẫn luôn lấy tấm gương bà Đặng Thị Cấp (sinh năm 1882) mẹ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để noi theo trong việc thu xếp việc nhà, việc nước và nuôi con ăn học. Khi mới bước qua tuổi 20, bà Đặng Thị Cấp theo ông Nguyễn Hữu Khoán về nhà chồng làm dâu. Hai vợ chồng tần tảo nuôi 7 đứa con, khi đói khi no nhưng người làng bảo chưa bao giờ thấy bà Cấp một lần kêu ca, than thở. Đêm đêm, khi người làng đã chìm trong giấc ngủ thì cái cối giã gạo ở nhà bà Cấp vẫn từng nhịp đều đều cho đến gần sáng.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Người phụ nữ nghèo ven sông Gianh tần tảo, bươn chải thức khuya dậy sớm như vậy để nuôi đàn con khôn lớn. Năm 49 tuổi, chồng bà là ông Khoán qua đời, nỗi vất vả lại càng đè lên vai người mẹ nghèo Đặng Thị Cấp. Song, bà vẫn nhất quyết không chịu cho con thất học, buộc con phải học để kiếm cái chữ.
Khi cách mạng cần, chính ngôi nhà của bà Đặng Thị Cấp trở thành cơ sở cách mạng trong những năm 1937-1945 tại bờ nam sông Gianh, Quảng Bình. Đêm đêm, bà vừa giã gạo, bóc ngô, vừa canh cho nhiều cán bộ xứ ủy, tỉnh, huyện họp bàn về hoạt động mở rộng phong trào cách mạng tại nhà mình...
Khi nói về gia đình bà Đặng Thị Cấp, không chỉ người làng Quảng Trung mà người dân cả vùng cát Quảng Bình đều hết mực tự hào. Là một người mẹ nghèo, vất vả tần tảo khuya sớm bên sông Gianh để nuôi con ăn học, cống hiến cho dân cho nước, bà Đặng Thị Cấp có 6 người con, trên 50 cháu, chắt gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ.
Bà đã có 2 người con và 1 người cháu được phong quân hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam đó là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, nguyên Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần, Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 và trên 50 sỹ quan cấp tá (có 5 người là Đại tá), cấp úy phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Trong các con cháu của bà Đặng Thị Cấp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thường được nhắc đến hơn cả. Vị tướng Tư lệnh Binh đoàn 559, thủ lĩnh của bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) Trường Sơn, cuộc đời của ông luôn được đồng đội xem như bản trường ca về người lính.
Ngày tóc còn để chỏm, cậu bé Nguyễn Hữu Vũ vừa lên 10 tuổi đã phải mồ côi cha. Dù cực khổ nhưng bà mẹ nghèo Nguyễn Thị Cấp vẫn nhất quyết không để con thất học. Nguyễn Hữu Vũ được mẹ gửi đi tìm thầy học chữ Hán, chữ quốc ngữ. Những bài học của thầy đã sớm truyền lửa cho cậu bé tinh thần yêu nước. Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Vũ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng, sau đó đổi thành Đồng Sỹ Nguyên.
Bộ đội Trường Sơn tuyên thệ trước khi vào chiến trường. |
Trong những năm 30 của thế kỷ XX, Đồng Sỹ Nguyên cùng đồng chí của mình đã gây dựng cơ sở cách mạng ở vùng bắc và nam sông Gianh rộng lớn. Nhiều lần bị thực dân Pháp truy nã gắt gao, ông phải qua Lào, Thái Lan hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước để tiếp tục gây dựng cơ sở. Năm 1945, Đồng Sỹ Nguyên được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình, ông là đại biểu Quốc hội Khóa 1 năm 1946.
…đến nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn
Dọc theo đường Hồ Chí Minh kéo dài như dải lụa, chúng tôi đến rừng Trường Sơn qua đất Quảng Bình. Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là bến phà Xuân Sơn, nơi đường Trường Sơn chia làm 2 nhánh Đông - Tây (Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn). Cánh rừng Trường Sơn vẫn âm u, lộng gió, thanh âm của núi rừng trong vắt nối hiện tại, quá khứ và hướng đến tương lai.
“Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió...” bài ca bất hủ về Trường Sơn của cả một thế hệ thanh niên đất Việt nắm chặt tay nhau “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” làm chúng tôi thổn thức đến nao lòng.
Khi cả hậu phương lớn miền Bắc hướng về chiến trường lớn miền Nam, hàng vạn thanh niên, học sinh từ biệt thầy cô, bạn bè, gia đình xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình là nơi họ đến. Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn trên mảnh đất Quảng Bình.
“Đêm đầu tiên đến đường Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn, chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng. Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài...”.
Rong ruổi trên đường Trường Sơn hôm nay, tôi thực sự nghiêng mình; bằng cách nào mà chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc cào, chiếc thuổng mà một thế hệ TNXP có thể làm nên con đường Trường Sơn dài hàng ngàn km len lỏi giữa rừng già trong bom đạn chiến tranh. Phải yêu đất nước hơn chính bản thân mình, phải khát khao hòa bình đến nhường nào, TNXP và Bộ đội Trường Sơn mới để cho chúng tôi hôm nay một con đường huyền thoại.
Con suối Rụng Tóc vẫn còn đây, nước vẫn đỏ quạch màu gạch. Ở con suối này, trong những ngày mở đường Trường Sơn, không có nước sinh hoạt, hàng ngàn nữ TNXP đã phải dùng nước ở con suối này để chống lại vắt, muỗi, nấm da. Nhưng, sau một thời gian ngắn dùng nước ở suối Rụng Tóc, những mái tóc dài đen mượt của nữ TNXP đã rụng gần hết, trắng cả da đầu. Nước suối Rụng Tóc vẫn lững lờ trôi, im lìm ẩn chứa những câu chuyện đã thành huyền thoại của TNXP hôm nào.
Ngã ba Khe Ve ở Minh Hóa, Quảng Bình - điểm nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. |
Từ ngã ba Đông Dương, tôi trở lại đường 20 Quyết Thắng, cung đường biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng TNXP trên đường Trường Sơn. Con đường dài 124 km được xây dựng tháng 11-1965 xuyên qua núi rừng hiểm trở nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Để mở con đường này, chỉ tính riêng năm 1967, mỗi cán bộ, TNXP đã phải hứng chịu hơn 200 quả bom của Mỹ. Có lẽ chẳng có nơi đâu trên trái đất này, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thắp sáng vĩnh hằng như ở cung đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Binh đoàn 559, xây dựng tuyến đường giao thông chiến lược Trường Sơn để bộ đội vào nam chiến đấu, giải phóng, thống nhất đất nước. Cuối tháng 12-1966, ông được điều vào làm Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương.
Trong những năm gắn bó với tuyến đường huyền thoại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp chỉ huy hoàn thành tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí, khí tài chiến tranh từ miền Bắc để vào Nam chiến đấu, hoàn thiện đường ống dẫn xăng dầu từ Bãi Cháy, Quảng Ninh vào tận Nam Bộ chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.
Dưới sự chỉ huy tài tình của ông, đường mòn Trường Sơn từ một con đường nhỏ đã trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Tầm quan trọng của con đường chiến lược này thể hiện rõ nhất với quân số lúc cao điểm lên tới hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng TNXP biên chế thành 8 sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.
Hệ thống đường chiến lược này khi ông Đồng Sỹ Nguyên vào tiếp nhận chỉ có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm; đến năm 1975 đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe. Đường Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa. Bên cạnh đó còn có 1.500 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.
Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất để nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Các khí tài điện tử được lập thành “Hàng rào điện tử McNamara”, cây nhiệt đới, pháo đài bay B-52, vũ khí thời tiết, hóa học..., các cuộc hành quân càn quét lớn đến biệt kích phá hoại đều được quân đội Mỹ sử dụng. Gần 20 năm, tuyến đường Trường Sơn đã trở thành nơi đối đầu giữa ý chí gang thép, lòng quả cảm, trí tuệ của con người Việt Nam với lửa đạn của kẻ thù.
Được biết, chỉ trong 10 năm, kể từ khi ta quyết định tổ chức vận tải cơ giới trên Trường Sơn, Mỹ đã huy động 733.000 lần máy bay đánh phá tuyến vận tải 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn. Trên tuyến đường này, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; hơn 2 vạn người bị thương và biết bao người bị nhiễm chất độc hóa học; khoảng 14.500 lần xe các loại, hơn 700 lần súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...
Những tổn thất do kẻ thù gây ra cho chúng ta không hề nhỏ, song tuyến đường vẫn luôn được bảo đảm thông suốt. Để trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội đã hy sinh, đầu năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt, nằm ở chân phía Đông dãy Trường Sơn, cạnh trục đường Hồ Chí Minh nhánh Đông Trường Sơn.
Khu đồi Bến Tắt ở bờ Nam sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh cũng là nơi đóng sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ.