Vợ chồng hiếm muộn gian nan tìm con

Thứ Ba, 03/11/2020, 08:15
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nằm trên tầng 3 nhà A3, yên tĩnh và biệt lập với khu khám bệnh ồn ào, đông bệnh nhân ra vào từ sáng tới tối muộn. Khi tôi đến, rất nhiều cặp vợ chồng ngồi kín những băng ghế ngoài hành lang, chờ đợi đến lượt mình được vào khám và điều trị.

Những bệnh nhân đến đây không có vẻ bề ngoài bất thường, không có tình trạng bệnh lý cấp thiết, nhưng ở họ có sự nhẫn nại, sự lặng lẽ chờ đợi đến ám ảnh và nỗi khao khát âm ỉ nhưng cháy bỏng, là có được những đứa con...

Bài 1: Chuyện bác sĩ “đãi cát tìm vàng”

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế thì tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam tới 7,7%, tức là cả nước hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Khoảng 40% trong số những cặp vợ chồng bị vô sinh có nguyên nhân là do vô sinh nam. Rất nhiều người chồng phải đến khi đi khám mới phát hiện ra mình có rất ít tinh trùng, tinh trùng yếu, dị dạng, thậm chí không có tinh trùng.

Để có được những đứa con, họ phải trải qua hành trình gian nan đi tìm “con giống” của mình nhờ vào các công nghệ kĩ thuật hiện đại hỗ trợ sinh sản.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

“Đãi cát tìm vàng”

Đã nhiều năm đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bảo với tôi rằng, cặp vợ chồng nào đến Trung tâm thăm khám cũng đều “có vấn đề” về chuyện con cái nhưng nguyên nhân thì “mỗi nhà mỗi cảnh”.

Như vợ chồng anh Đ.X.Q (sinh năm 1979) và chị N.T.H (sinh năm 1986), lấy nhau 4 năm chưa có con. Đi khám, chị vợ nội tiết hoàn toàn bình thường, bản thân anh Q cũng chẳng thấy có gì bất thường nhưng vợ anh vẫn không thể nào có thai được. Vợ chồng anh chị không bỏ cuộc, quyết tâm đến Trung tâm để “tìm con”. Kết quả thật oái oăm khi anh chồng xuất tinh ngược dòng, tức là thay vì xuất tinh ra ngoài, tinh trùng lại lội ngược vào bàng quang và lẫn trong nước tiểu. Hiện tượng này tuy không ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng vô sinh ở đàn ông.

Khi bác sĩ hỏi mới biết, anh Q. thời gian trước bị tai nạn vùng bàng quang, gây tổn thương các sợi thần kinh giao cảm trung gian vùng cổ bàng quang và vùng cơ thắt tuyến tiền liệt, dẫn đến xuất tinh ngược. Để giúp anh Q. có được con giống làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), các bác sĩ phải li tâm nước tiểu của anh mới tìm được tinh trùng, tiến hành lọc rửa, bắt tinh trùng. May mắn là hiện họ đã có con.

Trường hợp của cặp vợ chồng trẻ là chị P.T.H (sinh năm 1994) và anh Đ.V.Đ (sinh năm 1990) đến thăm khám tại Trung tâm cũng thật trớ trêu. “Vợ: bình thường. Chồng: tinh trùng ít, yếu, dị dạng (mật độ: <1 triệu/ml, di động tiến tới: 0%, hình thái bình thường 1%, thể tích 1,0ml” - đọc kết quả cận lâm sàng, anh Đ. mới hiểu rõ vì sao 3 năm nay họ vẫn chưa có con, mặt anh tái đi vì lo lắng và thất vọng. Được các bác sĩ động viên là tinh trùng ít vẫn có thể “làm nên chuyện” nên anh kiên trì điều trị.

Tư vấn cho người hiếm muộn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà thì bình thường, mỗi lần “xuất quân”, một người đàn ông có thể có tới 50-100 triệu tinh trùng. Nhưng người yếu và ít tinh trùng như anh Đ. thì các bác sĩ sẽ kì công “đãi cát tìm vàng”, tức là tìm bới những tinh trùng khỏe mạnh để tiêm vào màng trong bào tương của noãn. Với kĩ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại thì thậm chí chỉ cần một tinh trùng kết hợp với một trứng cũng có thể tiến hành IVF được, miễn sao tinh trùng và trứng phải đạt chất lượng.

Và cuối cùng thì công cuộc truy vết “con giống” khỏe cho anh Đ. cũng đạt kết quả. Vợ chồng anh làm IVF tháng 7-2020 và vợ anh đã đậu thai. Có nằm mơ anh Đ cũng không nghĩ rằng gia đình mình sắp chào đón một thiên thần nhỏ.

Rào cản tâm lý

Có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, trong khi người vợ sốt sắng đi khám để tìm nguyên nhân thì các ông chồng thì thường lảng tránh, từ chối, không muốn thừa nhận nếu chẳng may họ bị yếu sinh lý, thậm chí khăng khăng đổ lỗi cho vợ. Chính điều này khiến thời gian vô sinh càng kéo dài, gây ức chế, mệt mỏi cho cả hai vợ chồng.

Lấy chồng đã 11 năm mà chị P.T.V (sinh năm 1979) vẫn chưa một lần được làm mẹ. Nhiều lời ra tiếng vào cho rằng chị “không biết đẻ”. Bỏ ngoài tai những lời xì xầm, chị vận động chồng là anh N.N.Q (sinh năm 1977) đi khám. Lúc đầu anh Q. nhất định không đi, một mực khẳng định mình hoàn toàn bình thường. Chị V. kiên trì thuyết phục, dần dần anh Q. cũng vượt qua được tâm lý e ngại và đồng ý đến bệnh viện.

Khi bác sĩ thông báo kết quả thì hóa ra không phải tại chị mà nguyên nhân là do anh Q. “không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch”. Lúc này, anh Q. mới lo lắng và tiếc rằng đã không đi khám sớm hơn.

Với những trường hợp như anh Q., các bác sĩ buộc phải can thiệp chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoặc sinh thiết tinh hoàn để lấy tinh trùng. Sau đó sẽ soi phóng dưới kính hiển vi để bới tìm những “chiến binh” khỏe mạnh. Tinh trùng được xuất đã trưởng thành tương đối đầy đủ, còn tinh trùng lấy bằng phương pháp trích xuất thường chưa trưởng thành hoàn toàn, bất thường cao nên việc lựa được con khỏe mạnh sẽ mất nhiều công.

Bệnh nhân hiếm muộn chờ khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Công cuộc kiếm tìm như “mò kim đáy bể”, phải thật tỉ mỉ, quan sát dưới kính hiển vi, phát hiện thấy “con” nào động đậy là bắt ngay. Có khi tìm hàng giờ mới thấy vài “con” để “góp gió thành bão”. Khi bắt được tinh trùng, bác sĩ sẽ cân nhắc xem con nào tốt nhất cho bệnh nhân qua đánh giá hình thái học và khả năng di động và tiến hành tiêm tinh trùng vào trứng. Kết quả năm 2017, chị V. đậu thai và sinh một bé gái nặng 3,5kg. Sau 11 năm, hạnh phúc đã mỉm cười với họ.

Mỗi lần chữa trị thành công cho một cặp vợ chồng hiếm muộn, các bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có cảm xúc đặc biệt, không chỉ là niềm vui mà còn là sự cảm thông và sẻ chia. Dù phác đồ điều trị cho bệnh nhân có gian nan, phức tạp và kéo dài, dù có những lần thất bại nhưng chính bác sĩ luôn phải là nơi lan tỏa niềm tin, niềm hy vọng và tinh thần thoải mái đến với người bệnh.

Những lời giải thích, tư vấn cho các cặp vợ chồng phải thật nhẹ nhàng, khéo léo, thậm chí là tếu táo, vui đùa. Bởi các bác sĩ hiểu rằng người hiếm muộn rất nhạy cảm và chịu nhiều áp lực tâm lý từ chính bản thân họ và từ gia đình. Mặt khác, người hiếm muộn thường tự tìm hiểu và có ít nhiều kiến thức về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, nôn nóng muốn có con. Bác sĩ phải “lựa lời mà nói” để họ không bi quan, đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất với tình trạng của họ. Đó cũng là một thử thách không nhỏ đặt ra cho bác sĩ khi tiến hành điều trị hiếm muộn.

Hạnh phúc muộn

Có những cặp vợ chồng, hành trình tìm con không phải là một vài năm mà là hơn hai mươi năm đằng đẵng. Tuy đã bỏ phí quãng thời gian vàng để sinh con nhưng có những ông bố bà mẹ vẫn nỗ lực tìm con khi tuổi đã cao và đã thành công. Hạnh phúc muộn màng nhưng vẫn tròn đầy.

13 tháng qua, căn nhà của vợ chồng chị Quách Thị Oanh và anh Trần Vũ Chính ở xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lúc nào cũng rộn rã tiếng trẻ thơ. Cậu con trai Trần Vũ Đăng Nguyên là món quà quý giá mà anh chị có được khi đã ở tuổi ngũ tuần, sau hơn 20 năm mòn mỏi tìm con.

Nhắc chuyện quá khứ, chị Oanh bảo năm 1991 anh chị có con trai đầu nhưng khi con được gần 1 tuổi thì mất do bị bệnh. 6 năm sau, anh chị sinh được cô con gái và dự định sẽ sinh thêm con cho có chị có em. Tuy nhiên, dự định vẫn chỉ là dự định khi mãi mà chị Oanh không mang bầu. Hai vợ chồng chị bỏ công bỏ sức đến nhiều bệnh viện, tìm đến cả thầy lang bốc thuốc điều trị hiếm muộn nhưng đều không có kết quả.

Chị Quách Thị Oanh (Thái Bình) được làm mẹ ở tuổi 52 sau 22 năm chờ đợi.

Ước mong có thêm con luôn đeo đẳng anh chị suốt bao năm nay nhưng vì tuổi đã cao nên vợ chồng chị đành buông xuôi. Cho đến năm 2018, chị được mách đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám và điều trị.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ về trường hợp của chị Oanh: anh Chính hoàn toàn bình thường, chị Oanh dự trữ buồng trứng kém, chất lượng trứng cũng không tốt, người mẹ lớn tuổi nên có nhiều nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh nở.  Đây thực sự là một thách thức. Nhưng dưới sự kiên trì của các y, bác sĩ, sự quyết tâm của vợ chồng chị Oanh mà kết quả IVF thành công mĩ mãn. Chị chuyển phôi đông lạnh lần 2 thì đậu thai. Em bé chào đời tháng 8-2019, nặng 3kg, kháu khỉnh.

Sau 22 năm, mẹ ở tuổi 52, người bố tuổi 59 lại bắt đầu hành trình bỉm sữa, tuy muộn màng nhưng hạnh phúc ngập tràn. Vợ chồng chị Oanh không nghĩ rằng ở tuổi lên chức ông, chức bà (con gái của anh chị đã lấy chồng, có con) mà anh chị vẫn có thể sinh con. Hiện tại, chị vẫn đang nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Chị Oanh bảo, nếu không có y học hiện đại thì có lẽ chị sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhớ hôm vợ chồng chị Oanh bế con từ Thái Bình lên Hà Nội để thăm các bác sĩ, cả Trung tâm vui lây niềm vui của anh chị. Anh Chính với mái đầu đã hai thứ tóc xúc động bắt tay các bác sĩ và nói lời cảm ơn. Không chỉ gia đình chị Oanh mà nhiều ông bố bà mẹ thường xuyên gửi ảnh con yêu của họ về Trung tâm thay lời tri ân các bác sĩ, cũng là để tạo động lực cho những ông bố bà mẹ đang dang dở hành trình tìm kiếm con yêu.

5 năm qua, Trung tâm đã thực hiện gần 4.000 chu kỳ IVF với tỷ lệ thành công gần 60%, đón gần 3.000  trẻ ra đời. Nhiều người làm chu kì IVF chuyển phôi lần 1 thành công vẫn còn phôi trữ tại Trung tâm, sau vài năm quay lại chuyển phôi lần 2. Hạnh phúc được nối dài của những người hiếm muộn cũng là niềm vui, là động lực để các bác sĩ luôn tận tâm với công việc ý nghĩa này.

(Còn tiếp)

Huyền Châm
.
.