Vợ chồng người binh và những đứa con "trời cho"

Thứ Năm, 07/02/2008, 12:00
77 tuổi, tóc điểm bạc, lưng hơi còng, nhưng ông Ayun Hới vẫn còn nhanh nhẹn. Lòng nhân ái, tình thương yêu và nghị lực đã giúp ông bước qua tuổi tác, tiếp tục lao động sản xuất, kiếm cái ăn cho mình và cho đàn con nuôi của mình no đủ, theo chúng bạn học hành...

Tuổi trẻ của ông Ayun Hới đã gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây Nam. Sau khi bị thương mất một con mắt, ông trở về với làng quê Tây Nguyên thân thuộc.

Nay ông đã 77 tuổi, tóc điểm bạc, lưng hơi còng, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Lòng nhân ái, tình thương yêu và nghị lực đã giúp ông bước qua tuổi tác, tiếp tục lao động sản xuất, kiếm cái ăn cho mình và cho đàn con nuôi của mình no đủ, theo chúng bạn học hành. Căn nhà gỗ của ông ở làng Ver xã Ia Ko, Chư Sê (Gia Lai) lúc nào cũng có tiếng cười của trẻ nhỏ.

Chuyện tình của hai người "nhảy núi"

60 năm về trước, Ayun Hới, người dân tộc Êđê căm thù giặc cướp nước và sớm giác ngộ cách mạng đã tạm biệt bản làng cùng gia đình để "nhảy núi" vào rừng theo bộ đội Cụ Hồ. Lúc đầu, Ayun Hới được các chú bộ đội cho làm giao liên, rồi tiếp đến được cầm súng đứng trong hàng ngũ lực lượng dân quân, du kích địa phương. Hới nhớ lúc đó cái bụng mừng lắm, cứ thích đi chiến đấu hoài.

Năm tháng chiến tranh đã tôi luyện chàng thanh niên người dân tộc Êđê trưởng thành nhiều mặt, từ chiến sĩ giao liên, năm 1968 anh trở thành sĩ quan tham mưu, không những gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà tham gia huấn luyện cũng giỏi.

Trong một lần huấn luyện chiến sĩ mới, cô thiếu nữ Ymi người Jrai ở làng Ver xã Ja Ko, huyện Chư Sê (Gia Lai), đã đem lòng yêu thương và muốn "bắt" cán bộ Hới làm chồng. Đôi mắt cong đen của Ymi lúc nào cũng hướng về Hới như cây rừng ngày ngày hướng về ánh nắng mặt trời.

Cứ gặp nhau là ngại ngùng và vụng về khó tả, bụng thì không muốn, nhưng chân cứ bước đi né tránh, để đến khi đêm về trằn trọc hoài, nhớ lại hình bóng của người mình "ưng". Nhận được tín hiệu, cũng biết đó nhưng lúc đầu Hới sợ lắm, vi phạm kỷ luật như chơi chứ đâu có dễ, mình là cán bộ mà, phải chín chắn không lại ảnh hưởng đến uy tín...

Tình yêu đó càng đẹp, càng toại nguyện khi đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho họ.

Chuẩn bị cho một ngày mới ở gia đình Ayun Hới.

Chiến trường nóng bỏng, đơn vị hết chuyển vị trí này lại đến vị trí khác, còn Ayun Hới thì đi chiến đấu liên tục, vợ chồng cũng ít được gặp nhau và cũng chưa có dịp về thăm làng bản quê nhà. Sau giải phóng, dân Ja Ko về lại nhận đất, lập làng. Vợ chồng Ayun Hới cũng xin đơn vị cho nghỉ phép vài ngày về thăm và "ra mắt" bà con dân bản.

Nhìn làng bản bị cày xới tan nát vì bom đạn của chiến tranh, vợ chồng Hới đau khổ lắm, nhưng đau khổ hơn là cha mẹ và nhiều người thân trong gia đình đã bị bom đạn giết chết, số bà con còn lại thì rách rưới, đói ăn. Buồn quá, đêm về vợ chồng ông không ngủ được, nằm và thấy lòng đau nhói.

Ông nghĩ mình là cán bộ, đảng viên, là quân nhân cách mạng mà để cho dân đói là có tội. Vặn cho ngọn đèn dầu to hơn, sáng hơn chút nữa, Ayun Hới lặng nhìn khuôn mặt hốc hác vì cái bụng của vợ buồn sau nhiều đêm không ngủ được rồi ông nói với Ymi: “Nước đã thống nhất; con chim tìm về rừng chọn cây làm tổ, con heo, con bò đã về chuồng... Ymi ở nhà làm kinh tế và giúp đỡ bà con làm ăn cho hết đói khổ, còn mình tiếp tục nhiệm vụ...". Hôm sau cả hai trở lại đơn vị và nguyện vọng của họ được toại nguyện.

Trở về quê hương, Ymi hăng say lao động, sản xuất và giúp đỡ, chỉ bảo bà con cách trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp dài ngày, đan xen trồng các loại cây khác như cà phê, tiêu và cao su... để "lấy ngắn nuôi dài", nhờ đó mà kinh tế gia đình ông và bà con địa phương ngày một no đủ, đời sống của bà con khá giả hơn.

Các vật dụng trong gia đình được sắm sửa thêm như: tivi, xe máy, xe công nông, máy xay xát... giải phóng bao nhiêu công sức cho người lao động. Kinh tế phát triển, đời sống đồng bào hết đói, bớt nghèo thì nhiều hủ tục lạc hậu: như nối dây vợ chồng, cúng Giàng, cúng ma khi người đau ốm, rồi ma chay kéo dài cũng dần được xóa bỏ... Tình yêu quê hương đất nước và lòng tin cách mạng của quần chúng được củng cố.

Còn Ayun Hới thì cùng đơn vị lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, trên đất bạn Campuchia. Đứa con đầu lòng sinh ra đến 2 tuổi Hới mới được biết mặt. Sau này trong quá trình công tác, lâu lâu mới về thăm nhà, Hới cũng biết được ở nhà vợ mình đã hai lần sinh con, nhưng vì sức yếu lại một mình vật lộn với bao khó khăn nên hai đứa con đã lần lượt về với Atâu (ông bà, tổ tiên)...

Và cũng trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, trong một trận chiến đấu chống bè lũ Pôn Pốt, một con mắt của ông đã phải gửi lại nơi chiến trường. Trước hoàn cảnh khó khăn, lại bị thương nên cấp trên đã giải quyết cho Ayun Hới trở về địa phương cùng vợ chăm lo cuộc sống.

Sợ vợ buồn, Hới thường xuyên làm "công tác tư tưởng" với vợ. Ông nói: "Mình là thương binh cách mạng, Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế", còn sức lực thì mình phải lao động, sản xuất và giúp đỡ bà con biết làm ăn, biết tích lũy vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xóa được cái đói, giảm được cái nghèo".--PageBreak--

Đàn con "trời cho"

Sáng sớm như mọi ngày bình thường khác, ăn tạm mấy củ mì (sắn) vợ nấu vội, Ayun Hới dắt bò và vác cuốc đi làm. Vừa đến đầu làng Đăk Bớt, bỗng ông không còn tin vào mắt mình nữa: dưới sàn nhà, bé Đinh Siêk (người Ba Na) không một tấm vải che thân, nằm thoi thóp.

Cha đứa bé nhìn con trong tuyệt vọng. Thấy vậy, Ayun Hới cúi xuống bồng bé lên tay, nhiều người đứng ra ngăn cản, bố đẻ của Đinh Siêk nói: “Mẹ nó chết rồi, cứ cho nó theo mẹ để bú (tục lệ làng này thế mà), anh đừng bế nó làm gì...".

Hới nói: "Mày không muốn nuôi nó nữa thì để tao nuôi, để nó chết là có tội, công an bắt đi tù đừng có trách”. Nói xong, ông cởi chiếc áo của mình đang mặc bọc lấy đứa trẻ rồi, chạy một mạch về nhà.

Thấy chồng đưa về một đứa bé tím ngắt, đầy rẫy những vết muỗi đốt, vợ ông hốt hoảng: “Anh mau đem trả lại cho mẹ nó nuôi, mình không cứu được nó là có tội lớn đó, em sợ lắm!”.

Hới quả quyết: "Mẹ nó về với Atâu rồi, cha nó không nuôi được, thì mình nuôi. Từ nay nó là con của vợ chồng mình rồi, bà mau đun nước nóng tắm rửa cho nó, còn tôi ra quán mua ít sữa cho nó bú".

Căn nhà nhỏ hôm đó bận rộn hơn thường ngày bởi có thêm thành viên mới. Hàng xóm thấy lạ kéo đến xem đông nghịt. Có người nói: “Ông thương binh nuôi mình đã khó, nhặt thêm nó làm gì cho khổ, hãy đem nó bỏ vào rừng để con mang, con hoẵng cho nó bú chứ".

Mặc cho những lời bàn tán đứa trẻ vẫn được tắm rửa sạch sẽ, mặc ấm, uống sữa. Một lúc sau, da nó hồng hào trở lại và sự sống đã nhen nhóm. Vợ chồng ông thở phào nhẹ nhõm.

Hai năm sau, một hôm từ rẫy, Ayun Hới đi tắt ngang qua lô cao su về nhà. Được một quãng, bỗng từ gốc bụi le bên đường có tiếng khóc ré lên của trẻ nhỏ, Ayzun Hới tới nơi thì có một chị người Kinh còn rất trẻ đang nằm miên man trên đám lá le khô.

Thấy ông, chị rất sợ hãi. Ông bảo: "Tôi là thương binh cách mạng đây mà, chị cứ nằm nghỉ có cần giúp đỡ chi không?". Người phụ nữ gượng ngồi dậy thều thào: "Tôi tên là H, công nhân của xí nghiệp, tôi đã lỡ... và bị người yêu phản bội. Tôi xin ông làm phước nuôi cháu".

Nói xong, H vội chạy vào rừng cao su, để lại cho Hới cháu nhỏ. Nhà lại thêm người, ông bà đặt tên cho nó là Cu (cái tên mà người Kinh hay gọi thân mật lúc còn nhỏ). Và cứ như một lẽ tự nhiên, sau này bao nhiêu đứa trẻ không cha, không mẹ, đủ các dân tộc như: Êđê, Giarai, Ba Na, Kinh đều được mọi người giới thiệu, ông bà đến nhận hoặc đem đến nhờ ông bà nuôi hộ.

Ông nói vui với chúng tôi: "Âu cũng là số phận cả, mình có duyên với những đứa nhỏ "trời cho"... Thấy ông bà vui tôi tranh thủ hỏi: "Thế ông bà đã nuôi được bao nhiêu đứa con "trời cho" rồi?".

Cười tươi như sau vụ mùa thu hoạch lớn, cả hai vợ chồng Ayun trả lời: "Cứ một đứa thì bỏ một hòn cuội vào hũ để nhớ, đánh dấu ngày mình "sinh nó" và để làm kỷ niệm, cũng được 20 hòn cuội rồi, hiện nay vợ chồng mình còn nuôi 4 đứa nữa, ơn Giàng chúng nó đều khỏe mạnh và khôn lớn. Chúng nó thương yêu nhau lắm, giúp đỡ nhau làm ăn, lúc gia đình có việc gì là chúng nó tụ tập về đông vui như ngày hội...".

Nghe ông bà kể chuyện tôi cứ nghĩ mình đang ở trong một “đại gia đình các dân tộc Việt Nam” thu nhỏ với bao điều cảm động, ấp áp tình người.

Lo cuộc sống thường nhật

Ai cũng kính phục tình cảm của vợ chồng người thương binh dành cho đàn con nuôi, song cũng ít ai biết được để nuôi đàn con đó, họ đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Tất cả cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào đôi bàn tay cần cù lao động của ông, cộng với gần 2,3 triệu đồng lương hưu của hai ông bà.

Ông tâm sự: "Ngày còn ở bộ đội, được học chính trị tôi còn nhớ câu nói của cụ Các Mác: "Ai làm cho nhiều người hạnh phúc nhất, thì người đó hạnh phúc nhất", rồi khi bị thương tôi luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thương binh tàn nhưng không phế”, đã động viên tôi trong công việc.

Nhiều ngày trời trở gió, vết thương đau buốt, muốn nghỉ ngơi nhưng lại sợ lũ con không có cái ăn tôi lại đi làm. Nhưng sợ nhất là chúng đau ốm, có lúc một hai giờ sáng đang ở rẫy nghe con đau phải chạy về cõng con đi bệnh viện, thương con nên cái khổ, cái cực mình vượt qua hết".

Tình thương yêu các con đã giúp vợ chồng người thương binh vượt qua mọi khó khăn để chăm lo cuộc sống của chúng trong hiện tại và tương lai.

Chị Sui Êng (con nuôi) mừng vui nói với chúng tôi: "Khôn lớn, trưởng thành và có được cuộc sống như bây giờ, tôi cảm thấy công ơn ba mẹ tôi lớn như núi cao phía trước làng Ver. Không kể hết, nói hết được đâu, anh chị em mình đoàn kết, giúp đỡ nhau, nuôi nhau; nay ba mẹ đã già rồi chúng mình phải có trách nhiệm chăm sóc những đứa em còn lại và cả ba mẹ nữa...".

Còn ông Rơmah Choát, Chủ tịch xã Ia Ko cho biết: "Vợ chồng Ayun Hới tốt cái bụng quá, nhờ vợ chồng nó, nhiều đứa trẻ được cứu sống và được nuôi nấng, học hành đàng hoàng, trưởng thành,... lại còn giúp cho bà con trong làng biết làm ăn, ổn định cuộc sống, bọn mình phải học tập nó nhiều..."

Lê Hân
.
.