Vợ liệt sĩ Công an nhân dân giữa thời bình

Thứ Sáu, 25/08/2017, 17:51
Vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, không chỉ trong chiến tranh mà giữa thời bình, để đấu tranh chống lại cái ác đang len lỏi, đã có không ít cán bộ, chiến sỹ CAND ngã xuống. Những người vợ còn rất trẻ, hàng chục năm qua họ vẫn thủy chung son sắt, kiên định thủ tiết thờ chồng và nuôi dạy con cái phương trưởng, nối nghiệp vinh quang của cha để viết tiếp truyền thống của gia đình và của ngành Công an.

1. Chúng tôi tìm về xóm 1 xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), tìm gặp bà Thái Thị Hồ (SN 1945), là vợ của liệt sĩ CAND Nguyễn Công Thiết (SN 1941), hi sinh cách đây tròn 30 năm khi quyết liệt đấu tranh với tội phạm để giữ bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Từ đó cho đến nay, người vợ ấy vẫn ở vậy, một mình lặng lẽ chăm sóc 4 đứa con khôn lớn, trưởng thành và 2 trong số này đã tiếp bước cha để khoác lên mình màu áo truyền thống của lực lượng CAND, như một sự tri ân và tiếp nối.

Trong căn nhà nhỏ tĩnh lặng, được che chắn bởi những tán cây rợp bóng mát, bà Thái Thị Hồ bồi hồi nhớ lại, Nguyễn Công Thiết là một người có hoàn cảnh rất đặc biệt khi cha mất sớm, mẹ đi bước nữa khiến Thiết phải đi ở từ nhỏ. Là một cô gái làng bên, cảm kích và chia sẻ tấm gương vượt khó của chàng trai nghèo nhưng đầy ý chí và nghị lực, bà Hồ đã nguyện cùng anh Thiết nâng khăn, sửa túi.

Chị Hoa và chị Thu, vợ của 2 liệt sĩ CAND hi sinh cùng một ngày trong buổi gặp mặt truyền thống (Ảnh tư liệu gia đình).

Lần lượt 4 người con ra đời, cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm phần bí bách, thế nhưng trong gian khó đó Nguyễn Công Thiết đã không đầu hàng số phận, không những lèo lái con thuyền gia đình vượt qua bãi cạn, anh còn từng bước phấn đấu để từ cương vị là một người công an xã, đã đứng vào lực lượng CAND chuyên nghiệp, công tác tại Công an huyện Đô Lương.

Năm 1987, khi đứa con trai đầu Nguyễn Công Trầm vừa tốt nghiệp đại học, theo nghiệp bố thì cũng là thời điểm xảy ra biến cố đối với gia đình. Bản thân Nguyễn Công Thiết lúc bấy giờ giữ chức vụ Phó trưởng Công an huyện Đô Lương, trước sự việc liên tiếp xảy ra các vụ trộm tài sản tại các kho ngoại thương trên địa bàn, lãnh đạo Công an huyện đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh.

Chuyên án do Phó trưởng Công an huyện Nguyễn Công Thiết trực tiếp chỉ huy, sau một thời gian ngắn đã tiến hành điều tra, phát hiện một nhóm đối tượng ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là thủ phạm gây ra các vụ trộm trên. Đêm 9-11-1987 âm lịch, phát hiện các đối tượng đang tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội khi tổ chức khóa cửa ngoài, nhốt bảo vệ kho ngoại thương vào phòng để trộm cắp tài sản, đồng chí Thiết cùng đồng đội tiến hành vây bắt.

Bị phát hiện bất ngờ song nhóm đạo chích liều lĩnh này đã manh động dùng súng quân dụng chống trả, buộc lực lượng Công an huyện phải nổ súng để trấn áp. Trong quá trình chiến đấu với tội phạm, đồng chí Thiết bị trúng đạn và anh dũng hy sinh.

Đồng chí Nguyễn Công Thiết ngã xuống, không chỉ là sự tổn thất nặng nề cho lực lượng Công an Nghệ An lúc bấy giờ mà còn để lại cho gia đình sự mất mát không gì bù đắp nổi.

“Thời điểm ấy, bản thân tôi mới ngoài 40 tuổi, 4 đứa con thì 3 đứa đang ngồi trên ghế nhà trường nên khó khăn chồng chất khó khăn. Dù suy sụp và đau thương, mất mát nhưng xác định mình phải là chỗ dựa để các con đứng lên, nên tôi đã gắng gượng đứng dậy, một mình vừa làm tròn bổn phận của một người mẹ, vừa thay ông Thiết làm cha cho các con. Cứ như vậy, suốt 30 năm qua tôi đã nuôi con khôn lớn, trưởng thành”, bà Hồ chia sẻ.

Đến nay, quả ngọt là 2 trong số 4 người con của bà Hồ vinh dự đứng trong hàng ngũ CAND, trong đó Nguyễn Công Trầm hiện nay là Phó trưởng Công an huyện Yên Thành và anh Nguyễn Công Thanh đang công tác tại Phòng Hậu cần Công an Nghệ An. Hai người con còn lại cũng đều trưởng thành, trong đó một người là giáo viên còn người kia làm ruộng. 20 năm sống đời vợ chồng, 30 năm làm bà quả phụ, bà Thái Thị Hồ cũng đã có không ít người đàn ông tốt, sẵn sàng dang rộng vòng tay đón nhận, không chỉ một mình bà mà chấp nhận nuôi dưỡng các con nhưng bà đã khước từ tất cả, thủ tiết thờ chồng.

Giờ, nhìn lại quãng đường gian khó và đằng đẵng sau lưng, dù tất cả đã là quá khứ, nhưng mỗi lần thắp nén hương lên bàn thờ của chồng, bà Hồ luôn cảm thấy tự hào vì đã giữ trọn tin yêu và nuôi nấng các con khôn lớn, trưởng thành đúng như tâm nguyện của ông Thiết lúc sinh thời.

Vợ liệt sĩ CAND Nguyễn Quốc Thịnh.

2. Hai mươi ba năm về trước, vào đêm ngày 9-7-1994, một câu chuyện đau thương, gây căm phẫn trong quần chúng nhân dân xứ Nghệ xảy ra tại Công an tỉnh Nghệ An khi có đến 2 chiến sỹ CSGT đã anh dũng ngã xuống trong quá trình quyết liệt truy đuổi tội phạm, ngăn chặn cái ác.

Nỗi đau ấy, còn kéo dài đến hôm nay khi hậu phương của các anh là những người vợ đã vĩnh viễn mất chồng, những đứa trẻ không bao giờ còn được gọi tiếng cha. Thế nhưng, hậu phương ấy đã biến đau thương thành hành động, để xứng đáng với sự hi sinh và mất mát ấy, những người vợ đã nuôi con phương trưởng, tiếp tục đi trên con đường mà cha của các con đã chọn lựa, đặng tô thắm thêm truyền thống của những người chiến sỹ CAND ưu tú và anh hùng.

Trở lại với câu chuyện về hai chiến sỹ CSGT hi sinh vào thời điểm nói trên, trong khi đang làm nhiệm vụ Đại úy Nguyễn Trọng Sáu và Đại úy Bùi Văn Sơn, nguyên là hai cán bộ của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An.

Theo lời kể của Đại tá Ngô Trí Tưởng, Phó Chánh thanh tra Công an tỉnh Nghệ An, thời điểm xảy ra vụ việc, 3 đồng chí này thuộc tổ công tác của Phòng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến QL1A đoạn qua TP Vinh thì phát hiện xe ô tô BKS15A-8351 do Cao Mạnh Hùng điều khiển có dấu hiệu vi phạm nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế này đã phớt lờ hiệu lệnh, rồ ga bỏ chạy khiến 3 chiến sĩ phải dùng xe công vụ đuổi theo.

Khi đến cầu Bến Thủy, phát hiện ánh đèn pha xe ngược chiều, tài xế Cao Mạnh Hùng với ý định sát hại 3 chiến sỹ CSGT, đã đánh tay lái sang phải chiếm phần đường xe đối diện buộc xe này phải đánh lái để tránh một cú tông trực diện. Từ phía sau, để tránh tai nạn, xe mô tô 3 bánh buộc phải tăng hết tốc lực để vượt lên, nhưng không từ bỏ dã tâm, gã tài xế bất nhân đã tạt đầu khi chiếc xe của tổ công tác vừa vượt lên, khiến xe bị hất văng, đập vào thành cầu trước khi bật trở lại nằm giữa phần đường của chiều ngược lại.

Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến lái xe không kịp xử lý. Đại úy Bùi Văn Sơn và Đại úy Nguyễn Trọng Sáu đã hy sinh, riêng Đại úy Ngô Trí Tưởng may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng, sau này được công nhận là thương binh. Gã tài xế mất nhân tính sau đó đã bị bắt giữ và phải trả giá cho hành vi tàn ác mà mình gây ra, song nỗi đau để lại thì không gì có thể bù đắp nổi.

Liệt sĩ Nguyễn Trọng Sáu hi sinh, để lại người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ trong ngôi nhà hóa giá cũ kỹ ở phường Trung Đô (TP Vinh). Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Sáu chia sẻ: “Bản thân chị vốn đã đau yếu, thời điểm anh Sáu hi sinh, chị đang là nhân viên làm việc tại Nhà máy sợi Vinh. Thế nhưng, sau cú sốc định mệnh, phần vì không gượng dậy nổi, phần nữa do sức khỏe yếu, chị xin nghỉ theo chế độ 176.

30 năm qua, vợ liệt sĩ Nguyễn Quốc Thịnh thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn.

Thương hoàn cảnh 3 mẹ con, đồng chí Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ là Thượng tá Lý Nam Dân, đã nhận chị vào làm tạp vụ, giữ xe tại cơ quan. “Thế nhưng, hằng ngày nhìn đồng đội của chồng đi làm về trong màu áo CSGT, tôi đã không chiến thắng được bản thân, nỗi nhớ chồng cứ ùa về trong cả bữa ăn, giấc ngủ nên xin nghỉ việc, về nhà bán nước chè dạo. Cuộc sống quá túng quẫn, để nuôi con ăn học, tôi phải đi xuất khẩu lao động trong nhiều năm trời”, chị Thu kể lại.

Cũng hoàn cảnh như chị Thu, chị Nguyễn Thị Hoa, vợ liệt sĩ Bùi Văn Sơn đã phải gánh chịu nỗi đau mất mát quá lớn khi chồng hi sinh. Anh Sơn là con trai duy nhất trong gia đình, là chỗ dựa cho 3 mẹ con chị và bố mẹ chồng đã già yếu. Mới hơn 30 tuổi đầu, chị phải ôm 2 đứa trẻ, một lên 6 và một đứa gần 4 tuổi vào lòng để đối diện với sự thật không thể khác, rằng chị đã mất chồng, các con vĩnh viễn không còn cha và bố mẹ đã mất con.

Lương ba cọc ba đồng từ công việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cộng với tiền tuất liệt sĩ 160.000 đồng mỗi tháng của chồng  không đủ trang trải nuôi con, chị phải làm thêm đủ nghề để kiếm sống.

Khó khăn dần qua đi, khi các con khôn lớn mỗi ngày, nhưng cũng như bao người vợ liệt sĩ CAND khác, cả chị Hoa lẫn chị Thu đều ở vậy, thủ tiết thờ chồng nuôi con khôn lớn trưởng thành. Điều an ủi lớn nhất, là cả 4 người con của các liệt sỹ Bùi Văn Sơn, Nguyễn Trọng Sáu lần lượt thi đỗ vào ngành Công an hoặc được nhận vào học Trường Văn hóa Bộ Công an, và nay đã trưởng thành, nối nghiệp bố tiếp tục cống hiến vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, đồng chí Nguyễn Quang Linh, con liệt sĩ Nguyễn Trọng Sáu và đồng chí Bùi Minh Nhật, con liệt sĩ Bùi Văn Sơn hiện đều công tác tại Công an tỉnh Nghệ An.

3. Cũng cam chịu nỗi đau của người vợ có chồng là CAND ngã xuống giữa thời bình, 23 năm qua chị Trương Thị Thủy, cán bộ Phòng Hậu cần Công an tỉnh Hà Tĩnh, vợ liệt sĩ CAND Nguyễn Quốc Thịnh cũng đã phải trải qua những tháng ngày nỗi đau trống vắng không dễ gì san sẻ.

5 năm sau ngày kết hôn, vào đúng đêm giao thừa xuân Bính Tý năm 1996, trong lúc trấn áp tội phạm, Thượng sỹ Nguyễn Quốc Thịnh, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14 cũ, nay là PC45), đã anh dũng ngã xuống, để lại chị Thủy, lúc bấy giờ mới 25 tuổi, một nách 2 đứa con thơ. Trong đó, cháu Nguyễn Thị Diễm Ngọc, lúc bấy giờ mới 4 tuổi và Nguyễn Thị Diễm Ly chưa đầy 1 tuổi.

Tưởng chừng như không còn nỗi đau nào lớn hơn khi phải đối diện với sự thật xót xa như vậy. Chị Thủy cho biết, bản thân chị lúc bấy giờ là giáo viên, dù biết công việc của chồng luôn đối diện với hiểm nguy, nhưng chị chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận nỗi đau mất chồng trong hoàn cảnh như vậy nên rất bấn loạn. Nhưng sự thật không thể khác, cũng như bao người vợ, người mẹ khác, chị đã không cho phép mình gục ngã, đứng lên để làm chỗ dựa cho các con.

Được sự động viên, dìu dắt từ những đồng nghiệp của chồng, chị quyết định rẽ nghề, xin vào ngành Công an để thấu cảm hơn đối với sự hi sinh của chồng và để định hướng, nuôi dạy hai đứa con đi theo nghiệp bố đã chọn.

Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện để chị làm việc tại Phòng Hậu cần. Chính từ nơi này, chị đã học được sự mạnh mẽ, cam chịu để một mình nuôi dạy con khôn lớn. Sau hơn 20 năm, 3 mẹ con nương dựa vào nhau, đến nay sự hi sinh của chị đã được đền đáp khi cả 2 cô con gái của chị đều đã tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, hiện đều công tác trong lực lượng CAND.

Chia sẻ với phóng viên, cả chị Thu, chị Hoa cũng như chị Thủy đều cho rằng, một phần nghị lực để suốt mấy chục năm qua các chị vượt qua được, nuôi con trưởng thành tiếp bước của cha trong màu áo CAND, ngoài nghị lực bản thân, các chị rất trân trọng và ghi nhận sự giúp đỡ, đồng hành của Công an Nghệ An, Công an Hà Tĩnh nói chung và Phòng CSGT, phòng Hậu cần công an hai tỉnh đã giúp các gia đình không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất.

Đó, chính là sự tri ân, là nguồn động viên để các chị vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đứng vững trên đôi chân của mình, xứng đáng với sự hi sinh cao quý, vì bình yên cuộc sống của các anh - Những liệt sĩ CAND giữa thời bình.

Nguyên Thảo
.
.