Nỗi gian truân của vợ lính nhà giàn DK1
1. Một trong những người vợ thiệt thòi ấy là chị Nguyễn Thị Chuyên, vợ của Thiếu tá Đinh Công Trường, công tác ở nhà giàn DK1.
Trong niềm riêng nhớ chồng khắc khoải, chị Chuyên chia sẻ: "Vợ lính nhà giàn nhiều thiệt thòi lắm. Nhiều khi nhìn thấy vợ chồng họ quây quần bên nhau, em cảm thấy tủi thân. Nhưng trong cô đơn, lại thấy niềm kiêu hãnh.
Anh Trường nhà em đi nhà giàn qua hai cái Tết mới về đất liền. Gọi là công tác ở tỉnh nhà, nhưng cách đất liền hàng nghìn cây số. Hai Tết không nhìn thấy mặt chồng, mâm cơm ngày Tết chỉ một mẹ một con. Thằng Hiếu cứ hỏi mẹ: “Sao bố đi bộ đội lâu thế?”.
Lúc ấy em không trả lời được. Chỉ đêm về em mới thủ thỉ với con rằng: "Bố con đi làm nhiệm vụ ở đảo xa lắm, sang năm mới về. Con có thích chú bộ đội Hải quân đứng canh ngày canh đêm ngoài hải đảo không? Nó chẳng nói gì, chỉ dụi đầu vào lòng em".
Những nhung nhớ dằng dặc ấy, đôi khi lại là niềm hạnh phúc khi được làm vợ lính. Năm 1991, anh chị cưới nhau. Khi ấy anh Trường đang là học viên năm thứ hai của Trường Sĩ quan chính trị quân sự đóng ở thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc (nay là Đại học Chính trị Bắc Ninh).
Cưới được 6 ngày thì anh Trường trở lại trường học, chị Chuyên ở nhà thay anh chăm sóc mẹ chồng, tần tảo với ruộng đồng.
Con gái ở quê nhà khỏe như trâu vâm nên chẳng nề hà gì. Khi chị có bầu thằng Hiếu, bụng to vượt mặt mà đi cấy lúa băng băng. Chị Chuyên sinh con anh Trường cũng không có nhà. Ngày chồng về, con đã 2 tuổi.
Sau 5 năm đèn sách, tháng 7/1994, anh Trường ra trường, được điều về Lữ đoàn 171 công tác. Nhớ chồng nên đầu năm 1996, chị Chuyên bồng con từ Thanh Hóa vào Vũng Tàu sinh sống.
Nhà giàn DK1 - niềm kiêu hãnh của những người vợ lính. |
Lúc đó, đơn vị không có nhà tập thể, tổ ấm của họ là căn phòng mượn tạm bệnh xá. Gần chồng được hai tháng thì anh Trường ra nhà giàn Quế Đường A làm nhiệm vụ.
Ở quê đã xa chồng, nay lại càng xa hơn. Hai mẹ con trong gian phòng vắng lạnh, chị cô đơn trống trải. Những lúc con ốm, chạy vạy không đủ tiền mua thuốc, chị phải vay hàng xóm, đồng đội của chồng giúp đỡ.
"Anh biết không, có lần anh ấy đi hai cái Tết mới về, 27 tháng không nhìn thấy mặt. Tính thời gian gần chồng có đáng là bao" - chị Chuyên tâm sự.
Lần giở trong cuốn sách "các nê" từ thời mới yêu nhau, chị Chuyên đưa cho tôi xem bài thơ anh viết tặng chị năm ngoái. Bài thơ đánh máy vi tính khá cẩn thận. Những vần thơ nói lên tâm trạng người lính nhà giàn chia tay vợ con trước giờ đi biển.
Bài thơ có đoạn: "Vợ họ mùng tám tháng ba/ Nhận quà đắt giá nhận hoa rất nhiều/ Tình anh chỉ có bấy nhiêu/ Bài thơ tặng vợ để chiều anh đi”. Bài thơ anh Trường gửi về theo tàu trực. Đọc thơ của bố, thằng Hiếu bảo: "Mẹ có chồng là nghệ sĩ".
Cầm bài thơ trên tay, chị Chuyên nhìn xa xăm rồi giọng chùng xuống: "Nói thật với anh, thời bình mà vợ lính xa chồng đằng đẵng là một thiệt thòi lớn. Nhiều khi con ốm, mẹ đau, nội ngoại ở quê không biết bấu víu vào đâu. Thấy vợ chồng người ta bên nhau hạnh phúc, em tủi thân lắm. Lúc đó chỉ cần một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ, nhưng rồi đành tự an ủi mình".
Hỏi một năm anh chị gặp nhau thời gian dài không? Chị Chuyên không trả lời ngay mà nhìn ra khoảng sân trước nhà như lục tìm quá khứ. Giấu giọt nước mắt chực trào ra, chị nói: "Từ ngày anh đi nhà giàn, một năm chỉ gặp nhau 30 ngày phép. Có lần mới về nửa tháng, do yêu cầu nhiệm vụ anh lại phải lên đường ngay".
Năm 1998, khi anh Trường đi nhà giàn DK1/7, lúc đó cháu Hiếu mới lên 4 tuổi. Sau buổi đi học mẫu giáo về, nó hỏi: "Mẹ ơi nhà mình không có bố à"? Lúc đó chị Chuyên chẳng biết nói với con thế nào đành ậm ờ cho qua chuyện. Đêm về ôm con vào lòng thấy thương con quá, không khóc mà nước mắt cứ chảy dài. Chị nghẹn ngào giải thích với con: "Bố đi biển lâu mới được về nhà".
Trong tâm thức của đứa trẻ lên bốn không thấy bóng cha nên ngày nào cũng hỏi. Con anh chị đến bây giờ đã trưởng thành. Nó đi bộ đội vào hải quân xã đã xuất ngũ, nhưng mỗi lần nhắc đến câu chuyện "con không có bố" luôn khiến người mẹ bùi ngùi xúc động.
2. Chúng tôi đến ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để trao quyết định "Tặng Nhà đồng đội" cho chị Nguyễn Thị Hồng, là vợ của Trung úy chuyên nghiệp Lê Trần Phương, nhân viên cơ yếu hiện công tác tại nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Căn nhà đồng đội thơm mùi vôi mới chừng 24m2 dường như chật chội thêm nhưng ấm áp bởi sự có mặt của lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và các chú bộ đội Hải quân Nhà giàn DK1. Nhận quyết định "Tặng Nhà đồng đội" của Bộ Tư lệnh Vùng 2 trao tặng, chị Hồng mắt đỏ hoe xúc động chẳng nói nên lời. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong căn nhà mới cứ lăn dài trên má.
Chị Hồng quê ở miền đất trung du nghèo Hà Tĩnh. Năm 2005, chị theo bạn vào làm công nhân giày da khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi tình cờ gặp anh Phương trong một lần giao lưu kết nghĩa. Khi ấy anh Phương công tác ở đơn vị Căn cứ 696 Hải quân.
Tình yêu đến từ sự cảm thông, những cánh thư đi và đến đã kết nối mối lương duyên của anh bộ đội với cô công nhân. Lương "ba cọc ba đồng" của 2 vợ chồng không đủ cho sinh hoạt hằng ngày, ước mơ có ngôi nhà mới để che nắng che mưa chỉ là mơ ước.
Chị Nguyễn Thị Hồng cùng con trai trong căn nhà mới. |
Nhờ nội ngoại hai bên giúp đỡ ít nhiều, anh chị mua được mảnh đất 80m2 gần bãi rác ở ấp Bến Đình, dựng tạm chiếc chòi lá để mẹ con có chỗ chui ra chui vào.
Ngày anh đi nhà giàn DK1, chị Hồng động viên chồng: "Nhiệm vụ của quân đội giao là quan trọng, anh cứ đi đi, mẹ con em ở nhà sẽ ổn. Bên cạnh mình còn có hàng xóm, bạn bè và đồng đội".
Đứa con trai chưa đầy tuổi cứ trân trân nhìn bố. Ghé má vào, anh Phương bảo con trai: "Thơm bố cái nào, bố đi xa lắm, năm sau mới về". Cu con thơm má bố, còn chị Hồng cố giấu dòng nước mắt bằng cách gục đầu vào vai áo chồng. Họ chia tay trong hoàn cảnh nhớ thương ấy.
Chồng đi nhà giàn DK1, chị Hồng gửi con nhà trẻ tất bật với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền. Sáu giờ đạp xe vượt gần chục cây số đến xí nghiệp, 6h tối trở về, ghé bên đường mua quả trứng vịt, về nhà nhóm lửa nấu cơm. Rau muống mẹ ăn, cái trứng chiên chị dành cho con.
Nhớ lại những ngày gian khó, chị nghẹn ngào: "Thời gian anh ấy đi nhà giàn, mẹ con em ở nhà khổ lắm. Nội ngoại ở xa đều nghèo khổ, lúc con ốm em chẳng biết kêu ai được. Nhiều đêm mưa tầm tã, mẹ con ôm nhau co ro.
Những lúc như thế lại thấy thương anh ấy, vì ngoài biển giông bão bất thường. Em nghĩ ở đất liền khó khăn thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh ở ngoài ấy. Những lúc khó khăn nhất, em lại nhớ đến anh, thế là vượt qua.
Nếu nói vợ lính nhà giàn hiện nay không thiệt thòi là không đúng, nhưng em lại rất tự hào. Bù lại thiệt thòi sau hơn 200 ngày xa cách, là tình yêu của anh ấy dành cho mẹ con em. Em nghĩ thế là đủ rồi".
Chị Hồng khoe với chúng tôi: "Biết được đơn vị tặng cho căn nhà đồng đội, mẹ em gửi 5 ký gạo nếp từ quê vào làm quà cho thằng cu tí. Anh ấy ở ngoài biển xa, mẹ con em ở nhà ăn gì chả được. Em nói với con để dành gạo nếp khi bố về sẽ nấu xôi ăn".
3. Trong số nữ quân nhân là vợ của chiến sĩ nhà giàn DK1 đang làm nhiệm vụ ở Lữ đoàn 171 (Hải đội 811, 812, Căn cứ 696), thì Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Minh, nhân viên thông tin rađa đối hải ở Lữ đoàn 171, vợ của Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Hữu Toàn là một điển hình về người phụ nữ "4 trong 1". Vừa làm mẹ, làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội.
Cưới nhau 15 năm, nhưng thời gian ở bên chồng chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Anh Toàn liên tục công tác ngoài nhà giàn DK1 nên công việc gia đình đều một tay chị lo toan gánh vác.
Chị Nguyễn Thị Minh (ngồi giữa) xúc động kể chuyện “con thiếu vắng bố”. |
Chị Minh chia sẻ: "Vợ lính bao giờ cũng thiệt thòi. Tết vừa qua anh ấy cũng không về được. Đêm 30 Tết, em trực về đến nhà đã sang năm mới. Anh Toàn gọi điện về, em nghe cả tiếng sóng. Giọng anh có lúc nghẹn lại, em hiểu, anh đang xúc động vì nhớ vợ con. Ngày lễ, tết, hoặc tối thứ bảy, nhìn vợ chồng con cái người ta chở nhau đi chơi còn mình thì vò võ ở nhà tủi thân lắm.
Công việc cơ quan luôn bận rộn. Trước khi đi làm cắm sẵn nồi cơm, 11h30 về chỉ kịp cho con ăn, dọn dẹp là đến giờ làm chiều. Con hàng xóm có điều kiện khá giả được bố mẹ đón đưa, còn con em thì chủ yếu là tự đi học, tự về. Tiếng là ở thành phố biển, nhưng chẳng bao giờ có điều kiện đưa con đi tắm biển. Đồng lương ba cọc ba đồng, tằn tiện lắm mới đủ sống và đóng học cho con".
Cũng là câu chuyện "Con không có bố", chị Minh kể: "Lần đó, con trai Lê Hồng Thuận đi chơi bên hàng xóm về hỏi mẹ, sao nhà mình không có bố?". Ôm con vào lòng, nuốt giọt nước mắt vào trong, em trả lời: "Có chứ. Bố con đi xa, xa lắm nhưng rồi sẽ về".
Chị lấy ảnh cưới của mình cho con xem để con làm quen với bố, để lần sau con không hỏi cái câu cắt cứa ruột gan ấy nữa. Nhớ chồng, chẳng biết gửi vào đâu, chị Minh làm thơ: “Chẳng bao giờ anh hiểu hết được đâu/ Nỗi vất vả của người mẹ vừa làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội/ Của người lính thông tin trực ca sớm tối/ Của những đứa con chỉ biết học biết chơi…”.
Nói về cuộc sống hiện tại, chị Minh chia sẻ: "Những lúc nhớ chồng, em và anh ấy "chát" với nhau qua máy I-Com sóng cực ngắn. Bây giờ thông tin thuận lợi, vợ chồng nghe được tiếng của nhau, song em vẫn thấy cô đơn mỗi lúc đêm về. Hai đứa con em luôn cảm thấy thiếu vắng bố. Mỗi lúc chúng hỏi bố sao đi biển mãi chẳng về, em bảo: "Yên tâm bố về sẽ có cá kìm khô cho con. Các con lại hỏi, cá kìm khô là gì hở mẹ, lúc đó em chỉ muốn khóc".
Chị Minh cố giấu không cho chúng tôi đọc lá thư chị gửi cho chồng. Chị bảo đó là những điều sâu kín chỉ hai vợ chồng mới biết. Liếc vội tôi chỉ đọc được dòng chữ: "Anh yên tâm, em ở nhà sẽ là điểm tựa vững chắc cho anh bám biển".