Vụ sập công trình xây dựng: Những chuyến xe trĩu lòng người tha phương
- Vụ sập công trình xây dựng ở Đồng Nai: Cần xem xét khâu thẩm định, cấp phép
- 10 người tử vong trong vụ sập công trình xây dựng ở Đồng Nai
Vụ tai nạn lao động khiến 10 người tử vong và 15 người bị thương. Đây là vụ tai nạn có số người thương vong nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Hiện trường vụ tai nạn. |
1. Thời điểm bức tường đổ sập có hàng chục công nhân đang làm việc và đã bị đè dưới bức tường này. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ Công an huyện Trảng Bom nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị vùi trong đống đổ nát của công trình. Công an tỉnh đã điều động hơn 200 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường tập trung công tác cứu nạn cứu hộ các nạn nhân.
Đến khoảng 16 giờ cùng ngày lực lượng cứu nạn cứu hộ đã đưa được 8 thi thể ra khỏi đống bê tông và tường rào bị sập và đưa 17 nạn nhân bị thương đến các bệnh viện lân cận để cấp cứu điều trị. Tuy nhiên, 2 người tử vong khi đang cấp cứu tại bệnh viện, nâng tổng số người tử vong tại công trình bị đổ sập đến 24 giờ cùng ngày là 10 người.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Bùi Chí Cường, quê Cà Mau, công nhân làm việc tại đây nhớ lại cảnh tượng xảy ra chỉ cách mình 5m. Cường là phụ hồ, vừa mới đi ra khỏi khu vực chừng 10 phút. Đột nhiên, anh nghe tiếng động mạnh, nhìn qua thì thấy tường sập, theo hướng gió từ ngoài đường vào trong công ty. “Bụi may mịt mù, không thấy gì hết, chỉ nghe tiếng la hét kêu cứu. Tôi cùng một số người sau đó chạy lại, dùng tay đào bới, đưa được 4-5 người ra ngoài”, anh Cường nhớ lại.
Suốt đêm 14, rạng sáng 15, khá đông người lao động đến từ miền Tây Nam Bộ đã tập trung tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, không khí nặng trĩu. Họ đến để chờ đưa thi thể các nạn nhân về quê an táng. Cùng rủ nhau lên Đồng Nai làm hồ, xóm nghèo ở huyện Thới Bình, Cà Mau giờ lại cùng chờ nhau để đưa thi thể của những nạn nhân xấu số, ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) và anh Nguyễn Văn Điệp (37 tuổi) về quê.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân, thân nhân người bị nạn, đồng thời yêu cầu Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị tử vong và bị thương; chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả vụ tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm, báo cáo Thủ tướng... Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động; thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động. |
Vẻ mặt mệt mỏi, đau buồn khi chờ đưa chồng về nhà, bà Sương (55 tuổi) khóc nghẹn. Bà tận mắt chứng kiến cảnh tượng người chồng bị hàng tấn gạch đè lên sau khi bức tường bị sập. Bà kể, quê nhà hạn mặn nhiều tháng nay, việc nuôi trồng thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn. 2 tháng trước, hai vợ chồng dắt díu nhau lên Đồng Nai thuê trọ, làm phụ hồ tại KCN Giang Điền. Hằng ngày, ông Cường phụ trách gác giàn giáo, còn bà phụ trộn hồ. Bức tường cao chừng 12 m đang tô vữa nên giàn giáo cũng được dựng cao hơn giúp thợ tô làm việc.
“Đến giờ nghỉ, tôi kêu ông xuống uống nước mà ông bảo để gác tấm ván cuối cho thợ xây. Ai ngờ, chỉ chừng 3 phút là bức tường sập đổ, ông rơi xuống đất bị gạch đá đè lên”. Lặng một lúc lâu, bà Sương nghẹn ngào: “Tôi bình thường cũng đưa vữa đến cho thợ xây sát bức tường, dưới chân giàn giáo nhưng lúc ấy vừa đi ra xa chừng 2m, nghe tiếng la hét tôi liền tháo chạy. Lúc quay lại không thấy chồng đâu, cùng anh em đào bới mới tìm thấy ông nhưng không cứu được. Khi đi có vợ có chồng, giờ về chỉ mình tôi...!”.
Đi cùng chuyến xe về Cà Mau với bà Sương là thân nhân gia đình anh Điệp. Ở quê Điệp có vợ và 2 con nhỏ, nghề nghiệp chính là nuôi tôm. Nắng nóng, hạn mặn nên vụ tôm vừa qua gia đình anh bị thiệt hại nặng, Điệp để vợ con ở lại quê, theo bạn bè lên Đồng Nai phụ hồ. được 2 tuần thì xảy ra chuyện.
Chị Quách Thu Anh (40 tuổi), dì vợ của Điệp hốt hoảng khi nghe cháu gái báo tin Điệp mất trong vụ tai nạn sập tường. Chị tất tả từ Bình Dương qua. Chị Thu Anh cho biết: “Điệp nó hiền lành, ít nói, chịu khó làm ăn. Vừa chủ nhật rồi nó mới qua Bình Dương thăm và khoe với tôi có việc làm ổn định, dự định nhận tháng lương đầu tiên sẽ gửi về cho vợ trả nợ, trang trải cuộc sống, vậy mà ngờ đâu!”. Lau vội nước mắt, bà Anh cùng bạn bè, đồng hương gom góp ít tiền để thuê xe đưa Điệp về với quê hương, vợ con.
Công an Đồng Nai kiểm tra, tìm nguyên nhân vụ tai nạn sập tường. |
2. Có mặt, trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân và chỉ đạo điều tra khắc phục vụ đổ sập công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Cao Tiến Dũng cho rằng đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, có số người thương vong nhiều nhất từ trước tới nay tại Đồng Nai. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của huyện Trảng Bom và Công an tỉnh Đồng Nai tới hiện trường.
Công tác cứu nạn là ưu tiên số một. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện Trảng Bom và Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc khám nghiệm hiện trường điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Được biết, Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc) thuê 21.120m2 tại khu Công nghiệp Giang Điền để xây dựng nhà máy. AV Healthcare thuê Công ty Hà Hải Nga thi công xây dựng công trình. Sáng 15-5, Đại tá Nguyễn Văn Kim - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã tạm giữ hình sự ông Hà Huy Hải - Giám đốc cùng một Phó Giám đốc phụ trách giám sát và một cán bộ phụ trách thi công của Công ty Hà Hải Nga để phục vụ điều tra, làm rõ trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn. |
Ngay trong chiều và tối 14-5 tỉnh Đồng Nai đã kịp thời cử các đoàn đến chia buồn đối với những gia đình có người tử vong và thăm hỏi những người bị thương tại các bệnh viện. Tỉnh cũng đã hỗ trợ kinh phí bước đầu cho các gia đình có người tử vong và bị thương để lo hậu sự cho những nạn nhân tử vong và chăm sóc cho các nạn nhân bị thương.
Đại tá Nguyễn Văn Kim - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng vụ tai nạn này có nhiều dấu hiệu sai phạm từ khâu thiết kế đến thi công và giám sát công trình. Do đó cùng với tập trung lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ thì Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã cử một tổ công tác khám nghiệm hiện trường ngay từ đầu để có căn cứ xử lý về sau. Tối cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đã triệu tập một số người được cho là có liên quan lên Cơ quan công an làm việc.
3. Tại Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom nhiều nạn nhân đã dần hồi phục. “Tôi đang cùng vợ trát tường trên giàn giáo cao hơn 5m, bỗng nghe tiếng hét lớn “sập tường”, chưa kịp định thần thì đã bị đè cứng dưới đống sắt. Trời đất như sụp xuống trong tích tắc. Sắt thép đè tức ngực, cánh tay đau như bị cắt lìa, tôi lịm đi”, ông Phạm Thanh Phú (44 tuổi, quê Vĩnh Long) một nạn nhân nhớ lại.
Vợ ông, bà Lê Thị Tuyết Linh (41 tuổi) cũng là công nhân, một nạn nhân vụ tai nạn nhưng may mắn bị nhẹ. Mặt bị trầy xước, đầu đầy vết thương, bà ngồi trên giường bệnh cạnh chồng. Thi thoảng ông Phú nhìn sang hỏi han, nắm tay vợ. Vợ chồng ông là những người may mắn sống sót trong vụ tai nạn.
“Giàn giáo được gá vào tường nên chúng tôi không bị gạch đè, vì thế chúng tôi được sống”, bà Linh nói. Chiều đó, lúc xảy ra vụ sập tường, vợ chồng ông làm việc gần nhau. Chồng trát tường, vợ phụ hồ. Họ nói cười giữa tiết trời nóng bức. Vụ tai nạn xảy ra rất nhanh, không kịp phản ứng gì. Họ may mắn vì bức tường không sập về phía giàn giáo.
Khi bị vùi dưới đống đổ nát, không cử động được, bà Linh hoảng loạn. Hy vọng sống được thắp lên khi bà nghe đồng nghiệp, cứu hộ gọi cách đó vài chục mét, rồi tiến lại thật gần và thúc giục tháo dỡ giàn giáo. Cả hai được cứu ra cùng lúc. Gọi không thấy chồng trả lời, bà Linh chỉ còn biết cầu nguyện. “Khi tỉnh dậy ở phòng cấp cứu, thấy chồng nằm cạnh đó đã cử động được, tôi mừng ứa nước mắt”, bà Linh nhớ lại.
Bà Sương bới từng viên gạch tìm chồng rồi lặng lẽ đưa chồng về quê. |
Ông Phú lên Đồng Nai làm thợ hồ được chừng 2 tháng, tiền công 400 nghìn đồng mỗi ngày. 10 ngày trước, biết công trình đang cần thêm người, ông gọi điện về cho vợ đưa con cái lên. “Vì ở quê không làm gì ra tiền, nghe người thầu bảo cần người phụ hồ mức lương 290 nghìn đồng mỗi ngày, hơn nữa có vợ con bên cạnh mỗi ngày bảo bọc nhau, cùng cơm nước vừa vui, mà đỡ tốn kém”, ông Phú nói. Kỳ vọng lớn nhất của ông Phú lúc này là chấn thương của vợ chồng ông và những đồng nghiệp của ông sớm tai qua nạn khỏi, mau chóng hồi phục để tiếp tục công việc.
Quần áo còn bám đầy bụi vữa, ông Võ Văn Bắc (45 tuổi, quê An Giang) đang chăm vợ bà Đặng Thị Suốt (44 tuổi) ở giường bên, cho biết, khi ông đang hì hục đào đất xây hố ga sát bức tường, bỗng gió mạnh nổi lên, xoáy mù mịt. Ông cứ nghĩ bình thường vì mọi ngày nơi này có vài trận gió to rồi dứt nhanh. Sau tiếng tiếng gạch và giàn giáo đổ ào ào, ông vứt xẻng chạy được vài mét thì bức tường đã trùm lên. “May mắn chạy tới vị trí có thanh đà bê tông cản bức tường nên tôi thoát chết”, ông nói.
“Khoảnh khắc đó thật khủng khiếp, người bị tường đè, người bị vùi lấp. Những người thoát nạn cùng hô hào đào bới đống đổ nát, vừa khóc, vừa cầm điện thoại gọi cảnh sát cứu hộ...”, ông Bắc nhớ lại. Ông nói lúc đó hai chân ông dường như không bước nổi vì gọi mãi vợ không trả lời. Sau một hồi trấn tĩnh, ông được đồng nghiệp trợ giúp tìm được nơi vợ bị nạn, rồi dốc hết sức lực đào bới. “Dỡ hết đống sắt, gạch đá, tôi thấy vợ nằm bất động. Hai chân bị giàn giáo đè, máu chảy nhiều nhưng ơn trời vợ tôi còn sống...”, ông Bắc xúc động kể.
Cứu được vợ, ông lại tất tả chạy đi tìm cứu bà Trương Thị Lan Thanh (51 tuổi) cô họ của ông, bị nạn cách đó không xa. Bà Thanh mặt mũi bầm giập, sưng vù... rất may chồng bà không gặp nạn. Hai gia đình ông Bắc, bà Thanh rủ nhau lên Đồng Nai làm việc nhiều tháng nay, khi khô hạn khiến đất vườn không thể canh tác. Họ đến làm tại công trình xây nhà xưởng Công ty AV Healthcare chừng 10 ngày, sau thời gian nghỉ dịch bệnh.
Hiện công tác khắc phục hậu quả vụ sập tường vẫn đang tiếp tục. Cơ quan công an cũng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý vụ việc.
10 nạn nhân tử vong gồm: Chương Thanh Tùng (SN 1980, ngụ Cần Thơ), Lú Văn Thu (SN 1974, quê Gia Lai), Dương Huỳnh Minh Nhật (SN 2001, quê Tiền Giang), Nguyễn Thị Nguyện (SN 1978, tỉnh Hậu Giang), Hồ Văn Hoa (SN 1969, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), Trần Lèn Sái (SN 1973, quê An Giang), Trần Xuân Anh (SN 1980, quê Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Điệp (SN 1983, quê Cà Mau), Nguyễn Văn Cương (SN 1964, quê Cà Mau) và Phạm Minh Tâm (SN 1955, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai). |