Vui buồn chuyện ở một vùng quê nhiều người xuất ngoại

Chủ Nhật, 04/10/2015, 07:00
Bước vào năm học mới 2015-2016, không giống với nhiều ngôi trường khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, thầy trò nô nức, hồ hởi trong buổi lễ tựu trường, thì ở Trường THCS Lộc Bổn và THCS Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban giám hiệu nhà trường cùng hội đồng sư phạm lại buồn rầu, lo lắng vì tình trạng học sinh bỏ học hàng loạt để xuất ngoại sang Lào kiếm kế mưu sinh.

Chuyện không chỉ dừng lại ở lớp trẻ còn cắp sách đến trường, mà nhiều phận đời cay đắng khác cũng là hệ lụy của việc xuất ngoại kiếm sống…

Trao đổi với báo giới về thực trạng đáng buồn này, thầy Nguyễn Nhân Phái - Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn cho biết: Tình trạng học sinh đang theo học khối 8 và khối 9 của trường bỏ học để sang Lào kiếm sống đã diễn ra từ mấy năm nay. Năm trước, cả trường có 12 em bỏ học, năm học 2015-2016 này đã có đến 38 em bỏ học. Nhà trường đã cùng với chính quyền địa phương, phối hợp với gia đình tuyên truyền, vận động các em trở lại lớp, nhưng xem ra việc quay lại trường học của các em cũng chỉ là hạn chế.

Tiếc nhất là một số trường hợp các em có học lực rất khá, là học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, nhưng mùa hè vừa qua, các em được người nhà cho đi sang Lào chơi, nay ở lại bên đó phụ giúp gia đình làm ăn chứ nhất định không trở về để đi học. Buồn hơn nữa là có nhiều phụ huynh rất thờ ơ với việc học của con em mình, thậm chí họ cho rằng có học hành mấy rồi sau này đi xin việc làm cũng rất khó, thôi thì kiếm cái nghề gì đó để mưu sinh vẫn khỏe hơn…(?!)

Những người làm công tác giáo dục và lãnh đạo chính quyền địa phương đã nghĩ rất nhiều cách, trong đó có cả việc thành lập "Đội chống học sinh bỏ học" để đi đến từng nhà vận động. Tuy nhiên, việc các em học sinh bỏ học, xuất ngoại qua Lào làm thuê kiếm sống vẫn là một thực trạng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Xã Lộc Bổn, Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cách trung tâm thành phố Huế chừng 30km. Đây cũng là hai địa phương có số người xuất ngoại sang Lào mưu sinh đông nhất tỉnh.

Từ hàng chục năm qua, vùng đất Nam Lào, các tỉnh Salavan, Savanakhet, thủ đô Viên Chăn…của xứ sở Triệu voi được người dân các xã Lộc Bổn, Lộc Sơn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) gọi là miền đất hứa. Họ rời quê hương bản quán đến đó để kiếm sống bằng rất nhiều nghề khác nhau: từ thợ xây, thợ mộc, thợ chạm, lái xe, cắt tóc, gội đầu, buôn bán trái cây, quần áo, tạp hóa… Cứ người đi trước dắt díu người đi sau, ai cũng phấn khởi, ai cũng mừng vui vì kiếm tiền ở nước bạn dễ dàng hơn ở xứ mình.

Người dân Lộc Bổn sang Lào làm ăn khi về quê đã xây được nhà tầng rất khang trang.

Nhiều người trước đây quanh năm phải sống trong cảnh ăn đong, nhưng chỉ sau một thời gian sang Lào làm ăn nay đã xây được nhà, mua được xe, có của ăn của để. Nhưng lẽ đời đôi lúc rất oái oăm, có những kẻ vốn dĩ rất chất phác, hiền lành, quần quật suốt ngày làm lụng, nhưng đến khi trong túi rủng rỉnh tí tiền là sinh ra hư hỏng.

Kiếm tiền dễ, cộng với chút nỗi niềm của kiếp sống tha hương, nhiều thanh niên vốn chân chất nay lại dính vào gái mại dâm và ma túy. Từ đó, những hệ lụy đớn đau đã đẩy hàng trăm phận người rơi vào vực thẳm, làng quê vốn bình yên phải nhiều phen dậy sóng khi có nhiều người vướng vào vòng lao lý vì tội mua bán trái phép chất ma túy và chết vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của UBND xã Lộc Bổn cho biết: Xã Lộc Bổn có tất cả 8 thôn với 2.700 hộ dân, trong số đó các thôn Hòa Mỹ, Thuận Hóa, An Bình, Hòa Vang là có số người sang Lào làm ăn nhiều nhất. Hiện tại, toàn xã có hơn 3.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 2/3 số lao động hiện nay của xã sang Lào mưu sinh. Ở xã Lộc Sơn lân cận, số người sang Lào làm ăn sinh sống cũng đã lên con số trên 1.000 người.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn nói rằng, việc có nhiều người dân địa phương sang đất bạn làm ăn, trên thực tế đời sống của hàng nghìn người dân vốn xưa nay chỉ biết trông chờ vào vườn tược, ruộng đồng thì nay đã được cải thiện tốt, hàng trăm căn nhà tạm bợ nay đã được khang trang. Tuy nhiên, một điều hết sức đáng ngại là khi đời sống đã được cải thiện về mặt vật chất sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ khó lường về vấn đề xã hội…  

Không cần phải lật giở bất cứ một loại tài liệu lưu trữ nào, vị lãnh đạo của xã Lộc Bổn cũng có thể ngồi nói vanh vách về những trường hợp người trong xã ông bị bắt về hành vi buôn bán ma túy và bị nhiễm HIV/AIDS trong thời gian đi làm ăn sinh sống ở Lào.

Năm 1995, anh Nguyễn Phong Đ. người ở thôn Thuận Hóa từ Lào trở về quê trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Người nhà đã đưa anh Đ. đi khám tại Bệnh viện Trung ương Huế và phát hiện anh Đ. dương tính với HIV. Sau một thời gian ngắn được chỉ định điều trị tại gia, sức khỏe của Đ. ngày một thêm suy kiệt, rồi qua đời.

Sau khi lo chuyện hậu sự cho Đ. xong, người thân trong gia đình cùng chính quyền địa phương đã động viên chị Võ Thị Hồng Ph. (vợ của Đ) đến Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh để xét nghiệm, và kết quả là chị Ph. cũng đã bị nhiễm HIV.

Vị lãnh đạo xã nhớ lại: Ngày đó, cái tin Đ. bị nhiễm HIV được thông báo về cho y tế xã như một quả bom nổ giữa xóm làng. Từ đầu làng đến cuối xóm nơi nào cũng thấy bàn tán xôn xao, những gia đình có người thân ở độ tuổi thanh niên đi làm ăn bên Lào thì hoang mang lo lắng…

Theo chỉ dẫn của một cán bộ xã Lộc Bổn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Ph. nằm khuất cuối thôn Thuận Hóa. Trong dáng vẻ muộn phiền, mệt mỏi, chị Ph. kể cho chúng tôi nghe về những khổ đau mà chị phải nếm trải: "Bọn em cưới nhau được chừng 2 tháng thì anh Đ. theo bạn qua Lào làm thợ xây dựng. Qua bên đó kiếm tiền dễ dàng hơn bên mình, tuổi trẻ, ham vui, nhậu nhẹt xong là tìm đến gái mại dâm… thế là nhiễm bệnh, ốm đau kéo dài nên phải về quê để có người chăm sóc.

Lúc đầu cũng chỉ nghĩ là anh ấy bị sốt rét dài ngày thôi, nên vợ chồng vẫn sinh hoạt bình thường để mong có đứa con cho vui cửa vui nhà. Ai ngờ anh ấy mất đi còn để lại đau khổ tột cùng. Bây giờ, cứ hai ba tháng một lần em vẫn đi lên TP Huế để sinh hoạt trong Câu lạc bộ những người bị nhiễm HIV để cùng chia sẻ với các bạn đồng cảnh ngộ, đồng thời nghe các chuyên gia tư vấn cách điều trị cho bản thân. Thời gian còn lại em chỉ quanh quẩn trong nhà để chăm sóc đứa cháu và tránh những cái nhìn thương hại của người đời…". Vừa tâm sự với chúng tôi, chị Ph. vừa lau nước mắt rồi nhìn xa xăm về phía cánh đồng.

Chia tay Ph. chúng tôi tìm đến một mảnh đời cay đắng khác ở thôn Thuận Hóa, cô bé Dương Thị L, vừa bước qua tuổi 17 nhưng đã bị nhiễm HIV từ mấy năm qua. Gia đình L. rất nghèo nên từ nhiều năm trước, theo làn sóng xuất ngoại làm ăn, cha mẹ L. cũng theo người làng dắt hai đứa con sang tỉnh Salavan để lập nghiệp. Những ngày sống trên đất Lào, L. được một người gốc TP HCM, cũng là chỗ quen biết với cha mẹ L. nhận làm con nuôi.

Sau này, chính người đã nhận L. về nuôi dưỡng ấy đã giở trò đồi bại với cô bé. Hay tin, cha mẹ L. đã đến đòi lại con, nhưng chỉ một năm sau đó thì người đàn ông tội lỗi kia đã chết nơi đất khách quê người vì bệnh AIDS. Bây giờ, L. về quê sống với người anh ruột để tiện việc điều trị lâu dài…

Cách thôn Thuận Hóa không xa, chị Nguyễn Thị B. trú thôn Hòa Mỹ, xã Lộc Bổn cũng là người có chồng sang Lào làm ăn rồi mắc bệnh nên phải trở về quê sinh sống. Lúc đầu, chị B. cùng người thân trong gia đình chỉ nghĩ anh Võ Đức Ph, chồng chị do lao động cực nhọc nên ốm đau chứ không ai biết anh đã nhiễm HIV.

Chị B. thường ngày kiếm sống bằng nghề bán hàng ăn uống giải khát ở quê, nhưng từ ngày trong làng rộ lên thông tin chị bị nhiễm HIV do lây nhiễm từ chồng thì cửa hàng của chị không còn đông khách nữa. Chồng qua đời, công việc làm ăn ngày một khó khăn, cuối cùng chị B. phải bỏ làng lên TP Huế sinh sống, tránh xa cái nhìn của bà con chòm xóm.

Ngoài việc phải bươn chải để nuôi sống bản thân, chị B. là một trong những thành viên tích cực trong Câu lạc bộ những người nhiễm HIV ở Huế. Chị bảo rằng, thỉnh thoảng khi đến câu lạc bộ để sinh hoạt chị lại gặp một người quen cùng làng, cùng xã với chị. Mỗi lần như thế chị lại nước mắt lưng tròng, buồn đau trước sự chao đảo của làng quê mình trong cơn bão HIV/AIDS.

Những lớp học thưa thớt học sinh.

Bà Đoàn Thị Lan - người nhiều năm công tác ở Hội Phụ nữ xã Lộc Bổn cho biết: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay số trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở các thôn trên địa bàn xã đã lên đến con số hơn 20 người. Trong số này có 11 người đã chết, số còn lại hiện đang được hướng dẫn điều trị, một số trường hợp đã chuyển sang AIDS. Tại xã Lộc Sơn hiện cũng đã phát hiện trên 10 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 3 phụ nữ từng có thời gian làm ăn, sinh sống trên đất Lào.

Trước thực trạng những người lao động trở về từ Lào mang theo căn bệnh thế kỷ gây nguy cơ lây lan trong cộng đồng, chính quyền, người dân xã Lộc Bổn, Lộc Sơn trong nhiều năm qua đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền, cử cán bộ dân số về tận các gia đình có người có HIV tư vấn về cách "sống chung" với bệnh, phòng tránh bệnh cho những người trong gia đình không bị lây nhiễm…Tuy nhiên, đa số lao động đều ở Lào, đặc thù công việc mỗi năm họ chỉ trở về địa phương một, hai lần nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn… 

Những người có hiểu biết, hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn xã Lộc Bổn cho biết, việc hàng nghìn người sang Lào làm ăn đã làm đổi thay nhanh chóng đời sống của người dân ở đây. Việc xuất ngoại làm ăn đã giúp người dân địa phương xây nhà lầu khang trang với tiện nghi đủ đầy. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa. Chuyện người dân các xã này mua được xe máy đời mới bây giờ là phổ biến, riêng xe hơi thì làng đã có hàng chục chiếc loại đắt tiền.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là sự cô quạnh của làng quê, bởi chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Nhiều ruộng vườn trong làng vì thế phải bỏ hoang, hoặc tuy có trồng trọt nhưng không đem lại thu nhập vì thiếu sức lao động và sự chăm sóc của con người. Đời sống người dân khấm khá lên cũng là lúc các làng quê nơi đây không còn bình yên như trước.

Nhiều loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy xuất hiện ngày càng nhiều, khiến người dân hết sức bất an. Nạn ma túy, rượu chè cờ bạc, đâm chém nhau khiến an ninh trật tự địa phương ngày càng phức tạp. Trong khi đó, lực lượng công an rất khó xử lý những kẻ này vì gây án xong là họ lập tức trốn sang Lào.

Để hạn chế tình trạng lao động di cư tự do như hiện nay, nhất thiết chúng ta phải thực hiện những giải pháp hỗ trợ tích cực. Theo GS.TS Bùi Thị Tân - Trường đại học Khoa học Huế - là tác giả của một đề tài nghiên cứu về phụ nữ di cư, trong đó có phụ nữ di cư sang Lào: Muốn giải quyết được vấn đề này thì cần phải tăng cường hỗ trợ ở cả nơi đi và nơi đến cho phụ nữ di cư.

Giải pháp quan trọng nhất là làm thế nào để nông thôn có được "sức hút" lao động ở lại quê, muốn vậy phải có đầu tư giúp nông thôn phát triển các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động. Cần có các dự án phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất hàng hóa giúp lao động nông thôn nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng có thu nhập bằng tiền mặt một cách thường xuyên để hạn chế sự ra đi của họ.

Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Savanakhet (Lào) cũng đã ký kết hợp tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn đi làm ăn xa. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ thông tin và điều phối công tác hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em Thừa Thiên - Huế đang làm ăn tại Savannakhet, góp phần đẩy mạnh việc hỗ trợ các nạn nhân đi làm ăn xa bị buôn bán, bị bóc lột sức lao động và quấy rối tình dục tại Lào…

Thục Anh
.
.